Nghĩ buồn cười về nghề dạy học

Hà Nhật

Từ xa xưa, khi nhà Hán thâu tóm xong cả bảy nước thì tự xưng mình là Trung Quốc (nước chính giữa), gọi tất cả những dân tộc không chiếm được là man (Nam man) và di (Bắc di). Tuy vậy, ỷ mạnh, chúng thường gây ra những cuộc viễn chinh, gọi là để giáo hóa (dạy dỗ) các dân man di. Có những trận chiến kéo dài vài năm, thậm chí 20 năm, như cuộc chiến của quân Minh (1406-1428).

Nhưng cũng có những cuộc chiến phải kết thúc chớp nhoáng, bỏ lại hàng vạn xác trên Gò Đống Đa.

Sau này, đầu năm 1979, một gã đại Hán, có lẽ không chịu học chính lịch sử nước nhà, đã xua cả vạn quân vượt biên giới, hô to rằng: phải dạy cho Việt Nam một bài học!

Và ai cũng rõ rồi: kẻ nhận bài học chính là tên võ biền kiêu ngạo kia!

Không dân tộc nào có thể dạy bài học cho một dân tộc khác. Mỗi dân tộc có lịch sử của mình, có niềm tự hào của mình.

Vả lại, dạy học bằng giáo gươm, bom đạn thì ai thèm học chứ!

Một dân tộc sẽ bị tiêu diệt nếu người dân chìm đắm trong mê muội, vua quan chỉ lo thụ hưởng.

May mắn thay, dân tộc tôi không như thế. Tồn tại hay không tồn tại? Dân tộc tôi quyết tồn tại. Tôi may mắn là một phần của dân tộc ấy. Dân tộc đã không để cho ai dạy học mình!

Trên thế giới hôm nay chắc cũng  nhiều kẻ muốn dạy học cho thiên hạ. Thôi đi nhé!

Nghĩ lan man, tôi chợt buồn cười: cái nghề của tôi mấy chục năm nay không là gì khác: dạy học.

Dạy, nhưng có ai học không?

Có lẽ tôi nên bỏ nghề? Hay cho nghề của tôi một tên gọi khác? Tên gì?

Thật ra thì cái nghề “dạy học” của tôi từ lâu đã bị coi thường.

Còn nhớ có một năm nào, những người dạy học cấp hai (ngày ấy gọi là trung học Đệ nhất cấp) vẫn được gọi là giáo sư (thầy dạy), bỗng phải được gọi là Giáo viên, theo một lệnh không thành văn của một vị nào đó. Giáo sư à? Nghe cao sang quá! Không được! Giáo viên, xã viên, viên gì cũng là viên!

Cứ thế mà vị thế của người thầy “xuống hạng” dần dần.

Đến lúc bắt đầu thê thảm. Học sinh tốt nghiệp phổ thông, chọn ngành đại học: nhất y nhì dược, tạm được bách khoa, bỏ qua sư phạm.

Có một câu đã trở thành ngạn ngữ: Nhà văn nhà báo, nhà giáo, nhà nghèo!

Tôi nhớ có một lần, với tư cách giáo viên chủ nhiệm lớp 10 (cuối cấp), tôi đến gặp mấy ông uỷ ban xã để xin xác minh lí lịch cho học trò. Có mấy em lí lịch “nặng nề”, lời phán dứt khoát:

– Không vào đại học được!

Có mấy trường hợp thì lời phê thật trớ trêu:

– Có thể cho vào đại học, nhưng chỉ được vào ngành sư phạm thôi!

Ôi! Đừng trách một ông ủy ban hay một bà phụ huynh nào!

Xu thế xã hội là thế rồi.

Muốn hiểu một xã hội, đừng nhìn đâu xa, cứ nhìn vào các trường học, các lớp học, nhìn cái dáng đứng của các ông bà đang đứng trên bục giảng các ngôi trường phổ thông. Có phải “dáng đứng tự hào dáng đứng Việt Nam” không?

Một đất nước mà không coi trọng việc học, không coi trọng người thầy, đất nước ấy ra sao, không nói cũng biết rồi!

Thật ra người có bằng cấp cao đếm không xuể, nhưng “học giả” nhiều hơn học thật. Tôi từng đi ôn tập rồi chấm thi bao nhiêu khóa tại chức đại học, toàn đại học lớn đấy.

TB: Chợt nhớ một kỷ niệm. Năm ấy, ông Lương Duy Tâm, bác họ tôi, nguyên giám đốc Giáo dục Quảng Bình, thân phụ hai anh sau này là giáo sư, Lương Duy Trung, Lương Duy Thứ, bị quy là địa chủ phản động. May mắn được kịp sửa sai, thoát chết. Chính quyền cho người đến thăm, an ủi, hỏi:

– Bác có trách móc gì không?

Ông đáp tỉnh bơ:

– Tôi chẳng có gì trách móc ai. Bởi tôi biết cách mạng là một việc rất khó, phải người có tài, có học. Vừa qua toàn giao cho người u mê, vô học, sao mà không sai được.

Chính ông đã kể chuyện này với tôi, ngày ông về nghỉ tại nhà tôi, ngay khi ông vừa được “sửa sai”.

H.N.

Nguồn: Văn Việt

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.