‘Một lần rồi thôi’: Điều chỉnh điều bình thường trong giai đoạn bất thường

Quỳnh Thư

(KTSG Online) – Nếu trước đây, nhiều người xem xếp hàng từ ba bốn giờ sáng để lấy số thứ tự khám bệnh là điều bình thường, thì trong năm nay 2022 lại có thêm vài “điều bình thường” tương tự như vậy.

Trong số đó, có thể kể xếp hàng lấy số thứ tự cho con đi học (ở Hà Nội) hay gần đây hơn là xếp hàng mua xăng từ sáng sớm tại nhiều địa phương.

Và hiện tượng mới nhất là xếp hàng lấy số thứ tự để làm thủ tục lãnh bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

Số lượng người lao động chọn lãnh BHXH một lần đã gia tăng đột biến từ đầu năm nay, rồi tạm lắng xuống một thời gian trước khi “trở lại mạnh mẽ” vào cuối năm. Ai chiếm số đông nhất trong số nhóm người lao động này? Câu trả lời là tuyệt đại đa số nếu không nói là tất cả đều là công nhân có thu nhập thấp.

Nhưng vì sao lại là đầu năm và cuối năm? Xin thưa, hồi đầu năm Việt Nam vừa thoát khỏi giai đoạn trầm trọng nhất của đại dịch Covid-19 không lâu. Khi đó, nhiều người lao động bị mất việc, bị giảm lương cần tiền để trang trải cuộc sống. Sau đó, trong một thời gian ngắn, nhịp điệu kinh tế trở lại có khởi sắc hơn. Nhưng rồi, chiến tranh giữa Nga và Ukraine đã khiến kinh tế thế giới xấu đi, ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Đến cuối năm nay, nhiều nhà máy thiếu đơn hàng, thiếu việc cho công nhân khiến một số lượng lớn công nhân “bị nghỉ Tết” sớm và dài ngày, điều chưa từng có. Thế là “phong trào” lại quay trở lại.

Thực ra, thường thì số tiền trả BHXH một lần nói trên chỉ vài chục triệu đồng cho mỗi trường hợp, không phải là quá lớn so với thu nhập của nhiều người Việt. Tuy nhiên, với người lao động xếp hàng từ sáng sớm tại các điểm chi trả BHXH, số tiền đó lại rất đáng kể, có thể giúp họ có một ít vốn làm ăn khi trở về quê, xây sửa nhà cửa, hay – trong một số trường hợp – đơn giản là mua một chiếc xe gắn máy mới.

Dĩ nhiên, nghĩ cho cùng, lãnh “một lần rồi thôi” là thiệt thòi lớn cho người lao động về lâu về dài. Khi đã lãnh BHXH một lần, ngoài việc phải chịu thiệt “đóng nhiều lấy ít” (một năm đóng 2,64 tháng lương nhưng chỉ lấy ra được hai tháng), người lao động sẽ không còn cơ hội hưởng lương hưu và một số chế độ khác (nếu không tiếp tục đóng lại BHXH). Tuy nhiên, với người lao động có thu nhập thấp “làm đồng nào xào đồng nấy”, lương hưu là điều quá xa vời. Họ phải giải quyết những vấn đề sống còn trước mắt và lãnh BHXH một lần là cơ hội trong tay duy nhất để có được một khoản tiền không nhỏ đối với họ. Do vậy, dù lãnh BHXH một lần lợi ít hại nhiều, đó vẫn là một quyền chính đáng của người lao động.

Vậy nên, nhằm hạn chế tình trạng không đáng có này, cần có các chính sách ngắn hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, cần đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của BHXH khi về hưu và các bất lợi nếu lãnh BHXH một lần. Công đoàn lẽ ra phải có vai trò rõ nét nhất trong vấn đề này, nhưng cho đến nay, lại rất khó thấy bóng dáng công đoàn ở đâu.

Một vấn đề khác liên quan đến doanh nghiệp. Theo quy định hiện hành, người lao động chỉ có thể lãnh BHXH một lần một năm sau khi ngừng đóng khoản này. Thế là xảy ra hiện tượng thỏa thuận giữa công ty và người lao động chuyển sang chế độ hợp đồng dù người lao động thực chất vẫn làm công việc trước đây. Nhiều công ty chấp nhận cách làm này vì vừa đáp ứng yêu cầu của công nhân vừa khỏi đóng BHXH cho họ.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời một đại diện của BHXH TPHCM cho biết nếu phát hiện doanh nghiệp đóng BHXH không đủ – dù theo đề nghị của người lao động – cơ quan BHXH vẫn đề nghị truy thu số tiền BHXH lẽ ra doanh nghiệp phải đóng(1). Một mặt, chủ doanh nghiệp cần ý thức được trách nhiệm của họ trong vấn đề này, mặt khác các cơ quan chức năng cần kiểm tra chặt chẽ hơn nữa việc tuân thủ quy định đóng BHXH.

Ngoài ra, còn có một chuyện bên lề nhưng không phải không quan trọng. Đó là “thị trường mua bán sổ BHXH”. Ngay cả các nhà quản lý cũng khó hình dung rằng có ngày sổ bảo hiểm xã hội được sử dụng như một loại “giấy tờ có giá” và được thế chấp, mua bán trên thị trường không khác gì lắm so với việc mua bán nợ giữa các bên. Đã có hiện tượng cho vay dùng sổ BHXH để thế chấp, rồi ép người vay rút BHXH một lần để trả nợ như bán lúa non(2). Nếu lâm vào tình cảnh này, người lao động phải chịu thiệt đơn, thiệt kép.

Về dài hạn, cần sửa luật liên quan đến BHXH, như giảm tổng thời gian tối thiểu đóng BHXH để hưởng lương hưu, tăng quyền lợi đối với người đóng BHXH chưa lãnh BHXH một lần, có gói hỗ trợ xã hội cho người lao động gặp khó khăn.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 15-12, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tỏ ra không đồng ý với Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam – người trong báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó cho rằng việc rút BHXH một lần năm 2022 là “không bất thường” nếu so với giai đoạn 2016 – 2021(3).

Theo ông Phương, đây là một “hiện tượng bình thường trong cả giai đoạn bất bình thường”. “Mình nói không bất thường là không đúng”, vị phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Điều “bình thường trong giai đoạn bất thường” này cần được giải quyết căn cơ.

———–

(1)https://tuoitre.vn/ngan-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-duoc-khong-20221223090449968.htm

(2)https://tuoitre.vn/lam-gi-de-han-che-rut-bao-hiem-xa-hoi-1-lan-202206210817448.htm

(3)https://tuoitre.vn/nguoi-rut-bhxh-mot-lan-tang-pho-chu-tich-quoc-hoi-noi-khong-bat-thuong-la-khong-dung-202212151545212.htm

Q.T.

Nguồn: Thesaigontimes

This entry was posted in Bảo hiểm xã hội. Bookmark the permalink.