Nguồn: Li Yuan, “China’s Business Elite See the Country That Let Them Thrive Slipping Away.” The New York Times, 07/11/2022.
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Vốn lâu nay xa lánh chính trị, tầng lớp doanh nhân Trung Quốc đang ngày càng lo lắng liệu họ có còn chỗ đứng trong hệ thống độc nhân trị của Tập Cận Bình hay không.
Nhiều thập niên qua, giới doanh nhân Trung Quốc về căn bản đã ký một hợp đồng bất thành văn với Đảng Cộng sản: để chúng tôi kiếm tiền và chúng tôi sẽ không quan tâm các vị dùng quyền lực của mình ra sao.
Như hầu hết người dân Trung Quốc, họ tin vào quan điểm của đảng rằng chế độ độc đảng mang đến một nền quản trị hiệu quả.
Nhưng giờ đây thỏa thuận ngầm đang tan biến trước mắt họ. Sau đại hội Đảng vào tháng trước, chủ tịch Tập Cận Bình đã thiết lập quyền lực gần như tuyệt đối, và làm rõ rằng ưu tiên quốc gia từ giờ sẽ chuyển từ kinh tế sang an ninh.
“Niềm hy vọng cuối cùng của tôi đã tan thành mây khói,” nhà sáng lập của một công ty quản lý tài sản ở thành phố Thâm Quyến nói với tôi vài giờ sau khi đại hội kết thúc.
“Hoàn toàn kết thúc, hoàn toàn mất kiểm soát và hoàn toàn đáng sợ,” một doanh nhân công nghệ ở Bắc Kinh nhắn tin cho tôi sau khi nhìn thấy đội hình lãnh đạo mới của đảng, vốn toàn những cái tên thân cận với Tập.
Họ, cũng như nhiều người Trung Quốc khác, đều biết trước ông Tập sẽ làm tiếp nhiệm kỳ ba, phá vỡ quy tắc có từ những năm 1980. Dù vậy họ vẫn nuôi hy vọng là ông sẽ bị các phe phái quyền lực khác trong đảng cân bằng. Nhưng rồi chiến thắng sâu rộng của ông Tập, bằng cách thay thế các nhân vật ôn hòa bằng những người trung thành, cho thấy Trung Quốc sẽ đi vào mô hình độc nhân trị trong nhiều thập niên tiếp theo.
Năm nay ông Tập 69 tuổi. Lần gần nhất Trung Quốc có một nhà lãnh đạo quyền lực như ông là từ thời Mao Trạch Đông, người đã đưa đất nước vào Đại Nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa, dẫn đến cái chết của hàng chục triệu người, hỗn loạn xã hội và suy thoái kinh tế.
Đại hội đảng tháng trước đã làm rung chuyển giới kinh doanh Trung Quốc. Ngay sau lễ bế mạc, chứng khoán Trung Quốc sụt giảm và đồng nhân dân tệ mất giá. Bản thân tôi cũng đang nghe thấy điều đó qua giọng nói và tin nhắn của nhiều doanh nhân đã nói chuyện với tôi trong những tuần gần đây, những người liên tục mô tả phản ứng của họ là “sự trầm cảm chính trị.”
Dĩ nhiên họ không bộc lộ sự lo lắng của mình ở nơi công cộng. Tất cả các doanh nhân tôi phỏng vấn cho bài báo này đều yêu cầu được giấu tên để tránh bị chính quyền trừng phạt. Nhưng họ đang bày tỏ bất đồng theo cách riêng của mình, bao gồm từ chối đầu tư thêm vào Trung Quốc hoặc thậm chí có ý định rời khỏi đất nước và dùng tài sản của mình để có một tấm hộ chiếu mới.
Dưới quyền của ông Tập, Đảng đã nắm quyền kiểm soát gần như mọi khía cạnh của xã hội, về căn bản tước quyền tự quyết định số phận của người dân Trung Quốc. Tầng lớp doanh nhân, đặc biệt là các nhân vật hàng đầu trong ngành công nghệ từng được tương đối tự do làm ăn cho đến vài năm gần đây, là những người bị thiệt hại lớn nhất.
Bùi Mẫn Hân, giáo sư về quản trị chính quyền tại đại học Claremont McKenna ở California, nói các chủ doanh nghiệp công nghệ này lớn lên “trong thời kỳ của ‘chủ nghĩa kinh tế’, cái thời mà làm ăn, các giá trị kinh tế, và đầu óc kinh doanh là trên hết.” “Giờ đây chính quyền chuyển ưu tiên sang chính trị,” ông nói. “Các doanh nhân không thể hiểu được điều đó.”
Mười năm qua, tư duy kinh tế của ông Tập có thể được tóm tắt như sau: thị trường nhường chỗ cho vai trò lớn hơn của nhà nước. Trong nhiệm kỳ đầu ông không quá để tâm đến khu vực tư nhân vì còn đang bận rộn củng cố quyền lực trong đảng và quân đội. Nhưng đến nhiệm kỳ thứ hai, bắt đầu từ năm 2017, ông Tập đã siết chặt các doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ xuống tay với các doanh nghiệp, khiến một số doanh nhân thành công nhất của đất nước phải nghỉ hưu sớm hoặc sống lưu vong. Chính sách zero-Covid hà khắc cũng khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua.
Đối với giới doanh nhân tinh hoa của Trung Quốc, những người đã quen với đặc quyền và sự chú ý mà thành công mang lại cho họ, “Sếp Lớn,” biệt danh mà nhiều người trong số họ đặt cho ông Tập, không quan tâm đến nền kinh tế hay những người như họ. Trong bài phát biểu khai mạc đại hội đảng 20, ông Tập đề cập đến “an ninh” 52 lần, “chủ nghĩa Mác” 15 lần, và “thị trường” ba lần.
Lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, đứng giữa, đã củng cố vai trò áp đảo của mình tại Đại hội ĐCSTQ. Nguồn: Ng Han Guan/Associated Press
“Rõ ràng có sự thay đổi cả về luận điệu lẫn hành động chính trị và cả việc bổ nhiệm đội ngũ lãnh đạo mới,” Giáo sư Bùi nói. Ông cho rằng đội hình lãnh đạo của ông Tập cho thấy ông không coi trọng chuyên môn quản lý kinh tế thị trường. “Ông đánh giá cao những người có thể thực hiện chính sách của ông bất chấp hậu quả kinh tế.”
Điều này khiến cộng đồng doanh nghiệp lo lắng. Dưới thời ông Tập, quyền lực chỉ đạo của bộ máy hành chính Trung Quốc tăng lên trong khi khả năng quản trị đi xuống, theo lời của Guoguang Wu, cố vấn của cựu Thủ tướng Triệu Tử Dương vào những năm 1980, trên podcast tiếng Trung của tôi.
“Khi khả năng quản trị giảm, thì sự trì trệ, tàn bạo và thiếu hiểu biết của các quan chức cấp dưới sẽ gây ra thảm họa cho người dân, ngay cả khi không có bất kỳ chỉ đạo cụ thể nào từ cấp trên,” theo lời ông Wu, người hiện là học giả cao cấp tại Trung tâm Stanford về Kinh tế và Thể chế Trung Quốc
Nhiều doanh nhân đã mất rất nhiều tiền vì mô hình zero-covid, vốn đã khiến nhiều thành phố phải phong toả và nhốt hàng triệu người trong nhà suốt nhiều tuần khi chính phủ tìm cách loại bỏ coronavirus.
“Dưới sự lãnh đạo của nhà độc tài này, đất nước vĩ đại của chúng ta đang rơi xuống vực thẳm,” giám đốc điều hành của một công ty phần cứng công nghệ ở Thâm Quyến mạnh miệng nói. “Nhưng không thể làm gì được. Nó làm tôi đau đớn và chán nản.”
Trong các cuộc trò chuyện suốt nhiều năm qua, chúng tôi chưa bao giờ nói về chính trị. Tôi đã rất ngạc nhiên khi người này gọi điện cho tôi sau đại hội đảng để nói về “chứng trầm cảm chính trị” của mình. Ông nói bản thân mình từng rất có tinh thần dân tộc, tin rằng người Trung Quốc là một trong những dân tộc thông minh và chăm chỉ nhất trên thế giới. Giờ đây, ông và nhiều người bạn của mình chỉ dành phần lớn thời gian để đi bộ đường dài, chơi golf và uống rượu. “Chúng tôi quá chán nản để làm việc,” ông nói.
Chỉ mới năm ngoái, công ty khởi nghiệp của ông còn đang hoạt động rất tốt, đến mức ông đã lên kế hoạch đưa nó lên sàn chứng khoán. Nhưng rồi ông bị mất phần lớn doanh thu, và các nhân viên mới thuê của ông đứng ngồi không yên vì chẳng có gì để làm giữa zero-covid. Ông nói không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sa thải hơn 100 người, bán doanh nghiệp, và chuyển gia đình đến Bắc Mỹ.
“Vì đêm tối đã buông xuống,” ông nói, “tôi sẽ giải quyết nó theo cách của đêm đen.”
Còn vị doanh nhân công nghệ đến từ Bắc Kinh, người đã nhắn tin cho tôi sau đại hội đảng, kể lại một trải nghiệm ớn lạnh. Hồi tháng 5 khi có tin đồn Bắc Kinh sẽ sớm bị phong toả, ông cảm thấy không thể yêu cầu nhân viên nghỉ làm sớm và trữ hàng tạp hóa. Ông không muốn bị bắt như nhiều người khác vì tội tung tin đồn. Do đó, ông chỉ nói với nhân viên là họ nên về nhà sớm nếu có việc cần lo.
Doanh nhân thành đạt này hiện đang nộp đơn xin di cư đến một quốc gia châu Âu và Mỹ.
Cũng như nhiều người dân Trung Quốc bình thường khác, các giám đốc điều hành mà tôi đã nói chuyện cùng cho biết họ rất kinh hoàng trước video Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông Tập, bị dẫn ra khỏi lễ bế mạc đại hội Đảng. Họ không tin lời giải thích của chính phủ rằng ông Hồ phải về sớm vì vấn đề sức khỏe.
Một số người nói nếu ông Tập có thể loại bỏ người tiền nhiệm của mình như vậy, ông có thể làm bất cứ điều gì.
Một nhà hàng nhìn ra khu trung tâm kinh doanh của Bắc Kinh: Nguồn: Gilles Sabrie cho The New York Times
Một nhà đầu tư có nhiều quan hệ ở Bắc Kinh cho biết những người bạn doanh nhân của ông giờ đã nhận ra không thể thờ ơ với chính trị được nữa. Mỗi khi gặp mặt, họ bắt đầu nói về việc nên xin hộ chiếu nước nào và cách chuyển tài sản ra nước ngoài. Tại các buổi tụ họp, người chủ trì thậm chí yêu cầu bạn bè phải đưa hết điện thoại để cất ở một nơi riêng vì sợ bị theo dõi.
Sau đại hội Đảng, hầu hết mọi người trong giới đầu tư đều dự đoán sẽ phải trả thuế cao hơn hoặc quyên góp nhiều hơn cho các trường đại học và các tổ chức từ thiện khác của nhà nước. Họ không có kế hoạch thực hiện bất kỳ khoản đầu tư lớn nào.
“Tất cả chúng tôi đều lo lắng,” ông nói. “Chúng tôi không biết phải làm gì tại nút giao lịch sử này.”
Li Yuan là phóng viên phụ trách chuyên mục Trung Quốc và châu Á của The New York Times, New New World. Thường trú tại Hồng Kông, bà từng làm việc cho Wall Street Journal và Tân Hoa Xã.
Nguồn: nghiencuuquocte.org