Nếu không có Đảng

Nguyễn Đình Cống

Sau khi công bố bài “Một số nhận thức nhầm về đảng và Mác – Lênin, tôi nhận được nhiều sự đồng tình, đánh giá tích cực, nhưng đồng thời có một số phản hồi tiêu cực hướng vào công kích cá nhân với những lời thô tục, chứ không nêu được một ý kiến phản biện nào. Tôi không quan tâm các lời công kích như vậy của những kẻ bất chấp đạo lý, có trí tuệ và đạo đức thấp, quen “ngậm máu phun người”, hình như được thuê làm việc đó. Nhưng có một vài ý kiến tỏ ra có suy nghĩ, của một số người còn một ít lương thiện. Tôi rất muốn thức tỉnh họ, mong họ nhận ra nhầm lẫn, may ra có thể trở thành người hữu ích cho dân tộc, cho xã hội. Đó là ý kiến cho rằng “nhờ ơn Đảng ông được nuôi ăn học, được Đảng phong chức Giáo sư”. “Nếu không có Đảng thì đời của ông có được như bây giờ hay không?”. Để trả lời, tôi xin kể câu chuyện của hai người bạn. Chuyện này tôi đã viết cách đây gần 20 năm, bị thất lạc, nay viết lại.

Hai người là Nguyễn Trọng Thao quê Thanh Hóa và VP quê xứ Quảng. Tôi cùng họ là bạn học Trường Đại học Bách Khoa, cùng được sang Liên Xô làm và bảo vệ luận án Tiến sĩ, cùng đi Ạngiêri làm chuyên gia giáo dục tại một trường (1986-1989), cùng là đảng viên mà VP là bí thư chi bộ.

Môt hôm họp chi bộ bàn chuyện gì đó, Thao có nói rằng Đảng ta đã sai khi kiên trì Mác-Lê. Cuối buổi họp, VP nói với Thao ở lại để trao đổi riêng một chút. Thao hỏi có gì bí mật không, nếu không thì để tôi nói với đồng chí Cống cùng dự để làm chứng. VP đồng ý.

VP nói muốn trao đổi cùng Thao không phải với tư cách giữa bí thư chi bộ và đảng viên mà là tâm sự giữa hai đồng chí, hơn nữa là giữa hai người bạn học. VP góp ý rằng Thao đã có lệch lạc về nhận thức khi không tuyệt đối tin tưởng vào lãnh đạo của Đảng, không thật sự thấm nhuần Mác-Lênin. VP nói, nếu không có Đảng, không có Mác-Lênin thì cả ba chúng ta đây và bao người khác làm sao được như bây giờ.

Thao nói: Điều P nói rằng nếu không có Đảng… có thể rất đúng đối với nhiều người xuất thân nghèo khổ, không được học hành, năng lực bị hạn chế, trí tuệ chậm phát triển, ý chí nghị lực, bản lĩnh đều thấp. Còn đối với Thao thì không thế, mà chắc với Nguyễn Đình Cống cùng VP cũng như vậy, nghĩa là có Đảng thì như bây giờ, mà không thể nói là được hay bị, vì có được có mất, chứ không phải toàn được. Còn nếu không có Đảng thì chưa biết như thế nào. Cha mẹ Thao không giàu để bị quy là địa chủ, tư sản phải bị bần cố nông đạp xuống bùn đen vạn kiếp (thơ Tố Hữu, bài Ta đi tới). Họ có trí tuệ và lao động chăm chỉ nên đủ ăn và được kính trọng ở trong làng xã. Năm 1945 Thao đang học trường tiểu học ở huyện, thi đậu bằng yếu lược với kết quả xuất sắc. Nếu không bị rủi ro đến mức gặp tai nạn về thân thể hoặc khuynh gia bại sản phải bỏ học để trở thành vô sản làm thuê thì chắc Thao này cũng phát triển và thành đạt, có thể thành một phú ông hoặc trí thức nhỏ ở nông thôn, một doanh nhân, một tư sản hoặc trí thức bậc cao ở thành phố. Thao này không chịu sống kiếp thấp hèn phải trông chờ sự cứu giúp hoặc trông đợi từ bên ngoài. Còn may ra, biết đâu lại kiếm được học bổng du học thì rất có khả năng trở thành nhà khoa học, trí thức lớn, có tên tuổi như nhiều Việt kiều khác. Học vị tiến sĩ đối với Thao chưa phải là đỉnh quá cao.

Nhiều người rất thiếu trí tuệ nói bừa rằng danh vị giáo sư, tiến sĩ là do Đảng ban phát. Đúng là có một vài Hội đồng vì nghe theo chỉ đạo của một ông cán bộ cao cấp nào đó của Đảng, hoặc nhận hối lộ mà cấp bằng, cấp chức cho những đảng viên không đủ trình độ, tạo ra những trí thức của Đảng hữu danh vô thực. Còn như chúng ta ở đây, chẳng có Đảng nào cấp danh hiệu mà phải đạt được bằng trí tuệ cùng các hoạt động của mình.

Chúng ta đã cùng học với nhau cùng ngành, cùng lớp trong bốn năm, biết nhau cả. Về trí tuệ và nghị lực Thao và Cống đây không mấy thua kém ai. Còn nói nhờ Đảng nuôi và cho học thì không đúng hoàn toàn. Ở đại học quả là chúng ta được nhận học bổng của Nhà nước, nhưng đó là học bổng từ tiền thuế của dân chứ không phải của Đảng, tuy nhiên đó là việc mà nhà nước rất vui vẻ thực hiện để đào tạo người làm việc. Còn suốt thời gian học phổ thông thì cha mẹ phải nuôi, chứ đảng nào nuôi, trừ học sinh miền Nam tập kết, nhưng họ cũng được dân nuôi chứ không phải Đảng nuôi. Đảng còn phải sống và hoạt động bằng tiền thuế của dân thì nuôi được ai. Còn loại như Thao và Cống đây thì phải vừa làm thuê, lao động kiếm tiền hoặc đi ở làm người giúp việc để được tiếp tục học. Vì Đảng làm cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp mà khá nhiều con em tư sản, địa chủ, phú nông phải bỏ học giữa chừng.

Khi tiễn chúng ta sang Liên Xô, lãnh đạo cũng huấn thị rằng đừng nghĩ việc đi này là để hưởng lợi cá nhân mà phải thấy đây là nhiệm vụ được nhà nước và nhân dân giao phó, phải đi học, tích lũy kiến thức để trở về xây dựng đất nước, Đi học là nhiệm vụ được phân công, vì vậy phải học cho thật tốt. Đất nước, dân tộc cần những người chiến đấu chống quân thù, đồng thời cũng rất cần những lao động có trí tuệ để kiến thiết. Đi học nước ngoài cũng là làm nhiệm vụ được nhân dân giao phó.

Thực ra Đảng rất muốn ưu tiên việc đi học cho con em công nông, nhưng tìm không đủ người có thể học được nên mới phải cho loại như Thao và Cống đi học để về phục vụ việc xây dựng đất nước. Cũng đã có một số người được tuyển chọn theo thành phần với lý lịch đẹp, nhưng họ không thể học được, nên phải cho về. Nuôi chúng ta ăn học ở Liên xô cũng không phải do Đảng bỏ ra một xu nào cả, mà do Liên Xô viện trợ cho nhân dân ta, vậy cũng là tiền của dân chứ không phải của Đảng.

Nếu nói rằng Đảng cho chúng ta đi học thì cũng có phần đúng. Vì tuy Đảng không nuôi chúng ta, nhưng lại có quyền ngăn cấm việc học của chúng ta. Nhưng cũng chỉ có thể ngăn được phần nào thôi chứ khó triệt hạ những người có trí tuệ và bản lĩnh. Bị dìm xuống bùn đen, khi thả ra vật nặng sẽ chìm, nhưng vật nhẹ sẽ nổi lên mặt nước, tuy có bị vấy bẩn và xây xát.

Đảng tuyên truyền rằng nhờ có Đảng và Mác-Lênin mà chúng ta giành được độc lập, thống nhất, dân có được đời sống ấm no, hạnh phúc. Nếu không có Đảng thì dân ta còn chịu cảnh nô lệ lầm than, chịu áp bức bóc lột. Tuyên truyền như vậy là ngụy biện, là chỉ mới chọn dùng một phần sự thật, có ẩn chứa dối trá. Rất nhiều đất nước trước đây là thuộc địa, không có đảng cộng sản lãnh đạo, không tôn sùng Mác-Lê mà vẫn giành được độc lập bằng con đường khác không phải chịu tàn phá và không tốn xương máu. Rất nhiều nước không theo Mác-Lê mà vẫn phát triển, dân được sống tự do hạnh phúc.

Chúng ta đánh nhau, chịu nhiều tổn thất mới ký được hiệp định để quân Pháp và quân Mỹ rút về nước rồi đón ngay Trung cộng vào, miệng nói là bạn bốn tốt, nhưng thực chất là tôn làm thầy, làm cha để chịu sự dạy dỗ, sai bảo, lũng đoạn nhằm từng bước thôn tính. Khác nào đuổi hổ cửa trước rước sói cửa sau. Còn nhân dân, một số này thoát khỏi áp bức của thực dân thì số khác chịu áp bức của công an cộng sản. Một số này nhanh chóng giàu lên thì số khác, đông hơn vẫn nghèo đói. Tôi tưởng rằng luận điểm ngụy biện: ”Nếu không có Đảng…” chỉ lừa được một số người kém trí tuệ, không ngờ người có trình độ tiến sĩ như ông cũng không thoát ra được.

Thao nói một mạch, không ngừng nghỉ, không để cho VP hoặc tôi chen vào. Hình như Thao đã có nhiều suy nghĩ từ trước về vấn đề này, bây giờ có dịp tuôn ra như suối. Đến đây Thao dừng lại, không biết để tìm ý hoặc lấy hơi, tôi tranh thủ nói: Bác Thao nói thế tạm đủ rồi, hãy ngừng một lúc để cho bác VP trao đổi.

VP trách Thao là đã có 20 năm tuổi đảng mà lại có nhận thức kém đến thế. Rồi VP kể ra một số thành tích của Đảng mà nhiều người nghe tuyên truyền đến mức đã thuộc lòng. VP đã bênh vực Đảng bằng những lập luận rất hay của Tuyên giáo. Đúng là một bí thư chi bộ tốt, có năng lực, có trách nhiệm, và cũng là một người bạn trung thực, chỉ là có ý kiến bất đồng. Trong quan hệ bạn bè cần tôn trọng nhau và điều quan trọng nhất là tôn trọng sự bất đồng quan điểm.

Tạm biệt VP và Thao, tôi suy nghĩ về lập luận “Nhờ có Đảng chúng ta có ngày nay. Nếu không có Đảng thì chúng ta làm sao được như bây giờ”. Tôi phát hiện ra một vài điều cần phản biện, tìm ra những điều bị ẩn giấu để làm rõ bản chất.

Thứ nhất, khi nói “Có ngày nay” người ta ngụ ý là tốt đẹp là tiến bộ. Họ so sánh với ngày xưa của chúng ta, thấy rằng ngày nay khá hơn. Đó là so sánh theo chiều dọc, theo thời gian. Hơn nữa dân ta có thời kỳ quá cực khổ, không phải vì không có tài nguyên hoặc không biết làm ăn mà là do sai lầm của Đảng. Nhưng còn phải cần so sánh theo không gian, so sánh với các nước khác cùng hoàn cảnh nhưng không theo cộng sản. Có so sánh như thế mới thấy chúng ta thua kém họ về nhiều mặt.

Thứ hai, ngày nay ấy như thế nào, có phải cơ bản là tốt đẹp? Không ai đòi hỏi toàn bộ phải tốt đẹp mà cơ bản phải chấp nhận được về cả cuộc sống vật chất và tinh thần. Chúng ta có đạt được một số thành tích về kinh tế, văn hóa, nhưng trong toàn bộ, còn nhiều bất cập.

Về vật chất, đã một thời (1965 đến 1986) vì sai lầm về đường lối, cố thực hiện cho được con đường xã hội chủ nghĩa theo Mác-Lê mà đất nước kiệt quệ, suýt lâm vào nạn chết đói. Từ năm 1986, sửa sai, mở cửa thì lại nhanh chóng tạo ra bọn tư bản đỏ hoang dã. Chúng liên kết với kẻ có quyền thành các nhóm lợi ích, đón tư bản nước ngoài vào để phát triển kinh tế kèm theo hủy hoại môi trường sống của dân. Tuy rằng có nhiều công trình được xây dựng, đời sống của một số dân chúng được tăng lên, nhưng của cải lại tập trung vào tay các tư bản đỏ và quan chức tham nhũng, còn đại bộ phận công nhân vẫn bị bóc lột, nhiều nông dân vẫn nghèo, bị tước đoạt đất đai bằng luật pháp và cưỡng chế. Công hữu hóa đất đai tạo điều kiện cho quan chức tham nhũng.

Về đời sống tinh thần. Rõ ràng nhất là Quyền con người ít được tôn trọng, là sự xuống cấp của giáo dục và đạo đức, là tự do ngôn luận bị hạn chế, tự do tư tưởng bị cấm, là công lý bị vi phạm khi kết tội các nhà hoạt động cho dân chủ, phản biện chính quyền, là dân chủ giả hiệu trong bầu cử. Ngay đời sống tinh thần trong nội bộ Đảng cũng rất bất cập.

Thứ ba và là điều quan trọng nhất thuộc về suy luận. Đó là một kết luận vội vàng, vi phạm quy tắc logic, mắc lỗi ngụy biện. Lỗi ngụy biện này tuy không tinh vi, dễ phát hiện, nhưng được nhiều người có chức vị, có quyền hành lặp đi lặp lại nên đa số quần chúng tin và nói theo. Mà một điều dối trá được nói mãi sẽ đến lúc người ta tưởng nhầm là sự thật.

Suy luận: (1) – Nhờ có A nên có B.

(2) – Nếu không A thì không có B.

Đây là cách suy luận diễn dịch gián tiếp kiểu rút gọn tam đoạn luận với (1) là tiên đề và (2) là kết đề. Người ta nhầm, tưởng rằng suy luận như thế là chặt chẽ, nhưng không phải! Tiên đề (1) không là khẳng định toàn bộ, từ đó không thể rút ra một kết luận duy nhất nào cả (Nếu không A thì không chắc là có hay không có B). Như vậy kết đề (2) không được công nhận là đúng.

Trong suy luận người ta còn gắn vào ẩn ý mập mờ, rằng không có B thì sẽ có C ngược lại với B về tính chất (B là tốt, là thiện, thì C là xấu, là ác hoặc ngược lại).

Trong suy luận với tiên đề “Nhờ có Đảng chúng ta có ngày nay” còn chứa ẩn ý rằng ngày nay là độc lập, tự do, hạnh phúc và mọi điều tốt đẹp khác. Điều này đã được phân tích ở đoạn trên (Ý thứ hai, ngày nay ấy như thế nào…).

Tóm lại suy luận với các điều đưa ra là “Nhờ có Đảng” và “Nếu không có Đảng” là một loại ngụy biện, nhằm đánh lừa nhận thức của những người nhẹ dạ, cả tin. Mong rằng bài này sẽ giúp họ tỉnh ngộ ra được phần nào.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Đảng CS. Bookmark the permalink.