Đoàn Dương
Trước những sai phạm nối dài, lặp lại, kể cả những nghị quyết, chương trình ra đời nhằm chấn chỉnh, khắc phục được ban hành, áp dụng mà vẫn cứ sai thì thực chất, “trùm cuối” lại chính là cái sai đã trùm lên cả một tổ chức. |
Danh sách cán bộ bị khởi tố trong vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và các đơn vị liên quan tiếp tục nối dài. Là mới một cái bệnh viện ở một tỉnh mà từ bí thư, chủ tịch tỉnh, giám đốc sở Y tế, Kế hoạch – Đầu tư và cơ man cán bộ, chuyên viên đều nối đuôi nhau ngã rạp.
Nhìn danh sách đơn vị dính kỷ luật của An Giang mà mướt mồ hôi, như thể đang chạy ngang Ngã ba Lộ tẻ, chực rơi xuống sông. Từ Đảng ủy Công an tỉnh, Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát tỉnh, Tòa án Nhân dân tỉnh đến Ban thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Quản lý Thị trường, Cục Hải quan, tức từ bộ máy nhà nước “gác cửa” kinh tế đến lực lượng vũ trang, biên phòng đều dắt tay nhau vi phạm ráo trọi.
Sai một đến hai nhiệm kỳ. Vậy nghị quyết, chỉ tiêu, chương trình hành động cho từng 5 năm, cái nào cũng đúng, thì toàn cục nó đúng hay sai? Đảng mất cán bộ, Nhà nước mất [thu]thuế, nhân dân liệu còn gì để mất sau chừng ấy năm cán bộ làm sai?
Nhìn ra Hải Dương, nhìn lại Khánh Hòa… có khác gì. Sai tầng tầng lớp lớp. Sai đến cả “ông trên trung ương” như lời cụ bảo.
Một người đàn bà, là tôi chỉ nghe phong thanh từ rất lâu, cái bóng ấy phủ khắp từ khi còn là đề án, rồi thành hình dự án, rồi xúc tiến đầu tư, triển khai, nghiệm thu… Và cứ thế, truyền tai, rỉ giọng, trườn truột qua mọi ngóc ngách. Để giờ đây, dưới cái tên mỹ miều “vi phạm quy định về đấu thầu”, mà thực chất ai nấy chả biết nó đã phạm ngay từ khi chưa đấu, bởi thầu của ai, ai mới được thầu.
Lại một người đàn bà, như Mười Tường hay ai đó nữa mà đủ sức khuynh loát cả một vùng biên địa Tây Nam.
Trong khi, sức mạnh ứng phó đến từ các tổ chức Đảng, với những công cụ quản lý nhà nước, dưới vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của những tập thể ban thường vụ đảng ủy, ban cán sự đảng… thì lại gần như vô hiệu.
Không nói vai trò dân chủ ở đây – còn bận xếp hàng lấy số. Mà là “dân chủ” trong tổ chức Đảng cũng mất nốt. Từ “tập trung dân chủ” thành “tập trung quyền lực” – tức quyền lực tập trung vào một người – một nhóm người đứng đầu, nắm quyền lực tuyệt đối để chi phối mọi hoạt động, con người. Điều lệ, các quy định không được làm, những nhận diện chống suy thoái trở thành thứ trang sức lòe loẹt. Tính Đảng – nếu có và còn sót lại chút nào – thì cũng đành mà đem giấu, tìm cách mà che. Không đợi đến quyền lợi vật chất mới tha hóa con người mà cả sự đớn hèn, sự ngậm miệng cho dù không phải để ăn tiền thì đã là một sự “tha hóa” cái phẩm chất, tín điều mà đảng viên từng tuyên thệ.
Tôi đã từng chứng kiến cảnh tượng một mớ đảng viên, là đảng viên cán bộ ngồi đực ra, chỉ làm sao để đám quần chúng phải chấp nhận làm lại, sửa lại mức kỷ luật cho đúng ý của đảng viên cán bộ cấp trên. Dù mức kỷ luật trước đó chính đảng viên cán bộ đã thông qua.
Nói cho cùng, tổ chức nào mà chẳng do con người lập thành, vận hành. Nên nó là nguyên nhân – hệ quả lẫn nhau. Chỉ là, qua từng vụ việc, sau từng ấy “bản danh sách của… Ủy ban Kiểm tra”, càng nhìn rõ hơn cái bản chất phát sinh, lây lan, phát tán.
Thử đếm trong các vụ vi phạm đã công bố, có bao nhiêu vụ mới sai phạm đã được phát hiện? Bao nhiêu vụ sai phạm “trung hạn” đã được ngăn chặn? Hầu hết đều dài hạn, ít nhất 1 nhiệm kỳ. Một nhiệm kỳ với người có chức vụ, quyền và lợi đi kèm, nó nhanh lắm. Nhưng 5 năm làm ăn, kiếm sống, với dân, nó dài dằng dặc.
Và trước những sai phạm nối dài, lặp lại, kể cả những nghị quyết, chương trình ra đời nhằm chấn chỉnh, khắc phục được ban hành, áp dụng mà vẫn cứ sai thì thực chất, “trùm cuối” lại chính là cái sai đã trùm lên cả một tổ chức.
“Chúng ta sai từ khi nào”, tôi nhớ có ai đó đã hỏi như vậy.
FB chị Lê Huyền Ái Mỹ , cựu Tổng biên tập báo Phụ nữ TP HCM.
Đ.D.
Nguồn: FB Đoàn Dương