Bùi Mẫn Hân 裴敏欣 (*)
Đỗ Kim Thêm dịch
10-10-2022
Ảnh: Bảy người trong Ban thường vụ Bộ Chính trị khóa mới của Trung Quốc. Nguồn: Lintao Zhang/ Getty Images
Đặng Tiểu Bình hiểu rằng, một hệ thống dựa trên quy tắc là quan trọng để tránh lặp lại sự khủng bố cuồng tín đã được gây ra dưới thời Mao Trạch Đông. Nhưng niềm tin của ông không thể vượt qua lợi ích vị kỷ, và như Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ ra, cơ ngơi thể chế mà ông Đặng xây dựng vào thập niên 1980 hóa ra trống rỗng.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong tháng này, Tập Cận Bình gần như chắc chắn được chuẩn nhận chức Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch Trung Quốc cho nhiệm kỳ thứ ba. Cùng với việc này, ông sẽ trở thành nhà lãnh đạo tối cao phục vụ lâu đời nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông, và các quy tắc và chuẩn mực được cho là chi phối chế độ ĐCSTQ sẽ bị phá vỡ.
Những quy tắc và chuẩn mực đó đã được đưa ra phần lớn bởi Đặng Tiểu Bình, người kế vị Mao Trạch Đông và nắm quyền vào năm 1978. Ông Đặng là người trực tiếp biết rõ những thiệt hại mà tinh thần cuồng tín thuộc về ý thức hệ của Đảng có thể gây ra. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, một trong những người con trai của ông đã bị Hồng vệ binh gây tê liệt. Bản thân ông Đặng cũng đã bị tước bỏ các chức vụ chính thức và được gửi đến làm việc tại một nhà máy ở một tỉnh xa xôi trong bốn năm – một trong ba lần ông bị chính phủ thanh trừng trong suốt sự nghiệp cách mạng lâu dài của mình.
Để bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ lại bị kìm kẹp bởi nỗi kinh hoàng như vậy nữa, với sự hỗ trợ của các nhà lão thành cách mạng khác đã sống sót sau cuộc Cách mạng Văn hóa, ông Đặng đã khôi phục quyền lãnh đạo tập thể và đặt ra các giới hạn về độ tuổi và nhiệm kỳ cho hầu hết các chức vụ cấp cao của ĐCSTQ. Trong những thập niên sau, giới lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã phục vụ không quá hai nhiệm kỳ và các ủy viên Bộ Chính trị tuân thủ mức giới hạn mặc định về độ tuổi là 68.
Nhưng ông Tập đã cho thấy là “hệ thống dựa trên các quy tắc” của ông Đặng thực ra mong manh như thế nào. Thực ra, đối với tất cả các trò chơi hòng đánh lừa dư luận về những thành tựu của ông Đặng, thành tích của ông về việc kiềm chế chế độ ĐCSTQ là hỗn tạp, tốt nhất phải nói là, không chỉ vì ông tự cam kết theo các quy tắc gần như không mạnh mẽ như người ta có thể mong đợi.
Trong phần thực hành, Đặng coi thường tinh thần lãnh đạo tập thể và các thủ tục hình thức. Ông hiếm khi cho tổ chức các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, bởi vì ông muốn phủ nhận đối thủ chính của mình, người bảo thủ trung thành phản đối cải cách kinh tế, một nền tảng để thách thức chính sách của ông. Thay vào đó, ông thực hiện vai trò lãnh đạo thông qua các cuộc họp riêng với những người ủng hộ.
Hơn nữa, khi đối phó với các nhà lãnh đạo có thiện cảm dành cho các lực lượng ủng hộ dân chủ, ông Đặng thường xuyên vi phạm các thủ tục và chuẩn mực mà ông đã thiết lập. Việc ông cách chức hai nhà lãnh đạo dân chủ là Hồ Diệu Bang năm 1986 và Triệu Tử Dương (người từ chối lệnh của Đặng để thực hiện thiết quân luật trong cuộc khủng hoảng Thiên An Môn) vào năm 1989 – đã bất chấp nội quy của Đảng.
Trong cùng thời gian này, ông Đặng đôi khi tránh đưa ra một quy tắc, nếu làm như vậy, có thể làm hại cho lợi ích chính trị của ông. Điểm đáng chú ý nhất là, cùng với các nhà lãnh đạo cao niên khác của ĐCSTQ, ông đã không áp đặt các giới hạn về độ tuổi hoặc nhiệm kỳ đối với các thành viên của Bộ Chính trị. Ngay cả khi không thể giữ các chức vụ chính thức của chính phủ vô thời hạn, họ sẽ không bao giờ mất thẩm quyền ra quyết định của mình.
Cũng tương tự như vậy, ông Đặng không ban hành bất kỳ quy tắc hình thức nào quy định ai có thể làm Chủ tịch Uỷ ban Quân ủy Trung ương. Điều này cho phép ông Đặng tiếp tục nắm chức vụ này sau khi từ bỏ các chức vụ khác. Theo tiền lệ đó, Giang Trạch Dân cũng làm như vậy vào năm 2002. Đối với ông Tập, trong khi ông phải thông qua các kiến nghị nhằm loại bỏ việc giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch ra khỏi Hiến pháp vào năm 2018, thực ra ông được hưởng lợi của ĐCSTQ là đã không áp đặt giới hạn về nhiệm kỳ chính thức đối với chức vụ Tổng Bí thư.
Không có gì gây xáo trộn về các cuộc đấu tranh của Trung Quốc để duy trì các quy tắc và chuẩn mực. Ngay cả những nền dân chủ trưởng thành như Hoa Kỳ cũng phải đối mặt với những thách thức như vậy, như nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump đã thể hiện rõ. Nhưng nếu việc kiểm tra và cân bằng chính thức theo hiến định thất bại, các nền dân chủ ít nhất có thể tin tưởng vào một nền báo chí tự do, xã hội dân sự và các đảng đối lập để đẩy lùi, như họ đã làm chống lại Trump.
Trong các chế độ độc tài, các quy tắc và chuẩn mực mong manh hơn nhiều, vì không có các cơ chế đáng tin cậy để thực thi hiến định hoặc chính trị, và những kẻ chuyên quyền có thể dễ dàng chính trị hóa các thể chế, chẳng hạn như tòa bảo hiến, biến các cơ quan đó thành mềm dẻo để tùng phục. Và không có cơ chế chấp hành thứ cấp. Trung Quốc không có báo chí tự do hay cơ chế đối lập có tổ chức. Nếu một quy tắc trở nên không phù hợp – như giới hạn hiến định về các nhiệm kỳ Chủ tịch dành cho ông Tập, nó có thể dễ dàng được thay đổi.
Mặc dù chà đạp các quy tắc và chuẩn mực thuộc về thể chế có thể mang lại lợi ích cho giới cai trị chuyên quyền, nhưng việc này không nhất thiết tốt đẹp cho chế độ của họ. Kinh nghiệm của ĐCSTQ dưới thời Mao là một trường hợp điển hình. Không bị cản trở bởi bất kỳ ràng buộc thuộc về thể chế nào, Mao đã tạo ra các cuộc thanh trừng liên tục và đưa Đảng từ thảm họa này sang thảm họa khác, để lại một chế độ đã khô cạn về mặt ý thức hệ và phá sản về mặt kinh tế.
Ông Đặng hiểu rằng một hệ thống dựa trên các quy tắc là cần thiết để tránh lặp lại trải nghiệm thảm khốc đó. Nhưng niềm tin của ông Đặng không thể vượt qua lợi ích vị kỷ, và cơ ngơi về thể chế mà ông xây dựng vào thập niên 1980 hóa ra không hơn một ngôi nhà xiêu vẹo, xây bằng giấy với các lá bài. Chuẩn nhận cho ông Tập trong tháng này chỉ đơn thuần là phát súng đầu tiên gây ra việc sụp đổ không thể tránh khỏi của hệ thống.
________
Tác giả: Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) là Giáo sư môn Công Quyền học tại Claremont McKenna College, Hoa Kỳ. Ông là thành viên cao cấp không thường trú của Quỹ Marshall Đức ở Mỹ.
Bài liên quan: Lễ kỷ niệm 100 năm có thể là sự kiện trọng thể cuối cùng — Lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc — Vạch trần dối trá lịch sử cận đại của Trung Quốc
B.M.H.
Nguồn: baotiengdan.com
(*) BVN thêm chữ Hán và bổ sung một vài điểm về tiểu sử GS Bùi Mẫn Hân: Bùi Mẫn Hân sinh ngày 10-12-1957 tại Thượng Hải, hiện giữ hai quốc tịch Trung Quốc và Hoa Kỳ, tốt nghiệp ở Đại học Harvard, Đại học Pittsburgh, Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải; theo Wikipedia, là một học giả chính trị học, chuyên gia về vấn đề cai trị tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, về quan hệ Hoa Kỳ – Á Châu, và về vấn đề dân chủ hóa tại các nước đang phát triển.