VEPR: Việt Nam có thể lún sâu vào bẫy gia công Đầu tư

Đức Minh

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết: do hạn chế nguồn lực, Việt Nam có nguy cơ trở thành điểm đến của các dự án FDI chất lượng thấp, từ đó có thể lún sâu vào bẫy gia công.

Thông tin được VEPR đưa ra trong báo cáo về FDI của châu Âu vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA công bố ngày 25/10/2022.

VEPR cho rằng Việt Nam đang có cơ hội lớn trong thu hút FDI từ EU như chiến lược "Trung Quốc + 1" của các doanh nghiệp, việc ký kết sớm hiệp định thương mại với EU so với các nước ASEAN v.v.

Tuy nhiên, theo VEPR, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) chỉ là một trong những điều kiện để thu hút các nhà đầu tư châu Âu. Trong khi đó, rủi ro từ suy thoái kinh tế, bất ổn địa chính trị có thể làm suy yếu tâm lý kinh doanh của các nhà đầu tư toàn cầu nói chung và EU nói riêng.

"Họ sẽ thận trọng hơn khi quyết định đầu tư ra nước ngoài", chuyên gia của VEPR cho biết. Điều này tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Nhìn lại việc thu hút FDI từ EU 10 năm qua, nghiên cứu của VEPR cho thấy vẫn còn hạn chế và "chưa xứng tầm". Điều này thể hiện ở những khía cạnh như số lượng, giá trị của các dự án vào Việt Nam có xu hướng tăng lên qua các năm, nhưng chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ, dao động 2-5% trong tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của EU. Bên cạnh đó, đa số các dự án do khu vực này đầu tư vào Việt Nam có giá trị trung bình nhỏ, lĩnh vực đầu tư cũng tương đối khác so với xu hướng đầu tư chung của EU vào các nước ASEAN…

Mặt khác, quá trình chuyển đổi số có thể thu hẹp dòng vốn FDI của EU đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực có giá trị cao do sự thay đổi trong mục tiêu đầu tư. Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài thường lựa chọn Việt Nam với mục tiêu tìm kiếm lao động giá rẻ, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng trong bối cảnh cách mạng công nghệ, mục tiêu của họ lại là kiến thức và công nghệ. Hai yếu tố mới này vốn không phải lợi thế của Việt Nam do hạn chế về nguồn lao động có kỹ năng, năng lực công nghệ, tài chính, chất lượng cơ sở hạ tầng…

Việc hạn chế về yếu tố nguồn lực cũng có thể làm nảy sinh nguy cơ khiến Việt Nam trở thành điểm đến của các dự án FDI chất lượng thấp, từ đó có thể lún sâu vào bẫy gia công, lắp ráp và vị thế bất lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, theo VEPR.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra các hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA, EVIPA đặt ra những thách thức lớn đòi hỏi Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng…

Trước thực tế này, VEPR cho biết tới đây, để cải thiện và tận dụng cơ hội, thu hút FDI từ EU, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế (như bảo đảm quyền tài sản, điều kiện kinh doanh, sửa các quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng…); nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh khi chính sách về thuế sẽ không còn là thế mạnh trong tương lai.

Song song đó, việc đào tạo nguồn nhân lực cũng là một vấn đề then chốt khi lợi thế lao động giá rẻ nhanh chóng mất. Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện hơn các loại hình dịch vụ tư vấn, tạo thuận lợi đầu tư.

Đ.M.

Nguồn: VNExpress

This entry was posted in Đầu tư. Bookmark the permalink.