Phạm Trần
Từ lâu, dân gian tự hỏi không hiểu giữa người làm báo đảng và báo cáo viên, tuyên truyền viên nhà nước có khác nhau gì không hay cùng một loại. Tìm hiểu ra thấy rằng, tuy hai nhiệm vụ khác nhau nhưng cùng có một mục tiêu là tuyên truyền để bảo vệ chế độ, kể cả những sai trái.
Đảng quy định: ”Báo cáo viên, tuyên truyền viên là lực lượng tuyên truyền miệng có tổ chức của Đảng.
Báo cáo viên được tổ chức ở các cấp: trung ương, tỉnh, thành, huyện, quận và đơn vị tương đương. Báo cáo viên có nhiệm vụ: tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách quan trọng và những quan điểm của Đảng ta đối với những vấn đề thời sự lớn cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên của các đoàn thể quần chúng; giải đáp theo quan điểm của Đảng những vấn đề mà quần chúng quan tâm; báo cáo lại cho cấp uỷ đảng những nguyện vọng, tâm tư, sáng kiến của quần chúng.
Phương thức hoạt động chủ yếu của báo cáo viên là nói chuyện trực tiếp với đông đảo quần chúng trong các cuộc hội họp, sinh hoạt câu lạc bộ…”
Ngược lại: ”Tuyên truyền viên được tổ chức ở cơ sở, là lực lượng tuyên truyền miệng của đảng bộ cơ sở và chi bộ đảng, có nhiệm vụ tuyên truyền những nghị quyết, những chủ trương của đảng bộ cơ sở và chi bộ; hướng dẫn sự suy nghĩ và hành động hằng ngày của quần chúng ở bên cạnh mình, thu thập những nguyện vọng, tâm tư, sáng kiến của quần chúng để báo cáo với chi bộ; giải đáp theo chủ trương của chi bộ những vấn đề mà quần chúng quan tâm. Có thể có một số tuyên truyền viên được phân công phụ trách những đối tượng có những vấn đề riêng biệt cần giáo dục, giúp đỡ.”
(theo Chỉ thị số 14-CT/TW, Ngày 3/8/1977, của Ban Bí thư)
Trong khi đó, Luật Báo chí năm 2016 (103/2016/QH13, ngày 05 tháng 4 năm 2016) ấn định: ”Báo chí có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, Mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…”
Báo chí cũng có bổn phận: ”Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân.”
Nghe qua điều này, tưởng đâu người dân có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, nhưng thực tế nhà nước không cho tư nhân ra báo để cạnh tranh với báo và truyền thông nhà nước. Vì vậy, thông tin báo chí ở Việt Nam là loại thông tin một chiều và người làm báo đảng là cán bộ nhà nước, là đảng viên phải nói và viết theo chỉ thị. Như vậy, rõ ràng không có tự do báo chí ở Việt Nam.
Cũng vì không có tự do nên những sai trái của đảng không được phơi bầy, chỉ trích và tranh luận trong dư luận. Ngược lại nhiều sự việc đổi trắng thay đen đã được báo chí hùa theo để tuyên truyền.
Bằng chứng là đảng, qua Ban Tuyên giáo, đã “nhốt” người làm báo vào lồng cơ chế để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng xé rào và tư nhân hóa báo chí.
TƯ NHÂN HÓA
Vì vậy, tại Hội nghị báo chí toàn quốc để tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 24/12/2022, tình trạng, được gọi là “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí.” đã bị lên án bởi ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban – Ban Tuyên giáo Trung ương.
Đảng sợ “báo hóa” vì nếu không kiểm soát chặt chẽ, đảng và nhà nước sẽ mất quyền kiểm soát báo chí.
Ông Lâm nói: ”Công tác báo chí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn còn kéo dài, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội. Một số Sở Thông tin và Truyền thông chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, e dè, né tránh trong xử lý vi phạm hoạt động báo chí trên địa bàn. Vai trò của Hội Nhà báo các cấp vẫn còn hạn chế, chưa thực sự chủ động trong việc xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp.”
MẠNG XÃ HỘI
Trong lĩnh vực sử dụng mạng xã hội của các nhà báo, từng bị lên án phổ biến quan điểm sai trái, ngược với những gì họ viết trên báo, ông Trần Thanh Lâm chỉ trích :”Quy tắc sử dụng mạng xã hội đối với người làm báo, của nhiều cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí còn hạn chế, mờ nhạt. Đặc biệt là đối với cơ quan chủ quản là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp như buông lỏng trong quản lý, thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo định hướng thông tin cũng như đầu tư cho hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc và không có biện pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý khi cơ quan báo chí xảy ra vi phạm nghiêm trọng, kéo dài. Một số cơ quan báo chí, tỷ lệ giữa thông tin tích cực và thông tin về mặt trái chưa cân đối… Báo chí vẫn còn tình trạng thông tin giật gân, câu khách, không bảo đảm tính chính trị, tính định hướng, tính nhân văn.”
Chi tiết hơn, ông Lâm đã nêu lên những khuyết tật của phóng viên, tòa soạn báo, tạp chí đảng như: ”Vẫn còn những biểu hiện bất cập, lệch lạc, cẩu thả trong tác nghiệp của một bộ phận phóng viên, toà soạn báo và tạp chí. Vẫn còn nhiều tin, bài sa đà vào chạy theo thị hiếu giật gân để câu khách, câu view. Lấy danh nghĩa giám sát, phản biện, chống tiêu cực, vẫn không ít bài báo, nhà báo nặng về khai thác những vấn đề mặt trái của xã hội, phê phán một cách dễ dãi, tuỳ tiện, thậm chí nâng quan điểm, đưa tin thiếu kiểm chứng, quy chụp tội danh, kết luận thay các cơ quan có thẩm quyền.”
Tuy vậy, trong cuộc thảo luận này, không thấy cơ quan Tuyên giáo nói đến tình trạng gọi là: “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”, mặc dù Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã báo cáo với Quốc hội rằng "Hiện nay hiện tượng này đã giảm đáng kể.” (theo VietNamNet, 06/11/2020)
Chuyện “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” là hiện tượng tham nhũng bùng phát trong làng báo năm 2017. Để thực hiện kịch bản này, phóng viên thường tự ý điều tra rồi đăng bài. Nhưng sau khi báo ra thì cá nhân hay doanh nghiệp bị nêu tên đã gặp người viết, thông thường tại các quán nhậu để “thương lương thông cảm”. Sau đó, bài viết được rút xuống, thay bằng bài khác nhẹ nhàng hơn, hoặc rút xuống luôn.
BÁO CHÍ – TƯ TƯỞNG ĐẢNG
Bên cạnh những khuyết tật của báo chí nhà nước, đảng cũng lưu ý nhiệm vụ của báo chí là phải “bảo vệ tư tưởng đảng”, đứng đầu là Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nói: ”Mỗi cơ quan báo chí là “pháo đài” phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.”
Phát biểu tại cuộc Hội thào ngày 21/10/2021, ông Nghĩa yêu cầu:”Các cơ quan báo chí phải chủ động nhận diện, làm rõ các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cùng với đó cần thực hiện tốt phương châm tăng cường tuyên truyền lan tỏa thông tin chính thống, “nhân cái đẹp để dẹp cái xấu”, đẩy lùi tiêu cực, lấn át các thông tin xấu độc. Mỗi cơ quan báo chí cần xác định đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng hàng đầu của tòa soạn… mỗi nhà báo là một chiến sĩ mẫu mực, gương mẫu đi đầu nêu tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước.” (theo Quân đội Nhân dân, ngày 27/10/2021)
Nhiệm vụ đảng đặt ra cho báo chí rõ ràng như thế mà tại sao, theo báo điện tử của Trung ương đảng (ĐCSVN), “các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị, bất mãn và các tổ chức phản động” vẫn làm cho đảng mất ăn mất ngủ.
Do đó, đảng yêu cầu báo chí 2 nhiệm vụ: ”Phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam” song song với công tác xây dựng “Báo chí, xuất bản trở thành “công cụ sắc nhọn” đấu tranh trên mặt trận tư tưởng của Đảng.” (Lý luận Chính trị (24/02/2021) – (báo Người Lao Động, ngày 29/10/2022)
Như vậy, xem ra ngưởi làm báo của nhà nước cũng chỉ là những “báo cáo viên” hay “tuyên truyền viên” của đảng. Chỉ khác ở chỗ là báo chí có vai trò tuyên truyền trên diện rộng hơn trong xã hội.
Dù vậy, công tác của báo chí cũng chẳng được xuôi buồm thuận gió mà đã gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thì: ”Việc phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay cũng gặp phải những khó khăn, thách thức nhất định như: Khả năng thích ứng với xu thế truyền thông hiện đại của các cơ quan báo chí, xuất bản so với các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội còn hạn chế; Chất lượng nguồn nhân lực làm công tác báo chí, xuất bản chưa thực sự tương xứng với vai trò và vị trí tiên phong của mình trong định hướng dư luận xã hội bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số. Trong lĩnh vực xuất bản, số lượng cán bộ có chuyên môn sâu, tâm huyết với nghề, đặc biệt là trong xuất bản sách lý luận, chính trị đang có xu hướng giảm, trong khi sự thu hút của công việc này đối với thế hệ trẻ còn hạn chế.” (ĐCSVN, ngày 28/10/2022)
Tất nhiên hậu quả như thế là điều không khó hiểu vì người dân Việt Nam ngày nay, nhất là thế hệ trẻ, đã biết nhìn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để thấy đâu là sự thật. -/-
P.T.
(01/023)
Tác giả gửi BVN