“Việc Trung Quốc đẩy lùi không gian biển của ta đã tạo ra một nguy cơ rất lớn về mất an ninh và ổn định, và thu hẹp không gian biển của chúng ta” – GS Chu Hồi phân tích.
Cố ý đẩy lùi không gian biển Việt Nam
– Theo ông, vì sao sau ba năm thực hiện chiến lược lược biển mà chúng ta vẫn chưa có qui hoạch không gian. Vậy đợi đến bao giờ mới có kế hoạch hành động cụ thể? Trong khi thời gian không chờ ta, bởi mục tiêu theo chiến lược là đến 2020 là kinh tế biển sẽ chiếm 53-55% GDP, tức là còn lớn hơn tổng GDP hiện nay (khoảng 90 tỷ USD), và chiếm tỷ trọng 55-60% giá trị xuất khẩu. Liệu có phải vì vấn đề mất ổn định ở Biển Đông?
GS Nguyễn Chu Hồi: Tôi e là vậy. Ác hơn nữa, khi mình ban hành chiến lược biển đã chậm lắm rồi, nhưng “ông hàng xóm” lại nhảy ngay vào thực hiện ngay chiến lược của mình. Khi chiến lược biển được công bố cuối năm 2007, liên tiếp trong hai năm 2008-2009 Trung Quốc ồn ào công bố đường lưỡi bò, với mục đích đẩy lùi không gian biển của Việt Nam vào.
Hơn nữa, họ sử dụng mọi diễn đàn, chứ không chỉ chính trị để tuyên truyền. Tôi còn nhớ tháng 10.2008, tôi có dự hội nghị quốc tế các vùng nước ở Cape Town (Nam Phi). Đang nghĩ vẩn vơ, thì một bà người Mỹ trong Ban tổ chức ghé vào tai tôi: “Kìa Hồi, họ đang nói tới Việt Nam đấy“.
Tôi ngẩng đầu lên và thấy một ông Trung Quốc ở Cục Hải dương đang dẫn ra ví dụ rằng Việt Nam vừa ban hành chiến lược biển, trong khi biển Việt Nam rất hẹp và tài nguyên biển Việt Nam gần như bị cạn kiệt và bị suy thoái, bởi do khai thác quá mức. Ông ta còn nói: như vậy làm sao Việt Nam đạt được mục tiêu kinh tế biển chiếm 53-55% GDP.
Bà người Mỹ, chắc cũng thấy khó nghe, giục tôi: Hồi, phải lên tiếng đi.
Tôi bảo: Không việc gì phải vội. Trưa nay, bà mời Cục trưởng Lý Hải Dinh – tên vị đại biểu Trung Quốc nói trên – và tôi ngồi cùng bàn ăn trưa với bà. Nhân đó, tôi sẽ hỏi ông ta, và trả lời về quan điểm của Việt Nam cho ông ta nghe, trước sự chứng kiến của một người Mỹ như bà.
Tôi đã bảo với Lý Hải Dinh: “Con số phần trăm GDP chẳng có ý nghĩa gì cả. Chỉ 01% GDP của Mỹ, về giá trị tuyệt đối, có thể bằng mấy chục phần trăm GDP của Việt Nam. Con số đó chỉ có ý nghĩa với Việt Nam chúng tôi, tại sao ông mang ra nói ầm lên tại diễn đàn quốc tế?
Ông nói rằng Trung Quốc chỉ tính có 10% GDP từ kinh tế biển. Nhưng xin thưa với ông rằng, các ông đóng cửa biển quốc gia của các ông, rồi ra đại dương chung của thiên hạ, chưa nói đến ra biển của người khác để khai thác, mang về nuôi đất nước các ông. Vả lại, với GDP của Trung Quốc, 10% đó là bao nhiêu tỷ USD?
Lần sau, ông nên trao đổi trước nhé. Chúng ta dù sao cũng là hàng xóm, câu nói của ông chỉ khiến người ta để ý đến sự phức tạp, sự nhạy cảm giữa hai quốc gia thôi, chứ chẳng có ý nghĩa gì về mặt học thuật cả.
Còn nếu tôi muốn phê phán các ông, có rất nhiều điều để nói. Chẳng hạn, các nước lớn và giàu, trong đó có Trung Quốc, đã phá hủy môi trường và tài nguyên các nước nghèo, kích thích các nước nghèo bán tài nguyên, còn mình thì đóng cửa lại. Bây giờ nghèo, phải đào phải múc tài nguyên để bán với giá rẻ, đến sau này hết tài nguyên rồi lại phải bỏ một số tiền lớn ra để mua lại với giá cực kỳ đắt”.
Ông ta đã xin lỗi tôi.
– Ông đánh giá thế nào về chủ thuyết khai thác chung vùng tranh chấp mà Trung Quốc đang ra sức cổ xúy?
Phải cẩn thận, bởi, theo quan điểm của họ, vùng tranh chấp chính phần nằm trong đường lưỡi bò. Như vậy, vùng của mình đang khẳng định chủ quyền mà họ đòi khai thác chung, làm sao chấp nhận được.
Theo tôi, một số người phát biểu rằng chúng ta chủ trương gác tranh chấp để khai thác chung là rất sai. Mặt khác, đây đó, ngay cả ở Trung Quốc, họ nâng cấp lên là chúng ta đang quốc tế hóa các tranh chấp trên Biển Đông nhưng, theo tôi, chưa tới mức đó. Việt Nam vẫn đang cố gắng đa phương hóa, đa dạng hóa các loại hình hợp tác trên Biển Đông thôi. Đó là chủ trương nhất quán của chúng ta.
Chính việc Trung Quốc đẩy lùi không gian biển của ta đã tạo ra một nguy cơ rất lớn về mất an ninh và ổn định, và thu hẹp không gian biển của chúng ta. Như vậy, hiện tại, Việt Nam chỉ có mỗi vùng duyên hải làm bàn đạp. Và nếu tổ chức, qui hoạch không tốt, đầu tư không trúng, không hiệu quả, là có lỗi rất lớn, nhất là với con cháu chúng ta. Bởi đó là cái tiềm năng lớn duy nhất còn lại của chúng ta.
Đầu tư vào kinh tế biển phải có điều kiện
– Như vậy, việc thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, vào kinh tế biển, liệu có khả thi? Khi mà, lợi thế lớn nhất khi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào kinh tế đất liền, là ổn định về an ninh, bên cạnh những bất lợi lớn về hạ tầng yếu kém, nguồn nhân lực thiếu kỹ năng và thủ tục hành chính quá rườm rà.
Đúng là đầu tư vào kinh tế biển phải có điều kiện, và một trong những điều kiện đó là vấn đề an ninh. Tôi vẫn nói là mình xây dựng chiến lược kinh tế biến trong môi trường của Biển Đông còn chứa đựng những yếu tố khó lường ở thế kỷ XXI. Hơn nữa, với công nghệ, năng lực khai thác tài nguyên thiên nhiên của biển đảo còn yếu kém, phương thức quảng canh chắc vẫn còn được áp dụng.
Tôi nghĩ, trước mắt, đây còn là vấn đề phải bàn rất nhiều, và rất cần thúc đẩy sự đa phương hóa và đa dạng hóa hợp tác quốc tế, như tôi đã nói. Ngoài ra, về cái nhìn dài hạn, phải nhanh chóng tìm cách đi theo xu hướng chung của thế giới. Tức là, lấy đại dương nuôi đất liền.
Chẳng nhìn đâu xa, ngay ông hàng xóm. Trung Quốc hiện đang đưa ra những chính sách theo xu thế của Mỹ cách đây 27 năm là dần dần đóng cửa biển quốc gia, không khai thác thủy sản, mà sẽ ra khai thác từ đại dương để nuôi đất liền. Hồi đó, Mỹ đã chuyển sang khai thác những tài nguyên phi vật thể, những giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái của biển.
Ở Mỹ, trong năm 2004, trong số 72 tỷ USD của kinh tế biển và đại dương, thì 23 tỷ USD do nghề cá giải trí và dịch vụ bán cá cảnh và san hô góp vào. Mà cả khu bảo tồn đó không dùng đến tiền nhà nước, hoàn toàn do tư nhân, kể cả nước ngoài đầu tư. Mỹ đã đi đến nền kinh tế sinh thái, vừa bền vững vừa hiệu quả. Trong khi đó, chúng ta nuôi basa trên đất liền, rồi ra biển đánh bắt, chỉ bán được vẻn vẹn có 4,2 tỷ USD.
Ở Việt Nam, chẳng hạn, thay vì đánh cá ở Vịnh Nha Trang, chúng ta xây khu bảo tồn, và phát triển nghề cá giải trí, rồi du lịch lặn biển. Và tiền thu được từ đó lớn hơn nhiều nghề đánh cá.
Tuy nhiên, cũng cái khổ ở đây. Khu bảo tồn Vịnh Nha Trang đã được thiết lập, nhưng cá thì hết, chẳng có gì để ngắm khi lặn biển nữa. Thứ nhất là không có một cơ chế phối hợp liên ngành, mạnh anh nào anh ấy khai thác. Thứ hai là không đảm bảo được sinh kế cho 8 khóm dân trên đảo. Họ ở đó từ 3-4 đời rồi, chủ yếu sống bằng nghề đánh cá ở Vịnh Nha Trang.
Tôi đã đề nghị là qui hoạch để xác định các vùng cửa sông ven biển, ven đảo, để làm rặng san hô nhân tạo. Rồi mua tàu sắt của dân nghèo đánh chìm xuống, tẩy sạch đi rồi sơn chống gỉ vào. Chỉ 5 năm sau, san hô bám vào là hết gỉ thôi. Sau khi tránh vùng quốc phòng ra, những vùng được phép chúng ta cho chính sách riêng, cho nước ngoài đầu tư vào đó, để làm kinh tế bảo tồn. Chúng ta vừa có tiền, vừa bảo tồn được.
Trong hoàn cảnh Việt Nam, cộng thêm sự mở cửa hơn nữa về chính sách và tính liên ngành được coi trọng, nên đầu tư vào du lịch là an toàn nhất. Bởi du lịch tới các đảo gần bờ, rồi ven biển, không hề động tới những khu vực nhạy cảm, và ổn định đầu tư hơn.
HP
Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-07-23-khong-quan-duoc-bien-la-co-toi-voi-tuong-lai-