Liệu có còn lệch cán cân?

Lưu Trọng Văn

Thời gian đã đến điểm quyết định của nó hội tụ đủ các cơ hội, các thế và lực. Lãnh đạo Việt Nam khó có thể tiếp tục câu giờ được nữa.

clip_image002 Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang ngồi, mọi người đang đứng và bộ vét

clip_image006clip_image008

Không ít người quan tâm tới vị thế địa chính trị Việt Nam e ngại rằng, lãnh đạo Việt Nam lệch cán cân về Trung Quốc và Nga. Điều này dễ được khẳng định khi trên thực tế Trung Quốc và Nga là đối tác chiến lược toàn diện – thang bậc cao nhất trong ba thang bậc đối tác:

1. Chiến lược toàn diện

2.Chiến lược

3.Toàn diện

Mỹ hiện đang ở đối tác thang bậc thấp nhất: toàn diện. Phó TT Haris và Đại sứ Mỹ tại VN đều đề xuất nâng đối tác Mỹ Việt Nam lên nấc thứ hai: chiến lược, nhưng câu trả lời của lãnh đạo VN vẫn chưa rõ ràng. Ai cũng hiểu rằng sức ép từ đâu dẫn đến sự mập mờ chưa dứt khoát ấy.

Vấn đề là lãnh đạo VN có thực tâm muốn nâng quan hệ với Mỹ lên ngang bằng với quan hệ như với Trung Quốc và Nga hay không, chí ít cũng ở bậc đối tác chiến lược như Mỹ bật đèn.

Còn như muốn mà bỏ qua nguyện vọng của đa số dân Việt Nam, không bỏ qua sức ép của Trung Quốc và Nga để rồi vẫn à uôm giữa dòng thì không nên tự vỗ ngực rằng ta có đường lối độc lập tự chủ.

Sau Đại hội 20 của Đảng CS Trung Quốc, ông Tập đã có nhiều tín hiệu về xuống thang. Đường lối ngoại giao chiến lang có vẻ co vòi lại. Ông Tập thấy rõ sự hung hăng của mình chỉ làm mất uy tín Trung Quốc, có thể ông sẽ ẩn mình chờ thời hơn theo kế của Đặng Tiểu Bình. Người ta chú ý rằng chiến lược “Một Vành đai một Con đường” đã ít được nhắc hơn trong các văn kiện của đảng CS Trung Quốc.

Trung Quốc muốn dẫn dắt thế giới không thể bằng “cây gậy” được. Có thể thời “củ cà rốt” sẽ rập rình lên ngôi. Đó là lý do ông Tập ve vãn Việt Nam hơn; Đó là lý do Hoàn cầu Thời báo chuyển giọng bớt đe nẹt Việt Nam hơn; Đó là lý do ông Tập xa lánh Nga trong cuộc chiến với Ukraine hơn; Đó cũng là lý do ông Tập không gây sức ép với Hunsen khi Hunsen bỏ lá phiếu khác lá phiếu của mình chống Nga, và Hunsen tỏ ra thân thiện, cởi mở với Mỹ và phương Tây hơn.

Tại G20, ông Tập xuất hiện với hình ảnh ôn hoà hơn.

Bàn cờ thế giới đang biến động, lãnh đạo Việt Nam không thể bất động mà phải tích cực vận động uyển chuyển hơn.

Có lẽ vì vậy các hoạt động đối ngoại dồn dập hơn.

Chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh đã có những tín hiệu tích cực hơn về vị thế của Việt Nam đối với Trung Quốc khi Trung Quốc đang bị cô lập hơn trên thế giới. Phải chăng ông Tập đang muốn khắc hoạ hình ảnh của mình ưa nhìn hơn? Đây chính là cơ hội của Việt Nam, chứng tỏ điều mình thường công bố: độc lập, tự chủ.

Chỉ trong một tuần, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ và hội đàm với nhiều nguyên thủ quốc gia hàng đầu của thế giới:

- Tổng thống Mỹ Biden;

- Thủ tướng Nhật Kishida Fumio;

- Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol;

- Thủ tướng Canada Justin Trudeau;

- Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường;

- Thủ tướng và Tổng thống hầu hết các nước Asean;

Cũng trong tuần đó, Thủ tướng đón tiếp và hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngay tại Hà Nội.

Đây là kỷ lục về ngoại giao quốc tế của một thủ tướng Việt Nam mà chưa đời thủ tướng Việt Nam nào có được.

Các cái ôm, các hình ảnh tay bắt mặt mừng thoải mái, chân tình của Thủ tướng Phạm Minh Chính với hầu hết các nguyên thủ quốc gia của các cường quốc phương Tây, cùng nội dung các hội đàm có kết quả tích cực… đã làm cho thế giới có cái nhìn chính xác hơn, bớt e ngại hơn, cân đối hơn về đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Biden, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra lời mời trân trọng của TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mời TT Biden thăm Hà Nội. TT Biden đã vui vẻ nhận lời mời.

Hãy theo dõi chính trường Việt Nam để dọn đường cho chuyến thăm mang sức nặng bàn cân này với Trung Quốc.

Quan sát “những cú đá giò nhân quyền, dân chủ” của thế lực thù địch nào đó chống đối chuyến thăm của Biden có xuất hiện với mật độ cố ý hay không, sẽ rõ tiến trình đối tác Việt Mỹ sẽ thong thả đến cái đích hiện thực: Đối tác chiến lược hay không.

Thời gian đã đến điểm quyết định của nó hội tụ đủ các cơ hội, các thế và lực. Lãnh đạo Việt Nam khó có thể tiếp tục câu giờ được nữa.

Hy vọng.

Dân Việt Nam luôn coi việc nâng cấp Đối tác chiến lược với Mỹ là một bước ngoặt minh chứng tính độc lập tự chủ mà lãnh đạo Việt Nam nhiều lần khẳng định.

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Liên kết quốc tế, Ngoại Giao, Quan hệ Việt - Trung - Mỹ. Bookmark the permalink.