Trần Huy Quang và nỗi niềm về thân phận con người

GS. Nguyễn Văn Chính

Tôi bàng hoàng nghe tin chiều nay nhà văn Trần Huy Quang đã rời bỏ thế giới này để đến một miền nào đó xa thẳm chỉ có trong trí tưởng của con người. Anh ra đi lúc hoàng hôn, hồn anh giờ đây có lẽ đang phiêu du theo những áng mây chiều về phía mặt trời lặn. Tôi lặng người, nhớ lại những ngày đã qua, những ký ức còn đọng lại về anh, từ thuở còn học với nhau ở Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến gần đây. Mặc dù đã nhiều năm không gặp, nhưng tôi vẫn theo dõi facebook của anh. Khi anh đã về nghỉ ở Quỳnh Lưu quê anh, hai anh em cũng có đôi lần trao đổi những câu chuyện đời. Vậy mà giờ đã âm dương cách biệt. Thật khó có thể chấp nhận được sự thật khi ta vừa mất đi một người anh, người bạn mà ta trân quý.

Tôi vào học khóa 19 Khoa Lịch sử năm 1974, cùng khóa với anh Quang. Khóa học này khá đặc biệt vì có rất nhiều người lính từ chiến trường về học. Họ không chỉ nhiều tuổi mà nhiều người trong số họ còn mang trên mình những vết thương và di chứng chiến tranh từ những năm tham gia quân ngũ. Họ không chỉ từng trải chuyện đời, mà còn là chứng nhân của một cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử loài người. Vậy nên trong mắt bọn học trò vừa rời ghế trường phổ thông chúng tôi, họ cũng giống như những công thần. Trong mắt tôi anh Quang là một người như thế. Anh thích học tiếng Pháp, còn tôi học tiếng Anh, là hai ngoại ngữ hồi ấy bị dán nhãn tư bản và thực dân. Điều đọng lại trong ký ức non nớt của tôi lúc ấy là các anh tham gia chiến trường về học thường hay kể về những trải nghiệm của bản thân hoặc đọc thơ, các cô nàng trong lớp nghe xong thường chơm chớp mắt trầm trồ thán phục. Cảm nhận của tôi về anh Quang thì đấy là một người cao lớn, nước da sạm màu phong sương, cặp mắt dài, nhỏ và sắc, hợp với tính cách lạnh lùng kiêu sa. Anh hay nói kiểu nhát gừng, mà cũng rất ít nói, giọng xứ Nghệ trầm nhưng không nặng, như chất chứa những điều thâm sâu ở bên trong con người. Tôi để ý khi anh cười, âm trầm đục phát ra bên trong cổ họng, có thể cảm nhận được đấy là một con người sống về nội tâm và giàu tình cảm.

Hình ảnh mà tôi nhớ về anh khi còn là sinh viên là anh hay mang trên tay một quyển giáo trình tiếng Pháp in roneo bìa màu xanh, đánh vần và đọc thuộc những đoạn hội thoại, và anh hay kể về ông thầy dạy tiếng Pháp lớp anh tên là Thăng. Có hai chuyện về anh mà tôi nhớ mãi. Đó là chuyện anh chơi đá bóng, và chuyện anh khuyên tôi nên chú ý viết về thân phận các bạn đồng môn bị thói ấu trĩ một thời xô đẩy đến thân tàn ma dại.

Trần Huy Quang chơi bóng

Hồi ấy tinh thần thể thao ở Khoa Sử rất giống với những gì được Nguyễn Công Hoan nói đến trong câu chuyện của ông thời Tây cai trị. Hôm nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng, sau một hồi kẻng đinh tai nhức óc là cán bộ Đoàn ập đến tận giường đốc chăn màn kéo sinh viên dậy, tập hợp xong thì chạy vòng vòng quanh khu ký túc xá Mễ Trì, miệng hô to “một-hai-ba-bốn” vài lần, khởi động cho xả hết cơn buồn ngủ rồi quay lại tập bài thể dục sáng, sau đó làm vệ sinh cá nhân, phòng ở, ăn sáng rồi lên lớp. Riêng hai tổ tiếng Anh và Pháp thì mỗi tuần thường dành ra một buổi sáng chia phe đá bóng.

Bên pha đội tiếng Pháp, phần nhiều là các ông già. Anh Quang người cao lớn nhưng cũng cao tuổi, sút bóng hay trượt nên được phân công chơi ở vị trí thủ môn, còn anh Trì người lùn, to và khôn lanh hay đá ở vị trí tiền vệ. Mỗi khi bị uy hiếp, anh Trì thường giơ cặp giò ngắn tũn của mình ra đỡ bóng và sút… ra ngoài. Còn anh Quang ỷ thế mình cao, tay dài nên bóng sút vào goal thì anh ấy lấy hai tay vợt bóng ra ngoài, như ta hay vợt cá vậy. Bên phía tổ Anh văn có nhiều sinh viên trẻ, khỏe và nhanh hơn. Trận đấu nào họ cũng uy hiếp đội Pháp văn, làm cho cuộc đấu giữa hai đội bên già bên trẻ luôn ở tình trạng “derby” kinh điển.

Một lần hai đội thách đấu từ tối hôm trước, và mới 5 giờ sáng hôm sau đã kéo nhau vượt rào sang bên Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội chơi một trận sống còn. Trường này có một sân chơi thể thao, cỏ mọc chỗ xanh chỗ vàng, mấp mô cao thấp khó lường, chỉ có vài ngọn đèn vàng vọt giăng trên các cây sào quanh sân, tối mù mù. Có khi bóng phát lên rồi nhưng phải căng mắt ra mới biết nó lăn đi đâu. Trận đấu thường diễn ra sớm để sau đó mọi người còn kịp về lên lớp lúc 7h. Trong một lần lên bóng, cầu thủ phía đội Anh văn tung ra một cú sút trời giáng vào cầu môn bên đội Pháp văn. Anh Quang lao ra vồ bóng, nhưng trời tối mập mờ, bóng đi quá nhanh, đập trúng vào… hạ bộ anh ấy. Trong lúc tranh tối tranh sáng, mọi người chỉ nghe thấy anh ấy á lên một tiếng rồi ngã vật xuống, co quắp, ngất lịm. Cả bọn để anh ấy nằm trên bãi cỏ và cử người chạy về bệnh xá gọi cấp cứu. Cô Tuyết lúc ấy là y sỹ trực, mặc vội áo blue trắng chạy sang, nghe thấy bảo anh Quang bị bóng sút trúng chỗ hiểm thì thét lên rồi bỏ chạy. Phải một lúc lâu sau, anh Quang mới tỉnh lại, cả bọn thất thểu về đi học, trận thư hùng kết thúc không phân thắng bại.

Trần Huy Quang và thân phận con người

Còn nhớ lúc mới vào học, sinh viên lớp tôi chuyền tay nhau đọc truyện của Trần Huy Quang in trong tập Chiếc áo màu lửa. Anh bảo chuyện này viết khi anh còn là lính pháo binh.

Suốt hơn bốn năm học anh dường như không viết gì, nhưng sau khi tốt nghiệp, anh về báo Tổ quốc, làm một phóng viên, và có lẽ từ đây, những phận người mà anh đã gặp trong đời luôn trăn trở trong những trang viết của anh. Anh viết nhiều thể loại, phóng sự điều tra, ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, nhưng với tôi, các câu chuyện về “Vua Lốp”, “Lời khai của Bị can”, “Xin bà hãy bóc lột tôi đi” in trên Văn nghệ những năm trước đổi mới là những trang viết gây rúng động xã hội lúc bấy giờ, đến nỗi trở thành nguồn cảm hứng cho hàng loạt ký sự sau đó của nhiều tác giả về thân phận con người, từ anh đào vàng, người nông dân, người lính, đến người thầy trước những khiếm khuyết của hệ thống. Đấy thực sự là những năm tháng mà giới làm báo và văn chương xứ ta choàng mình tỉnh giấc, rồi sau đó vài năm, lại xẹp như gián. Nhưng Trần Huy Quang không ngồi yên, anh viết truyện ngắn Linh nghiệm (1992) như một khám phá về sự bế tắc của xã hội, và vô tình trở thành nạn nhân của một vụ án vu vạ văn chương, vô tình đưa anh lên hàng những nhà văn nổi tiếng được biết đến cả trong và ngoài nước.

Gần đây, nhân dịp kỷ niệm 40 năm chúng tôi tốt nghiệp đại học, tôi có viết vài status nhớ về những kỷ niệm với các đồng môn, có người đã mất, có người sống lay lắt trong thân phận làm thuê, có người hiền lành, có người sắc sảo, có người mưu mô xảo quyệt để đạt mục đích leo cao chui sâu. Vì mấy dòng hồi ức này, một số đồng môn nhân cơ hội lao vào ném đá, khuyên tôi đừng đụng đến những người đã khuất, hãy để cho những kỷ niệm buồn lặng lẽ ngủ yên, v.v. Một số bạn có thiên hướng tả khuynh còn chụp mũ chính trị và tẩy chay facebook của tôi. Nhưng anh Quang lại khác, anh gửi lời bình, khuyên tôi nên thu thập tài liệu và viết về những người bạn đồng học, nạn nhân của một thời ấu trĩ. Có người vì trót đọc một bài thơ gọi đò buồn bã cô đơn cho cả lớp nghe mà bị phê phán chụp mũ chính trị, có cặp đôi vì yêu nhau mà bị kiểm điểm, rồi đuổi học, thành ra thân tàn ma dại, có người vì tham vọng leo cao mà dùng thủ đoạn giả dối tinh vi để gây sự chú ý về “lòng trung thành” và đạt được mục đích, v.v. Tôi đã định nghe anh, viết về vấn đề này, nhưng sau cũng nhụt chí vì bọn cơ hội giờ nhan nhản khắp nơi, họ lại vu vạ cho vài cái án thì khổ một đời…

Cách đây hơn một tuần, tôi có nghe một người bạn nói anh Quang ra Hà Nội chữa bệnh. Định rủ thêm mấy bạn học ra thăm anh. Vậy mà chưa kịp nhìn thấy nhau, đã cách xa vời vợi. Nhớ về anh, tôi luôn nhớ đến những phận đời vì sự ấu trĩ và thiển cận chính trị mà bị làm cho thất điên bát đảo…

Kính tiễn anh nhẹ bước phiêu du về chốn bồng lai tiên cảnh, sống tiếp phần hồn vì những kiếp người mà khi còn ở chốn trần gian, anh đã luôn đau đáu nghĩ về họ.

N.V.C.

Nguồn: FB Sen Hoa

—–

Đọc thêm về tác phẩm Linh nghiệm của tác giả Trần Huy Quang:

 LINH NGHIỆM (THAM KHẢO)

Nguyễn Đình Cống

Đó là tên một bài trên báo Văn nghệ năm 1992. Báo vừa ra được vài giờ thì được lệnh triệt để thu hồi để đốt hết. Ban Tuyên giáo của đảng sôi sục, trong lúc Tòa báo Văn nghệ như có đại tang trong nhiều ngày. Tác giả bài báo bị đuổi việc. Cán bộ, nhân dân khắp nơi bàn tán xôn xao và lùng sục xem ai đã mua được, cất giữ được tờ báo để chuyền tay nhau đọc, các hiệu phô tô bí mật nhân bản.

Đã ba chục năm. Vừa rồi nhà văn Tạ Duy Anh nhắc lại sự việc trên Báo Tiếng Dân. Nhiều bạn trẻ chưa biết chuyện này. Tôi đã sưu tầm và giới thiệu để các bạn tham khảo. Bài này nổi tiếng hơn bài “CÂY TÁO ÔNG LÀNH” trước đó vài chục năm.

N.Đ.C.

clip_image001

Nhà văn Trần Huy Quang

Linh nghiệm

Trần Huy Quang

H… INH là con trai thứ ba trong một gia đình nông dân không nghèo nhưng cũng không giàu có gì lắm. Cha anh ta có đỗ đạt, đã từng làm quan, nhưng tính khí thất thường, lòng đầy ham hố nên quan trên không mặn mà gì nên đã bỏ quan, khi đi dạy ở chốn kinh kỳ, khi ngồi bốc thuốc ở vùng sơn cước.

Hinh thừa hưởng ở dòng họ và khí chất của vùng chôn rau cắt rốn cái nết cơ bản cần cho kẻ có hoài bão tham chính là tính đa mưu túc kế, lòng dạ thật không bao giờ lộ ra mặt, bạn bè cùng lứa không ai dám kết thân làm bằng hữu. Hinh sáng dạ, lại có chí, học đâu biết đó, hai mươi tuổi làm thơ chữ Hán, đọc Rút-xô, Mông-tét-ski-ơ… bằng nguyên bản, nhưng Hinh chán học, chỉ nhăm nhăm một dạ xuất ngoại. Đạo học không có đường tắt, mà lập thân bằng con đường học vấn thì mù mịt, xa vời quá. Bằng văn chương thì chỉ khi thế cùng lực tận, bất đắc dĩ mà thôi.

Hàng ngày Hinh sống như người nuốt phải quả chùy gai vào bụng, buốt nhói, nhăn nhó, bồn chồn, vừa ngồi đã đứng lên, mới ngủ đã vùng dậy, trán nhăn tối, mắt xa xăm. Như đang phải lòng một tiểu thư khuê các …

Nhưng Hinh đâu phải là người dại dột, không bao giờ để phí chí khí, sức lực vào chuyện đàn bà. Vớ vẩn. Chiếm mười trái tim đàn bà đâu có khó nhưng một trái tim nhân loại thì phải vượt trùng dương. Hinh ngước cái nhìn mong đợi lên bầu trời, hoài vọng bóng dáng một con tàu, tìm kiếm một phép thần thông, mong đợi một dấu vết của cõi Thiện hoặc hơi hướng của miền Cực lạc để đưa về cho chúng sinh. Tháng ngày như sợi chỉ căng mà lòng khao khát làm trai hải hồ, khắc khoải mong một phút được quỳ dưới chân bậc Chí Thánh và nói: “Ơn Người, Người là nguồn ánh sáng dẫn dắt chúng con… Lũ chúng sinh con khao khát được gặp Người…”. Thế rồi như sự linh nghiệm của lời nguyện cầu, một đêm giông tố bão bùng, đất trời như trong cơn đau sinh nở, Hinh đã lên chín tầng Thánh địa để được gặp đấng Chí Linh.

Bắt đầu là một ngọn nến, ánh lửa dịu ấm tỏa một quầng sáng hình nón. Vầng sáng ấy tỏa hào quang, tia hào quang không thẳng mà có hình gấp khúc. Cuối cùng ở trung tâm vầng sáng ấy hiện ra khuôn mặt kiều diễm của một cô gái tóc vàng.

- Kính thưa … Hinh bàng hoàng thốt lên.

- Không phải! Cô gái mỉm cười độ lượng. Tôi chỉ là sứ giả của đấng Lập Đạo. Anh có lời thỉnh cầu gì gấp lắm không? Người đang bận, việc hành đạo mới chỉ ở bước khởi đầu …

- Kính thưa, tôi là người của xứ sở Nhọc nhằn tăm tối …

- Thôi anh không cần phải nói, chàng trai ạ, người xứ Nhọc nhằn có khát khao ánh sáng thì việc hành đạo mới càng được dễ dàng. Đây anh cầm lấy, theo đạo thư này, anh sẽ tìm được chân lý.

Vị sứ giả trao cho Hinh đạo thư quý giá ấy rồi nhỏ dần, nhỏ dần cho đến khi chỉ còn như một cái chấm chính giữa vầng hào quang rồi biến mất giữa bao la. Hai tay đỡ cuốn sách trước trán, Hinh vẫn quỳ và thành kính đặt lên đó một cái hôn, rồi anh run run dở ra đọc.

“Hãy đi về phía Nam theo con đường một bên là cây và một bên là nước, cuối con đường có quán bia hơi và thịt chó, đừng vào chốn đam mê ấy và đi thật chậm. Dọc đường sẽ có người hỏi: “Có đi không?” thì đừng đi. Đó cũng là người cần lao chứ không phải ma quỷ cám dỗ, nhưng phải đành từ chối. Đi tiếp sẽ gặp một ki-ốt sách báo nên rẽ trái, trước mặt đã là vườn hoa nhỏ. Bây giờ anh phải khom người xuống, đi chậm từng bước một, mắt nhìn xuống mặt đất để “tìm cái này”. Cứ thế… chỉ cần một lúc sau, anh sẽ có được thiên hạ…”.

Hinh ấp cuốn đạo thư vào ngực tức tưởi. “Trời ơi, bảo bối, bảo bối…”. Hinh sung sướng hét toáng lên. Tiếng anh vang rất to trong đêm và lúc ấy Hinh mới biết mình vừa qua một giấc mơ. Nhưng trời ơi, tại sao những điều anh nung nấu trong tâm can bấy lâu nay lại được giải đáp trong mơ. Anh sung sướng và cảm động đến mức nước mắt giàn giụa. Ôi chúng sinh nhọc nhằn và tăm tối của ta, bảo bối này sẽ soi sáng đường chúng ta đi…

Sáng hôm sau, Hinh thành kính chuẩn bị lên đường. Quần áo tươm tất, mũ miện đàng hoàng. Trước nhà anh có một đại lộ chính Nam, có lẽ đúng là con đường này nên anh dần bước ra đi. Một bên cây và một bên nước, hay một bên rừng và một bên biển? Anh cứ đi, qua vài đoạn phố nữa thì anh thấy mình đi đúng, con đường men theo cái hồ. Và giữa phố có hàng bia hơi thịt chó mà vài lần anh cũng đã bị cuốn vào đó. Ôi, sự linh nghiệm không sai một dấu phẩy.

Đường phố trong veo, lui cui dăm chiếc xe đạp chở kẹo bánh, than tổ ong đi bỏ mối cho các hàng nước vỉa hè, lọc cọc đôi chiếc xích lô cà tàng đi tìm khách. Vài cô điếm vật vờ.

- Có đi không? Một cô gái điếm rủ rê. Hinh nhớ đến giấc mơ mà thấy lạnh xương sống, trong mơ cũng ba chữ ấy. Đến cuối phố, Hinh thấy một ki-ốt sách báo thật, chủ quán vừa mở cửa. Tại sao có sự kỳ diệu thế này, khi tỉnh anh nào có biết chỗ này có một quán sách? Đi tiếp, gặp một ki-ốt sách báo nên rẽ trái, trước mặt đã là vườn hoa nhỏ. Hinh liền rẽ trái, đi một đoạn qua các cửa hàng bách hóa đã thấy vườn hoa Mùa Xuân. Kẻ hành đạo không chần chừ đắn đo, đi tới giữa vườn hoa, lòng như ngây ngất hơi men, một nửa muốn bay lên, một nửa muốn trì xuống. Mắt Hinh hoa lên, đâu Thiên Thần, đâu Địa Thánh, không biết con đang đứng giữa Địa đàng hay mặt đất. Rồi anh chợt tỉnh lại… “Tìm cái này” là tìm cái gì, anh không hiểu nhưng không dám nghi ngờ lời vàng ngọc của đấng Tiên tri. Vườn hoa nằm cạnh đại lộ, lúc này đang vắng hoe, chỉ có mấy ông già tập thể dục muộn, dăm chàng thanh niên đá bóng và một tốp học sinh cấp ba sắp đi qua. Bây giờ anh phải khom người xuống, đi chậm từng bước một, mắt nhìn xuống mặt đất… Hinh vừa cúi lom khom chăm chú tìm kiếm vừa lẩm nhẩm đọc. Anh như bị thôi miên, không biết mình đang tìm cái gì, nhưng anh cứ trung thành với lời chỉ giáo, người cúi lom khom, mắt dán xuống đất và từng bước một chậm rãi.

Những người qua đường lấy làm lạ…

Bắt đầu là một nhóm học sinh cấp ba, mấy đứa con trai vốn hiếu kỳ, đi đến và tự hỏi, không biết ông kia tìm cái gì nhỉ? Chúng không thể tự giải đáp được.

- Anh ơi, anh tìm cái gì đấy?

Hinh mải mê không hề nhìn lên, chỉ buột miệng trả lời:

- Tìm cái này.

Đối với chúng, câu trả lời ấy, làm ngứa ngáy chân tay. Nhất định cha này mất nhẫn, dây chuyền hay hạt xoàn gì đó thôi, chúng mình mà vớ được thì hay lắm.

Thế là cả bọn, cặp sách dồn lại một đống, nhảy vào cuộc tìm kiếm. Khi cả một đám người bò ra sục sạo tìm kiếm thì sự lạ tăng lên hàng chục lần. Người đi qua vườn hoa không bao giờ hết, dân lang thang thất nghiệp, dân nhà quê bỏ ra thành phố kiếm cơm, đang đói rách hy vọng vớ được một chút may mắn, những người này đi đến và không thể không hỏi:

- Tìm cái gì đấy?

Lần này thì tụi trẻ con đã mau miệng trả lời:

- Tìm cái này.

Câu này đối với người lớn làm ngứa ngáy đầu óc. Thế là họ bỏ cả gồng gánh, xe cộ, nhảy vào quảng trường. Hỏi tiếp đến…

Bây giờ là dân xích lô, ba gác, dân ăn xin, trẻ mồ côi bán báo, dăm cô điếm, đám bụi đời móc túi nghe tin cũng tìm đến.

- Tìm cái gì đấy?

- Tìm cái này.

- Mả mẹ chúng nó, giấu như mèo giấu cứt. Nhất định là hạt xoàn, ru bi, có lẽ tối qua, tụi đào đá đỏ qua đây đánh nhau đổ ra bì đá đỏ không chừng. Mẹ chúng nó, ông mà biết trước, ông rào lại, ông đuổi tất. Ê, ông kia được một viên rồi hả, bắt nộp phạt chúng mày…

Cứ thế… Và số người hy vọng có một chút no ấm bò lê trên vườn hoa để tìm vật báu, đến lúc này đã đông như một đàn kiến.

Hinh chợt nhận ra tiếng ồn của đám đông và anh ngạc nhiên đứng lên nhìn họ, hóa ra thiên hạ đã bu lại xung quanh mình. Một lúc sau anh sẽ có được thiên hạ… Hinh sung sướng đến rơm rớm nước mắt và mãn nguyện ra về. Cái đám đông ấy cứ như dòng nước trong lòng sông, trôi đi chứ không cạn. Người đến trước, thất vọng ra về trước, người đến sau, thất vọng ra về sau. “Tìm cái này” là cái gì thì không ai biết, nhưng cứ hy vọng có chút no ấm mờ mờ phía trước cũng đã hấp dẫn để họ trở thành một dòng nước.

Trưa.

Rồi chiều.

Và… vẫn còn đám đông xúm xít giữa vườn hoa Mùa Xuân.

Trần Huy Quang – Báo Văn nghệ ngày 4-7-1992.

Nguồn: FB Nguyễn Đình Cống

This entry was posted in Linh nghiệm, Nguyễn Đình Cống, Trần Huy Quang. Bookmark the permalink.