Một phần dân tộc tách rời

Nguyễn Tuấn

Bài Thúy Nga Paris và “một phần dân tộc tách rời” của Trân Văn vừa đăng trên VOA gợi đúng một hiện tượng trớ trêu mà ai nhìn cũng thấy: từ hơn 40 năm nay chương trình Thúy Nga Paris by night xuất hiện ở Paris, sau đó đều đặn tại Hoa Kỳ, đã trở thành một thương hiệu, có thể nói là một một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống ca nhạc của người Việt ở ngoài nước cũng như trong nước; nội dung hơn một trăm ba mươi buổi diễn mà khán giả đã được xem trong ngần ấy năm cũng không hề có gì là phản lại đất nước, chống chính quyền hiện hành, trái lại luôn luôn khơi gợi tự tình dân tộc, phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa lịch sử Việt Nam; vậy nhưng chỗ khó hiểu là chưa một lần nào Trung tâm ca nhạc thành danh đó trở về biểu diễn ở trong nước, trong khi các địa điểm gần quanh giải đất hình chữ S như Singapore hay Thái Lan thì họ đã kéo cả đoàn về tổ chức những show diễn hoành tráng khiến người Việt trong nước phải nô nức kéo nhau sang xem dù vé vào cửa đắt gấp bội phần so với giá một buổi diễn thông thường.

Phải chăng có một uẩn khúc nào đây tạo nên hiện tượng không hợp lẽ thường này? Trong bài viết của mình, Trân Văn có nhắc đến một số người như Le Duc Duc, Từ Nguyên Thạch, Nguyễn Tuấn… cũng từng có cùng một mối băn khoăn như trên, và chính ý nghĩ một phần dân tộc còn bị tách rời với cộng đồng người Việt trong nước qua sự việc “đã về gần” mà lại “chưa đặt chân lên quê hương xứ sở” là do Nguyễn Tuấn khởi xuất: ”Theo thiển ý của tôi, một show nhạc của Thuý Nga Paris ở trong nước sẽ là một tín hiệu tích cực cho chánh sách hoà hợp – hoà giải dân tộc và ‘khúc ruột ngàn dặm’ không còn là câu để đàm tiếu nữa. Các vị lãnh đạo  trong bài viết trên FB của mình hay nói đến “một bộ phận dân tộc không thể tách rời” nhưng với Thuý Nga thì vẫn là một phần dân tộc bị tách rời”.

Từ những điều Trân Văn cung cấp, Bauxite Việt Nam quyết định tìm vào FB Nguyễn Tuấn, mượn thẳng bài viết của ông đưa về trang nhà để bạn đọc trong nước cùng được đọc và hiểu tường tận các kiến giải xung quanh một vấn đề vốn là “nỗi niềm” (buồn, đau, giận, ghét…) của người Việt nhiều nơi trên thế giới, và bấy lâu nay vẫn cứ đang âm ỷ truyền lan mà chưa được giải tỏa.

Bauxite Việt Nam

Nhiều bạn tôi (và cả tôi) hay hỏi tại sao Trung tâm ca nhạc Thuý Nga không tổ chức một chương trình ca nhạc ở Việt Nam, mà chỉ làm ở những nơi lân cận như Bangkok và Singapore. Bài báo trên VOA (post lại Nguyễn Tuấn mà có dưới đây) giải thích tại sao.

Trung tâm ca nhạc Thuý Nga đang ráo riết chuẩn bị một chương trình ca nhạc lớn ở Bangkok (vào tuần tới) để cảm ơn Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, MC lâu năm của chương trình ‘Thuý Nga Paris by Night’. Đây là một chương trình đúng với nghĩa ‘hoành tráng’, nhắm tới khán giả từ Việt Nam. Mặc dù giá vé dao động từ 160 USD đến cả ngàn USD, nhưng nhà tổ chức cho biết đã bán gần hết vé. Điều đáng nói là Thuý Nga thương lượng với các hãng hàng không Việt Nam để thuê máy bay chở khán giả từ Việt Nam sang Bangkok!

Vậy thì tại sao không tổ chức show nhạc ở trong nước? Nhiều bạn bè tôi và cả tôi hay hỏi câu hỏi này. Trong thực tế tôi đoán số khán giả của Thuý Nga ở Việt Nam là nhiều nhứt. Đi đâu ở Việt Nam, từ đồng quê đến thành thị, từ xe ôm đến xe đò, từ nhà riêng đến nhà hàng đều thấy bóng dáng của trung tâm Thuý Nga. Mấy năm trước, tôi về quê và kinh ngạc khi thấy bà con tôi chăm chú theo dõi những chương trình ca nhạc của Thuý Nga qua youtube. Ai cũng khen hay. Người cao tuổi thì như sống lại những năm trong thập niên 1960 và 1970 qua những ca khúc lừng danh thời đó.

Vậy thì tại sao không làm một show nhạc ở Việt Nam? Theo bà Tô Ngọc Thuỷ, Giám đốc điều hành Trung tâm Thuý Nga, thì có 2 lí do hay trở ngại. Lí do thứ nhứt là do ở Việt Nam người ta có chánh sách kiểm duyệt nội dung chương trình (ở nước ngoài thì chẳng có nhà cầm quyền nào kiểm duyệt văn nghệ). Vấn đề thứ hai là rạp hát có chuẩn mực quốc tế cho hàng vạn khán giả thì chưa có. Do đó, Thuý Nga chưa có ý định làm show ở Việt Nam. Bà Thuỷ còn cho biết rằng Thuý Nga chưa bao giờ ngỏ ý xin phép nhà cầm quyền trong nước để tổ chức một chương trình nhạc. Tuy nhiên, nhiều ca sĩ của Thuý Nga thì thường xuyên về Việt Nam trình diễn và được khán giá trong nước ái mộ.

Thú thiệt, nếu có mặt ở Thái Lan thì tôi cũng sẽ đi xem show ca nhạc lần này. Đi xem để cảm nhận được một show nhạc Thuý Nga ra sao, vì trước đây tôi chỉ xem qua các băng video hay CD thôi. Show nhạc lần này cũng là một lời chia tay với Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, vì sau đó anh ấy sẽ giã từ sân khấu và có lẽ tập trung vào việc viết văn. Có thể nói không ngoa rằng sự xuất hiện của Nguyễn Ngọc Ngạn trên sân khấu Thuý Nga PBN là một ‘hiện tượng’ và làm thay đổi cái nghề MC. Anh ấy đã đặt một tiêu chuẩn cao cho vai trò của người MC, mà có lẽ trong tương lai rất khó có ai có thể thay thế anh ấy.

Theo thiển ý của tôi, một show nhạc của Thuý Nga ở trong nước sẽ là một tín hiệu tích cực cho chánh sách hoà hợp – hoà giải dân tộc, và ‘khúc ruột ngàn dặm’ không còn là một câu nói đàm tiếu nữa. Các vị lãnh đạo Việt Nam hay nói đến ‘một bộ phận dân tộc không thể tách rời’, nhưng với Thuý Nga thì vẫn là một phần dân tộc bị tách rời.

N.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

This entry was posted in Hoà hợp hoà giải, Thúy Nga Paris By Night. Bookmark the permalink.