Trung thành với nhà nước, danh tính bí ẩn, lãnh đạo trọn đời.
Văn Tâm
Hơn 40 năm qua, nhân sự lãnh đạo của GHPGVN chỉ xoay quanh một vòng tròn với các nhà sư được chính quyền chấp nhận. Các nhà sư đã củng cố quyền lực đáng kể cho mình nhưng thứ quyền lực này thường chỉ mang lại lợi ích cá nhân, chứ không phải là thứ giúp Phật giáo Việt Nam phát triển một cách tự do, vững chắc như các nước khác.
Có một thế lực xã hội đang nắm giữ một loại quyền lực không kém gì cán bộ chính quyền, đó là các nhà sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Quyền lực của các nhà sư không chỉ đến từ sức ảnh hưởng tôn giáo của họ mà còn đến từ sự bảo kê của chính quyền.
Hơn 40 năm qua, GHPGVN là tổ chức Phật giáo duy nhất mà chính quyền cho phép thành lập. Chính quyền đã cho giáo hội thứ mà hiếm tổ chức Phật giáo nào có được ở các nước khác, trừ Trung Quốc. Đó là sự độc quyền về Phật giáo.
Việc lựa chọn các nhân sự lãnh đạo giáo hội dựa trên tiêu chí trung thành với nhà nước đang ngày càng củng cố cho sự độc quyền này.
Vào ngày 29/11/2022, toàn bộ thành viên Hội đồng Trị sự (HĐTS) và Ban thường trực (BTT) HĐTS Khóa 9 của GHPGVN đã được suy cử chính thức. [1] Đây là những người sẽ trực tiếp điều hành toàn bộ hoạt động Phật giáo cho đến năm 2027. Việc lựa chọn nhân sự lãnh đạo của GHPGVN hơn 40 năm đều phản ánh những đặc tính chung của một hệ thống tôn giáo bị lệ thuộc nặng nề vào nhà nước.
Cán bộ Ban Tôn giáo Chính phủ, doanh nhân đứng vào hàng ngũ lãnh đạo giáo hội
Cứ 5 năm một lần giống như nhiệm kỳ của nhà nước, GHPGVN sẽ tổ chức kỳ Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc nhằm chọn lại thành viên của HĐTS, và từ đó sẽ chọn ra các thành viên tham gia BTT HĐTS để đảm nhận các chức vụ lãnh đạo giáo hội.
Ngoài các nhà sư, nhân sự tham gia vào bộ máy lãnh đạo còn có thành phần cư sĩ – những người tu tại gia. Họ là một nhân tố quan trọng của Phật giáo. Tuy nhiên, trong số các cư sĩ tham gia giữ chức vụ lãnh đạo giáo hội trong các khóa vừa qua nổi lên hai gương mặt đáng chú ý.
Trong BTT HĐTS Khóa 2 và Khóa 3 (1992 – 1997), một cư sĩ là cán bộ của Ban Tôn giáo Chính phủ đã được chọn vào hàng ngũ lãnh đạo giáo hội. [2] [3] Đó là ông Trần Khánh Dư. [4] Cho tới thời điểm năm 2004, ông Trần Khánh Dư vẫn còn giữ chức Vụ trưởng Vụ Phật giáo tại Ban Tôn giáo Chính phủ. [5]
Một cư sĩ khác trong nhân sự lãnh đạo cũng gây chú ý không kém. Đó là doanh nhân Phạm Nhật Vũ, em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Ông Vũ là cựu Chủ tịch Tập đoàn Truyền hình An Viên (AVG), đã bị kết án ba năm tù giam vào năm 2019 về tội đưa hối lộ. [6]
Ông Vũ tham gia HĐTS lần đầu tiên vào Khóa 7 (2012 – 2017) và ngay lập tức trở thành ủy viên thường trực của BTT HĐTS, phó trưởng ban thường trực Ban Thông tin Truyền thông của giáo hội. [7] Ông Vũ tiếp tục tham gia BTT HĐTS Khóa 8 cho đến lúc bị tuyên án tù.
Hiện nay, thành phần cư sĩ được tham gia vào HĐTS và BTT HĐTS có xu hướng giảm dần.
Tổng số cư sĩ tham gia suốt chín khóa Đại hội chỉ có 18 người. Bất kể quy mô của HĐTS được mở rộng liên tục sau mỗi kỳ Đại hội, số cư sĩ tham gia HĐTS mỗi khóa vẫn không vượt khỏi con số 10. Đơn cử, HĐTS Khóa 1 chỉ có 10% (5/49 người) thành viên là cư sĩ, đến Khóa 5 chỉ còn 6,2% (6/96 người), và đến Khóa 9 chỉ còn 1,3% (3/235 người). [8] [9]
Thành phần cư sĩ trong BTT HĐTS cũng giảm dần theo thời gian. Đến Khóa 9, không có cư sĩ nào được tham gia vào BTT HĐTS, có nghĩa là cư sĩ không còn được nắm các chức vụ thực tế bên trong các cơ quan của giáo hội như những khóa trước.
Thượng tọa Thích Đức Thiện: Một nhà sư nhiều ẩn số
Vào tháng 10/2022, Thượng tọa Thích Đức Thiện phát biểu trước Quốc hội rằng GHPGVN đã có nhiều hoạt động ngoại giao nhằm chống lại các luận điệu xuyên tạc về tự do tôn giáo của quốc tế đối với Việt Nam. [10]
Phát biểu này cũng tương tự như một bài phỏng vấn ông vào một năm trước đó: “GHPGVN đã không ngừng đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái về đời sống tôn giáo ở Việt Nam của các thế lực thù địch.” [11]
Cách mà ông phát biểu trong cả hai hoạt động vừa nêu y hệt như một quan chức của chính phủ báo cáo thành tích hoạt động của cơ quan mình.
Đến nay, Thượng tọa Thích Đức Thiện gần như là một người phát ngôn chính thức của GHPGVN trong nhiều vấn đề. Ông là ủy viên thường trực HĐTS, đang giữ một lúc rất nhiều chức vụ quan trọng như Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN. Đồng thời, ông cũng là một trong những người trẻ tuổi nhất đứng vào hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất hiện nay của giáo hội. Trên phương diện thế tục, ông còn giữ vai trò đại biểu Quốc hội Khóa XV.
Năm 41 tuổi, ông lần đầu tham gia HĐTS Khóa 6, nhiệm kỳ 2007 – 2012, và ngay lập tức có tên trong BTT HĐTS. [12] Cho đến giờ, Thượng tọa Thích Đức Thiện trải qua bốn nhiệm kỳ liên tiếp làm ủy viên thường trực HĐTS. Tuy là một nhân sự cấp cao của giáo hội nhưng lý lịch của ông không được công khai một cách đầy đủ.
Trên trang web công bố lý lịch của các đại biểu Quốc hội, hầu hết các đại biểu đều được công khai lý lịch từ năm 18 tuổi cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, lý lịch của Thượng tọa Thích Đức Thiện lại bắt đầu từ năm ông 36 tuổi với chức danh thư ký Văn phòng Trung ương GHPGVN, ủy viên Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN. [13] Ngoài các thông tin ít ỏi đó, không có một thông tin nào khác để chúng ta biết thêm về lý lịch chi tiết của ông.
Thượng tọa Thích Đức Thiện không phải là trường hợp duy nhất. Năm 2018, Hòa thượng Thích Thanh Sam qua đời. Khi đó, công chúng đã bất ngờ vì biết rằng ông có 50 năm tuổi đảng. Ông đã tham gia liên tục sáu khóa HĐTS. [14]
Những nhà sư trọn đời lãnh đạo
GHPGVN hiện nay có một đặc điểm tương tự như Hiệp hội Phật giáo Đài Loan – một tổ chức bị chính quyền Quốc dân đảng chi phối để kiểm soát Phật giáo dưới thời kỳ Thiết quân luật, là các vị trí lãnh đạo xoay quanh một vòng tròn, bao gồm các nhà sư kỳ cựu, trung thành với chính quyền.
Điển hình, Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã liên tiếp giữ các chức vụ khác nhau trong BTT HĐTS từ Khóa 1 (1981 – 1987) cho đến Khóa 6 (2007 – 2012). [15] Ông là một trong những nhà sư miền Bắc lập công trong việc giúp chính quyền thành lập GHPGVN vào năm 1981. Ông qua đời vào năm 2011 khi vẫn đang là Phó Chủ tịch thường trực của HĐTS.
Việc GHPGVN thành lập và được nhà nước công nhận đã khiến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) có từ trước năm 1975 trở thành tổ chức bất hợp pháp. Các nhà sư theo GHPGVNTN là những người không muốn chịu sự kiểm soát của chính quyền, phục vụ lợi ích của chính quyền.
Thời điểm đặt chân vào BTT HĐTS Khóa 1, Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã 64 tuổi. [16] Ngoại trừ Khóa 2, khi ông được suy cử vào Hội đồng Chứng minh, còn trong suốt khoảng thời gian còn lại, Hòa thượng Trí Tịnh nằm trong danh sách BTT HĐTS các khóa liên tiếp nhau cho đến lúc ông qua đời vào năm 2014 – khi đó ông vẫn còn giữ chức Chủ tịch HĐTS của Khóa 7 (2012 – 2017).
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, [17] người vừa mới được suy cử làm Phó Chủ tịch thường trực HĐTS ở Khóa 9, đã tham gia BTT HĐTS trong tám khóa liên tiếp. Ông đặt chân vào BTT HĐTS từ Khóa 2 (1987 – 1992) vào năm 35 tuổi, khi mới là một đại đức. Ông đã liên tiếp giữ các chức vụ trong BTT HĐTS suốt 35 năm qua.
Một trong những nhà sư ngôi sao hiện nay Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, [18] đương kim Chủ tịch HĐTS của giáo hội. Ông bắt đầu tham gia BTT HĐTS từ Khóa 3 (1992 – 1997). Năm 2014, khi Hòa thượng Thích Trí Tịnh qua đời, Hòa thượng Thiện Nhơn đã giữ quyền Chủ tịch HĐTS, và chính thức trở thành Chủ tịch HĐTS từ năm 2015 cho đến nay.
Sau Khóa 1, số người lần đầu tiên được tham gia vào HĐTS các khóa tiếp theo đều không vượt quá 47% (Khóa 6), [19] và thấp nhất là Khóa 9 vừa qua với 25% số người lần đầu tham gia vào HĐTS. Điều này có nghĩa là bộ máy lãnh đạo GHPGVN nhìn quanh đi quẩn lại vẫn là tập hợp của những nhân sự cũ, dựa trên sự ổn định đã được duy trì theo cơ cấu, ngày càng được củng cố
Tính đến Khóa 9, có 29 người giữ bốn nhiệm kỳ liên tiếp, 7 người giữ năm nhiệm kỳ liên tiếp, 12 người giữ sáu nhiệm kỳ liên tiếp.
Đối với cơ quan đầu não của GHPGVN là BTT HĐTS, ngoại trừ Khóa 2, số thành viên BTT HĐTS khóa cũ tiếp tục đặt chân vào BTT HĐTS khóa mới chiếm tỷ lệ rất cao, ít nhất 61% (Khóa 4) và nhiều nhất 76% (Khóa 9). [20]
Nhiều nhà sư đã tham gia vào BTT HĐTS các khóa liên tiếp nhau. Ví dụ như Khóa 5 có 34 thành viên BTT HĐTS, [21] trong đó đã có 6 người giữ năm nhiệm kỳ liên tiếp, 4 người giữ bốn nhiệm kỳ liên tiếp, và chỉ có 10 người là lần đầu tiên tham gia BTT HĐTS.
Bổ nhiệm nhân sự giáo hội phải có ý kiến của chính quyền
Năm 2019, trong vụ việc thỉnh vong để hóa giải nghiệp báo, Đại đức Thích Trúc Thái Minh bị đình chỉ hết các chức vụ trong Trung ương giáo hội và Ban trị sự GHPGVN ở hai tỉnh Lai Châu và Quảng Ninh. Tuy nhiên, khi đề cập về chức vụ trụ trì chùa Ba Vàng, giáo hội cho biết phải chờ quyết định của chính quyền tỉnh Quảng Ninh. [22] Cho đến nay, Thích Trúc Thái Minh vẫn là trụ trì chùa Ba Vàng.
Đến tháng 8/2022, cũng liên quan đến Thích Trúc Thái Minh, một cán bộ tôn giáo tỉnh Quảng Bình cho biết chính quyền tỉnh này đã thuyên chuyển vị trụ trì chùa Ba Vàng về Ban trị sự của tỉnh. Đây có phải là chỉ dấu của việc chính quyền nắm quyền quyết định nhân sự của giáo hội? [23]
Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Theo hiến chương của giáo hội, việc bổ nhiệm nhân sự trong ban trị sự cấp tỉnh và trụ trì các ngôi chùa đều phải trên “cơ sở trao đổi với cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. [24]
Vào tháng 8/2022, một chức sắc của GHPGVN tiết lộ với Đài Á Châu Tự Do rằng ban trị sự và ban tôn giáo cấp tỉnh sẽ bàn bạc và ấn định ai là người giữ chức vụ nào trong nhiệm kỳ tới. Và những người được lựa chọn thường là những người dễ bảo, chấp nhận thực thi các chủ trương của chính quyền về việc kiểm soát Phật giáo. [25]
Bên cạnh đó, danh sách nhân sự HĐTS mỗi khóa sẽ được trình cho chính quyền trước khi danh sách này được suy cử chính thức tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc.
Như vậy, lúc nào chính quyền cũng có thể can thiệp vào việc sắp xếp nhân sự của GHPGVN từ cấp trung ương cho đến địa phương.
Kiêm nhiệm nhiều chức vụ
Thượng tọa Thích Minh Quang là gương mặt đáng chú ý trong BTT HĐTS Khóa 9. Ông 51 tuổi và lần đầu tiên tham gia BTT HĐTS của giáo hội. Ngoài ra, ông còn đương chức phó trụ trì của hai ngôi chùa lớn nhất miền Bắc là chùa Bái Đính ở tỉnh Ninh Bình và chùa Tam Chúc ở tỉnh Hà Nam. Chưa hết, Thượng tọa Minh Quang hiện nay là ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình và đại biểu Hội đồng Nhân dân của tỉnh này. [26] [27]
Từ khi thành lập, GHPGVN đã là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là một trong những sợi dây gắn chặt giáo hội với chính quyền.
Trong 17 tăng, ni tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Khóa 9 (2019 – 2024) thì có đến 10 người đang giữ các chức vụ lãnh đạo BTT HĐTS. [28] Ví dụ như Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu vừa đắc cử Trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2022 – 2027, nhưng cũng vừa là Phó Chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN Khóa 9 và Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Khóa 9.
Giáo hội – Mặt trận Tổ quốc – chính quyền là một sợi dây ràng buộc và khiến giáo hội luôn nằm trong tầm kiểm soát của nhà nước. Mặt khác, sợi dây này cũng giúp gia tăng quyền lực của một số nhà sư, nhất là những người có chân trong BTT HĐTS, đối với chính quyền địa phương các cấp.
Một số nhà sư nằm trong BTT HĐTS hiện nay đang nắm giữ các ngôi chùa lớn theo xu hướng du lịch tâm linh với sự tiếp tay của chính quyền. Ví dụ như Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu trụ trì chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc, [29] Hòa thượng Thích Thanh Quyết trụ trì chùa Yên Tử (Quảng Ninh) và tham gia xây dựng Khu du lịch Tây Yên Tử (Bắc Giang), [30] hay Thượng tọa Thích Đức Thiện trụ trì chùa Phật Tích, Bắc Ninh. [31]
Hơn 40 năm qua, nhân sự lãnh đạo của GHPGVN chỉ xoay quanh một vòng tròn với các nhà sư được chính quyền chấp nhận. Các nhà sư đã củng cố quyền lực đáng kể cho mình nhưng thứ quyền lực này thường chỉ mang lại lợi ích cá nhân, chứ không phải là thứ giúp Phật giáo Việt Nam phát triển một cách tự do, vững chắc như các nước khác.
V.T.
Nguồn: Luật Khoa