Nga ký tên vào Tuyên bố chung G20 (có nội dung lên án Nga xâm lược Ukraine)

Một bước lùi của Putin?

Trong Thanh

clip_image002

Lãnh đạo ngoại giao Nga Sergueil Lavrov tại thượng đỉnh G20, Bali, diễn ra trong hai ngày 15 và 16/11/2022.

Tuyên bố chung ngày 16/11/2022, của khối G20 họp tại Bali, Indonesia, ghi nhận “đa số” các nước G20 lên án cuộc chiến tranh tại Ukraina (tuyên bố có chữ ký của Nga). Sau Tuyên bố, trong công luận có nhiều ý kiến vui mừng là Nga đã lùi bước, thậm chí có người nghĩ Putin sắp bị đẩy vào chân tường, hoà bình sắp đến với Ukraine.

Câu hỏi đặt ra là chính quyền Putin có thực sự lùi bước?

Trước tiên cần nói rằng việc G20 ra được Tuyên bố chung, và trong Tuyên bố chung đã đặt cuộc chiến tranh Nga tấn công Ukraina lên hàng đầu, là một thành công đáng kể với mặt trận đông đảo các quốc gia hậu thuẫn Ukraine trong cuộc kháng chiến chống xâm lăng. Việc điện Kremlin đăng tải nguyên văn Tuyên bố chung bằng tiếng Nga với các nội dung lên án chiến tranh, lên án Nga xâm lược, đòi Nga rút quân, được coi là một thành công rõ ràng, cho thấy đà tiến của các lực lượng quốc tế chống xâm lăng Nga buộc Matxcơva rơi vào thế thủ.

“Không khí hiếm dần” với Putin

Báo Áo – Die Presse phấn khởi cho rằng đây là “Dấu hiệu cho thấy Nga ngày càng bị cô lập nhiều hơn trên trường quốc tế. Chắc chắn, Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận các biện pháp trừng phạt đối với đối tác chiến lược của mình. Nhưng Bắc Kinh cũng không che giấu rằng Trung Quốc đã mệt mỏi vì cuộc chiến này. Tập Cận Bình có thể cảm thấy bị Putin dẫn dắt… Không khí đang trở nên hiếm dần với tổng thống Nga. Ngay cả các đồng minh của ông ta cũng đang mất kiên nhẫn. Putin phải tìm cách thoát khỏi cuộc chiến. Đây là lý do tại sao phương Tây hơn bao giờ hết phải giữ bình tĩnh… Việc Putin quyết định mở cửa đàm phán với Joe Biden là điều hợp lý.”

Thoạt tiên đây có thể coi là một bước lùi của Nga, trong bối cảnh chính quyền Matxcơva luôn từ chối công nhận cuộc can thiệp quân sự tại Ukraina là một cuộc “chiến tranh” (chính quyền Nga đã ra luật phạt tù người sử dụng từ này để nói về cuộc chiến), chưa kể đến việc Matxcơva phản đối các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lăng. Tuy nhiên, đứng từ quan điểm của Bộ Ngoại giao Nga, đây là một nỗ lực ngoại giao thành công, một “chiến thắng của lương tri”.

Chế độ Putin lùi về thế thủ

Một số phương tiện truyền thông dẫn lại lời phát ngôn viên Điện Kremlin, Dtmitri Peskov, khẳng định Tuyên bố chung cho phép: “vô hiệu hoá sự hung hăng của các nước phương Tây và đạt được một thoả hiệp”, tránh nguy cơ G20 lần đầu tiên không ra được tuyên bố chung.

Chính quyền Putin có lẽ không “lùi bước” mà chấp nhận thực tế “đa số” các nước G20 phản đối chiến tranh, lên án việc đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân (chiến thuật) tại Ukraine, chấp nhận việc coi cuộc chiến tranh này là nguồn gốc của các đau khổ ghê gớm. Vấn đề là Nga chấp nhận thực tế nói trên để tương kế tựu kế. Trước ngày G20 ra Tuyên bố chung, ngày 15/11, đúng vào lúc Tổng thống Ukraine giới thiệu đề xuất hoà bình 10 điểm, quân đội Nga tiến hành cuộc oanh kích bằng hoả tiễn đồng loạt xuống khắp các vùng tại Ukraine, đợt oanh kích được đánh giá là dữ dội nhất kể từ đầu chiến tranh.

Putin nương theo dư luận, tương kế tựu kế

Rõ ràng chưa có dấu hiệu xuống thang chiến tranh. Tuy nhiên, dường như, sau thất bại của Nga tại Kherson, một số cơ hội cho hoà đàm đang mở ra. Trả lời đài Pháp LCI hôm 14/11, nhà văn, nhà cựu ngoại giao gốc Nga Vladimir Fédorovski (một trong các tác giả Nga và gốc Nga được đọc nhiều nhất tại Pháp), nhấn mạnh đến Kherson là “đòn choáng váng nặng nề” với Putin. Theo nhà cựu ngoại giao Nga, “phản xạ đầu tiên của Putin” (trong những trường hợp như vậy) là “tìm cách nương theo dư luận Nga, mà dư luận Nga giờ đây ủng hộ thương lượng để chấm dửt chiến tranh” (mời xem chú thích cuối bài).

Đây có thể là một trong các lý do khiến Nga chấp thuận ký tên vào Tuyên bố của G20 với nhiều điểm bất lợi như trên. Tuy nhiên, nhà cựu ngoại giao Nga cũng lưu ý, cho dù có “một cánh cửa hẹp mở ra cho thương lượng”, với việc các quan chức cao cấp Mỹ, Nga nối lại trao đổi từ vài ngày nay, tình hình là rất phức tạp. Ông lưu ý, tại các thành phố lớn, Putin “ngày càng mất lòng dân”, tuy nhiên tại các vùng nông thôn, đô thị nhỏ ở Nga, “dân chúng vẫn tin vào chính quyền, cho dù hoài nghi giới quân sự”.

Tổng thống Nga tuy có vẻ bị cô lập hơn, nhưng ắt hẳn còn nhiều lá bài. Con bài đe doạ hạt nhân, sau Tuyên bố G20, có lẽ sẽ khó được Nga đem ra sử dụng phổ biến như trước (vì trong Tuyên bố này Nga cũng phản đối việc đe doạ hạt nhân). Tìm cách thổi bùng tinh thần dân tộc chủ nghĩa, thù địch với phương Tây, cùng lúc với đàn áp khốc liệt giới phản đối chiến tranh, có thể là lá bài mà Tổng thống Nga sẽ triệt để sử dụng trong thời gian tới để tiếp tục cuộc phiêu lưu quân sự tại Ukraine. Hành động tham gia Tuyên bố về chiến tranh tại Ukraine của khối G20 có thể được chính quyền Putin sử dụng để làm cái cớ lan truyền trong công luận Nga là nước Nga đang bị phương Tây chèn ép.

Thủ đoạn này liệu có thuyết phục được dân Nga?

Nga cần nếm trải thêm “các Kherson mới”

Liệu đã đến lúc đàm phán với Nga hay chưa? Trong giới quan sát phương Tây, dường như đông đảo cho rằng: chưa. Theo nhà báo Patrick Saint Paul, Trưởng ban Quốc tế báo Pháp Le Figaro (trong một phân tích hôm 16/11), giờ chưa phải là lúc đàm phán “chắc chắn là phải có thêm các Khersons khác để khiến Matxcơva phải khuất phục. Bất kỳ thỏa hiệp nào cho phép Putin khẳng định là cuộc chiến của ông ta là một chiến thắng sẽ giúp cho quyền lực gây phiền toái của Putin được duy trì nguyên vẹn và có nguy cơ để ngỏ cửa cho một cuộc chiến mới, ở Moldova, ở Ukraine, hoặc những nơi khác trong không gian Liên Xô cũ. Cho dù chúng ta có thể lấy làm tiếc về điều đó, nhưng giai đoạn chiến tranh chưa nhường chỗ cho giai đoạn đàm phán”.

Nhà báo Le Figaro cũng cảnh báo nguy cơ đặt ảo tưởng vào vai trò trung gian của Tập Cận Bình, khi tin tưởng là Bắc Kinh có thể gây áp lực để buộc Nga đàm phán với các quốc gia dân chủ. Phương Tây không thể để bị ru ngủ, ảo tưởng về Tập Cận Bình. Dù sao, thái độ của Trung Quốc phản đối công khai ý đồ dùng hoặc đe doạ dùng vũ khí hạt nhân tại Ukraine cũng được đông đảo chính giới quốc tế đánh giá như một bước tiến tích cực.

Chú thích:

Mời xem lại: “Dân Nga mong đối thoại với Ukraine, và lo ngại chiến tranh hơn”

(Người Nga có từ bỏ ”Hợp đồng bất thành văn” với Putin? )

Công luận Nga tuy vẫn ủng hộ chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhưng đa số muốn thương lượng với Kiev, là điểm nổi bật qua một Thăm dò dư luận mới nhất của Viện Levada.

Link https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=3246812328968666&id=100009197912801

clip_image004

Cuộc oanh kích dữ dội nhất của Nga tại Ukraine từ đầu chiến tranh, ngày 15/11/2022 (khoảng 100 tên lửa so với khoảng 80 đợt đầu tháng 10).

T.T.

Nguồn: FB Trong Thanh

This entry was posted in G20, Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.