Thông tin xét xử ông Bùi Văn Thuận

LS Đặng Đình Mạnh

18-11-2022

Bản án được tuyên vào lúc 10h00 sáng ngày 18/11/2022. Ông Bùi Văn Thuận bị tuyên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh theo điều 117 BLHS với mức hình phạt là 8 năm tù giam + 5 năm quản chế + tước quyền ứng cử vào cơ quan dân cử trong thời hạn 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt chính.

Sáng ngày 17/11/2022, Tòa án tỉnh Thanh Hóa đưa vụ án truy tố ông Bùi Văn Thuận tội danh theo điều 117 Bộ luật Hình sự về “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm. Ông bị truy tố ở khoản 1 điều 117 có mức hình phạt cao nhất lên đến 12 năm tù.

Theo quyết định của tòa án, vụ án được xét xử theo thủ tục công khai tại trụ sở tòa án trong hai ngày, 17 và 18/11/2022. Vợ ông Thuận, bà TTN. được triệu tập đến tòa với tư cách nhân chứng. Nhờ vậy, việc thân nhân theo dõi phiên tòa xét xử người thân của mình đã không còn là vấn đề gây băn khoăn như nhiều vụ án tương tự.

Ông Bùi Văn Thuận sinh năm 1981. Dân tộc Mường. Ông đã lập gia đình và có một con 6 tuổi. Ông nguyên là một giáo viên, từng tham gia một số hoạt động xã hội. Ông bị bắt tạm giam vào ngày 30/08/2021. Phiên tòa sơ thẩm được xét xử sau 14 tháng rưỡi kể từ ngày ông bị bắt giữ để bắt đầu tiến trình điều tra vụ án.

Có ba luật sư bào chữa cho ông Bùi Văn Thuận hiện diện tại tòa gồm: LS Phạm Lệ Quyên, LS Lê Văn Luân và LS Đặng Đình Mạnh.

Theo cáo trạng, ông được cho là một Facebooker với hỗn danh tự đặt là “Cha Dà Dân Tộc”. Ông bị cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm về rất nhiều bài viết trên FB với danh khoản “THUAN VAN BUI” mà qua giám định bị kết luận là:

– Xúc phạm uy tín, danh dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, địa phương;

– Xuyên tạc, bịa đặt, suy luận vô căn cứ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước;

– Tuyên truyền, kích động chống phá Đảng, Nhà nước gây hoang mang trong quần chúng nhân dân;

Quá trình điều tra và xét xử tại tòa, ông nhất quán cho rằng mình vô tội và bác bỏ mọi cáo buộc nêu trong bản cáo trạng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông.

Trong một diễn biến hết sức bất ngờ, trên danh khoản Facebook cá nhân “Thuan Van Bui (Cha Dà Dân Tộc)” bị cho là của ông, cũng là danh khoản đã từng tồn tại nhiều bài viết bị nêu trong cáo trạng buộc tội ông, đột nhiên phục hoạt với nhiều post mới chỉ một ngày ngay trước phiên tòa xét xử (ngày 16/11/2022). Điều này, mặc nhiên gây nên những nghi vấn về người quản trị đích thực của danh khoản ấy: Của ông Thuận đang bị tạm giam như quy kết của cơ quan điều tra hay một ai khác đang tự do bên ngoài? Nhất là trong bối cảnh ông Thuận đã phủ nhận quyền quản trị danh khoản “Thuan Van Bui”. Nội dung này đã trở thành vấn đề gây tranh luận gay gắt giữa kiểm sát viên với các luật sư.

Ảnh chụp màn hình danh khoản Facebook “Thuan Van Bui (Cha Dà Dân Tộc)” phục hoạt một ngày ngay trước ngày xét xử sơ thẩm đối với ông Bùi Văn Thuận

Kết thúc phần xét hỏi chuyển sang phần tranh luận, đại diện cơ quan công tố đề nghị tuyên ông có tội với mức hình phạt chính từ 7 đến 8 năm tù giam. Đồng thời, thêm hình phạt bổ sung là 5 năm quản chế và tước quyền ứng cử vào cơ quan dân cử trong thời hạn 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt chính.

Tiếp lời, ông Thuận đã mở đầu phần tự bào chữa trước các luật sư. Với một tờ giấy A4 trong tay được cung cấp trong phiên tòa, ông vội ghi chú lại một số vấn đề để lần lượt tự bào chữa với nội dung hết sức súc tích như một luật sư tranh tụng chuyên nghiệp. Thế nên, nhờ đó, phần bào chữa của các luật sư được giảm phần gánh nặng, vì chỉ cần trình bày thêm các luận điểm pháp lý mang tính chất bổ sung mà thôi.

Kết thúc phần tranh luận, vào lúc 9h05′ sáng, ông Thuận nói lời cuối cùng trước khi nghị án:

“Cho dù kết quả phiên tòa như thế nào, tôi vẫn gởi lời cảm ơn đến ba luật sư đã giúp bào chữa cho tôi.

Cho dù kết quả phiên tòa như thế nào, tôi vẫn khẳng định mình vô tội.

Có thể nói tôi là nạn nhân của thứ pháp luật xôi lạc (bị cắt ngang).

Tôi bỏ quyền kháng cáo vì không tin tưởng vào hệ thống xét xử”.

Sau 53 phút nghị án, lúc 10h00′ Hội đồng xét xử trở ra tuyên đọc bản án dài 95 phút. Theo đó, ông Bùi Văn Thuận bị tuyên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh theo điều 117 BLHS với mức hình phạt là 8 năm tù giam + 5 năm quản chế + tước quyền ứng cử vào cơ quan dân cử trong thời hạn 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt chính.

Đối với tội danh và các hình phạt tuyên theo bản án sơ thẩm, trước đó, khi trao đổi với luật sư trong trại tạm giam, ông cho biết sẽ không kháng cáo bản án sơ thẩm cho dù mức án có nặng đến thế nào đi nữa. Ông giải thích rõ vì 2 lý do: Ông không muốn làm phiền hà đến người thân và những người quan tâm đến ông. Ngoài ra, ông cũng không tin vào cơ quan tài phán hiện tại có thể tuyên xử công bằng nếu ông có kháng cáo.

Tòa án đã dự kiến phiên tòa xét xử đến hai ngày, gồm ngày 17 và 18/11/2022. Thế nhưng, thực tế phiên tòa đã kết thúc vào lúc 11h35′ trưa ngày 18/11/2022 khi hội đồng xét xử chấm dứt lời tuyên án.

Qua luật sư, ông Bùi Văn Thuận gởi lời cảm ơn mọi người đã quan tâm đến vụ án xét xử ông ấy. Đồng thời, ông cũng gởi lời nhờ bạn hữu chuẩn bị nhiều đầu sách về lịch sử, tôn giáo và triết học để ông tham khảo khi thụ án.

Thanh Hóa, nơi một công dân xem trọng quyền tự do biểu đạt chính kiến của mình hơn sự tự do của bản thân đã vừa lãnh án, mà khi chúng tôi rời đó, mây đen đang vần vũ khắp bầu trời…

Đ.Đ.M.

Nguồn: FB Manh Dang

Đọc thêm:

Tường thuật phiên tòa xử người bất đồng chính kiến, anh Bùi Văn Thuận

Phương Trần

18-11-202

Phương Trần: Ghi lại theo lời kể của chị Trịnh Thị Nhung, vợ anh Bùi Văn Thuận, người có mặt tại phiên tòa với tư cách người làm chứng và những thân nhân khác của ông Bùi Văn Thuận.

Tham dự phiên tòa gồm có:

- Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán: Phạm Văn Long.

- Đại diện công an tỉnh Thanh Hóa, cơ quan an ninh điều tra: điều tra viên Lê Hồng Kỳ và điều tra viên Mai Văn Tính.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa: kiểm sát viên Trần Huy Dũng.

- Luật sư bào chữa gồm có: ông Đặng Đình Mạnh, ông Nguyễn Hà Luân, bà Phạm Lệ Quyên, ông Lê Văn Luân và bà Nguyễn Thị Trang.

Mặc dù có mặt trước tòa từ rất sớm và vụ án được xét xử công khai nhưng thân nhân của ông Bùi Văn Thuận không được vào tham dự mà phải đứng ngoài sân, chỉ duy nhất bà Nhung là được vào tham dự phiên tòa. Thậm chí đến buổi chiều cha mẹ và em ông Thuận còn bị đưa ra khỏi khuôn viên tòa án.

- Tất cả những nhân chứng đều vắng mặt, trừ ông Lê Quốc Quyền và bà Trịnh Thị Nhung. Cả hai đều hiện đang cư trú tại phường Mai Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra phiên tòa còn có sự tham dự của chủ tịch ủy ban nhân dân phường Mai Lâm, ông Lê Anh Cường.

Trong phần chất vấn giữa ông Bùi Văn Thuận và ông Lê Quốc Quyền, ông Quyền cho biết vào giữa tháng 12/2020 ông Quyền đến mua mật ong của ông Thuận, sau đó phát hiện ông Thuận có thái độ, tư tưởng phủ nhận thể chế chính trị của Việt Nam, xúc phạm các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước. Vì vậy ông đã đến phản ánh với Ủy ban nhân dân phường Mai Lâm. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Mai Lâm, ông Cường cho biết sau khi nhận được phản ánh, đã đề nghị ông Quyền về làm đơn tố cáo và bổ sung bằng chứng. Tuy nhiên từ đó đến nay không thấy ông Quyền gửi đơn tố cáo.

Ông Bùi Văn Thuận đã đặt câu hỏi với ông Quyền rằng: “Giữa tháng 12, như vậy là từ ngày 10-20/12/2020, đúng không?”

Ông Quyền đáp: “Đúng vậy”.

Ông Thuận tiếp lời: “Thời điểm từ ngày 10-12-2020 đến qua khỏi Tết dương lịch 2021 tôi đã đi vào nam. Khi đi xe đò, nhà xe có yêu cầu hành khách khai báo số điện thoại, có thể kiểm tra đối chứng. Hơn nữa tôi có rất nhiều anh em bạn bè ở khu vực phía nam có thể làm chứng cho tôi. Như vậy là ông đã nhận lầm người, ông gặp một ông Bùi Văn Thuận nào khác chứ đâu phải tôi. Hơn nữa, ở Việt Nam, chính trị là một chủ đề nhạy cảm, nên việc chia sẻ quan điểm chính trị với một người khách mua mật ong trong lần đầu gặp mặt là không hợp lý”. Ông Quyền im lặng, không nói gì thêm.

Tiếp đó, luật sư Lê Luân, người bào chữa cho ông Bùi Văn Thuận đã có ý kiến: “Tại phiên tòa lời khai của ông Thuận cho thấy là ông Quyền khai có dấu hiệu chưa chính xác, cần kiểm tra xác minh lời khai này, nếu lời khai của ông Thuận là đúng thì lời khai của người làm chứng là gian dối ngụy tạo, người làm chứng mà cố khai gian dối để buộc tội một người khác thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Đề nghị tòa xem xét về vấn đề này.”

Tiếp tục trong phần đặt câu hỏi, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Phạm Văn Long nói nhân chứng có thể từ chối câu hỏi hoặc giữ quyền im lặng.

Ông Quyền xin được giữ im lặng.

Luật sư Đặng Đình Mạnh phản đối vì như vậy giống như đang vẽ đường cho hươu chạy. Tuy nhiên, phản đối vô hiệu.

Đến phần đối chất giữa ông Thuận và phía cơ quan an ninh điều tra.

Các luật sư bào chữa đã in ra các bài viết do tài khoản Facebook Thuan Van Bui đăng tải trong thời gian ông Bùi Văn Thuận đang bị giam giữ và gửi cho thẩm phán, đại diện Viện kiểm sát và ông Bùi Văn Thuận xem.

Ông Thuận phủ nhận mình là chủ tài khoản facebook Thuan Van Bui. Bởi hiện ông đang đứng trước tòa nghe xét xử nhưng facebook Thuan Van Bui ngoài kia vẫn trong trạng thái hoạt động.

Thẩm phán Phạm Văn Long cho rằng những tài liệu, chứng cứ này không có tính xác thực.

Các luật sư và ông Bùi Văn Thuận đã hơn 3 lần yêu cầu được kiểm chứng ngay tại tòa bằng cách tìm kiếm facebook Thuan Van Bui theo ID và trình chiếu lên màn hình lớn. Yêu cầu này chưa được chấp thuận.

Các luật sư tiếp tục phản đối bởi theo cáo trạng ở trang thứ 11, phía an ninh điều tra đã ghi rõ: ”Tuy nhiên sau khi thi hành lệnh bắt bị can Bùi Văn Thuận vào ngày 30/8/2021, cơ quan điều tra đã có văn bản gửi đến Sở Văn hóa thông tin và truyền thông Thanh Hóa, xác định tình trạng hoạt động của tài khoản facebook Thuan Van Bui. Kết quả, từ 30/8/2021 đến thời điểm kiểm tra (hồi 14 giờ ngày 24/6/2022) tài khoản facebook Thuan Van Bui không đăng tải bất kỳ bài viết nào ở chế độ công khai, do đó có căn cứ xác định Bùi Văn Thuận là người sử dụng tài khoản facebook Thuan Van Bui”. Vì vậy, việc kiểm chứng là rất cần thiết.

Chuyển sang phần đối chất với đại diện viện kiểm sát.

Ông Thuận cho rằng chỉ xác định ID facebook thôi là chưa đủ, cần phải xác minh cả ID lẫn IP tài khoản facebook Thuan Van Bui là do một mình ông sử dụng mới hợp lý.

Tuy nhiên kiểm sát viên Trần Huy Dũng cho rằng chỉ cần xác minh ID Facebook là đủ.

Các luật sư cũng đã trình lên đơn xin đề nghị đưa ra khỏi danh sách người tham gia tố tụng của bà Trần Thị Thu Trang. Điều này và việc facebook Thuan Van Bui vẫn đang hoạt động có lẽ là bất ngờ lớn nhất của phiên xử.

Ngoài ra trong phiên xử buổi chiều, trời đổ mưa nhưng ngoại trừ bà Nhung là được vào tham dự phiên tòa, các thân nhân khác của ông Thuận phải đội mưa đứng cách tòa hơn 100m. Đến khi phiên tòa gần kết thúc, bà Ẻm, mẹ của ông Thuận khóc và kể rằng: “Bác cố chen vào cổng chính để nhìn mặt con trai hay thậm chí là cái bóng lưng nó thôi cũng được nhưng xe tù đã lùi sâu vào sân tòa nên bác không tài nào nhìn được. Bác buồn lắm con ạ”. Cũng cần nhắc lại đây là một phiên tòa công khai đấy thưa các bạn.

Bà Nhung cho biết thêm, từ phiên xử buổi chiều, ông Thuận bị còng cả chân, di chuyển rất khó khăn, xuống xe hay bậc thềm đều phải có người dìu. Ông Thuận tình trạng sức khỏe không được tốt nên có yêu cầu được ngồi khi trả lời. Yêu cầu của ông được chủ tọa đáp ứng. Suốt phiên tòa hai vợ chồng không thể trao đổi được với nhau bất cứ điều gì trừ câu ai đưa con đi học. Nhưng bà cho biết thêm chồng bà đã cười rất nhiều trong suốt phiên tòa. Ông Thuận vẫn luôn giữ được thái độ bình thản.

Thẩm phán Long cũng có những chất vấn ngoài lề với bà Nhung như tại sao lại đăng cáo trạng? Tại sao lại trả lời báo đài nước ngoài? Tại sao lại phát biểu chồng tôi có tội với nhà cầm quyền Việt Nam nhưng chồng tôi không có lỗi với nhân dân và đất nước Việt Nam… Với tất cả những câu trả hỏi này bà Nhung đều trả lời tôi không biết. Tôi không nhớ. Bà Nhung rất ngạc nhiên bởi những câu hỏi này thì có liên quan gì đến vụ án???

Kết thúc ngày xử đầu tiên viện kiểm sát đề nghị mức án 7-8 năm tù giam và 5 năm quản chế.

P.T.

Nguồn: FB Phương Trần

This entry was posted in Nhân Quyền, tù nhân lương tâm. Bookmark the permalink.