Đừng sợ nước Nga sụp đổ

Tại sao phương Tây do dự về một chiến thắng rõ ràng của Ukraine?

Kristi Raik

Don’t Be Afraid of a Russian Collapse, Foreign Policy, DECEMBER 8, 2022

Bauxite Việt Nam dịch

clip_image002

Tổng thống Hoa Kỳ George H. W. Bush và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev bắt tay sau khi tổ chức một cuộc họp báo ở Moscow vào ngày 31 tháng 7 năm 1991. REUTERS/RICK WILKING

Vào tháng 8 năm 1991, Tổng thống George H.W. Bush đã đến Kyiv để khuyên người Ukraine không tuyên bố hình thành nhà nước độc lập. Chỉ vài tuần trước khi Ukraine tuyên bố độc lập và chỉ vài tháng trước khi Liên Xô tan rã, Bush đã lo lắng về sự sụp đổ của chính quyền Xô Viết. Những lo lắng như vậy đã được lặp lại vào thời điểm đó  bởi các nhà lãnh đạo phương Tây khác, bao gồm Thủ tướng Đức Helmut Kohl và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Họ sợ rằng nếu không có sự kiểm soát liên tục của Moscow đối với đế chế của mình, tương lai của đất nước này sẽ bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc, xung đột sắc tộc và vũ khí hạt nhân sẽ rơi vào tay những kẻ vô trách nhiệm. Những nhà lãnh đạo phương Tây này, với tất cả những thành tựu của họ trong việc xoay xở để kết thúc Chiến tranh Lạnh, đã đi sai hướng của lịch sử đối với câu hỏi cơ bản về quyền tự quyết của các dân tộc bị Moscow giam cầm. May mắn thay, Ukraine và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác hiện đã độc lập đã không nghe lời họ.

Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến những nỗi sợ hãi tương tự ở các thủ đô phương Tây. Với chế độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin đang trong vòng xoáy đi xuống do cuộc chiến thảm khốc của Điện Kremlin xâm lược Ukraine, sự sụp đổ của chế độ Nga và thậm chí cả sự tan rã có thể xảy ra của nước Nga đã trở thành nguyên nhân chính gây lo ngại. Sự ủng hộ của công dân Nga đối với cuộc chiến đã giảm đi, sự chỉ trích trong nước gia tăng bất chấp sự đàn áp khắc nghiệt, và hàng trăm nghìn người đàn ông Nga đã rời khỏi đất nước kể từ khi Putin tuyên bố động viên một phần vào cuối tháng 9.

Một lần nữa, phương Tây do dự về cách thức đúng đắn để quản lý những căng thẳng này và có thể sẽ mắc phải sai lầm tương tự như năm 1991. Một số nhà lãnh đạo phương Tây đã tỏ ra lo sợ về một chiến thắng của Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga đang diễn ra – một viễn cảnh mà nhiều người khó có thể nói ra. Kết quả là xuất hiện một loạt các tuyên bố lập lờ để tránh né vấn đề kết thúc cuộc chiến. Thay vì sử dụng những ngôn từ rõ ràng về chiến thắng của Ukraine, các nhà lãnh đạo phương Tây lại tập trung vào việc phủ nhận thành công mà ông Putin đang tìm kiếm. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đi xa nhất cũng chỉ đến chỗ tuyên bố rằng Putin “không thể thắng”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã không bỏ lỡ cơ hội nào để tuyên bố mong muốn đàm phán với Putin, thậm chí còn gợi ý rằng bất kỳ sự chấm dứt nào đối với cuộc chiến tranh diệt chủng của Điện Kremlin đều không được làm bẽ mặt nhà lãnh đạo Nga.

Do đó, nhìn sâu vào sự đoàn kết phi thường xuyên Đại Tây Dương trong việc phản đối cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga, sẽ thấy có sự khác nhau rất lớn giữa mối quan tâm của các nước láng giềng sát cạnh Nga và mối quan tâm của các quốc gia xa hơn về phía tây. Washington, Berlin và Paris đang bận tâm với nỗi sợ hãi về sự leo thang chiến tranh và khả năng khi Putin bị dồn vào chân tường sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. Họ đã từ chối cung cấp vũ khí tấn công mà Ukraine cần để giành chiến thắng trong cuộc chiến. Chẳng hạn, Hoa Kỳ chỉ quyết định cung cấp cho Ukraine các Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao tiên tiến bắt đầu từ tháng 6. Nhưng như đã được báo cáo rộng rãi trong tuần này, họ đã bí mật cài đặt các tính năng ngăn chặn việc sử dụng chúng với các tên lửa tầm xa và do đó ngăn chặn khả năng tấn công của Ukraine vào các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nga. Đức, bất chấp áp lực từ Ukraine và một số đồng minh NATO, đã liên tục từ chối cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard (hoặc thậm chí từ chối cho phép các nước khác cung cấp loại xe tăng này), loại xe tăng vốn sẽ rất hữu ích để Ukraine giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Bất kỳ cái nhìn nào về lịch sử của các đế chế đều cho thấy rằng chỉ một thất bại rõ ràng mới có thể buộc người Nga phải thay đổi suy nghĩ.

Các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan không sợ bất kỳ sự leo thang thực tế hay tưởng tượng nào bằng sợ sự chiến thắng của Nga. Do đó, họ đã cung cấp cho Kiev nhiều viện trợ quân sự nhất có thể, vượt xa nhiều quốc gia khác khi được đo lường tương đối so với quy mô nền kinh tế của họ. Và họ đã thể hiện rõ sự thất vọng của mình trước sự thái độ lo lắng bối rối quá rõ ràng của phương Tây. Theo các quốc gia này, việc phương Tây không nhất quán và liên tục thay đổi giới hạn đối với các loại vũ khí mà phương Tây sẽ cung cấp sẽ kéo dài chiến tranh một cách không cần thiết, làm tăng số người chết và số thương vong của dân thường Ukraine, đồng thời làm tăng khả năng Putin có thể lật ngược tình thế của cuộc chiến. Putin đã không rời khỏi mục tiêu mà ông ta đã tuyên bố là tiêu diệt tư cách nhà nước Ukraine. Các thành viên NATO ở gần Nga cho rằng chỉ có thể đẩy lùi ông ta bằng vũ lực — càng sớm càng tốt.

Thật mỉa mai là người Tây Âu lại sợ leo thang chiến tranh hơn là các nước ở gần Nga, mặc dầu các nước ở gần Nga sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bất kỳ sự leo thang nào của chiến tranh. Ngoài dòng người tị nạn, trên thực tế, chiến tranh đã lan đến lãnh thổ của họ khi trong một trong nhiều cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine, một tên lửa phòng không của Ukraine đã rơi xuống lãnh thổ Ba Lan và giết chết hai người vào ngày 15 tháng 11. Người Ba Lan coi vụ việc là bằng chứng cho thấy Ukraine cần viện trợ quân sự của phương Tây nhiều hơn chứ không phải ít hơn. Nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, hoặc nhiều khả năng hơn là tấn công một nhà máy điện hạt nhân của Ukraine, bụi phóng xạ hạt nhân sẽ đến các nước láng giềng đó trước tiên. Họ cũng sẽ phải đối mặt với gánh nặng lớn nhất của bất kỳ làn sóng người tị nạn Ukraine mới nào—nhưng họ sẵn lòng và sẵn sàng tiếp nhận những người tị nạn.

Việc trở thành đối tượng của các chính sách đế quốc của Nga từ những năm 1700 cho đến ngày nay đã dạy cho các nước vùng Baltic và Ba Lan sợ hãi sức mạnh của Nga nhiều hơn là sợ sự yếu đuối—và sợ chiến thắng tiềm năng của Nga ở Ukraine nhiều hơn là sợ Nga thất bại. Chỉ riêng thế kỷ 20 đã chứng kiến ba biến động lớn ở châu Âu, mỗi biến động đều có những hậu quả mang tính sống còn đối với ba quốc gia vùng Baltic và Ba Lan. Các quốc gia này đã giành được độc lập sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, hai lần bị Liên Xô chiếm đóng trong và sau Thế chiến thứ hai, và chỉ tái độc lập khỏi Moscow khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Ngày 24 tháng 2 – ngày bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine lần thứ hai của Nga kể từ năm 2014 – là một thời khắc định mệnh khác như vậy. Ở một số thủ đô phương Tây, bản năng ban đầu là chấp nhận những gì họ coi là thất bại không thể tránh khỏi của Ukraine và không gửi vũ khí để không kéo dài cuộc xung đột. Ngược lại, bản năng tức thời của các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan là làm mọi thứ có thể để hỗ trợ Ukraine và ngăn chặn Nga chiến thắng.

Không giống như các chính phủ phương Tây, các quốc gia Baltic và Ba Lan đã rất chú ý đến những gì Putin và giới tinh hoa Nga thực sự nói, bao gồm cả ý định được tuyên bố rõ ràng của họ về việc tái lập phạm vi kiểm soát đế quốc của Moscow. Cuộc xâm lược mở ra hai viễn cảnh: Hoặc Nga áp đặt lại ảnh hưởng của mình một cách thô bạo đối với các nước láng giềng, bắt đầu với Ukraine và tiếp tục với các quốc gia khác mà nước này kiểm soát trước đây; hoặc Ukraine tái khẳng định quyền tự do của mình và cuối cùng gia nhập cộng đồng châu Âu-Đại Tây Dương với tư cách là thành viên chính thức, như các nước Baltic và các thành viên cũ của khối Xô Viết đã làm được. Bất cứ điều gì giữa hai khả năng đó – chẳng hạn như một lệnh ngừng bắn để đóng băng cuộc xung đột – sẽ cho phép Putin hoặc người kế nhiệm của ông tái vũ trang, tiếp tế và tiếp tục cuộc chiến. Để Ukraine đảm bảo được tự do, Nga phải bị đánh bại rõ ràng ở Ukraine.

Điều đó không có nghĩa là không nên coi trọng những lo ngại liên quan đến vũ khí hạt nhân của Nga. Quản lý mối đe dọa đòi hỏi phải kết hợp giữa sự thận trọng và sự kiên quyết từ phương Tây. Tuy nhiên, do phương Tây quá thận trọng, Nga đã khéo léo xoay sở để tận dụng một cách thông minh những lo ngại về sự tận thế hạt nhân để duy trì những hạn chế mà phương Tây tự áp đặt đối với việc gửi vũ khí hạng nặng và tầm xa hơn cho Ukraine. Rất may, phương Tây hiện đang học lại khả năng răn đe, bao gồm cả việc gửi thông điệp rõ ràng tới Nga về những hậu quả tàn khốc mà nước này sẽ phải gánh chịu nếu tiếp tục thực hiện các mối đe dọa hạt nhân của mình. Chính vì lợi ích của sự ổn định toàn cầu mà Điện Kremlin không thành công trong việc sử dụng đòn tấn công hạt nhân để giành chiến thắng ở Ukraine. Hơn nữa, việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân mang lại rủi ro lớn cho Putin và do đó rất khó xảy ra. Thật không may, Nga sử dụng lực lượng thông thường để chiếm đóng các vùng lãnh thổ ở các nước láng giềng là một thực tế tàn khốc.

Mátxcơva khó có thể sớm từ bỏ các mưu đồ đế quốc của mình đối với các nước láng giềng, và bất kỳ cái nhìn nào về lịch sử của các đế chế đều cho thấy rằng chỉ một thất bại rõ ràng mới có thể buộc Nga phải thay đổi suy nghĩ. Ý tưởng rằng Nga chỉ an toàn nếu nước này thống trị các nước láng giềng nhỏ hơn và kiểm soát một phạm vi ảnh hưởng đã ăn sâu vào tư tưởng của người Nga hàng thế kỷ. Không một nước láng giềng nhỏ hơn nào của Nga có thể xoay xở để đạt được các mối quan hệ thân thiện thực sự với Nga. Ngay cả Phần Lan, quốc gia đã cố gắng mọi cách ngoại trừ việc để bị chiếm đóng, cũng đã phải từ bỏ và đang trên đường gia nhập NATO. Rất có thể, nhà lãnh đạo tiếp theo của Nga sẽ xuất hiện từ bên trong hệ thống hiện tại do lực lượng an ninh thống trị—và đại diện cho các giá trị và thế giới quan tương tự hiện đang được thấy ở Ukraine. Sự tan rã của Nga dường như ít có khả năng xảy ra hơn nhiều so với sự tiếp tục của chế độ cai trị tập trung, chuyên quyền và áp bức.

Bất chấp thực tế đã rõ rành rành, một số nhà lãnh đạo phương Tây vẫn nuôi hy vọng quay trở lại một phiên bản nguyên trạng cũ với Nga. Như Scholz, khi ông chần chừ do dự về việc viện trợ quân sự cho Ukraine, hy vọng rằng “chúng ta có thể quay trở lại một trật tự hòa bình đã hoạt động hiệu quả và làm cho nó an toàn trở lại”. Các nước láng giềng của Nga không khỏi thắc mắc “trật tự đã hoạt động” của Scholz có thể có ý nghĩa gì. Trong Chiến tranh Lạnh, phần lớn Trung và Đông Âu đã bị chiếm đóng. Vào những năm 1990, Nga đã kích động chiến tranh và đóng băng xung đột ở các quốc gia hậu Xô Viết nhằm kiểm soát các quốc gia này. Nga xâm lược Gruzia vào năm 2008 và đánh chiếm Ukraine từ năm 2014. Các chính phủ phương Tây đã đưa ra một số tuyên bố ngoại giao và các biện pháp trừng phạt nhỏ nhưng tán thành phạm vi ảnh hưởng của Nga bằng cách ngăn chặn nguyện vọng gia nhập Liên minh châu Âu và NATO của Ukraine và Gruzia. Sự thận trọng này được thúc đẩy bởi mong muốn giảm căng thẳng và đảm bảo sự ổn định nhưng cuối cùng lại khuyến khích Nga áp đặt “trật tự có hiệu quả” bằng vũ lực.

Ngày nay, phần ổn định nhất trong khu vực lân cận của Nga là những quốc gia đã gia nhập NATO và EU theo lựa chọn và nỗ lực của riêng họ để thoát khỏi sự thống trị của Moscow. Ukraine đã bắt tay vào con đường tương tự và được hỗ trợ bởi hơn 80 phần trăm công dân của mình. Vào những năm 1990, các quốc gia vùng Baltic đã phải vượt qua sự nghi ngờ mạnh mẽ ở các thủ đô phương Tây về việc liệu có khôn ngoan không khi mở rộng EU và NATO cho bất kỳ nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nào. Một số nhà quan sát phương Tây tiếp tục lặp lại tuyên bố của Điện Kremlin rằng việc mở rộng NATO là nguyên nhân dẫn đến sự hung hăng ngày càng tăng của Nga. Tuy nhiên, các nước láng giềng của Nga biết rất rõ rằng NATO đã không gây ra chủ nghĩa đế quốc hiếu chiến của Nga, thứ đã tồn tại hàng thế kỷ trước khi liên minh này ra đời. Ngược lại, việc mở rộng NATO hóa ra lại là phương tiện thành công nhất để kiềm chế nó. Khi bị ngăn cản bởi một lực lượng vượt trội, Nga sẽ lùi bước.

Lòng dũng cảm và quyết tâm bảo vệ nền độc lập của người dân Ukraine là cơ hội lịch sử để Mỹ và châu Âu giáng một đòn quyết định vào chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa dân tộc độc hại của Nga. Nhưng cho đến nay, các cường quốc lớn của phương Tây vẫn do dự trong việc làm hết sức mình để ủng hộ Ukraine. Ukraine, được các nước Baltic và Ba Lan ủng hộ mạnh mẽ, khẳng định rằng Nga phải bị phản công, cô lập và trừng phạt cho đến khi nước này rút quân hoàn toàn khỏi Ukraine, bồi thường thiệt hại chiến tranh và đưa những người Nga bị buộc tội phạm tội ác chiến tranh ra xét xử. Đây sẽ là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự thay đổi trong suy nghĩ của phương Tây, nhưng không thể tránh khỏi nếu muốn sửa chữa những sai lầm trong quá khứ trong việc xử lý hành vi gây hấn của Nga.

Cuối cùng, một Ukraine tự do và dân chủ, an toàn trong biên giới của mình và hoàn toàn hội nhập vào cộng đồng xuyên Đại Tây Dương, sẽ là cơ hội tốt nhất có thể cho một sự chuyển đổi sâu sắc bên trong nước Nga. Chính kết quả đó – điều mà phương Tây nên hiểu rõ – một ngày nào đó có thể mở ra một kỷ nguyên hậu đế quốc thực sự hòa bình trong quan hệ của Nga với các nước láng giềng.

K.R.

Kristi Raik là giám đốc Viện Chính sách Đối ngoại Estonia tại Trung tâm Quốc phòng và An ninh. Twitter: @KristiRaik

This entry was posted in Chiến sự Ukraine, Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.