Phản biện cùng Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Nguyễn Thuỳ Dương

… dự án đô thị, dự án nhà ở xã hội hay dù là dự án công cộng, nhà ở xã hội với bất kỳ loại đất nào thì đều phải thương lượng với dân. Vì không ai có trách nhiệm phải hy sinh cho ai. Không thể bắt một nhóm người hy sinh lợi ích để phát triển một cộng đồng còn lại. Vì cuối cùng, cộng đồng kia có quay lại nuôi nhóm người mất đất này không? Công bằng là yếu tố cần thiết nên hướng tới.

Trên tinh thần đóng góp xây dựng đối với thay đổi sắp tới của Luật Đất Đai có thể diễn ra vào năm 2023, tôi xin đóng góp một số ý kiến đối với phát biểu ngày 08/12/2002, về vấn đề thu hồi đất.

1. Nhà Nước đi làm kinh tế thì cũng phải công bằng như một Doanh nghiệp bình thường đi làm kinh tế, không thể vì Nhà nước là Nhà nước có quyền lực trong tay rồi đi làm kinh tế kiểu quyền lực tuyệt đối. Vấn đề này trong nhiều năm qua đã tạo lỗ hổng cho tham nhũng, cho thất thoát ngân sách, đặc biệt cho quyền lợi trực tiếp của người dân bị thu hồi đất.

Cho nên khi Nhà nước thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất qua hình thức đấu giá Quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án nhà ở thương mại hoặc các dịch vụ có yếu tố kinh tế sinh lợi cũng phải thỏa thuận đền bù như một doanh nghiệp bình thường. Yếu tố Nhà nước được quyền thu hồi đất để làm kinh tế vô hình chung khiến cho Nhà nước được quyền định giá luôn Quyền sử dụng đất của dân. Nhà nước cứ thỏa thuận mua lại Quyền sử dụng đất của dân xong rồi đấu giá tạo nguồn thu cho ngân sách, đừng dùng quyền trong trường hợp này.

2. Về ý kiến cho rằng Doanh nghiệp đền bù, thỏa thuận đất ở khi quy hoạch nhà ở Thương mại, dịch vụ còn Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và các loại đất khác. Cá nhân tôi cho rằng, vấn đề tập trung quyền lực và lợi ích vào Nhà nước là quá lớn trong ý kiến này. Khi quy hoạch Thủ Thiêm, UBND thành phố Hồ Chí Minh thu hồi đất của dân để bán lại cho doanh nghiệp với mức giá rất thấp. Dân thiệt hại, ngân sách thất thu, chỉ có doanh nghiệp hưởng lợi, còn cán bộ tự nhiên giàu lên trông thấy. Thủ Thiêm nằm trong trường hợp Nhà nước được quyền thu hồi đất vì thỏa hai yếu tố: Dự án do Chính phủ phê duyệt và Khu Đô Thị Mới. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc khi Nhà nước toàn quyền thu hồi đất sẽ phát sinh những hệ lụy lâu dài do giá trị lợi ích lớn, dễ dẫn đến các nhân sự bị lung lay do tiền bạc.

Cho nên, ở một Quốc gia Nông nghiệp như Việt Nam, đất Nông nghiệp chiếm 84,47%, đất ở chiếm 2,28% thì việc giao Quyền thu hồi đất Nông nghiệp vào tay Nhà nước tiềm ẩn nguy cơ tạo cơ hội rất lớn cho các nhân sự, nhóm lợi ích tham nhũng gây hại cho dân về lâu dài sẽ là nguy hại cho trật tự xã hội, trị an, uy tín của Nhà nước, nhìn sâu và nói thật hơn là thể chế.

Một Quốc gia Nông nghiệp khi thu hồi đất Nông nghiệp để làm dịch vụ, thương mại, kinh tế sinh lời thì có tính tới tái cơ cấu nông nghiệp, có tính tới đời sống của dân sau khi cầm ít tiền đền bù sẽ ra sao?

Nói cho dễ hiểu là sau khi tước đi sinh kế của dân, đưa họ một ít tiền rồi bắt họ tự sinh tồn sẽ gây ra phân hóa lớn trong xã hội. Mà thực tế, điều đó đã xảy ra hơn 20 năm nay.

Tôi cho rằng, dự án đô thị, dự án nhà ở xã hội hay dù là dự án công cộng, nhà ở xã hội với bất kỳ loại đất nào thì đều phải thương lượng với dân. Vì không ai có trách nhiệm phải hy sinh cho ai. Không thể bắt một nhóm người hy sinh lợi ích để phát triển một cộng đồng còn lại. Vì cuối cùng, cộng đồng kia có quay lại nuôi nhóm người mất đất này không? Công bằng là yếu tố cần thiết nên hướng tới.

3. Thiết nghĩ với ý kiến của tôi ở mục số 2 sẽ làm nảy lên bất đồng khi thu hồi đất quốc phòng, đất giáo dục, đất y tế, vì nếu chờ thỏa thuận sẽ gây chậm trễ phát triển chung. Sẵn đây, tôi cũng nêu rõ ý kiến về cách thỏa thuận để dễ đi đến đồng thuận trong thu hồi đất ở mục này.

Chúng ta luôn nghe cán bộ ra rả “sau giải tỏa, nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ”, tuy nhiên, có cái cân nào để tính giá trị bằng hoặc hơn chưa, hay khi cần thì làm vài cái clip phát lên tivi, lên báo rằng sau quy hoạch dân vui như mở hội? Và thực tế có bao nhiêu dân vui như mở hội? Lại phải nhắc câu “rất rõ ràng” nói rất hay nhưng không hề có cơ chế nào để tính toán thiệt hại và lợi ích của dân.

Cách tốt nhất để đạt được lợi ích cho dân, tránh xảy ra những bất đồng ý kiến, tránh oan sai, giảm thiểu tham nhũng và không gây mất uy tín của Nhà nước hoặc doanh nghiệp; đó là làm tốt chính sách tái định cư và hoán đổi đất theo tỷ lệ đối với các loại đất không phải đất ở do người dân sử dụng. Và nhiều doanh nghiệp đã làm điều này hơn 20 năm trước, tại sao Nhà nước không làm?

Khi anh muốn quy hoạch khu vực A, thì ngay khu A1 gần đó, anh phải tạo được một khu tái định cư đầy đủ hạ tầng với các điều kiện tương tự hoặc tốt hơn khu A cho người dân tái định cư. Với đất nông nghiệp thì đền bù theo tỷ lệ hoán đổi với đất thổ cư. 20 năm đổ về trước, tại khu vực khu biệt thự An Phú, tỷ lệ hoán đổi là 7%. Tức là 1000 m2 đất nông nghiệp đổi được 1 nền 70 m2 trong khu biệt thự An Phú (tại dự án thu hồi đất của họ), miễn phí toàn bộ thuế phí, ra sổ đàng hoàng. Khu vực phường Cát Lái, Quận 2 hơn 20 năm trước tỷ lệ hoán đổi là 12-20% diện tích đất ở/ đất nông nghiệp. Tức là 1000 m2 đất nông nghiệp được hoán đổi lấy 120-200 m2 đất thổ cư hạ tầng đầy đủ, bao ra sổ, tại dự án đã thu hồi đất của họ.

Tương tự như vậy, nếu nhận tiền thì cũng nhận trên tỷ lệ của đất ở. 1000 m2 đất nông nghiệp sẽ được nhận số tiền tương đương đền bù cho 100-200 m2 đất thổ cư.

Tôi đảm bảo, với cách làm này hơn 90% người dân tán thành. Nó sẽ đảm bảo quyền lợi của dân trong thu hồi đất. Nó chỉ khiến cho doanh nghiệp làm ăn chân chính hơn và khiến cán bộ bớt giàu hơn mà thôi.

N.T.D.

Nguồn: FB Nguyễn Thùy Dương

This entry was posted in luật đất đai. Bookmark the permalink.