Giám đốc không biết chữ

BS. Trần Văn Phúc

Nhiều người ngạc nhiên khi nghe Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết ông Hồ Hữu Tài, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-17D Nhà Bè (TP HCM) không biết đọc, không biết viết, tóm lại không biết chữ và mới học lớp 3 cách đây 50 năm.

Tôi không lạ chuyện này.

Về luật, hiện không quy định chủ đầu tư các doanh nghiệp phải có trình độ, nên người không biết chữ vẫn có thể làm giám đốc doanh nghiệp, họ chịu trách pháp lý rồi thuê nhân sự có trình độ chuyên môn để hoạt động. Nhưng sẽ có một số người không biết chữ, hoặc biết rất ít chữ, đang thất nghiệp hay đang làm xe ôm cửu vạn, họ bị những kẻ bất lương lợi dụng thuê 1-2 triệu đồng mỗi tháng làm giám đốc chỉ để ký tá những giấy tờ nhằm làm ăn phi pháp hoặc trốn thuế, thậm chí giám đốc “quân xanh” mức thuê tối đa 50k. Năm 2014, Cục thuế Hà Nội phối hợp với Công an Hà Nội xác minh trên địa bàn Thủ đô có 300 công ty không trả thuế, các giám đốc của những công ty này hoặc làm xe ôm, hoặc đang trong tù.

Giáo dục là cách tốt nhất để bảo vệ mỗi người.

Rất nhiều người hỏi tôi rằng cuộc sống hiện đại hôm nay, con cái của họ có nhất thiết phải đến trường học hành tử tế hay không, nếu không có bằng đại học thì chuyện gì sẽ xảy ra. Thậm chí họ chất vấn tôi học Y những 9 năm mới độc lập khám chữa bệnh, tốn bao sức lực và tiền của, vậy mà mỗi ca siêu âm ở bệnh viện trung ương cả ê kíp thu nhập được 4 ngàn đồng, hơn 10 ngàn y bác sĩ phải bỏ việc, thậm chí có người chuyển sang đi làm xe ôm, vậy thì tại sao cứ phải lao đi học ngành y. Sự việc giám đốc không biết chữ mới bị bắt, hay nhiều người sau một đêm từ xe ôm phu hồ lên giám đốc rồi sa vào vòng lao lý, phần lớn họ bị lợi dụng, đó chính là câu trả lời. Thực ra không học cũng chẳng sao. Xa hữu xa lộ, mã hữu mã lộ. Có xe có đường, có ngựa có đường. Trên đời này đại đa số mọi người không làm bác sĩ cơ mà, lao động chân tay có thể nặng nhọc khó khăn hơn một chút, nhưng đó cũng là một sự lựa chọn.

Điều tôi muốn nói ở đây là, với một người ít học, nỗi đau thực sự không nằm ở đời sống vật chất, mà là ở tâm hồn.

Tôi có cô bạn rất thân, tự mở công ty làm ăn nghiêm túc, chính cô làm giám đốc gần hai mươi năm nay. Nhưng cô chưa tốt nghiệp cấp 2. Cô chưa bao giờ tự tay viết được một cái đơn. Giải phương trình bậc hai với cô khó chẳng khác gì lên cung trăng. Hồi ở quê, cô làm việc chăm chỉ ngay từ lúc 4-5 tuổi, bây giờ cô cũng đã 50 tuổi. Cô xinh xắn, ngoại hình chẳng kém gì hotgirl, nói chuyện hay hơn tôi. Cô kiếm được rất nhiều tiền. Bất động sản ở các thành phố lớn cô đều có những lô đất vàng. Nhưng tình yêu và hôn nhân của cô thì rất có vấn đề. Tuổi trẻ là những mối tình mù quáng. Đến tuổi trưởng thành, những người đàn ông theo đuổi cô chủ yếu vì moi tiền. Những gì cô ấy muốn ở một người đàn ông, đó là người có trình độ học vấn, nhưng chẳng ai như vậy để ý đến cô. Hơn chục mối tình, ba bốn đời chồng, tất cả đều chổi cùn rế rách, gần chục năm nay cô sống trong cô đơn.

Bố tôi không biết chữ, ngày xưa cụ chỉ học chữ nho, bình dân học vụ chỉ học viết được tên để không phải điểm chỉ. Gần 50 tuổi mới lấy mẹ tôi. Hồi đó bố còn xác định không lấy vợ, nuôi 4 con ngỗng đội mồi và thằng cháu ruột chống gậy, để khi chết có ngỗng và người chở tang. Mẹ tôi bị viêm màng não lúc 4 tuổi, để lại di chứng, tàn tật yếu liệt tay chân. Mẹ kém bố 27 tuổi. Hơn 20 năm cuối đời, bố tôi quá già yếu nhưng vẫn một tay chăm sóc mẹ ăn nằm một chỗ, không nhờ con cháu. Tôi hỏi tại sao bố lại đi cùng mẹ? Bố trả lời vì mẹ có học. Cả đời bố kiên định phải lấy người có học. Mẹ tôi hồi đang học tú tài, hai dì cõng mẹ đi học đều ốm và mất nên đành bỏ dở, nhưng lúc đó mẹ vẫn là bậc trí thức ở làng quê. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao cải cách ruộng đất bố không được chia ruộng. Nhưng sau này lấy mẹ, vì bố quá già trong khi tầm vóc lại thấp bé, nên mọi người coi bố quá ngu ngốc để làm công việc đồng áng. Mẹ là người có học, nên biết tính toán và nghĩ được nhiều việc cho bố làm, mặc dù cuộc sống quá khó khăn, nhưng bố mẹ gắn bó với nhau bằng tinh thần, nên hai người được coi là hạnh phúc nhất ở quê tôi.

Một người thiên về cuộc sống tinh thần, tốt hơn hết nên theo đuổi học vấn, nếu không sẽ thấy mọi thứ trên đời rất nhạt nhẽo, chẳng thể hoà hợp được với thế giới xung quanh. Mỗi người cần tìm cho mình bạn tâm giao. Tại sao các cặp vợ chồng lấy nhau 3-5 năm sau đã ly hôn? Vì cuộc sống của họ không chung ngôn ngữ. Ngày đi làm 8-10 tiếng. Tối về trên mâm cơm, chồng kể chuyện công việc bằng ngôn ngữ chuyên môn của chồng, vợ kể chuyện công việc bằng ngôn ngữ chuyên môn của vợ, hai người nói hai thứ tiếng khác nhau, vài lần đâm chán nên quay ra lướt điện thoại hoặc xem ti vi, ăn chỉ là một công việc cho xong. Những điều họ mang lại cho nhau mỗi ngày, đó là sex không hôn, là nấu nướng giặt giũ, là ăn gì mặc gì; tóm lại ngoài sex thì là công việc của Osin.

Ngược lại, người có trình độ học vấn cao, kiến thức của họ không đóng khung trong công việc, sự hiểu biết giúp họ lan toả được cảm xúc, cũng giúp họ tiếp nhận được cảm xúc, cuộc sống chắc chắn tốt đẹp hơn nhiều. Tôi cho rằng, nghĩa lớn nhất của việc học, là khám phá ra con người thật của mình, cải thiện con người thật của mình, khắc phục những nhược điểm, nhân lên những ưu điểm, lấy đó làm hành trang gặp gỡ thế giới thực.

Làm bác sĩ, nhưng đã nhiều năm tôi kiếm sống bằng công việc dạy kèm cho học sinh cá biệt, chưa bao giờ tôi khuyên học sinh của tôi phải học chăm chỉ để sau này có công việc tốt. Những lời khuyên như vậy là vô nghĩa, nó chỉ làm tăng thêm sự căng thẳng, tăng thêm sự lo lắng. Về logic, một người có trình độ học vấn cao hơn sẽ có nhiều khả năng chọn công việc tốt hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng đó chỉ là số ít. Còn lại với đa số mọi người, bất kể họ học nhiều đến thế nào chăng nữa, để kiếm được nhiều tiền thì cần hai yếu tố, một là sự nỗ lực, hai là sự may mắn. Thực tế cuộc sống, dù học ít hay học nhiều, không khó nếu chỉ muốn kiếm tiền đủ ăn và uống.

Thế giới đã thay đổi rất nhiều.

Chúng ta đang bước vào thời đại bùng nổ tri thức, bùng nổ thông tin, lượng tri thức và thông tin tạo ra trong một năm bằng tổng lượng kiến thức và thông tin trong hàng trăm năm ở thời cổ đại. Khả năng quan trọng nhất của một con người là khả năng học tập. Học tập để biết cách trích xuất kiến thức và thông tin một cách hiệu quả trong một rừng kiến thức và thông tin. Trong tương lai, những người ít kiến thức sẽ rất ít không gian sống, sẽ đối diện với nỗi bất hạnh ngay từ chính nội tâm, cho đến thế giới xung quanh.

Nhưng bản thân người Việt rất lười học.

Trong 50 năm qua, từ thời điểm ông giám đốc Hồ Hữu Tài bỏ học lớp 3 để trở nên mù chữ cho đến nay, nước ta có một vấn đề lớn là “dân trí thấp”. Nói dân trí thấp sẽ có nhiều người tự ái. Nhưng ở thời của tôi, hầu hết các khu vực nông thôn, huyện thị nhỏ, sẽ có rất ít người đi học. Lý do chính, theo tôi, là những người đi học cũng không biết cuối cùng học xong sẽ đi làm ở đâu.

Đó là vấn đề cực kỳ quan trọng.

Những câu hỏi thường ngày, như học để làm gì, học có lợi ích gì, thú thực ở thời điểm của tôi chẳng ai giải thích nổi. Trong khi đó, ông bà cha mẹ đều kiếm tiền bằng tay chứ không phải tri thức. “Tay làm hàm nhai – Tay quai miệng trễ”. Mọi người đã quen với cuộc sống như vậy, nên trong đầu luôn ám ảnh câu nói đó, ai cũng sợ ngừng tay là chết đói. Ở thời đại của tôi chưa ai thấy học xong sẽ làm gì. Vì thế mà cha mẹ không tha thiết với việc học hành của con cái. Thay vào đó, người lớn chỉ thúc giục trẻ dậy sớm thức khuya, chăm chỉ làm lụng. “Giàu đâu những kẻ ngủ trưa – Hay đâu những kẻ say sưa tối ngày”. Ở trường học của tôi, cấp 1 gần như cả lớp không biết chữ, lên cấp 2 hơn nửa lớp không biết chữ, cứ đến mùa vụ già nửa lớp bỏ học, lớn một chút thì lấy vợ gả chồng để có người làm. Nói là bạn bè cùng lớp, nhưng có nhiều lứa tuổi, ví dụ lớp tôi có “cu X.” và “cu S.” là hai anh em ruột, nếu còn sống đến giờ đã ngoài bảy mươi. Hai anh em đúp lên đúp xuống, xuống học với tôi hết lớp 6 vẫn chưa biết đọc biết viết, rồi bỏ học. Năm tôi 34 tuổi, về quê đã có những bạn học cùng lên ông nội bà ngoại, tóc họ đã bạc và răng cũng đã rụng, bắt đầu chống gậy ra ngoài ngõ xóm.

Thời của tôi học sinh 7 tuổi là chững chạc như thanh niên.

Vì không chú ý đến việc học, đứa nào cũng được bố mẹ thúc giục làm việc, nên rất nhanh già trước tuổi. Những đứa trẻ thời của tôi phải làm gì? Chúng làm đủ thứ việc. Sáng 4 giờ phải dậy vớt bèo, thái chuối, nấu cám lợn, nấu cơm, quét tước nhà cửa sân sướng vườn tược. Sau đó đi học. Trưa về cơm nước. Chiều đi làm ruộng, chăn trâu, cắt cỏ. Chăn trâu bò bao giờ cũng mang theo một gơ phân, khi chúng ỉa phải hứng mang về, trên đường đi thấy phân phải gom vào gơ. Tối đến xay thóc, giã gạo, đan lát thêu thùa hay đủ thứ công việc, không có thời gian để học bài.

Nhưng lý do chính vẫn là chương trình giáo dục có vấn đề.

Bằng những trải nghiệm, những hiểu biết trong mỗi chuyến đi nước ngoài, tôi đã viết bài về sách giáo khoa dạy tập đọc của GS Hồ Ngọc Đại và sách Cánh Diều, tôi bị chửi tơi tả và còn bị cả những lời đe doạ. Tôi thấy rằng, sách dạy tập đọc “vuông tròn” của GS Đại, bắt đầu có xu hướng tiếp cận dạy ngữ âm rất sớm cho học sinh, chỉ 3-6 tháng trẻ đọc thông viết thạo, trong khi BGD yêu cầu trẻ học hết lớp 1 biết đọc biết viết. Cánh Diều cũng phá vỡ những quan điểm áp đặt tư duy, một lối dạy áp đặt một chiều lấy cái gọi là “đạo đức” để nguỵ trang che đậy, tạo nên những bộ óc xơ cứng về tâm hồn và nghèo nàn về nhân thức hay phản biện. Có một điều cực kỳ tồi tệ, sách giáo khoa ở ta vẫn đóng khung nội dung bắt học sinh phải học theo, đó là cơ sở để một số nhóm lợi ích độc quyền chia chác, nếu công cuộc “đốt lò” động vào đây chưa biết chừng sẽ có những thanh củi lớn.

Ở các nước phát triển, người ta bỏ sách giáo khoa từ rất lâu rồi, chỉ có khung chương trình.

Tôi lấy ví dụ như tập đọc, xu hướng giáo dục ở các nước phát triển họ không có sách giáo khoa đóng khung theo tiêu chuẩn, mà chỉ đưa ra yêu cầu lớp 1 phải đọc ở mức tốc độ 100 từ/phút (người lớn mỗi phút đọc 180 – 360 từ), phải có 5000 từ vựng, tự kể được 1 câu chuyện ngụ ngôn, hoặc 1 câu chuyện cổ tích, hoặc 1 thần thoại.

Quy định đó là khung chương trình DẠY – HỌC.

Căn cứ khung chương trình, giáo viên cùng với học sinh tìm các tài liệu để DẠY – HỌC. Tập đọc tập viết đâu cần phải cuốn sách giáo khoa. Có thể lấy một đoạn văn trong bài báo, một đoạn trong cuốn sách nào đó, hay trên Internet, thậm chí lấy một caption vui vui trên phây bốc hay tốc tốc gì đó cũng chẳng sao, miễn là nó phù hợp với nội dung và đạt mục tiêu của buổi học tập. Học sinh tự tìm tài liệu là chính, giáo viên hướng dẫn học sinh tìm và cùng tìm, phụ huynh cũng tham gia tìm.

Quá trình dạy – học đọc và viết, đầu tiên giáo viên hướng dẫn cụ thể, làm mẫu, sau đó giáo viên và học sinh cùng đọc và tìm hiểu, tiếp theo học sinh chia ra các nhóm để hoạt động.

Nhóm hoạt động về văn học sẽ tìm hiểu về thể loại tác phẩm, tác giả, nội dung câu chuyện, ý nghĩa câu chuyện, bài học rút ra. Nhóm hoạt động về ngữ âm, chẳng hạn như vuông vuông tròn tròn hay tam giác trong sách của GS Đại. Nhóm hoạt động về từ vựng, sẽ tìm hiểu chẳng hạn như “đớp” trong sách Cánh Diều chính là “ăn” nhưng sử dụng trong tình huống nào. Các em học sinh trong từng nhóm sẽ tự tìm kiếm, thảo luận nhóm, đưa ra những hiểu biết, quan điểm, chính kiến, nhận xét của mình để cùng thống nhất. Sau thảo luận trong nhóm là thảo luận giữa các nhóm, tự các em cử đại diện nhóm đứng ra trình bày, giáo viên sẽ giúp các em hoàn thiện nốt.

Học như vậy, đương nhiên các em sẽ tập đọc trôi trảy, hiểu sâu sắc câu chuyện, có thêm vốn ngữ âm, vốn từ vựng qua bài học.

Tài liệu sẽ không tránh khỏi những từ khó, từ mới, từ địa phương, những vấn đề mà chúng ta gọi là "nhạy cảm". Giáo dục hiện đại không cấm đoán tìm tòi, không hạn chế các em tìm tòi, không cực đoan. Chỉ những điều vi phạm đạo đức và thuần phong mỹ tục mới bị cấm.

Giáo dục ở các nước không dạy theo cách đóng khung kiến thức, bắt đứa trẻ phải tư duy theo cách người lớn. Ví dụ trong câu chuyện QUẠ VÀ CHÓ ở sách Cánh Diều, người Việt đang mặc định là dạy trẻ lươn lẹo lừa lọc, không nhân văn. Giáo dục hiện đại là gợi mở, không mặc định chó trong bài là xấu, quạ là thật thà khờ khạo; mà để tự học sinh đánh giá. Thực tế, ở góc nhìn người này thì chó là xấu, nhưng góc nhìn người kia chó làm như vậy cũng là bình thường, thậm chí người khác cho rằng quạ là ngu dại còn chó mới là khôn ngoan. Vấn đề là quan điểm, khi học sinh đã có quan điểm, thì các em cần bảo vệ trước những lời phản biện sao cho thuyết phục nhất.

Chúng ta mặc định từ này tốt đẹp và phổ thông dùng nó mới giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, từ kia là thô tục không được dạy cho trẻ, đó là tư duy đóng khung sai lầm và tệ hại.

Sách giáo khoa chỉ là phương tiện để dạy học, phương tiện thì không khó và không thiếu, nhưng cách dạy mới là quan trọng. Mà cách dạy thì nó phụ thuộc vào khung chương trình yêu cầu, vào kiến thức và chuyên môn sư phạm của giáo viên, vào cả phụ huynh nữa.

Lợi ích từ viết sách giáo khoa là không nhỏ, nhưng việc đóng khung chương trình trong cuốn sách giáo khoa, vô hình trung chúng ta đang dạy – học theo cái cách làm cho những đứa trẻ chán học ngay từ tấm bé, lớn càng học nhiều càng ngu. Cách dạy-học như vậy chỉ để học sinh ghi nhớ điều gì đó. Nhưng mục đích của việc học là để chúng ta có phương pháp tiếp cận với mọi vấn đề cuộc sống. Với cách dạy – học như hiện nay, tôi cho rằng, nó dẫn đến hậu quả nhiều người có bằng đại học nhưng bản chất vẫn là mù chữ.

Nhiều giáo sư tiến sĩ chẳng hơn gì giám đốc Hồ Hữu Tài.

clip_image002

T.V.P.

Nguồn: FB BS. TRẦN VĂN PHÚC

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.