Coi chừng sát thương cả nền kinh tế

Huy Đức

Không ít doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang đứng trước nguy cơ “mất thanh khoản” nhưng cách nói “giải cứu doanh nghiệp BĐS” rất dễ gửi đi một thông điệp sai. Sai cho cả nhận thức của xã hội và sai cả cách tiếp cận cho người làm chính sách.

Vụ án Tân Hoàng Minh (THM) bị khởi tố vào đầu tháng 4-2022 [chưa có kết luận điều tra để chúng ta có thể biết chính xác những sai phạm của THM, nhưng vụ án này] đã làm lung lay một công cụ tài chánh cực kỳ quan trọng: trái phiếu doanh nghiệp. Kênh huy động vốn đang được các doanh nghiệp BĐS khai thác mạnh mẽ này coi như sụp đổ khi vụ án tiếp theo, Vạn Thịnh Phát, bị khởi tố.

Cả thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, kênh huy động vốn trung và dài hạn vừa bị rơi vào trạng thái “chết lâm sàng”, thị trường BĐS lại phải đối diện với một nguy cơ khác.

Tháng 10-2022 là điểm rơi của một chính sách thắt chặt tín dụng khác của Ngân hàng nhà nước, theo đó, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn từ ngày 01-10-2022 giảm từ 37% xuống còn 34%; từ 01-10-2023 còn 30%; trước 30-9-2021 là 40%.

Trong khi, doanh nghiệp BĐS đang ở trong tình trạng như vậy, về phía nhà nước lẽ ra phải khai thông các thủ tục pháp lý, đảm bảo với người mua nhà, ở những dự án đúng quy định của pháp luật, sẽ được cấp sổ hồng, sổ đỏ… Nhiều nơi, như Đồng Nai, "quay lưng", rút lại giấy phép đã cấp trước đó [cho Novaland]. Người mua nhà bỏ cọc, trả lại trái phiếu trước thời hạn… thay vì đồng cảm, cho nhau giãn nợ để cùng nhau thoát "chết".

Thị trường BĐS tự thân nó đã như con bệnh trầm cảm lại bị ngay “hội chứng cắt thuốc đột ngột”, không chỉ có vật vã đau đớn, một số con bệnh đã ở trạng thái “chết lâm sàng”.

Trái phiếu doanh nghiệp là một định chế tài chính mới được áp dụng phổ biến ở Việt Nam. Bản thân những ràng buộc pháp lý với nó đã không chặt chẽ, việc quản lý lại gần như bị buông lỏng. Trong khi đang thiếu những đánh giá độc lập, trái phiếu doanh nghiệp được phát hành rộng rãi, phần lớn không phải bằng uy tín doanh nghiệp mà bằng uy tín ngân hàng [nơi phát hành] cộng với sự thiếu minh bạch của nhân viên tín dụng.

Các cơ quan chức năng không phải không biết sự mục ruỗng bên trong Vạn Thịnh Phát, FLC… Rất lạ là, thay vì bắt mạch, kê toa khi vừa chớm bệnh, các bên cứ “tọa sơn” chờ cho con bệnh vô phương mới ra tay hạ thủ.

Trong lịch sử non trẻ của kinh tế thị trường Việt Nam, kể từ Nước Hoa Thanh Hương, Minh Phụng – Epco… không phải từng lúc không nhận ra các khối u. Cái lạ của kinh tế thị trường Việt Nam là phải khi có công an, phải đánh án… thì mới tỉnh ra, mới sửa. “Sở hữu chéo” trong ngân hàng, trong nền kinh tế là một vấn đề không mới. Nếu được điều hành dứt khoát, Novaland và Sunshine trong mấy năm qua đã không bỏ ra hàng chục nghìn tỷ để đặt chân vào các ngân hàng, dẫn đến tình trạng gần đây mất thanh khoản.

Chưa bao giờ thị trường tài chánh tiền tệ chịu những áp lực như hiện nay. Hy vọng là bà Thống đốc không nghĩ mình “liễu yếu đào tơ” vì tình thế đang cần một thống đốc bản lĩnh, quyết đoán, sẵn sàng nhận, chịu trách nhiệm và làm tròn trách nhiệm.

Thay vì, tiếp tục đưa ra các mệnh lệnh, tạo áp lực lên các doanh nghiệp (bao gồm các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản) tái cơ cấu, cắt giảm chi phí, giảm giá… Trong cơ chế thị trường, các doanh nghiệp làm những việc ấy chắc chắn tốt hơn chính phủ. Điều mà các cơ quan chính phủ nên làm lúc này là KHAI MỞ TỪNG ÁCH TẮC trong chính sách.

Thay vì, “rút ống thở”, trong tình huống càng nguy kịch, cơ thể của nền kinh tế càng cần được đảm bảo sao cho “huyết mạch” lưu thông. Sợ trách nhiệm, tìm kiếm an toàn pháp lý cho mình trong lúc này, có thể “sát thương” cả nền kinh tế.

PS: Nghị định 163 quy định trách nhiệm của các cơ quan QLNN có liên quan trong phát hành TPDN bao gồm: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước; Sở Giao dịch Chứng khoán…

Trong đó, vai trò của Bộ Tài chính là chủ trì, phối hợp thực hiện, đánh giá tình hình phát hành TPDN và kiến nghị Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi cơ chế. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm xử phạt vi phạm hành chính về phát hành TPDN theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Nghị định không nói nhiều vài trò trách nhiệm của ngành ngân hàng; tuy nhiên, bài viết này nêu một thực tế là, hầu hết TPDN đều được phát hành qua các ngân hàng thương mại theo một phương thức rất thiếu minh bạch, người mua TPDN rất ít biết đến DN mà chủ yếu dựa vào uy tín của ngân hàng “đại lý”. Thực trạng này gần như không được NHNN khuyến cáo hay có động thái chấn chỉnh hữu hiệu.

H.Đ.

Nguồn: FB Truong Huy San

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.