Các yếu tố nội địa đằng sau các vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên

Mitchell Lerner

Thục-Quyên phỏng dịch

Bắc Triều Tiên đã phóng hơn 40 tên lửa các loại và tầm bắn khác nhau trong năm 2022. Sáu trong số các vụ thử đó diễn ra trong tháng 10/2022, bao gồm vụ phóng hai tên lửa hành trình bay hơn 1.200 dặm trước khi đâm xuống Biển Đông ngày 12/10/2022. Mới nhất là vụ bắn ngày 28/10/2022 (ThQ).

Các động thái đối ngoại khiêu khích nhất của Bình Nhưỡng thường xảy ra trong bối cảnh các vấn đề căng thẳng trong nước.

Sau đây là một bài phân tích (1) của Mitchell Lerner, Giáo sư lịch sử và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Ohio. Ông cũng là giảng viên tại Trung tâm An ninh Quốc tế Mershon và là phó tổng biên tập của Tạp chí Quan hệ Mỹ-Đông Á

clip_image002

Ảnh được chính phủ Bắc Triều Tiên cung cấp ngày 10/10/ 2022. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang thị sát một vụ thử tên lửa tại một địa điểm không được tiết lộ tại Bắc Hàn. Nội dung cũng như hình ảnh không thể được xác minh một cách độc lập.

Credit: Korean Central News Agency/Korea News Service via AP

Những đợt thử tên lửa gần đây của Bắc Hàn và các hành động khiêu khích quân sự khác đã làm dấy lên một loạt các giả định về động cơ của nước này. Tuy nhiên, phần lớn những suy đoán đều có chung một khuyết điểm khi cho rằng các hành động của Bắc Hàn nên được hiểu liên quan đến các yếu tố bên ngoài chứ không phải bên trong:

Có người coi các cuộc thử nghiệm như một phản ứng đối với các cuộc tập trận quân sự Nam Hàn-Hoa Kỳ gần đây và là nỗ lực nhằm hoàn thiện khả năng phòng thủ của Bắc Hàn.

Người khác cho đó là một phần trong chiến lược của nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhằm giành được sự nhượng bộ từ thế giới bên ngoài, bằng cách tạo ra một cuộc khủng hoảng mà sau đó ông có thể xoa dịu để đổi lấy những lợi ích nhất định.

Cũng có ý kiến đó là một phần của chiến thuật tấn công nhằm gây áp lực với Nam Hàn và mở đường cho cuộc chinh phục cuối cùng. Trong khi người khác nhìn Chiến tranh Ukraine như trọng tâm của sự việc thì cho rằng ông Kim được truyền cảm hứng từ mối đe dọa hạt nhân thành công của Putin ở Ukraine, để tin tưởng rằng chiến tranh sẽ ngăn chặn bất kỳ phản ứng đáng kể nào chống lại Bắc Hàn.

Tuy nhiên, những suy luận này đều đi từ góc độ Tây phương để đề cao tầm quan trọng của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đối với các sự kiện thế giới, và coi nhẹ chính những động lực nội địa thường thúc đẩy việc hoạch định chính sách của một quốc gia. Các quan chức được giao nhiệm vụ đưa ra phản ứng trước làn sóng khiêu khích gần đây nhất của Triều Tiên nên khôn ngoan nhận định rằng các sự kiện xảy ra ở Bình Nhưỡng quan trọng hơn các sự kiện xảy ra ở Washington.

Lịch sử cho thấy chính phủ Bắc Hàn tung ra các động thái đối ngoại khiêu khích nhất khi họ phải đối mặt với những vấn đề đặc biệt căng thẳng ở quê nhà. Vào những năm 60, sự kết hợp giữa suy giảm kinh tế và căng thẳng với các đồng minh siêu cường khiến Kim Il Sung phải đối đầu với những thách thức chính trị lớn nhất trong một thập kỷ.

Ông đã đáp trả bằng cách phát động một làn sóng quân sự tấn công Nam Hàn và Hoa Kỳ mạnh đến mức một số người đã gọi đó là “Chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai”. Hàng trăm người chết trong một loạt đụng độ xuyên biên giới, bao gồm một vụ ám sát bất thành nhắm vào Tổng thống Nam Hàn Park Chung-hee, và vụ bắt giữ một tàu do thám của Mỹ hoạt động trên vùng biển quốc tế, khiến một thủy thủ thiệt mạng và 82 thủy thủ khác bị kẹt trong các trại tù của Bắc Hàn trong gần một năm.

Vào giữa những năm 90, nền kinh tế Bắc Hàn suy thoái tồi tệ đến mức gây ra nạn đói và chết hàng loạt, cùng thời điểm mà Kim Jong Il, con trai của Kim Il Sung, đang củng cố quyền lực. Chính phủ Bắc Hàn đã phản ứng với tình thế thách thức trong nước bằng cách đe dọa rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, và dùng các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng từ trung tâm hạt nhân chính của họ để khai thác plutonium, đưa đất nước đến bờ vực chiến tranh với Hoa Kỳ.

Ngay cả sau khi nỗi lo chiến tranh đã dần tàn vào năm 1994, cuộc sống bên trong Bắc Hàn vẫn tiếp tục ngày thêm tồi tệ, với nạn đói và bệnh tật tàn phá đất nước và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào viện trợ nước ngoài (bao gồm cả từ Mỹ), Bắc Hàn đã phản ứng bằng một cuộc tấn công tàu ngầm vào Nam Hàn gây ra một loạt các cuộc đọ súng khiến gần 40 người thiệt mạng, và cũng sau đó Bắc Hàn lần đầu tiên phóng thử tên lửa ba tầng bay ngang Nhật Bản vào Thái Bình Dương.

Chiến thuật châm ngòi xung đột với nước ngoài nhằm chuyển hướng chú ý của dân khỏi những khủng hoảng trong nước không chỉ có tại Triều Tiên, nhưng có lẽ hơn bất cứ nơi nào khác, nó được đưa vào khi hoạch định chính sách kéo dài hàng thập kỷ của chế độ gia đình trị Kim, nhằm khắc sâu một hệ thống tư tưởng đặc biệt trong dân chúng để giữ vững quyền hành. Người dân Bắc Hàn ngay từ khi sinh ra đã được dạy về tính ưu việt, thuần khiết và vô tội của chủng tộc Triều Tiên; về những mối đe dọa có mặt khắp nơi cho người dân của họ bởi một Hoa Kỳ quỉ quyệt; và sự cần thiết của một lãnh đạo bản địa mạnh mẽ để ngăn chặn những mối đe dọa này, trong khi dẫn dắt quốc gia đi theo con đường đúng đắn hướng tới một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Do đó, hầu hết mọi yếu kém trong nước có thể được giải thích là hậu quả của sự lừa lọc đến từ phương Tây, nhưng những thất bại nghiêm trọng sẽ đặt ra câu hỏi về cơ sở lý luận cơ bản của chế độ độc tài Kim. Nếu quốc gia đang gặp khó khăn đáng kể trong nước, đồng thời lại bị coi là bất lực khi đối ngoại, thì lý do tồn tại của chế độ sẽ sụp đổ. Theo đó, giới lãnh đạo trong lịch sử đã đối phó với những thách thức nghiêm trọng nhất của mình bằng cách chứng minh với người dân trong nước rằng trong cuộc đối đầu với các đối thủ lớn nhất của họ, gia đình họ Kim vẫn là tuyến phòng thủ cuối cùng của người dân Bắc Triều Tiên.

Cách hành xử hiện nay của Bắc Hàn dường như đang nằm trong khuôn mẫu này. Các bằng chứng gần đây cho thấy nền kinh tế của quốc gia này đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều so với những gì đã được biết, phần lớn vì sự cô lập do COVID-19, các lệnh trừng phạt quốc tế, lạm phát toàn cầu và sự quản lý yếu kém trong nội bộ. Phân tích tốt nhất do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson thực hiện cho thấy hiện nay là thời điểm tồi tệ nhất kể từ nạn đói lớn vào giữa những năm 90 và kết luận rằng trong chu kỳ thu hoạch gần đây nhất, “Bắc Hàn có lẽ đã giảm xuống dưới mức nhu cầu tối thiểu của con người. ”

Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian này, các phương tiện truyền thông nhà nước đã nhấn mạnh vào lực quân sự của Bắc Hàn, đặc biệt tập trung vào chương trình tên lửa từ lâu đã được coi là biểu hiện của sức mạnh và nền độc lập quốc gia, liên quan trực tiếp với sự dẫn dắt của chính phủ Kim, để cung cấp vô số những tuyên truyền đang rất cần thiết trong nước.

Các chủ đề tuyên truyền đặc biệt đã nhấn mạnh vai trò trung tâm và hướng dẫn chuyên môn của Kim Jong Un trong những phát triển quân sự; khuyến khích tinh thần tự hào dân tộc gắn liền với sự tiến bộ này; và kêu gọi người dân sẵn sàng hy sinh để đảm bảo an ninh cho quốc gia. Tất cả những điều này dường như nhằm củng cố vị thế của chế độ Kim hơn là để hoàn thành bất kỳ mục tiêu quốc tế thực sự nào.

Lẽ dĩ nhiên, đằng sau những động thái gần đây của Bắc Hàn có nhiều yếu tố khác nhau.

Chiến lược, địa chính trị và nhận thức về an ninh chắc chắn có ảnh hưởng trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, vai trò của các động lực chính trị nội bộ đang phần lớn bị bỏ quên.

Các nhà hoạch định chính sách thường tuyên bố rằng "mọi động thái chính trị đều do ảnh hưởng cục bộ." Họ cần nhớ rằng đôi khi địa chính trị cũng có thể do ảnh hưởng địa phương.

(1) https://thediplomat.com/2022/10/the-domestic-factors-behind-north-koreas-missile-tests/

Dịch giả gửi BVN

This entry was posted in Bắc Triều Tiên. Bookmark the permalink.