Nguyễn Đình Cống
Kính gửi bà Võ Thị Ánh Xuân- Quyền Chủ tịch nước CHXHCNVN
Kính thưa bà!
Tôi là Nguyễn Đình Cống, nguyên là giáo sư tại Trường ĐH Xây dựng, sinh năm 1937. Bà tuy danh vị cao quý, nhưng tuổi chưa cao và trình độ chưa thấy có gì nổi bật ở cấp toàn quốc. Hơn nữa tôi có cảm nhận rằng bà có được sự khiêm tốn cần thiết, vì thế tôi viết thư này xin góp với bà vài ý kiến.
Thư đã được gửi một bản theo đường bưu điện đến Số 2, Hùng Vương, Hà Nội. Tuy vậy, đề phòng thư bị chặn lại ở đâu đó, tôi xin gửi thêm thư ngỏ, hy vọng Bà sẽ biết đến. Tôi đã từng gửi thư cho Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đến Số 2, Hùng Vương, nhưng không nhận được hồi âm. Tôi đoán rằng nó bị chặn lại ở đâu đó từ cổng đến văn phòng nên ông Phúc không nhận đươc, chứ không có lẽ Chủ tịch nước bận bịu đến mức không thể nhờ thư ký trả lời đã nhận được thư, bằng email hoặc điện thoại. Hay là (tôi không dám nghĩ tới) văn hóa của lãnh đạo là không trả lời thư của người dân, và đó là một chủ trương thống nhất.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, khi bắt đầu làm Chủ tịch nước có tuyên thệ và đọc diễn văn nhậm chức. Tôi đã từng gửi thư cho ông ấy, thách ông làm được những điều đã hứa trước toàn dân, trước Quốc hội. Không ngờ sự việc xảy ra quá trớ trêu.
Bà chỉ nhận chức Quyền Chủ tịch nên không phải thề và đọc diễn văn. Tuy vậy sau khi nhậm chức bà có chủ động suy nghĩ gì không về những việc cần và có thể làm cho Dân, cho Nước. Liệu có ai trao đổi với bà về những việc đó hay không. Tôi đoán là không và đó là nỗi rất buồn của Dân tộc.
Nghe rằng: Con chim sắp chết cất tiếng hót hay, con người sắp chết thường nói ra được lời ngay thẳng, quý giá”. Ở tuổi gần 90, tôi ít quan tâm đến sống chết, nhưng với tuổi cao, có một chút tự tin, lại vì lòng mong mỏi làm được việc gì đó có lợi cho nước cho dân, tôi mạnh dạn viết những điều mà bà rất nên biết.
Xin mạo muội hỏi một câu. Bà có thuộc nhiều sử Việt Nam không? Trong các triều đại Quân chủ, Phong kiến ở nước ta (đặc biệt các triều đại thịnh vượng của Nhà Lý, Nhà Trần), khi vua mới lên nối ngôi thường làm ngay những việc thể hiện lòng nhân ái của đấng Quân Vương đối với những người dân yếu thế nhất, những hoạt động kiến tạo phúc đức. Xin bà tham khảo cách làm của họ. Bà hãy chọn ra vài việc làm nhân đạo mà theo Hiến pháp, theo đạo đức nhân bản thì Chủ tịch nước có toàn quyền làm, không cần xin ý kiến của bất kỳ người nào.
Tôi không dám khuyên bà làm những việc cụ thể mà chỉ xin bày tỏ nguyện vọng về ba lĩnh vực rất đáng để Chủ tịch nước quan tâm:
Một là giải tội cho những người bị oan khuất dù đang sống hay đã chết (đặc xá). Bà có nhận thấy ở Việt Nam có nhiều Suối Giải oan, Chùa Giải oan? Hiện có khá nhiều án oan tử hình (Hồ Duy Hải, các con cụ Kình v.v.) cần được xóa bỏ, trả tự do cho họ. Tiếp đến hãy đi thăm một số tù nhân lương tâm, bị kết án oan theo những “bản án bỏ túi”, quá nặng, quá bất công. Hãy hỏi họ bị kết án và giam giữ như vậy có tâm phục khẩu phục không? Nếu họ không nhận là có tội thì dù họ có yêu cầu hay không cũng chủ động giảm án cho họ theo đúng công lý, tìm hiểu sự bất công đối với họ, phát hiện sự đối xử vô nhân đạo trong các nhà giam giữ những tù chính trị vì rằng tuy người bị tù có bất đồng chính kiến với Đảng thống trị, nhưng họ là những người có phẩm chất cao thượng, là những người yêu nước thương dân, là tinh hoa của dân tộc. Xin bà biết cho rằng trên đất nước này có rất nhiều những oan hồn không cách gì siêu thoát, có rất nhiều dân oan bị hành hạ trong tù và trong đời. Một trong những quan tâm hàng đầu ở cương vị Chủ tich nước là hạn chế mọi oan sai giáng lên đầu con người.
Hai là vận động toàn dân triệt để xóa bỏ hận thù, chia rẽ vì ý thức hệ, đặc biệt là từ các cơ quan cao cấp của nhà nước. Đã có những chiến sĩ của VNCH hy sinh bảo vệ biển đảo của Tổ Quốc. Hãy tôn vinh họ cùng với những chiến sĩ đã hy sinh khi chống lại quân Trung Quốc xâm lược.
Ở nhiều nước người đứng đầu quốc gia là một gương sáng về hòa hợp dân tộc. Để hòa hợp sau một cuộc chiến tranh huynh đệ thì người chiến thắng cần cúi xuống nâng người bại trận lên và chân thật, ôm vào lòng chứ không phải đánh thêm người đã bị ngã. Người thắng cuộc phải thực hiện hòa hợp bằng tình yêu thương và lòng khiêm tốn chứ không phải bằng sự kiêu ngạo. Sự kết thúc chiến tranh Bắc- Nam ở Hoa Kỳ trong tình cảm huynh đệ là một tấm gương rất đáng để tham khảo.
Ba là về Đạo đức, Văn hóa, Giáo dục. Chủ tịch nước cần đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này và trước hết hãy bằng thiện chí và nổ lực của mình biết rõ gần hết sự thật chứ không phải chỉ một phần đã được tô màu, do tuyên truyền dựng nên. Bà có dám nhân danh Quyền Chủ tịch nước triệu tập những trí thức phản biện dù còn được tự do hay đang bị tù để nghe họ phản ảnh về văn hóa, giáo dục, đạo đức của dân tộc đang xuống cấp, đang thoái hóa trầm trọng hay không?
Còn về kinh tế, mặc dầu hiện nay Đảng đang phạm sai lầm về dường lối, nhưng Chủ tịch nước chỉ nên theo dõi chứ không cần chỉ đạo. Việc kinh tế để cho tư nhân lo liệu.
Kính thưa bà!
Xin bà hãy lợi dụng thời cơ rất hiếm có để làm được những việc gì có ích cho dân tộc, để lại tiếng thơm cho hậu thế. Tôi xin cầu mong Các Đấng Bề Trên và Tổ Tiên anh linh chứng giám cho thành tâm của bà, phù trì, bảo hộ cho bà có đủ sức khỏe, trí tuệ và nghị lực để làm được những việc phù hợp với mong ước của dân tộc. Và được như thế, bà sẽ vô cùng hạnh phúc.
Cùng với thư này, để tỏ lòng kính trọng tôi xin gửi tặng bà hai cuốn sách tôi vừa xuất bản (sách Cùng Học Làm Người– NXB Tri thức và sách Cùng Học Để Giáo dục Con Trẻ – NXB Hồng Đức). Hai cuốn đó nhằm góp một chút nhỏ bé vào việc nâng cao dân trí và ngăn chặn phần nào sự xuống cấp đạo đức xã hội (sách được gửi riêng, cùng lúc với thư này). Đó là hai trong năm cuốn tôi đã dày công sáng tác trong khi đã đạt tuổi U90. Còn ba cuốn là: Vui Buồn Cuộc sống, Học làm Phản biện, Học Suy nghĩ và Giải Câu đố để Nâng cao Trí tuệ. Các sách này nhằm vào việc giúp phát triển trí thông minh, mà thông minh quan trọng hơn kiến thức. Viết ra điều trên tôi không dám nghĩ tới việc khoe khoang mà chỉ muốn chứng tỏ rằng một trí thức già (U90) vẫn còn có thể đóng góp một chút giá trị cho xã hội.
Trong thời gian nhiều năm qua tôi được tổ chức Đảng xếp vào loại trí thức phản biện vì tôi nghiên cứu Chủ nghĩa Mác – Lênin, không phải để ca ngợi mà để vạch ra những sai lầm từ gốc, những độc hại trong đó và khuyên Đảng nên từ bỏ. Tôi có đề nghị với ông Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng tổ chức đối thoại về Mác Lê, nhưng không được trả lời. Bộ Công an cử đại tá an ninh đặc trách “giúp đỡ” tôi (Nguyễn Trung số ĐT 0984 005 898). Những điều tôi viết cho bà không dính một chút gì đến Mác Lê, chỉ là những điều hợp Đạo Trời, thuận lòng người. Kính mong bà bỏ chút thì giờ đọc thư này để có những suy nghĩ và việc làm xứng đáng với danh vị cao quý.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN