Nhìn lại Việt Nam năm 2022

RFA

2022.12.30

clip_image002

Các xe VinFast ở cảng Hải Phòng chuẩn bị xuất sang Mỹ lần đầu tiên vào ngày 25/11/2022 (minh hoạ). Reuters

Năm 2022 là một năm có nhiều sự kiện, hiện tượng hấp dẫn trong kinh tế chính trị Việt Nam. Những gì đã trải qua năm 2022 sẽ tạo một cái đà, một quán tính dẫn hướng đi cho Việt Nam trong năm tới. RFA tổng kết những sự kiện, hiện tượng quan trọng nhất của năm 2022. Chúng tôi chọn sự kiện nào là “quan trọng” với tiêu chí là sự kiện đó phải làm bộ lộ rõ nhất những vấn đề của Việt Nam, cả tích cực và tiêu cực. Các sự kiện và hiện tượng được chọn bao gồm: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng năm 2022, Bất động sản Việt Nam khủng hoảng, Xe hơi điện Vinfast đi Mỹ, công bố Dự thảo Luật đất đai – thắt chặt quyền sử dụng đất, Đại án test kit Việt Á, Đại án "chuyến bay giải cứu", Quan điểm của Việt Nam về cuộc xâm lược của Nga và Ukraine, Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, Quân đội Việt Nam nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, và cuối cùng là điểm lại Quan hệ Việt Trung.

Tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp

Tăng trưởng GDP năm 2022 ước tính là 8%. Lạm phát năm 2022 của Việt Nam được cho là dừng ở mức khoảng 4-6%. Đây là một mức lạm phát thấp, so với mức lạm phát của khu vực EU (trên 10%), Hoa Kỳ (trên 8%). Năm 2022 cũng là năm đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ cán mốc 100 tỷ USD, trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 730 tỷ USD.

Mức tăng trưởng cao và lạm phát thấp sẽ giúp Việt Nam có nhiều sức mạnh để đối phó với đà suy thoái toàn cầu có khả năng xảy ra vào năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, trao đổi với RFA, một cựu quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo:

"Việt Nam là nước phụ thuộc vào xuất khẩu, trong đó Mỹ và Châu Âu là hai thị trường lớn nhất nhưng có khả năng suy trầm trong năm tới. Ước tính Châu Âu tăng trưởng âm (-2%) và Mỹ chỉ còn 1%. Sức mua của hai thị trường lớn nhất này của Việt Nam suy giảm thì khả năng xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm. Nhìn rộng hơn hai thị trường này thì cũng không khả quan hơn, vì năm 2023, lượng thương mại quốc tế có khả năng chỉ còn 1% so với 3,5% trong năm 2022 vừa qua, theo ước tính của Tổ chức Thương mại Quốc tế. Theo nhiều nghiên cứu, tăng trưởng toàn cầu có khả năng chỉ còn 1,5%, trong khi năm 2022 là 2,9%. Tình trạng suy thoái kinh tế trên thế giới năm 2023 là vấn đề Việt Nam và tất cả các nước khác sẽ phải đối mặt. Song, với nguồn lực tích lũy được trong năm 2022, hy vọng Việt Nam sẽ biết sử dụng hợp lý và có đối sách kinh tế phù hợp để vượt qua khó khăn”.

Tất nhiên, những con số thống kê của Việt Nam về tăng trưởng và lạm phát có nhiều vấn đề. Như RFA đã phân tích hồi tháng 9, những con số thống kê về kinh tế Việt Nam của Tổng cục Thống kê có những mâu thuẫn. Điều đó có thể đặt ra vấn đề về mức độ tin cậy của thống kê kinh tế ở Việt Nam.

Đại án test kit Việt Á

Cuối năm 2021, Bộ Công an Việt Nam bắt ông Phan Quốc Việt, Giám đốc công ty Việt Á, khởi đầu cho chuỗi sự kiện liên quan đến đại án này trong năm 2022.

Đây là một án kinh tế và chính trị làm bộc lộ mọi vấn đề về thể chế của Việt Nam. Đầu tiên, nó là một vụ tham nhũng – hối lộ thông thường: doanh nghiệp hối lộ quan chức để dành quyền cung cấp sản phẩm (test kit) với số lượng lớn. Nhưng cách thực hiện của họ cho thấy một mạng lưới được tổ chức bài bản, liên quan đến nhiều bộ trung ương. Báo chí nhà nước đã phân tích nhiều về mạng lưới này: các cơ quan trung ương giúp Việt Á gây dựng “uy tín” (chạy chọt bằng khen, giấy chứng nhận, báo chí viết bài ca ngợi, dựa trên “đề tài nghiên cứu khoa học” cấp Bộ…), tạo cơ chế để khiến cho Việt Á một mình một chợ khi nhu cầu tăng vọt trong một thời điểm.

Việc hàng loạt quan chức cấp cao ở hàng chính khách bị bắt vị liên quan đến Việt Á đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của mạng lưới này. Nó làm rõ một vấn đề đã cũ: Việt Nam không có một hệ thống kiểm soát minh bạch và độc lập để ngăn chặn ngay từ đầu thảm họa này.

Những chuyến bay “ngạo nghễ Việt Nam” giải cứu đồng bào

Cùng với cụ test kid Việt Á, vụ Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao thu tiền đồng bào với giá cao để “giải cứu” đồng bào mắc kẹt trong đại dịch ở nước ngoài về nước cũng là một vết nhơ. Nhà nước Việt Nam công bố một danh sách dài các quan chức ngành ngoại giao dính đến vụ án này đã bị xử lý, từ cấp bộ trưởng, thứ trưởng, cục trưởng đến các đại sứ và cấp thấp hơn.

Vụ án này cũng làm bộc lộ các vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn test kid Việt Á.

Ở vụ test kid Việt Á, người dân không thể có thông tin để biết có tham nhũng, hối lộ trong vụ này hay không. Bộ Công an khởi tố, bắt người vi phạm thì dân mới biết. Nhưng ở vụ chuyến bay giải cứu thì khác. Người dân biết ngay “có vấn đề” khi họ phải trả chi phí với giá cao ngất ngưởng để được về nước trong những chuyến bay “nhân đạo”. Nhưng không có bất kỳ một phản ứng nào từ cả phía xã hội lẫn chính quyền để ngăn chặn từ đầu, không để cái sai lớn thành một đại án.

Không thể phủ nhận hệ thống kiểm soát nội bộ của Việt Nam vẫn có hiệu quả. Bằng chứng là Bộ Công an Việt Nam đã bắt hầu hết những người liên quan đến hai đại án Việt Á và “chuyến bay giải cứu”. Nhưng đây cũng chính là chỗ bộc lộ vấn đề: Xã hội chỉ biết đến Việt Á và “chuyến bay giải cứu” nếu Bộ Công an ra tay. Và chức năng của Bộ Công an là xử lý khi có sai phạm xảy ra. Ngăn chặn cái sai từ gốc là vấn đề của thể chế. Việt Nam không có một thể chế có khả năng ngăn chặn sai lầm từ gốc.

Thị trường bất động sản khủng hoảng  

Giáo sư Đặng Hùng Võ trao đổi với RFA qua emai về một hiện tượng đáng chú ý năm 2022 là “nhiều đại gia bất động sản bị bắt do phát hành trái phiếu doanh nghiệp trái pháp luật như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Tịnh Phát; nợ xấu của các ngân hàng thương mại đã xuất hiện, gây tác động làm thị trường bất động sản rơi vào đóng băng”.

Đầu và giữa năm 2022, song song với việc Bộ Công an Việt Nam bắt nhiều “đại gia” bất động sản là Ngân hàng Nhà nước xiết chặt chính sách tài chính hỗ trợ bất động sản. Kết quả là bất động sản Việt Nam từ chỗ đang là “bong bóng” có thể phình to đến mức nổ bất kỳ lúc nào chuyển sang “suy thoái”. Cuối năm 2022, tình hình thay đổi, Chính phủ Việt Nam đã lên kế hoạch phục hồi ngành bất động sản.

Theo Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia của Việt Nam, ngành bất động sản và những ngành liên quan đóng góp 24,3% GDP của Việt Nam. Đây là mức đóng góp được đánh giá là “vô cùng quan trọng” đối với nền kinh tế.

Những biến động năm 2022 của ngành bất động sản cũng phản ánh những bất ổn ở cấp độ hệ thống của kinh tế và chính trị Việt Nam. Trước hết, về mặt luật pháp, Việt Nam để cho bất động sản và ngân hàng sở hữu chéo lẫn nhau, khiến an ninh tài chính bị buộc vào sự lên xuống của bất động sản. Hiện tượng sở hữu chéo này là điều bị cấm ở nhiều nước phát triển. Thứ hai, các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng lỏng lẻo, đủ để cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ở quy mô thiếu kiểm soát, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản.

Theo Bộ Tài chính, tổng khối lượng trái phiếu phải đáo hạn trong năm 2022 là hơn 144.000 tỷ đồng. Ở các năm tiếp theo, con số này sẽ càng lớn hơn: hơn 271 ngàn tỷ đồng vào năm 2023, khoảng 330 ngàn tỷ đồng vào năm 2024, tổng khối lượng TPDN đến hạn trả nợ trong vòng 3 năm tiếp theo lên tới 745.400 tỷ đồng. Chính phủ Việt Nam chưa có giải pháp nào cho cục nợ này.

Đáng chú ý là khi tập đoàn bất động sản Vạn Thịnh Phát bị điều tra, một số nhân vật cấp cao của tập đoàn này đã chết đột ngột. Những cái chết bất thường này trở thành một sự kiện được xã hội chú ý: ông Nguyễn Tiến Thành, 49 tuổi, Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên HĐQT độc lập SCB; bà Nguyễn Phương Hồng, 38 tuổi, bị bắt cùng ngày với bà Trương Mỹ Lan, chết ngày 9/10/2022 (trong lúc bị tạm giam); ông Nguyễn Ngọc Dương, 49 tuổi, giám đốc công ty con của Vạn Thịnh Phát là Sài Gòn Peninsula, chết ngày 14/10/2022.

Xe hơi điện VinFast đi Mỹ 

Năm 2022, hãng xe VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup của ông tỷ phú bất động sản Phạm Nhật Vượng xuất khẩu sang Mỹ 999 chiếc xe hơi điện. Đây chỉ là hoạt động của một doanh nghiệp, nhưng có ý nghĩa đối với ước mơ phát triển công nghệ của Việt Nam, một nước mà nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào bất động sản. Bởi đây là lần đầu tiên, một công ty Việt Nam có thể xuất khẩu một sản phẩm công nghệ, thay vì chỉ là xuất khẩu tài nguyên, xuất khẩu lao động, nông sản, dệt may… như trước đây. Ngày 999 chiếc xe hơi này rời cảng, cả thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đều có mặt.

Tuy nhiên, bước khởi đầu này không đơn giản cho Vingroup. TS. Nguyễn Lê Tiến nhận xét về khả năng thành công của VinFast:

“Sự kiện này làm nhiều người Việt tự hào. Nhưng sản phẩm làm ra cốt để bán, không phải để tự hào, vì có bán được mới sống được, phát triển được. Không bán được thì giống như đem tiền đi đốt.

Để bán được xe thì phải đặt mình vào vị thế của khách hàng chứ không phải ước mơ của mình. Ở Mỹ, chiếc xe hơi cũng là một tài sản không nhỏ. VF-8 của VinFast có giá 47.200 USD và phải thuê pin. Trong khi đó, loại xe SUV tương tự như VF-8 ở Mỹ có VW-ID 4 của Đức có giá chỉ 37.945 USD. Xe Toyota-Bz4x của Nhật chỉ có giá 42.000 USD. Còn IOniq của Hyundai Hàn Quốc chỉ có 41.500 USD. Tất cả đều rẻ hơn xe của VinFast, bán kèm pin, và họ có lịch sử lâu đời, vốn kinh nghiệm, tri thức và tài chính đều lớn hơn VinFast, vốn đang ở giai đoạn khởi nghiệp. Tesla đắt hơn, nhưng Tesla có lợi thế của người tiên phong, uy tín và danh tiếng đã được xác lập.

Đặc biệt, họ có xe hơi xăng để bù lỗ cho giai đoạn phát triển thị trường và công nghệ cho xe hơi điện. Còn đứng đằng sau sản phẩm xe hơi điện của Vinfast là bất động sản, năm qua và năm tới còn gặp nhiều khó khăn.

Đó là chưa kể vốn của Vingroup là con số âm khá lớn. Theo cáo bạch của Vinfast khi phát hành cổ phiếu trên NASDAQ, tổng tiêu sản là 8,4 tỷ USD, gấp đôi tích sản là 4,4 tỷ USD. Testla của Elon Musk, Toyota của Nhật đều đã đốt tiền gần 20 chục năm qua để nghiên cứu công nghệ xe hơi điện. Ông Vượng là tỷ phú, nhưng tài sản chỉ có khoảng 4,5 tỷ USD, không rõ năm 2023 và tương lai thế nào, còn xét ở hoàn cảnh hiện nay thì chưa đủ tiền để đốt cho cuộc chơi này.

Ngoài ra còn nhiều chuyện nữa, khá đau đầu cho VinFast, như thị trường đang lao dốc, cả Tesla cũng xuống -70%, Rivian, Lucid lao xuống hơn -80%. Kinh tế thế giới nhìn chung có xu hướng suy trầm trong năm 2023. Trong bối cảnh này, không cách gì VinFast đòi giá trị đến 60 tỷ USD được. Khác với các công ty bình thường, trước khi IPO đã có nhiều đợt định giá và tăng vốn với các công ty tài chính lớn, danh tiếng. VinFast không có ai cả, chỉ đi vay, không gọi được đầu tư.

Và quan trọng nhất, xem giá cả mà VinFast chào bán như phân tích ở trên thì thấy rõ ràng là họ dường như không có mục đích bán hàng thực sự”.

Công bố Dự thảo luật đất đai: thắt chặt quyền sử dụng đất

Năm 2022, Quốc hội Việt Nam công bố dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, thay thế cho Luật Đất đai hiện hành, có hiệu lực từ 2013. Đất đai là vấn đề nóng của Việt Nam suốt hơn hai mươi năm qua. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam không công nhận công dân có quyền sở hữu đất như là quyền tài sản mà chỉ có “quyền sử dụng” đất. Trên cơ sở này, Nhà nước có thể tước quyền “sử dụng đất” của dân trong những trường hợp vì “an ninh quốc gia” và “lợi ích công cộng”. Sau nhiều lần sửa đổi, “an ninh quốc gia” và “lợi ích công cộng” trong Luật Đất đai hiện hành đã bao gồm cả các dự án bất động sản thương mại của tư nhân. Điều này đã gây ra nhiều vấn đề xã hội nhức nhối ở Việt Nam.

Dự thảo Luật Đất đai năm 2022 đã không sửa đổi những vấn đề ấy. Dự thảo Luật này vẫn đang được Quốc hội Việt Nam thảo luận, sửa đổi và dự kiến sẽ được thông qua trong năm 2023. Trao đổi với RFA qua email, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng một vấn đề Việt Nam cần chú ý trong năm 2022 và những năm sắp tới là “hệ thống pháp luật với quá nhiều luật xung đột nhau, trong một nền kinh tế thị trường vẫn do Nhà nước điều khiển, đã làm cho một số lượng lớn cán bộ có thẩm quyền lâm vòng lao lý”.

Trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc  

Ngày 11/10/2022, tại trụ sở Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (New York, Mỹ), Việt Nam đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025, gồm 14 thành viên.

Nhưng đến cuối năm, Việt Nam lại bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào danh sách những nước “cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo”.

Trong năm 2022, Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, còn chính trường Hàn Quốc từng dậy sóng vì nước này lại mất ghế ở Hội đồng này. Trong khi đó, theo Freedom House, một tổ chức phi chính phủ ở Washington DC, Hàn Quốc được xếp hạng là nước “tự do”, còn Việt Nam là “không tự do”. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đánh giá Hàn Quốc là “một nền dân chủ lâu đời, phần lớn tôn trọng các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.” Đối với Việt Nam, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá là có “hồ sơ nhân quyền tồi tệ”, “các quyền cơ bản, bao gồm tự do ngôn luận, chính kiến, báo chí, lập hội và tôn giáo, đều bị hạn chế”.

Trao đổi với RFA, TS. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc BPSOS, nhận xét:

“Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là một điều tốt. Bởi lẽ, khi ở trong Hội đồng này, Việt Nam sẽ được theo dõi sâu sắc hơn, không thể tránh né các chỉ trích.

Trong chính giới Mỹ, có nhiều quan chức muốn ủng hộ Việt Nam và né tránh vấn đề nhân quyền, muốn nói chuyện với Việt Nam từ những vấn đề cả hai bên đều đồng thuận với nhau. Nhưng hệ thống chính trị Mỹ có những định chế và luật pháp không ai có thể can thiệp tuyệt đối hoặc bỏ qua.

Hoa Kỳ có luật về tự do tôn giáo quốc tế, yêu cầu Bộ Ngoại giao phải báo cáo Quốc hội, xây dựng danh sách những nước cần theo dõi đặc biệt và tường trình cho Quốc hội một cách cụ thể. Mỹ làm như vậy vì lý tưởng nhân quyền là lý tưởng mà “người Mỹ” đã đấu tranh từ trước khi lập quốc. Chúng ta biết rằng lịch sử Hoa Kỳ là lịch sử của những người chạy khỏi Châu Âu vì bị đàn áp tôn giáo, và lịch sử của họ cũng phải đối đầu với vấn đề buôn người nô lệ. Vì vậy mà hai vấn đề nhân quyền mà nước Mỹ quan tâm nhất là “tự do tôn giáo” và “chống nạn buôn người”.

Mặt khác, họ không muốn số lượng những nước vi phạm nhân quyền tăng lên và ảnh hưởng tới họ. Ngược lại, càng nhiều nước tôn trọng nhân quyền thì Mỹ càng có nhiều đồng minh và mạnh hơn”.

Quan điểm về cuộc chiến Ukraine và ảnh hưởng tới quan hệ quốc tế

Ngày 22/12/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng “triển khai đồng bộ” công tác “hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng,” “tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế,” thực hiện “kế sách bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” bằng biện pháp hòa bình”.

Trong chỉ đạo này, “tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế” chính là thông điệp trung tâm.

RFA đặt câu hỏi với TS. Nguyễn Đình Thắng: “Quân đội Việt Nam làm điều này bằng cách nào khi mà cuối năm 2022, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông báo đưa Việt Nam vào diện “theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”? Quan hệ Việt Mỹ sẽ ra sao?”. TS. Thắng phân tích:

“Thực ra hai việc này không liên quan với nhau nhiều. Việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, đặc biệt là chủ quyền biển đảo, là vấn đề sinh tử của Chính quyền Việt Nam. Các nước Phương Tây và Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam thì cũng vì nhu cầu địa chính trị và lợi ích quốc gia của mình. Lợi ích tự nhiên này sẽ làm cho họ hợp tác với nhau. Sự hợp tác này sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi các vấn đề về nhân quyền.

Vấn đề ảnh hưởng lớn nhất đến sự hợp tác về mặt bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia của Việt Nam với Hoa Kỳ và phương Tây chính là thái độ bênh vực Nga của Việt Nam. Việt Nam thường xuyên dùng những ngôn từ hay ho như “tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia khác”, “tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc”… nhưng 5 lần bỏ phiếu ở Liên Hiệp Quốc thì trái ngược với lời nói. Việc này đã làm Hoa Kỳ và phương Tây hiểu Việt Nam chọn bên nào.

Tất nhiên, ảnh hưởng tiêu cực không đến ngay lập tức vì lợi ích địa chính trị của cả hai bên vẫn còn. Nhưng nó sẽ đến từ từ, khi họ không còn kiên nhẫn”.

RFA điểm lại 5 lần bỏ phiếu của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc về cuộc chiến Ukraine. Nội dung của cả 5 nghị quyết này của Liên Hiệp Quốc đều phù hợp với tuyên bố của Việt Nam là “tôn trọng độc lập, chủ quyền” của các quốc gia, Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, nhưng Việt Nam khi thì bỏ phiếu trắng (từ chối ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc) khi thì bỏ phiếu chống (ủng hộ phía Nga).

Ngày 2/3/2022, ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine, Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án chiến tranh xâm lược, yêu cầu Nga ngừng bắn. Việt Nam bỏ phiếu trắng. Nghị quyết được thông qua.

Ngày 24/3/2022, Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết quy trách nhiệm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine cho Nga, kêu gọi Nga ngừng bắn, bảo vệ dân thường, hạ tầng dân sinh. Việt Nam bỏ phiếu trắng. Nghị quyết được thông qua.

Ngày 7/4/2022, Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết loại bỏ Nga khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, vì Quân đội Nga vi phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. Việt Nam bỏ phiếu chống. Nghị quyết được thông qua.

Ngày 12/10/2022, Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu phản đối Nga âm mưu sáp nhập bốn vùng lãnh thổ chiếm đóng của Ukraine. Việt Nam bỏ phiếu trắng. Trong khi đó, Đại sứ Campuchia tại Liên Hiệp Quốc nói thẳng: “Việc sáp nhập cưỡng bức các vùng lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế. Đó là điều không thể chấp nhận được”.

Ngày 14/10/2022, Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu cho nghị quyết yêu cầu Nga bồi thường chiến tranh cho Ukraine. Việt Nam một lần nữa bỏ phiếu trắng.

Quân đội Việt Nam nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí

Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 12 năm 2022. Dù là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện như vậy, có 170 đơn vị, công ty của 31 nước (bao gồm chủ nhà) tham dự.

Hầu hết những nước có nền quân sự mạnh như Hoa Kỳ, Anh, Nhật, Ấn Độ, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Canada, Nga đều tham dự. Đáng chú ý là theo Reuters, dù nhận được lời mời, Trung Quốc từ chối tham dự Triển lãm này của Việt Nam.

Cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine đe dọa trực tiếp đến an ninh của Việt Nam. Lý do là Việt Nam đã lệ thuộc khoảng 80% vào vũ khí Nga, bao gồm tiếp liệu đạn dược, bảo dưỡng vũ khí, thay thế thiết bị quân dụng. Cuộc chiến này sẽ làm Nga bị phong tỏa, cấm vận toàn diện. Những nước nhập khẩu vũ khí từ Nga, cần các thiết bị bảo dưỡng và cung cấp đạn dược định kỳ từ Nga như Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cuối năm 2022, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Úc có bài trên tờ Diplomat chỉ ra rằng Triển lãm Quốc phòng Quốc tế của Việt Nam cuối năm 2022 chính là biểu hiện của nỗ lực thoát khỏi sự lệ thuộc vào vũ khí Nga.

Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc

Từ ngày 30/10 đến 1/11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc, trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến Bắc Kinh chúc mừng ông Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ 3. Chuyến thăm trở thành đề tài thảo luận của nhiều chuyên gia quan tâm đến quan hệ Việt Trung.

Bản Tuyên bố chung đưa ra nhân chuyến thăm này có một điểm mới so với bản tuyên bố chung năm 20172011 là nêu trực tiếp rằng hai nước sẽ tuân thủ Luật biển Quốc tế (UNCLOS). Tuy nhiên, trước khi nhắc đến việc tôn trọng UNCLOS, bản Tuyên bố chung này đã nói trước là hai bên nhất trí tiếp tục “bàn bạc các biện pháp (…) không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương của mỗi bên; tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được”. Trong khi đó lập trường và lợi ích quốc gia của hai nước đối với vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa vốn trái ngược nhau.

Trong chuyến thăm này, Việt Nam và Trung Quốc ký 14 thỏa thuận có thể định hình lại quan hệ kinh tế. Một trong số thỏa thuận đó là Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công nghiệp Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc khuyến khích “tăng cường cộng tác để đảm bảo giây chuyền cung ứng…, giải quyết các tắc nghẽn, chậm chạp trong cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam”… Một phần nguyên nhân của những vấn đề trên là do chính sách Zero-Covid của Trung Quốc. Các thỏa thuận kinh tế này được đánh giá là có tác động tích cực cho Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn tuyên bố những lời lẽ hữu hảo với Việt Nam nhưng đến cuối năm 2022, Trung Quốc đã hoàn tất việc trang bị vũ khí tấn công hiện đại cho các căn cứ quân sự ở Trường Sa. Việc này đã đánh dấu sự hình thành một chuỗi căn cứ quân sự bao quanh Việt Nam từ nhiều hướng.

Cuối năm 2022, Trung Quốc cũng hoàn thành một phần việc xây dựng đảo nhân tạo trên bãi đá Ba Đầu và một loạt bãi đá khác ở Trường Sa. Hôm 20/12, hãng thông tấn Bloomberg loan tin nói trên. Ngoài bãi đá Ba Đầu, các bãi đá đang được Trung Quốc xây đảo nhân tạo gồm An Nhơn, Tri Lễ và Đá Én Đất. Như RFA đã đưa tin, nhà nghiên cứu Hoàng Việt khẳng định với RFA là “thông tin này rất là xác thực” vì “Bloomberg đưa tin kèm hình ảnh vệ tinh”.

Trao đổi với RFA, một nhà nghiên cứu về Biển Đông không muốn nêu tên nhận xét về thông tin Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên Đá Ba Đầu:

“Việc Trung Quốc cải tạo đá Ba Đầu là một bước đi chiến lược. Vì bãi đá này vốn trước đây có địa chất không ổn định, thường xuyên thay đổi địa hình do tác động của gió bão và sóng biển. Sự biến đổi địa hình của nó sẽ tác động đến cục diện khu vực do các quy ước trong Luật biển Quốc tế.

Trong quá khứ, đôi khi đá Ba Đầu nổi lên khỏi mặt nước. Theo Luật biển Quốc tế thì quốc gia nào chiếm được nó có thể đòi hỏi 12 hải lý lãnh hải xung quanh.

Đôi khi nó lại chìm hẳn dưới mực nước biển. Lúc này, theo Luật biển Quốc tế thì nó chỉ là một phần của thềm lục địa của Philippines. Nó cũng nằm trong 12 hải lý của đảo Sinh Tồn Đông do Việt Nam kiểm soát, nhưng theo nguyên tắc đất thống trị biển thì nó vẫn thuộc về Philippines.

Nếu thông tin Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo để nó nổi hẳn lên khỏi mực nước biển là xác thực, thì theo UNCLOS, hành vi này không có giá trị pháp lý. Nhưng Trung Quốc không cần pháp lý ở đây. Đá ba Đầu là nơi nằm án ngữ đường đi vào đá Sinh Tồn Đông do Việt Nam kiểm soát nên vị trí này có ý nghĩa chiến thuật không nhỏ với Việt Nam. Ngoài ra, Đá Ba Đầu nằm gần căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng trên Đá Vành Khăn. Căn cứ Vành Khăn hiện đứng trơ trọi, cách xa các căn cứ ở Đá Subi và Đá Chữ Thập. Do đó, nếu Trung Quốc cải tạo được Đá Ba Đầu và nâng nó lên thành căn cứ quân sự thì có thể tạo thế liên hoàn vững chắc, hỗ trợ cho căn cứ Đá Vành Khăn”.

Hồi đầu năm, Đô Đốc John C. Aquilino, Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (INDOPACOM) Hải Quân Hoa Kỳ đã bay thị sát Biển Đông ngày 21 Tháng Ba 2022. Sau chuyến thị sát, ông khẳng định Trung Quốc đã hoàn toàn “quân sự hóa” các hòn đảo họ xây dựng bất hợp pháp. Họ đã bố trí các hệ thống vũ khí tấn công hiện đại như tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không, súng laser, hệ thống gây nhiễu điện tử, máy báy chiến đấu và chiến hạm. Việc bố trí quân sự này đe dọa tất cả mọi quốc gia xung quanh.

Ở hướng tây nam, trên Vịnh Thái Lan, Trung Quốc đã xây dựng căn cứ quân sự ở Ream thuộc Campuchia. Gần đây, ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trao đổi với RFA rằng “chính phủ Việt Nam nên lo lắng hơn cả chính phủ Hoa Kỳ về các thiết bị quân sự và căn cứ hải quân của Trung Quốc (ở Campuchia trên Vịnh Thái Lan,) bởi vì trong thời bình chúng cho phép Trung Quốc theo dõi mọi việc Việt Nam làm ở miền Nam”.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

This entry was posted in Việt Nam. Bookmark the permalink.