5 tin giả nổi bật về cuộc xâm lược Ukraine của Nga trong năm 2022

Tạo ra độ nhiễu thông tin và tìm kiếm thêm cảm tình viên.

Nguyễn Quốc Tấn Trung

December 12, 2022

clip_image002

Ảnh minh họa. Đồ họa: Luật Khoa.

Suốt một năm qua, bộ máy sản xuất tin giả của Nga gần như hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, đây không chỉ đơn giản là sự góp mặt của các nhóm “troll” chuyên đưa tin không kiểm chứng, phá hoại chính trị nội bộ của một số quốc gia, vốn đã quá khét tiếng từ trước đến nay [1]. Thay vào đó, gần như toàn bộ các cơ quan nhà nước Nga, từ thấp đến cao, từ các cá nhân lãnh đạo quốc nội cho đến các phái đoàn ngoại giao quốc tế đều “hợp xướng” trong một chiến dịch sử dụng tin giả lớn và dày đặc nhất nhì trong lịch sử thế giới hiện đại.

Dưới đây là năm tin giả được phía Nga tung ra và đã trở nên cực kỳ phổ biến ở Việt Nam. Độ nguy hiểm và tính bừa bãi của nó cũng rất nghiêm trọng. Vì vậy, kèm theo các tin giả này là những thông tin kiểm chứng để bạn đọc cân nhắc và lựa chọn tiếp nhận.

CHÍNH QUYỀN UKRAINE “DIỆT CHỦNG”?

Nội dung tin giả:

“Chính quyền Ukraine là chính quyền diệt chủng”

“Chính quyền Ukraine thảm sát hàng chục ngàn người”

“Chính quyền Ukraine lên kế hoạch diệt chủng hàng triệu người gốc Nga”

Đây là cáo buộc thường gặp nhất trong các diễn ngôn nhằm lý giải sự hợp lý và tính chính danh của cuộc chiến xâm lược mà chính quyền Nga phát động. Sự phổ biến của tin giả này là bởi vì chính Tổng thống Nga Vladimir Putin liên tục sử dụng nó như là lý do quan trọng nhất của cuộc chiến.

Theo đó, ngày 24/2/2022, chỉ vài giờ trước khi tung quân vào lãnh thổ Ukraine, Putin đã cho đăng tải một video diễn văn (được ghi hình trước) về lý do và sự cần thiết của “chiến dịch quân sự đặc biệt” [2].

Từ đổ lỗi cho Hoa Kỳ và NATO, đến đổ lỗi cho các cuộc cách mạng màu tại Ukraine nhiều năm trước, đây đều là những lý do chính trị vốn không đủ sức mạnh để giải thích cho hành vi tấn công quân sự toàn diện một quốc gia. Vậy nên “diễn viên” chính của bài diễn văn này lại là “diệt chủng”.

Putin nhắc đến khái niệm diệt chủng hai lần trong bài diễn văn, và toàn ở những chỗ đắc địa.

Đầu tiên, ông nói:

“Chúng ta cần phải ngăn chặn tội ác này, hành vi diệt chủng nhắm đến hàng triệu người đang sống ở đó [ý chỉ Ukraine – ND], những người chỉ còn biết đặt hy vọng vào chúng ta”.

Một đoạn sau, ông lại thêm vào, rõ ràng hơn:

“Mục tiêu của chiến dịch này là để bảo vệ người dân, mà tám năm qua, đã phải đối mặt với sự tủi hổ và diệt chủng mà chính quyền Kiev thực hiện”.

Như vậy, diễn ngôn không thể rõ ràng hơn cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga là hành vi diệt chủng gây hại đến “hàng triệu người” của chính quyền Ukraine.

Điều này tiếp tục được lặp lại bởi các đại diện chính thức của nhà nước Nga trên mọi diễn đàn. Có lẽ đây là lý do khiến cho hệ thống thông tin này phổ biến và mạnh mẽ đến vậy tại Việt Nam.

Kiểm chứng:

Được nhắc đi nhắc lại bởi chính quyền Nga không có nghĩa rằng đây là tin thật. Ngược lại, đã có nhiều chỉ dấu cho thấy những cáo buộc này hoàn toàn giả tạo, không chính xác với những gì đã và đang diễn ra.

Vào tháng 3/2022, Tòa án Công lý Quốc tế đã tiếp nhận tranh chấp giữa Ukraine và Nga do Ukraine nộp đơn [3]. Trong đơn này, Ukraine khởi kiện Nga vì họ đã sử dụng các lý luận về diệt chủng được ghi nhận trong Công ước Quốc tế về Diệt chủng (tên đầy đủ “The Convention on the Prevention and Punishment of the Crime of Genocide”) để thực hiện hành vi quân sự của mình – một lập luận hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc của Công ước Diệt chủng.

Tuy nhiên, khi được trao cơ hội chứng minh “tính chính danh” của mình, Nga từ chối diễn đàn pháp lý chính đáng này. Thậm chí, chính quyền Nga thay đổi giọng điệu, cho rằng mình tấn công Ukraine chỉ vì “tự vệ” [4].

Không chỉ vậy, những thông tin về “tám năm” đau thương và đối mặt với diệt chủng của người dân Đông Ukraine mà chính quyền Nga đưa ra cũng vô cùng thiếu cơ sở.

Chỉ vừa vào cuối năm 2021, trong báo cáo về tình hình nhân quyền và thiệt hại nhân mạng của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (tên vắn tắt là OHCHR) [5], thiệt hại nhân mạng do chiến sự và các xung đột tại khu vực Đông Ukraine chỉ là vỏn vẹn… 15 người trong năm 2021.

Hiển nhiên, mạng sống nào cũng đáng giá. Nhưng quá trình thống kê đầy đủ và trọn vẹn này cho thấy không có hàng triệu mạng người nào đang bị đe dọa bởi nạn diệt chủng. Số lượng dân thường thiệt mạng vì chiến sự sụt giảm nhanh chóng kể từ năm 2014, chủ yếu nhờ các nỗ lực ngừng bắn của các bên và sự giám sát rộng khắp của các tổ chức quốc tế như OHCHR.

Kết luận:

Dù là diễn ngôn chính yếu thời gian đầu của chính quyền Nga và được các nhóm ủng hộ chiến tranh tại Việt Nam nhắc đi nhắc lại liên tục, Nga vẫn luôn lảng tránh các công cụ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Họ từ chối cơ hội chứng minh “nạn diệt chủng” ở Ukraine trước quốc tế, dù lúc nào cũng viện dẫn đến nó.

Trong khi đó, những con số khả tín được các tổ chức quốc tế cung cấp đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại, cho thấy “hàng triệu người dân Ukraine” đối mặt với diệt chủng chỉ là một sản phẩm tin giả do toàn bộ bộ máy nhà nước Nga sản xuất, duy trì và tuyên truyền.

CHÍNH QUYỀN UKRAINE CẤM ĐOÁN TIẾNG NGA DẪN ĐẾN TÌNH THẾ CẤP THIẾT PHẢI LY KHAI CỦA NGƯỜI DÂN CRIMEA/ĐÔNG UKRAINE?

Nội dung tin giả:

Một trong những tin giả phổ biến khác mà các nhóm ủng hộ Putin tại Việt Nam rất thích nêu ra là việc cho rằng chính quyền Ukraine bóp nghẹt văn hóa, ngôn ngữ Nga, đẩy người dân gốc Nga vào đường cùng, và từ đó khiến cho họ phải “cậy nhờ” Nga để tìm kiếm độc lập, tự chủ của mình.

Họ cho rằng đây là sự thật vào năm 2014, dẫn đến việc Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước này. Và họ cũng cho rằng đây là sự thật vào năm 2022, dẫn đến việc Nga sáp nhập bốn tỉnh Đông Nam Ukraine vào Nga – vùng lãnh thổ mà thật ra nước này đang chiếm giữ bằng bạo lực.

Tuy nhiên, chỉ một vài cái click chuột, chúng ta sẽ ngay lập tức nhận ra đây là tin giả.

Kiểm chứng:

Từ trước đến năm 2014, chính quyền Ukraine chưa từng đưa ra bất kỳ văn bản pháp luật hay chính sách thực tế nào để cấm đoán tiếng Nga, vốn được công nhận là “ngôn ngữ địa phương” (regional language) và sử dụng phổ biến trên toàn Ukraine. Việc Nga bất ngờ đưa quân chiếm cứ Crimea là nằm ngoài dự đoán của bất kỳ nhà quan sát nước ngoài nào ở thời điểm đó. Không có bất kỳ căn cứ nào liên quan đến vấn đề ngôn ngữ hay văn hóa Nga.

Không chỉ vậy, kể từ năm 2015, khi Nga bắt đầu ủng hộ quá trình ly khai vũ lực của các nhà nước cộng hòa tự xưng ở Donetsk và Luhansk, chính tiếng Ukraine mới là tiếng nói bị loại trừ khỏi những vùng lãnh thổ mà các thế lực chính trị này kiểm soát. Các nhóm vũ trang ly khai cũng như Nga tuyên bố rất rõ rằng họ tìm kiếm sự bá chủ của ngôn ngữ Nga tại những nền “cộng hòa” này [6]. Một điều mà dường như bị các nhóm ủng hộ Nga bỏ qua khi họ lên án Ukraine.

Phải đến tận năm 2018, sau khi Nga xây dựng xong cầu Kerch nối lãnh thổ Nga với Crimea, biểu tượng kết nối Crimea với “đất mẹ” Nga, những lo ngại nghiêm trọng đối với độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và sự tồn tại của dân tộc Ukraine mới lên đến đỉnh điểm [7].

Điều này chính thức dẫn đến việc chính quyền Ukraine thông qua đạo luật liên quan đến bảo vệ tiếng Ukraine như là ngôn ngữ chính thức – một hành động mà người viết cho rằng mang tính chất tự vệ chính đáng của một dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi một gã hàng xóm khổng lồ quá nhiều ám ảnh tham vọng địa chính trị.

Song ngay cả khi như vậy, đạo luật này cũng không có tính chất xóa bỏ hay loại trừ tiếng Nga [8].

Vào tháng 4/2019, Quốc hội Ukraine thông qua đạo luật ngôn ngữ với kỳ vọng thống nhất việc tiếng Ukraine là ngôn ngữ bắt buộc cho cán bộ, công chức, người làm việc trong khu vực công [9]. Theo đó, các nhóm làm việc cho nhà nước như công chức, quân nhân, bác sĩ và giáo viên… phải biết tiếng Ukraine và phải sử dụng tiếng Ukraine như ngôn ngữ chính thức trong hệ thống – một quy định bình thường như việc tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức trong hệ thống giáo dục – hành chính Việt Nam.

Thêm vào đó, tiếng Nga cũng không “bị cấm” hay “bị đàn áp” như các tin đài Nga cũng như các nhóm ủng hộ Putin tại Việt Nam mô tả.

Kết luận:

Tiếng Nga vẫn là ngôn ngữ được sử dụng bởi một bộ phận lớn người dân Ukraine. Thậm chí những người Ukraine không có gốc Nga vẫn có kiến thức và có thể trao đổi bằng tiếng Nga. Trước năm 2014 và cho đến tận năm 2022, không có bất kỳ quy định pháp lý hay chính sách cấm đoán tiếng Nga.

Ngay cả khi có những phản ứng lập pháp nhằm khẳng định tính thống nhất của hệ thống ngôn ngữ quốc gia, và rằng tiếng Ukraine là tiếng nói – chữ viết chính thức cho hệ thống công lập nhà nước, đây cũng là động thái đáp trả những tham vọng lãnh thổ và nỗ lực xóa bỏ sự tồn tại của văn hóa Ukraine tại các vùng bị chiếm đóng như Crimea hay Đông Ukraine.

clip_image006

Tên lửa quân đội Ukraine phóng về phía Nga tại tỉnh Donetsk. Ảnh: AP.

AZOV LÀ NHÓM PHÁT XÍT CHI PHỐI UKRAINE? NỀN CHÍNH TRỊ UKRAINE LÀ NỀN CHÍNH TRỊ “TÂN PHÁT XÍT”, “TÂN QUỐC XÔ?

Nội dung tin giả:

“Azov là lực lượng Phát xít chủ lực của Ukraine”

“Azov đại diện cho chính quyền Ukraine”

“Ukraine là nhà nước Phát xít vì dung dưỡng Azov”

Đây là những luận điểm phổ biến được truyền bá từ trước cả khi cuộc chiến tại Ukraine bắt đầu. Sự hiện diện của Azov cũng là cơ sở tốt nhất để các nhóm bài Ukraine ở Việt Nam ủng hộ chiến dịch “thanh tẩy” Ukraine khỏi chủ nghĩa Phát xít.

Tuy nhiên, như các trường hợp trên, đây lại là một tuyên truyền không đúng sự thật.

Kiểm chứng:

Trước tiên, chúng ta cần xác định lại tầm ảnh hưởng thật sự của Azov (và chủ nghĩa Tân Phát xít nói chung) ở Ukraine.

Một điểm mà mọi người có vẻ không chú ý là nghe dịch “binh đoàn” hay “quân đoàn” Azov, chúng ta sẽ tưởng tượng ra một lực lượng quân sự hùng hậu với nền tảng chính trị lớn. Điều này không đúng với thực tiễn.

Lực lượng quân sự Azov thật ra chỉ có khoảng 900 người, vốn hoàn toàn không đủ khả năng thao túng hay gây ảnh hưởng lên mặt trận tư tưởng hay quân sự của chính phủ Ukraine như nhiều người tưởng tượng [10]. Mặt khác, ngay cả các nhánh chính trị của Azov được hình thành sau này, như National Corps, cũng không có bất kỳ thành quả gì đáng kể trên chính trường Ukraine và tư tưởng chung của người Ukraine.

Vào năm 2019, National Corps thất bại trong việc vượt qua tỷ lệ 5% phiếu bầu để có thể có ghế trong Quốc hội Ukraine [11]. Trước đó một năm, thống kê cho thấy số lượng thành viên của National Corps chỉ là hơn 20.000 người trên toàn Ukraine [12].

Quan trọng hơn, diễn ngôn và lập trường chính trị của Azov thật ra cực hữu và tương tự với lập trường của Nga nhiều hơn là Liên minh Châu Âu (EU).

Azov về cơ bản vẫn là một nhóm theo tư tưởng bài Do Thái hết sức phổ thông (anti-Semite).

Nhóm này cũng đồng thời sử dụng hệ chính trị cực hữu phổ biến, như chống dân chủ, chống đồng tính, chống ngoại thương… và từ đó, chống lại mọi giá trị mà EU hướng tới.

Ngoài ra, nhóm này cũng kêu gọi tái thiết Ukraine trở lại là một cường quốc hạt nhân.

Đây là những lý do chính yếu khiến chính quyền Ukraine hoàn toàn không đón nhận nhóm này về phương diện tư duy chính trị, dù nhóm này có được xem là một lực lượng chiến đấu hiệu quả và can trường cho các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.

Nhưng mục tiêu của Azov và chính quyền Ukraine cũng rất “đồng sàng dị mộng”.

Azov hoạt động quân sự hỗ trợ chính quyền Ukraine như hiện nay là để gây tiếng vang quốc tế, tranh thủ hậu thuẫn tài chính từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động của họ, cũng như rèn luyện năng lực quân sự cho các thành viên. Trên cơ sở đó, nhóm Azov phổ biến, truyền cảm hứng, làm sống lại tư tưởng Tân Phát xít (Neo-Nazi) trên châu Âu và châu Mỹ.

Cuộc chiến mà Putin phát động với toàn bộ quốc gia Ukraine được Azov xem là một cơ hội “lửa thử vàng” để tăng cường danh tiếng, tầm ảnh hưởng và vai trò chính trị của họ trên toàn châu Âu giai đoạn hậu chiến.

Kết luận:

Với những thông tin rõ ràng về số lượng lẫn tầm ảnh hưởng thật sự của Azov, thêm vào đó là các lý luận chính trị Tân Phát xít nói chung, không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Azov nói riêng và lập trường chính trị cực hữu Tân Phát xít nói chung là một thế lực gì đó có thể chi phối chính trường Ukraine.

UKRAINE VÀ MỸ PHÁT TRIỂN VŨ KHÍ HÓA HỌC NÊN NGA BUỘC PHẢI TẤN CÔNG?

Nội dung tin giả:

Sau những nội dung tin giả có phần vĩ mô nói trên, kể từ khi cuộc xâm lược tại Ukraine bắt đầu, các tin giả “nhỏ lẻ” hơn xuất hiện, cố gắng vẽ nên bức tranh xấu xí của chính quyền và người dân Ukraine.

Một trong số đó là nguồn tin cho rằng ở Ukraine có nhiều phòng thí nghiệm vũ khí hóa học “nguy hiểm” (đặc biệt ở miền Đông nước này), dưới sự hỗ trợ của chính quyền Hoa Kỳ để tấn công và triệt hạ nước Nga [13].

Tin tức giả này trở nên đặc biệt phổ biến, ở Việt Nam, ở Trung Quốc, và thậm chí là các nhóm chính trị ở Mỹ cũng hứng thú với việc lan truyền tin tức giả này [14].

Kiểm chứng:

Sau khi thông tin được lan truyền và thậm chí trở thành cáo buộc chính thức của Nga dành cho Ukraine lẫn Hoa Kỳ (với một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc do Nga đề nghị triệu tập), nhiều tổ chức quốc tế vào cuộc xem xét và kiểm chứng [15]. Trong đó, quan trọng nhất là Văn phòng Liên Hiệp Quốc về vấn đề giải trừ quân bị (United Nations Office for Disarmament Affairs).

Theo thông tin chính thức từ Văn phòng này, không có bất kỳ bằng chứng nào về việc Ukraine phát triển vũ khí hóa học bí mật hay có các chương trình nghiên cứu hóa học nguy hiểm [16].

Kết luận:

Cân nhắc việc Nga tấn công và ném bom trên diện rộng lãnh thổ Ukraine (vốn có rủi ro nghiêm trọng nếu các phòng thí nghiệm này bị phá hủy), cộng với việc một phần lớn lãnh thổ phía Đông Ukraine đang bị Nga kiểm soát, thì động thái Nga đột nhiên im hơi lặng tiếng suốt cả năm nay và không đưa ra thêm bất kỳ bằng chứng nào về vấn đề này có lẽ là minh chứng không thể rõ ràng hơn cho việc đây chỉ là thông tin ngụy tạo để tạo ra ảnh hưởng nhất thời cho diễn ngôn chiến tranh của mình.

TƯỚNG CANADA, TƯỚNG NATO ĐANG HỖ TRỢ QUÂN ĐỘI UKRAINE. HỌ BỊ BAO VÂY, BỊ BẮT Ở NHIỀU NƠI?

    

Nội dung tin giả:

Được đăng tải trên các tờ như TASS của Nga và sau đó trở thành nguồn cảm hứng thêu dệt cho các nhóm troll lẫn các nhóm tin giả ủng hộ Nga trên toàn cầu, việc tướng lĩnh phương Tây “bị bắt” trên chiến trường Ukraine trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho những người ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Ví dụ, với một tin được đưa trên TASS, họ cho rằng tướng Canada nghỉ hưu Trevor Cadieu đang chiến đấu tại Mariupol, đang quản lý và hợp tác tại một phòng lab vũ khí hóa học, và đang làm rất nhiều thứ khác (?!) [17] [18].

Trong một diễn biến khác, ngay cả tướng Hoa Kỳ Roger L. Cloutier cũng bị cho là đang trong vòng bao vây ở nhà máy thép Azovstal và sẽ nhanh chóng bị bắt [19].

Kiểm chứng:

Tuy nhiên, ngay lập tức, những thông tin này được nhiều nguồn kiểm chứng là không chính xác, theo một cách tương đối đơn giản.

Tướng Hoa Kỳ Roger L. Cloutier thật ra lúc đó đang ở Thổ Nhĩ Kỳ và cho đến nay vẫn tiếp tục trong hàng ngũ lãnh đạo của NATO.

Cựu tướng Canada Cadieu đến Ukraine vào tháng 4/2022, thời điểm mà thành phố Mariupol đã bị vây chặt nên ông này chắc chắn không thể có đóng góp gì cho lực lượng quân sự Ukraine ở đây. Hiện nay, các thông tin cho thấy ông này đã trở về Canada để tiếp tục đối mặt với các cáo buộc xâm phạm tình dục trong môi trường làm việc [20].

Kết luận:

Các nguồn tin phía Nga và Trung Quốc đến nay gần như không còn nhắc về việc tướng NATO hay tướng Canada bị bắt, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy đây chỉ là những tin giả “tạm bợ” để tìm kiếm sự ủng hộ của người dân Nga cũng như các nhóm nước ngoài ủng hộ Putin trong khoảnh khắc nhất thời.

Điểm chung là họ cố gắng sản xuất thật nhiều tin giả và phát tán nó ở mức độ rộng nhất có thể, tạo ra độ nhiễu thông tin và tìm kiếm thêm cảm tình viên.

Tuy nhiên, may mắn là người dân Ukraine có thể giữ vững chiến tuyến trong khoản thời gian đủ dài. Và cho đến nay, những thông tin nói trên đều đã được chứng minh là không đúng sự thật.

Chú thích:

1. Reporter, G. S. (2022, May 3). ‘Troll factory’ spreading Russian pro-war lies online, says UK. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2022/may/01/troll-factory-spreading-russian-pro-war-lies-online-says-uk

2. Address by President of the Russian Federation. (2014, March 18). President of Russia. http://en.kremlin.ru/events/president/news/20603

3. Allegations of Genocide under the Convention on the Prevention and Punishment of the Crime of Genocide (Ukraine v. Russian Federation). (2022, March 7). International Court of Justice. https://www.icj-cij.org/public/files/case-related/182/182-20220307-ORA-01-00-BI.pdf

4. Allegations of Genocide under the Convention on the Prevention and Punishment of the Crime of Genocide (Ukraine v. Russian Federation) (Order of Provisional Measures). (2022, March 16). International Court of Justice. https://www.icj-cij.org/public/files/case-related/182/182-20220316-ORD-01-00-EN.pdf

5. OHCHR. (n.d.). OHCHR | Report on the human rights situation in Ukraine, 1 February to 31 July 2021. https://www.ohchr.org/en/documents/country-reports/report-human-rights-situation-ukraine-1-february-31-july-2021

6. Dominique Arel. (2017). Language, Status, and State Loyalty in Ukraine. Harvard Ukrainian Studies. https://www.husj.harvard.edu/uploads/files/HUS%2035_2017-2018_Arel.pdf

7. Greenall, B. R. (2022, October 14). Crimea bridge: Russia “to repair blast damage by July 2023.” BBC News. https://www.bbc.com/news/world-europe-63255611

8. Maria R. U. (2022, June 8). PolitiFact – Russian has not been banned in Ukraine, despite repeated claims. (n.d.). Politifact. https://www.politifact.com/factchecks/2022/jun/08/sergey-lavrov/russian-has-not-been-banned-ukraine-despite-repeat/

9. Redaction, U. (2019, July 17). Language law comes to force in Ukraine. UNIAN. https://www.unian.info/politics/10618737-language-law-comes-to-force-in-ukraine.html

10. Al Jazeera. (2022, March 1). Profile: Who are Ukraine’s far-right Azov regiment? https://www.aljazeera.com/news/2022/3/1/who-are-the-azov-regiment

11. Stern, B. D. (2014, December 13). Ukraine underplays role of far right in conflict. BBC News. https://www.bbc.com/news/world-europe-30414955

12. MMP. Azov Movement. Stanford University, Center of International Security and Cooperation. https://cisac.fsi.stanford.edu/mappingmilitants/profiles/azov-battalion

13. Chappell, B., & Yousef, O. (2022, March 25). How the false Russian biolab story came to circulate among the U.S. far right. NPR.org. https://www.npr.org/2022/03/25/1087910880/biological-weapons-far-right-russia-ukraine

14. The Associated Press, & Rising, D. (2022, March 11). China amplifies unsupported Russian claim of Ukraine biolabs. CTVNews. https://www.ctvnews.ca/world/china-amplifies-unsupported-russian-claim-of-ukraine-biolabs-1.5815518

15. Pamuk, H. (2022b, March 11). U.N. Security Council to convene today at Russia’s request. Reuters. https://www.reuters.com/world/europe/un-security-council-convene-friday-russias-request-diplomats-2022-03-11/

16. No sign of Ukraine bioweapons labs says disarmament chief, after further Russian claims. (2022, March 22). UN News. https://news.un.org/en/story/2022/03/1114272

17. TASS. (2022, April 28). Retired Canadian army general may be holed up in Azovstal steel plant — DPR militia. https://tass.com/society/1444877

18. Detector, M. (2022, May 6). Where is the Canadian General and Does the Photo of AVIA.PRO Depict his ‘Capture?’ mythdetector.ge. https://mythdetector.ge/en/where-is-the-canadian-general-and-does-the-photo-of-avia-pro-depict-his-capture/

19. Sadeghi, M. U. T. (2022, April 12). Fact check: U.S. general refutes rumor that Russian forces captured him in Mariupol. USA TODAY. https://eu.usatoday.com/story/news/factcheck/2022/04/12/fact-check-natos-lt-gen-cloutier-wasnt-captured-ukraine/9500555002/

20. Connolly, A. (2022, June 16). Canada’s military police charge retired lieutenant-general with sexual assault. Global News. https://globalnews.ca/news/8923307/trevor-cadieu-sexual-assault-charges/

N.Q.T.T.

Nguồn: Luật khoa Tạp chí

This entry was posted in Chiến sự Ukraine, Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.