Chuyên gia: Su-22 rơi có thể do “máy bay cũ, phi công thiếu đào tạo”

RFA

2023.02.07

Các tai nạn máy bay quân sự gần đây ở Việt Nam, bao gồm cả vụ rơi phi cơ Su-22 ở Yên Bái vừa qua, có nguyên nhân chính là máy bay quá cũ và phi công không được đào tạo đầy đủ, theo phỏng đoán của một số chuyên gia trên thế giới.

Chiếc mũ bay của phi công Trần Ngọc Duy và chiếc Su-22 gặp nạn. Zing/Dân Việt

Truyền thông Nhà nước đưa tin, vào trưa ngày 31/1, phi cơ Su-22 số hiệu 5873 điều khiển bởi phi công Trần Ngọc Duy- phi đội phó, Tham mưu trưởng Phi đội 1 thuộc Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371 gặp tai nạn khi hạ cánh xuống sân bay Yên Bái sau chuyến bay diễn tập một bài huấn luyện.

Máy bay quá cũ, phi công thiếu kỹ năng

Theo giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc (Canberra), lực lượng Phòng không – Không quân Việt Nam được trang bị 71 máy bay chiến đấu thời Liên Xô/Nga thuộc nhiều mẫu khác nhau, bao gồm 25 chiếc Su-22, 11 chiếc Su-27 và 35 chiếc Su-30 cùng với 30 máy bay huấn luyện Yak-52.

Ông nói trong email gửi tới Đài Á Châu Tự Do (RFA):

“Năm 2019, các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ phục vụ tại Hà Nội báo cáo rằng các sĩ quan quân đội Việt Nam đã bày tỏ sự không hài lòng với các thiết bị và dịch vụ của Nga”.

Ông cho biết các máy bay ném bom Su-22 của Việt Nam mua từ những năm 1980 đang gần như lỗi thời khi chúng sắp hết thời hạn sử dụng.

Theo ông, có hai lý do có thể khiến chiếc tiêm kích số hiệu 5873 gặp nạn, đó là hỏng bộ phận hạ cánh và lỗi của phi công. Theo báo chí Việt Nam, chiếc Su-22 đã gặp sự cố khi hạ cánh và phi công được lệnh nhảy dù. Dù vậy, phi công từ chối, cố gắng khắc phục sự cố bằng tay nhưng không thành công và máy bay đã bị rơi.

“Ba vụ tai nạn của máy bay quân sự Việt Nam (CASA C-212, Su-22 và Yak-52) trong những năm gần đây cho thấy lỗi của phi công có thể do hạn chế về giờ bay và phụ thuộc vào thiết bị bay mô phỏng.

Theo một nghiên cứu, các phi công của không quân Việt Nam chỉ sử dụng ‘các quy tắc bay ảo hoặc vectơ radar trong điều kiện thời tiết hoàn hảo và không có kinh nghiệm trong điều kiện thời tiết bất lợi’”.

Đại úy Trần Ngọc Duy sau khi tử nạn được vinh thăng Thiếu tá. Ông có 13 năm phục vụ lực lượng, trải qua nhiều chức vụ, bay trên các loại máy bay, tích lũy hơn 725 giờ bay.

Trong đoạn video quay bằng điện thoại về vụ tai nạn được người thân của phi công đăng tải trên Facebook cá nhân, chiếc Su-22 khi gần hạ cánh xuống đường băng bất ngờ chao nghiêng, một ngọn lửa nhỏ bùng lên từ buồng lái, sau đó ghế ngồi của phi công đã được phóng ra nhưng không thấy bung dù.

Chiếc máy bay sau đó đâm sầm xuống đường băng gây ra tiếng nổ, tạo thành cột khói và lửa khổng lồ.

Video vụ Su-22 rơi: Phi công đã phóng ghế bay và nhảy dù?

Sau tai nạn, Bộ Quốc phòng yêu cầu các đơn vị liên quan điều tra nguyên nhân, nhưng cho đến nay lý do máy bay gặp nạn vẫn chưa được công bố.

Giáo sư Zachary Abuza, giảng viên về an ninh chiến lược tại National War College (Hoa Kỳ) và là chuyên gia về tình hình Việt Nam và Đông Nam Á, phỏng đoán rằng các vụ tai nạn xảy ra với phi cơ quân sự của Việt Nam là do phi công không được đào tạo và luyện tập nhiều bên cạnh lý do phương tiện bay quá cũ.

Ông nói trong email gửi cho RFA:

“Lực lượng Không quân Việt Nam có rất nhiều máy bay rất cũ, bao gồm cả Su-22, nhiều trong số đó gần hết hạn sử dụng.

Một vấn đề khác là vì máy bay, đặc biệt là những chiếc mới hơn như Su-27 rất đắt tiền, nên việc sử dụng và huấn luyện chúng trở nên miễn cưỡng.

Nó tạo ra một vòng luẩn quẩn: bởi vì chúng đắt tiền và không có ngân sách để thay thế chúng, nên phi công không được đào tạo đủ. Khi họ sử dụng chúng, tai nạn dễ xảy ra hơn vì họ chưa được đào tạo”.

Nhà báo Nguyễn Đình Ấm, từng làm việc cho tạp chí Hàng không Việt Nam, cho biết:

“Có thể do thiếu nhiên liệu và kinh phí nên phi công bay huấn luyện rất ít. Nhà tôi ở gần sân bay quân sự Gia Lâm, máy bay cất cánh là biết ngay. Tuy nhiên, "năm thì mười họa" tôi mới nghe thấy tiếng máy bay.

Máy bay quá cũ kỹ, bảo dưỡng không tốt, và phi công lâu không bay phản xạ kém rất dễ xử lý sai lầm và dẫn đến tai nạn”.

Việt Nam cần hiện đại hoá lực lượng không quân

Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2021 thông qua một chương trình hiện đại hóa quân sự lớn, ưu tiên cho Lực lượng Phòng không – Không quân. Tuy nhiên, chương trình này đang gặp trở ngại lớn, có nguyên nhân cả khách quan và chủ quan.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Kinh tế Tài chính thành phố Hồ Chí Minh và nghiên cứu viên cộng tác tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM), nói hiện đại hóa không quân là nhu cầu bức thiết của quân đội Việt Nam.

Theo ông, Không quân Việt Nam hiện tại cần phải bổ sung thêm vũ khí, khí tài, đồng thời cập nhật yếu tố chiến thuật và chiến lược mới đủ khả năng bảo vệ chủ quyền. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang ở thế khó. Ông nói trong email gửi tới RFA:

“Toàn bộ lực lượng phi cơ tiêm kích/tiêm kích-bom của Việt Nam hiện tại là có nguồn gốc Liên Xô-Nga. Máy bay chiến đấu là một loại đầu tư lớn, vì ngoài đầu tư mua sắm khí tài thì còn là huấn luyện, bảo dưỡng bảo trì, và tính phù hợp với yêu cầu tác chiến.

Do yếu tố lịch sử nên toàn bộ chuỗi cung ứng này Việt Nam từ trước tới nay dựa vào Nga là chủ yếu.

Trước đây thì khó khăn nằm ở tài chính thôi, nhưng hiện tại sau cuộc chiến Ukraine kế hoạch hiện đại hóa không quân chắc chắn sẽ phải tạm hoãn để xem xét nhiều yếu tố khác. Vì rõ ràng Việt Nam khó có thể mua vũ khí Nga một cách vô tư như trước, cũng phải để ý phản ứng của cộng đồng quốc tế”.

Còn giáo sư Carl Thayer nói:

“Việt Nam đang rất cần hiện đại hóa máy bay chiến đấu. Các máy bay ném bom Su-22 của Việt Nam mua từ những năm 1980 gần như lỗi thời khi chúng sắp hết thời hạn sử dụng.

Vào cuối năm 2020, Việt Nam chuyển sang cơ cấu lại các dịch vụ hỗ trợ hậu cần để cải thiện công tác bảo trì, sửa chữa và đại tu đội máy bay chiến đấu kế thừa của mình. Ưu tiên đặc biệt dành cho việc bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 của Việt Nam”.

Cả hai giáo sư Carl Thayer và Zachary Abuza đều nói Việt Nam đang tìm mua phi cơ tàng hình thế hệ thứ 5 là SU30, SU-35 và SU-57 từ Nga mặc dù quốc gia này bị hạn chế xuất khẩu vũ khí sau khi xâm chiếm Crimea năm 2014. Tuy nhiên, cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine vào năm 2022 đã làm kế hoạch này thất bại.

clip_image004

Máy bay Sukhoi Su-30MK2 ở sân bay quân đội Biên Hoà, Đồng Nai, hôm 21/10/2015. AFP

Khả năng mua phi cơ quân sự từ phương Tây

Hồi tháng 12 năm ngoái, hãng tin Reuters cho biết các công ty quốc phòng Hoa Kỳ đã thảo luận về việc cung cấp thiết bị quân sự, bao gồm máy bay trực thăng và máy bay không người lái cho Việt Nam trong các cuộc đàm phán với các quan chức chính phủ hàng đầu, một dấu hiệu mới cho thấy nước này có thể giảm sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga.

Bốn công ty bao gồm Lockheed Martin và Boeing… đã gặp gỡ các quan chức bên lề hội chợ quốc phòng quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam, tuy nhiên kết quả đến nay vẫn là một dấu hỏi.

Giáo sư Carl Thayer cho biết vào cuối năm 2021, Việt Nam đã đặt hàng mua mười hai máy bay huấn luyện phản lực T-6 từ Hoa Kỳ. Nhiều phi công Việt Nam bắt đầu tham gia khoá đào tạo Chương trình Lãnh đạo Hàng không của Không quân Hoa Kỳ.

Điều này sẽ đặt nền móng cho việc mua máy bay chiến đấu F-15E Strike Eagle của Mỹ vào cuối thập kỷ này, ông dự báo.

F-15E Strike Eagle được chế tạo từ năm 1985 đến nay, là kiểu máy bay tiêm kích tấn công của Hoa Kỳ hoạt động trong mọi thời tiết, được thiết kế để can thiệp tầm xa các mục tiêu mặt đất sâu trong lãnh thổ đối phương.

Ông cho biết vào năm 2019, Việt Nam đã đặt hàng sáu trinh sát cơ do thám không người lái Boeing Insitu ScanEagle cho lực lượng Cảnh sát biển trong khuôn khổ Sáng kiến An ninh Hàng hải Hoa Kỳ.

Cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy tầm quan trọng của máy bay không người lái trong chiến tranh hiện đại, nó có thể được dùng để đề lô cho pháo binh, thả lựu đạn vào đối phương hay trực tiếp đâm sầm vào mục tiêu và phát nổ. Hoa Kỳ sẽ là một thị trường nhất định cho quân đội Việt Nam, nhà nghiên cứu chuyên sâu về Việt Nam nói.

“Có hai hạn chế đối với việc Việt Nam mua vũ khí không phải của Nga. Đầu tiên là di sản phụ thuộc vào Nga về phụ tùng, dịch vụ, hỗ trợ bảo trì và ngôn ngữ. Hạn chế thứ hai là chi phí và thời gian.

Vũ khí của Mỹ và châu Âu rất đắt đỏ và Việt Nam sẽ cần phát triển một mạng lưới hỗ trợ hậu cần phù hợp và sẽ mất nhiều thời gian để phát triển,” vị học giả về Việt Nam nói.

Tuy nhiên, theo giáo sư Zachary Abuza, khả năng Việt Nam mua máy bay quân sự từ Mỹ là rất thấp, và Hàn Quốc là nhà cung cấp tiềm năng.

“Tôi đang hết sức chú ý đến mối quan hệ được nâng cấp gần đây với Hàn Quốc, hiện là đối tác chiến lược toàn diện (của Việt Nam- PV). Hàn Quốc đang cố gắng bán máy bay chiến đấu mới nhất của mình ra nước ngoài. Giá đắt hơn rất nhiều so với máy bay chiến đấu của Nga, nhưng vẫn rẻ hơn so với của Mỹ hoặc châu Âu”.

Theo Carl Thayer, bên cạnh tiêm kích và cường kích Mig và SU, hiện quân đội Việt Nam còn được trang bị trực thăng từ Liên Xô/Nga, bao gồm 10 chiếc Kamov-28 Helix A cho tác chiến chống ngầm, 2 chiếc vận tải cơ Ka-32 Helix C, 6 chiếc Mi-17 Hip H, 14 chiếc NMi- 8 Hip, và ba chiếc Mi-171.

Cựu sỹ quan tình báo quân đội Vũ Minh Trí đánh giá, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu vũ khí từ phương Tây vì nguồn tài chính eo hẹp trong khi vũ khí phương Tây thường có giá đắt hơn nhiều so với vũ khí Nga truyền thống.

Việt Nam dành phần lớn ngân sách quốc phòng cho việc trả lương cho sĩ quan, quân lương, quân nhu, và phần dành để mua vũ khí không nhiều, ông chia sẻ.

Tham nhũng và thiếu minh bạch trong quân đội cũng là những thách thức tiếp theo, ông nói.

“Hoạt động mua bán vũ khí trang thiết bị quân sự của Việt Nam nói chung là thiếu minh bạch. Tôi đã từng nghe thông tin từ đối tác là những người được giao đi mua vũ khí đều cài giá (hoa hồng) vào giá mua để tham nhũng. Trong khi những nước phương Tây không chấp nhận việc đó”.

Thứ nữa, Việt Nam không có sự tin tưởng từ phương Tây khi Hà Nội luôn coi Bắc Kinh là “bạn bốn tốt” còn Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ phương Tây có ý đồ lật đổ chế độ, ông Trí nói.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

This entry was posted in Quân Đội. Bookmark the permalink.