Đừng vì lợi ích trước mắt mà đánh mất vai trò chiến lược của Vân Phong

Thứ Ba, 13/12/2022

Quốc Ngọc thực hiện

Phát triển Vân Phong không phải chuyện của 10-20 năm mà là 100 năm. Đây là một dự án trọng điểm quốc gia. Do đó, cần phải tổ chức một ban quản lý phát triển cấp Chính phủ do một phó thủ tướng làm trưởng ban thì mới đủ chức năng, quyền hạn để huy động cả hệ thống chính trị phát triển vịnh Vân Phong.

Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) được Chính phủ ra quyết định thành lập từ hơn 16 năm qua. Mục tiêu chính là xây dựng và phát triển Vân Phong trở thành Khu kinh tế tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo. Trước đó nhiều năm, kỳ vọng về cảng nước sâu lớn nhất châu Á này đã được những người tâm huyết nghiên cứu, kiến nghị với tất cả sự hào hứng rằng đây sẽ là con đường mở rộng không gian sinh tồn ra biển lớn, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng cho Việt Nam.

Là người đặt bút viết báo cáo xin chủ trương, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhớ lại: “Khởi sự để tôi tham gia xuất phát từ lúc anh Chu Quang Thứ làm Cục trưởng Cục Hàng hải năm 2002. Anh Thứ rất tâm đắc với vấn đề phát triển dự án cảng Vân Phong nhưng khi đó chưa được Nhà nước đưa vào quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam. Nghe anh trình xong, thấy tiềm năng quá lớn của nó, với tư cách cố vấn cao cấp của Chính phủ từ 1980, tôi đã phá lệ giúp kết nối trực tiếp phía Mỹ với Cục Hàng hải.

Chỉ vài ngày sau cuộc làm việc giữa lãnh đạo Cục với Đại sứ Mỹ Raymond Burghardt, có cả đại diện Bộ Quốc phòng và Hải quân Mỹ tham dự, Chính phủ đã gửi ngay Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào thị sát Vân Phong.

Khoảng hai tuần lễ sau phía Mỹ cũng đi khảo sát thực tế tại đây cùng Cục Hàng hải. Buổi tối, tôi có mời đoàn đến ăn cơm, làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa lúc đó là Phạm Văn Chi”.

Tầm nhìn đang bị ‘băm nát’

Vừa nghe ông khởi đầu câu chuyện đã thấy vị trí quan trọng và tiềm năng rất lớn của Vân Phong?

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.

Còn phải thấy sự quan tâm của chính phủ Mỹ lớn như thế nào. Bởi, vịnh Vân Phong có 25 km dãy núi, bờ biển cản địa nên không hề có vấn đề cát bồi, không có con sông nào chảy vào, đồng nghĩa không phải tốn tiền nạo vét. Nó lớn gấp bốn lần vịnh Cam Ranh với 80.000 ha mặt nước.

Vịnh có độ sâu 20-40m, tức là sâu nhất trong cả Á Đông, từ Nhật Bản cho tới Singapore. Và những chiếc tàu dầu lớn nhất thế giới lúc bấy giờ chở 15.000 thùng chỉ cần vùng nước sâu 21-22m. Dù cho tới năm 2020, tàu container có khi lên đến 22.000 thùng vẫn có thể vào Vân Phong mà không một cảng nào của Việt Nam hay thậm chí Hồng Kông (chỉ sâu 16m), Singapore (21m) đáp ứng được.

Như vậy, triển vọng tương lai, Vân Phong sẵn sàng đón những chiếc tàu tải trọng siêu lớn, như tàu khu trục, tàu sân bay, tàu chở dầu trên 500.000 tấn.

Về vấn đề địa hình là không đâu có như đã nói, cấu trúc vịnh Vân Phong có các đảo lớn như Hòn Gốm, Hòn Lớn rất tuyệt vời để xây dựng cảng hoàn toàn tránh được sóng gió cho dù bão tố cấp mấy chăng nữa. Mặt bằng 80.000 ha của nó có thể đậu hàng trăm chiếc tàu lớn nhỏ.

Đối với cung hàng hải quốc tế, vì Vân Phong là điểm cực Đông của lãnh thổ Việt Nam nên các chuyến tàu đi từ Nhật xuống Singapore hay ngược lại chỉ cách vịnh có mấy trăm hải lý. Ở trên đất liền, “con đường tơ lụa” Xuyên Á chạy từ Trung Á đi xuyên qua Miến Điện, Lào trổ ra Quảng Trị và Vân Phong thì cách đó không xa.

Vậy, chúng ta có thể thiết kế hạ tầng để không chỉ phục vụ cung hàng hải Bắc Nam mà còn Đông Tây trên bộ. Nếu chấm compa xuống Vân Phong, quay một vòng từ Nhật Bản qua Hàn Quốc, Trung Quốc, một phần Liên bang Nga, Trung Đông, xuống tới Ấn Độ, Pakistan, Malaysia… đã thấy hơn một nửa dân số thế giới. Trên thế giới không có cảng trung chuyển quốc tế nào có địa thế chiến lược tiềm năng như Vân Phong, kể cả cảng lớn nhất thế giới Rotterdam (Hà Lan).

Trở lại một chút với người Mỹ, vì sao họ không nhìn ra vị trí chiến lược này trước đây, thưa ông?

Anh nên hỏi kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, nguyên Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM. Tôi chỉ nói thêm về sự quan tâm của Hoa Kỳ để tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của Vân Phong về chiến lược quốc phòng, an ninh.

Khi Hạm đội 7 trả lại căn cứ bên Philippines, Bộ Quốc phòng Mỹ làm việc với tôi cho biết việc bố trí quân lực của họ ở Thái Bình Dương có vấn đề bất cập là không có một “điểm tựa” trên lục địa. Tôi nói rằng chính sách của Việt Nam không chấp nhận bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ chúng tôi. Họ bảo họ không cần căn cứ, chỉ cần dịch vụ thôi. Nếu Việt Nam cùng Mỹ hoặc tự tổ chức một cảng để sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành, tiếp tế cho các đoàn tàu viễn dương không riêng gì của Mỹ, thì họ sẽ sẵn sàng ký hợp đồng để sử dụng cảng dịch vụ đó…

Quyết tâm về dự án cảng Vân Phong của họ còn thể hiện ở cử chỉ chủ động mời một đoàn công tác Việt Nam sang thăm các cảng lưỡng dụng dân sự lẫn quân sự lớn nhất của Mỹ. Đáng tiếc việc này không thành do chúng ta không thống nhất được thành phần tham gia.

Ngày 25.4.2006, Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định số 92/2006/QĐ-TTG về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa với diện tích 150.000 ha. Trong đó, mặt nước 80.000 ha, đất liền 70.000 ha thuộc hai huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa. Đó là khu kinh tế lớn nhất được quy hoạch tại Việt Nam từ trước đến nay.

Một góc Vịnh Vân Phong. Ảnh: Báo Nhân Dân

Theo ông, vì sao khu kinh tế Vân Phong vẫn chỉ là dự án chưa đi đến đâu, gần đây còn bị “chia năm xẻ bảy”, mà lẽ ra đã phải được quyết liệt thực hiện nghiêm túc trong “tầm nhìn đến năm 2020” của Chính phủ?

Muốn phát triển Vân Phong không phải chuyện của 10-20 năm mà là 100 năm. Anh Chu Quang Thứ gọi đó là dự án xuyên thế kỷ. Vâng, đây là một dự án trọng điểm quốc gia. Do đó, cần phải tổ chức một ban quản lý phát triển cấp Chính phủ do một phó thủ tướng làm trưởng ban thì mới đủ chức năng, quyền hạn để huy động cả hệ thống chính trị phát triển vịnh Vân Phong. Đằng này chúng ta lại giao cho chính quyền địa phương, cụ thể là Ban Kinh tế Vân Phong trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Hơn nữa, vấn đề này chúng ta không thể làm một mình, phải có Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ. Điều kiện tiên quyết để họ giúp là Việt Nam phải làm nghiên cứu khả thi cho toàn bộ khu vực. Trong đó, quan trọng nhất là đánh giá tác động môi trường (ĐTM) xem mấy nghìn km bờ biển sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi dự án. Không có cái ĐTM này, WB không bao giờ “dính tay” vào. Như thế, sẽ không có nhà đầu tư tầm cỡ nào dám tham gia. Không riêng gì WB, báo cáo khả thi và ĐTM là điều kiện cần để kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế tham gia đầu tư vào dự án như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Công ty Tài chính quốc tế (IFC). Các tổ chức này không được phép tài trợ cho những dự án không có báo cáo khả thi và ĐTM nghiêm túc.

Không gian sinh tồn và phát triển của Việt Nam không phải ở trên lục địa mà phải hướng đại dương. Đây là vấn đề rất quan trọng mà điểm xuất phát là Vân Phong.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Thế nhưng, tôi nói gì cũng không được, rồi thì dự án bế tắc từ 2006 cho tới giờ. Tỉnh Khánh Hòa cứ loay hoay lúc thì cắt ra miếng này 2.000 ha, 700 ha bán cho người này người kia để có tiền, hệt như “mổ bò, mổ trâu” đối với một dự án trọng yếu. Đến năm 2022, có thêm Johnathan Hạnh Nguyễn, rồi tập đoàn Sun Group nhảy vào muốn biến cảng Vân Phong thành trung tâm du lịch. Tôi đã cảnh cáo trong năm 2008 khi Posco muốn làm nhà máy cán thép ở đây. Các chuyên gia đã phản đối kịch liệt dự án đó vì nó sẽ hủy bỏ dự án cảng.

Vân Phong là điểm đặt Việt Nam lên bản đồ hàng hải thế giới. Có tới 40 – 50% lượng tàu bè khắp năm châu chạy ngang trước mặt nó. Đặc biệt nữa, nếu Thái Lan thực hiện kênh đào Kra nối liền vịnh Thái Lan với Ấn Độ Dương, sẽ có tác động lớn đến vận chuyển hàng hải quốc tế. Kênh đào này sẽ mở đường trực tiếp cho tàu viễn dương từ châu Âu qua châu Á, vào Thái Bình Dương mà không còn phải đi qua eo biển Malacca và Singapore nữa. Lúc đó, trên tuyến đường này, cảng Vân Phong sẽ là cảng biển quốc tế đầu tiên đón lấy tàu bè.

Không gian sinh tồn, phát triển của Việt Nam cần hướng đại dương

So với quyết định thành lập khu kinh tế Vân Phong ban đầu, nay có các chủ trương đầu tư mới khiến vịnh chiến lược của Việt Nam bị chia cắt ra Bắc Vân Phong phát triển du lịch và đẩy dự án cảng trung chuyển về Nam Vân Phong…

Làm sao mà đưa cảng về Nam Vân Phong, nơi chỉ có độ sâu 17m, không có đê chắn sóng tự nhiên… rồi Bắc Vân Phong từ chỗ dự phóng một cảng trung chuyển lớn tầm cỡ thế giới lại thành một cảng du dịch?

Các hiệp định quốc tế gần đây cho thấy trong thế kỷ này và thế kỷ sau, vùng phát triển kinh tế toàn cầu sẽ là từ Nhật tới Ấn Độ, và Việt Nam là trung tâm của khu vực đấy. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói với tôi: “Anh Thành ơi, mình có quan niệm Việt Nam là một quốc gia duyên hải. Trải dài từ Nam chí Bắc, đất liền chỉ có 330.000 km2 thôi. Nước mình mỏng thế này. Mà cái điểm mỏng nhất là ở Quảng Trị, từ bờ biển lên tới biên giới Lào có 55 km, chạy ôtô một giờ đồng hồ là hết rồi. Nhưng mình lại có hơn 3.000 km bờ biển tạo ra một vùng đặc khu kinh tế biển tới 1 triệu km2 và mình là một nước hướng ra đại dương. Không gian sinh tồn và phát triển của Việt Nam không phải ở trên lục địa mà phải hướng đại dương. Đây là vấn đề rất quan trọng mà điểm xuất phát là Vân Phong”.

Vân Phong là điểm đặt Việt Nam lên bản đồ hàng hải thế giới. Ảnh: Người lao động

Không những chậm chạp, theo ông, chúng ta lại đang đi sai đường đối với vịnh Vân Phong do tầm lãnh đạo không thoát ra được “không gian sinh tồn và phát triển” của một con gà, thay vì một cánh chim đại bàng?

Như đã nói, chuyện của Vân Phong không phải là chuyện của lãnh đạo tỉnh. Phải thấy đấy là vấn đề hệ trọng của đất nước, lợi ích quốc gia. Tôi muốn giờ đây mọi người nên dồn tâm huyết nêu vấn đề lên để thấy vị thế của Vân Phong. Ở đất nước này ngày hôm nay, không có dự án nào quan trọng hơn nó. Chúng ta đang mãi bàn luận các dự án metro thế này, tập trung vào các tuyến cao tốc thế kia… đó là chuyện nhỏ. Trong khi Vân Phong là một trung tâm phát triển tiềm năng hàng đầu thế giới mà các quỹ đầu tư từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á rất sẵn sàng vì người ta thấy không có nơi nào có được vị trí “đắc địa” như thế.

Với tầm nhìn như trên, trong báo cáo cho Chính phủ năm 2005, tôi đã dự kiến nhu cầu đầu tư vịnh Vân Phong không dưới 10 – 20 tỷ USD trong 20 – 30 năm đầu của dự án. Theo ước tính sơ bộ thời điểm ấy, chi phí cho một dự án nghiên cứu khả thi tổng quát sẽ không dưới 3 triệu USD và báo cáo ĐTM cho toàn khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận cũng không dưới 1 triệu USD.

Tôi đề nghị Nhà nước cấp giấy phép đầu tư thực hiện xây dựng cảng dịch vụ, sửa chữa, bảo dưỡng tàu viễn dương tại vịnh Vân Phong để cung cấp dịch vụ cho tất cả các loại tàu, mọi đối tượng, kể cả tàu hải quân. Quy mô dự án giai đoạn đầu là 500 triệu USD vốn đầu tư. Mười, một trăm hay một nghìn tỷ đô la không phải là vấn đề, miễn anh thật sự muốn phát triển.

Xin cảm ơn ông.

Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, nguyên Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM:

Xé nát tài nguyên thiên nhiên

Từ năm 1997, tư duy xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong được đề xuất tại hội nghị quy hoạch du lịch Vân Phong – Đại Lãnh, tổ chức ở Nha Trang nhằm chia lại thị trường cảng Hồng Kông và Singapore. Để chống lại ý tưởng này, ở Hồng Kông người ta kêu gọi gìn giữ môi trường vịnh Vân Phong.

Ở Singapore, mấy người Cuba kêu gọi sử dụng vịnh cho du lịch. Rồi cuối thập niên 2000, người Hàn Quốc lại muốn xây nhà máy thép tại Vân Phong. Nhưng theo tôi, có lẽ sai lầm nhất là ý tưởng chia vịnh Vân Phong thành Bắc Vân Phong và Nam Vân Phong. Phía bắc vịnh để kinh doanh bất động sản, còn nam làm cảng. Vùng nước trong một cảng biển bị xé nát thì khát vọng về một cảng trung chuyển container Vân Phong sẽ chỉ là một giấc mơ.

Năm 2003, trong cuộc họp giải trình của Cục Hàng hải Việt Nam với Ban kinh tế Trung ương về tài nguyên vịnh Vân Phong, ông Trương Tấn Sang đặt câu hỏi: “Vì sao Pháp không biết, Mỹ không biết mà đến nay Việt Nam mới đề xuất cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong?”. Có nhiều ý kiến khác nhau, khi đó tôi đã phát biểu Pháp rút khỏi Đông Dương 1954, nhưng đến 1955 container mới ra đời tại Mỹ nên Pháp không quan tâm. Mỹ vào Việt Nam đầu thập niên 1960, vịnh Vân Phong là khu vực tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc, nơi đây vắng bóng người, khó đi lại nên nằm ngoài sự hiểu biết của người Mỹ.

Như vậy, mục tiêu cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong là rõ ràng và không giấu giếm. Vậy điều gì đã ngăn cản khát vọng của chúng ta, tôi tự hỏi. Cùng thời Việt Nam đề xuất cảng Vân Phong năm 1997, Malaysia đã đề xuất cảng Tanjung Pelepas. Có thời điểm đầu thập niên 2000, Chính phủ nước này tuyên bố không cấp nước ngọt cho tàu biển đến cảng Singapore mà chỉ ưu tiên cho tàu vào cảng của họ. Cuối cùng Tanjung Pelepas đã thành công và chia sẻ được thị trường với cảng Singapore.

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân:

Cụm Cam Ranh – Vân Phong tạo thành hệ thống phòng thủ quốc gia

Về mặt quân sự, Cam Ranh là quân cảng chủ lực của Hải quân Việt Nam. Mà bên cạnh Cam Ranh là Vân Phong. Từ đó vào Cam Ranh chỉ chưa đến trăm km.

Trong hoạt động của hải quân, trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đặc biệt chiến tranh trong hiện đại, ta thấy rằng việc sơ tán tàu thuyền là phải hết sức chú ý. Nếu chiến tranh xảy ra, các tàu ngầm của ta phải đi sơ tán. Mà sơ tán tàu ngầm thì phải tìm những vị trí nước đủ sâu, đáy biển đủ bằng để có thể thực hiện hình thức nằm tại đáy.

Có những hình thức khác có thể phải chuyển đi xa hơn. Nhưng trước mắt có thể thấy ngay, bước đầu tiên là phải có Vân Phong làm điểm tựa cho Cam Ranh an toàn. Rồi khi cần tàu chiến cũng sơ tán, tên lửa sơ tán. Và biện pháp bảo vệ cả cụm Cam Ranh – Vân Phong thì nằm trong hệ thống phòng thủ quốc gia. Do đó, các hệ thống phòng không phải liên hoàn vì hai khu vực này không xa nhau lắm.

Cho nên từ lâu tôi đã nêu quan điểm quyết định của Chính phủ về quy hoạch vịnh Vân Phong từ 2006 là chính xác mà chúng ta phải tuân thủ. Hiện nay nếu chưa đủ sức để làm một cảng trung chuyển thì cứ để đấy. Và khi đất nước đủ lực thì thực hiện. Chưa kể hiện Đảng và Nhà nước đã chủ trương làm con đường sắt từ Vân Phong đi lên Tây Nguyên thì rõ ràng ta có thể nối sang Hạ Lào, Bắc Thái Lan và kết nối hàng hóa của những vùng đất này.

Tôi cũng đã đề nghị Quốc hội quan tâm phát triển kinh tế biển và phải có một nghị quyết về phát triển kinh tế biển một cách tổng thể, khoa học và dài hơi. Vì sao? Đảng ta nói rằng kinh tế ven bờ và kinh tế biển đảo phải chiếm 50-53% GDP cả nước. Muốn được như thế thì bây giờ ta phải phát triển hàng loạt ngành kinh tế biển như dầu khí, du lịch, vận tải, cảng biển,… hiện đã có nhưng đều chưa hoàn chỉnh và đầy đủ.

Tôi đề nghị Quốc hội nên có chủ trương thành lập ban chuyên trách nghiên cứu phát triển kinh tế biển. Tốt nhất là một ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng phụ trách ban đó để nghiên cứu tổng thể phát triển kinh tế biển. Bởi vì chúng ta có hơn 3.260km bờ biển, 3.000 hòn đảo ven bờ và xa bờ. Như vậy, chúng ta có nhiều điều kiện để phát triển một cách toàn diện và thỏa mãn khát vọng hùng cường, giàu mạnh của dân tộc.

Nguồn: nguoidothi.net.vn

This entry was posted in Nhóm lợi ích, Quản lý nhà nước. Bookmark the permalink.