Cập nhật chiến sự Ukraine ngày 13-14 /10/2022

1. Ông Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ ‘đánh bại Nga’

Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ “đánh bại Nga” và nhận định đây là chiến thắng của tất cả người dân nước này.

“Với việc đánh bại Nga, chúng tôi sẽ đáp trả những ai xâm phạm Ukraine”, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói trong video nhân dịp Ngày Bảo vệ Đất nước 14/10 của Ukraine. “Đây sẽ là chiến thắng của tất cả người dân Ukraine”.

Tổng thống Zelensky cũng bày tỏ biết ơn “với những người đã và đang chiến đấu cho Ukraine, cũng như những ai đã và chắc chắn sẽ giành chiến thắng”. Ông Zelensky cũng khẳng định “thế giới đang đứng về phía Ukraine hơn bao giờ hết trong lịch sử”, đề cập tới hỗ trợ từ phương Tây.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, đại tướng Valeriy Zaluzhny chúc mừng các binh sĩ Ukraine và cảm ơn sự phục vụ của họ. “Chúng ta đã ngăn đợt tấn công dữ dội của đối phương và chấm dứt huyền thoại về quân đội Nga bất khả chiến bại”, tướng Zaluzhny cho biết.

Nga chưa bình luận về tuyên bố của Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo ở thủ đô Kiev ngày 15/9. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo ở thủ đô Kiev ngày 15/9. Ảnh: Reuters.

Bình luận được đưa ra trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sắp bước sang tháng thứ 8. Giao tranh tiếp tục diễn ra tại khu vực miền nam và đông bắc Ukraine, sau khi quân đội nước này phát động đợt phản công và tái kiểm soát nhiều khu dân cư.

Trong khi đó, lực lượng Nga được Bộ Quốc phòng Anh nhận định “đạt nhiều bước tiến chiến thuật về trung tâm thành phố Bakhmut ở tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine trong ba ngày qua”.

Bakhmut là thành phố ở phía đông bắc tỉnh Donetsk, được đánh giá là trung tâm chiến lược của quân đội Ukraine ở miền đông. Trước khi xung đột nổ ra, Bakhmut là nơi sinh sống của khoảng 70.000 người.

Nếu giành được Bakhmut, Nga có thể phần nào khơi dậy tinh thần của binh sĩ sau chuỗi thất bại liên tiếp trước đòn phản công của quân đội Ukraine gần đây. Lực lượng Ukraine đã đánh sập cây cầu bắc qua sông Bakhmutka nối phần phía đông và phía tây của thành phố, đồng thời lập phòng tuyến phòng để tìm cách ngăn bước tiến quân Nga.

Nguồn: vnexpress.net

2. Nga lợi bất cập hại khi liên tục tập kích tên lửa Ukraine

Thanh Tâm (Theo France 24, Economist, Washington Post)

Nga liên tục tập kích Ukraine bằng tên lửa tầm xa để trả đũa vụ nổ cầu Crimea, nhưng có thể khiến kho dự trữ cạn kiệt, trong khi Kiev tăng sức mạnh phòng không.

Quân đội Nga từ ngày 10/10 liên tục tiến hành các vụ tập kích nhắm vào nhiều thành phố Ukraine cùng cơ sở hạ tầng chiến lược nhằm đáp trả vụ nổ cầu Crimea. Đây là đợt tấn công tên lửa dữ dội nhất của Nga ở Ukraine trong vài tháng qua.

Giới chuyên gia cho rằng động thái này không phải thể hiện chiến lược quân sự mới, mà là màn “phô diễn sức mạnh” vào thời điểm quân đội Nga gặp nhiều khó khăn, khi phải vật lộn để ngăn bước tiến của Ukraine trên mặt trên miền đông và miền nam.

“Đây là lần đầu tiên trong nửa năm qua Nga tiến hành các cuộc tập kích bằng vũ khí tầm xa với quy mô lớn như vậy”, Jeff Hawn, chuyên gia về quân sự Nga kiêm cố vấn của Viện New Lines ở Mỹ, nói. “Họ muốn chứng minh mình vẫn có khả năng phát động các cuộc tấn công trừng phạt quy mô lớn trên khắp Ukraine và tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Tuy nhiên, Hawn cho rằng đợt tập kích đặt ra một số vấn đề cho Moskva: các tên lửa hành trình, đạn đạo đắt tiền của họ chỉ có thể triển khai theo từng đợt, bởi đây là một khoản đầu tư quân sự đáng kể, nhưng chúng hiếm khi đánh trúng mục tiêu có giá trị cao.

Ôtô bốc cháy sau đòn tập kích tên lửa của Nga vào Kiev ngày 10/10. Ảnh: Reuters.

Ôtô bốc cháy sau đòn tập kích tên lửa của Nga vào Kiev ngày 10/10. Ảnh: Reuters.

Chỉ riêng ngày 10/10, Nga đã phóng hơn 80 tên lửa vào nước láng giềng, trong đó hơn 40 quả bị hệ thống phòng không của Kiev bắn hạ, theo quân đội Ukraine.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar hồi cuối tháng 4 tuyên bố Nga đã phóng 1.300 tên lửa kể từ khi bắt đầu chiến dịch ngày 24/2, ước tính rằng Moskva đã sử dụng hết gần 1/2 lượng dự trữ tên lửa vào thời điểm đó.

“Ngành công nghiệp quốc phòng Nga được cho là có thể sản xuất 100-200 tên lửa mới mỗi năm. Vấn đề hiện nay với họ là bổ sung kho dự trữ. Tình hình rất khó khăn, bởi Nga có thép, có thuốc nổ, nhưng thiếu các hệ thống dẫn đường điện tử tinh vi cho tên lửa tầm xa”, tướng Christian Quesnot, cựu chánh văn phòng tổng thống Pháp, cho hay.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt với Nga đã khiến ngành công nghiệp vũ khí nước này gặp nhiều khó khăn trong tìm nguồn cung linh kiện điện tử. Trong bối cảnh đó, Moskva đã buộc phải giảm mạnh hoặc thậm chí ngừng xuất khẩu vũ khí, thậm chí còn phải tìm kiếm nguồn cung từ bên ngoài.

Ngoài tác động của lệnh trừng phạt, ngành công nghiệp quân sự Nga còn chịu nhiều ảnh hưởng từ những thiếu sót trong công tác quản lý, điều này phần nào được bộc lộ khi nước này thi hành lệnh động viên lính dự bị vừa qua, theo Hawn. Tổng thống Putin đã thừa nhận những bất cập trong hệ thống tuyển quân và quản lý của bộ máy quân sự, đồng thời yêu cầu Bộ Quốc phòng nhanh chóng khắc phục.

“Moskva có lượng lớn thiết bị quân sự, nhưng một số không thể sử dụng bởi yếu kém của những người chịu trách nhiệm bảo quản. Một số lính dự bị Nga khi tòng quân đã phải tự mua sắm trang bị, áo giáp cho mình”, Hawn nói.

Trong những tháng gần đây, những phàn nàn càng xuất hiện nhiều hơn. “Người Nga cần tên lửa để yểm trợ hỏa lực cho những người lính ở tiền tuyến”, tướng Michel Yakovleff, cựu phó tham mưu trưởng tại Trụ sở Tối cao Lực lượng đồng minh châu Âu (SHAPE), nói. “Trong khi binh sĩ đang chật vật chiến đấu trên chiến trường, các tướng Nga lại ra lệnh khai hỏa những tên lửa quý giá đó vào các mục tiêu không nhiều giá trị ở Ukraine”.

Dù các cuộc tập kích đầu tuần này của Nga gây ra tình trạng mất điện ở nhiều thành phố Ukraine, chúng không ngăn được lực lượng của Kiev tiếp tục phản công. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 12/10 tuyên bố lực lượng nước này đã giành lại 5 khu định cư ở Kherson, khu vực mà Moskva tuyên bố sáp nhập vào cuối tháng 9.

Nga thời gian tới có thể phải đối mặt thêm nhiều thách thức khi theo đuổi cách đánh “mưa tên lửa” trên đất Ukraine. Hệ thống phòng không của Kiev hiện phụ thuộc chủ yếu vào các thiết bị thời Liên Xô như Buk và S-300. Tuy nhiên, kho vũ khí của Ukraine ngày càng được bổ sung thêm nhiều hệ thống hiện đại của phương Tây.

Kiev nhiều tháng qua đã vận động Mỹ và các nước châu Âu hỗ trợ thêm vũ khí. Sau các cuộc tấn công của Nga hôm 10/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine và cam kết sẽ chuyển các hệ thống mới cho nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov ngày 11/10 hoan nghênh sự xuất hiện của hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T mà Đức chuyển cho Ukraine, xem đây là mốc đánh dấu cho “kỷ nguyên mới” cho phòng không của Kiev. Các lãnh đạo G7 cũng tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev, trong đó có các hệ thống phòng không mới.

Ukraine sẽ có một khẩu đội IRIS-T gồm ba bệ phóng gắn trên xe tải mang theo 24 tên lửa với tầm bắn 40 km, được điều khiển bởi phương tiện chỉ huy ở cách đó 20 km. Radar của hệ thống này đặc biệt nhạy cảm và có thể phát hiện tốt các tên lửa tàng hình bay thấp như Kalibr mà Nga đang sử dụng, theo Denys Smazhnyi, trưởng nhóm huấn luyện của lực lượng tên lửa phòng không Ukraine.

Bằng cách triển khai nhiều khẩu đội, Ukraine có thể thiết lập một tuyến phòng thủ dài tới 100 km, bao phủ các hướng tấn công tên lửa chính của Nga. Hệ thống IRIS-T của Đức còn tích hợp dữ liệu radar từ các trạm mặt đất và máy bay, giúp một khẩu đội có thể tấn công mục tiêu ngay cả khi chưa nhìn thấy chúng.

Xe chở đạn kiêm bệ phóng và radar thuộc hệ thống Buk-M1 của Ukraine. Ảnh: BQP Ukraine.

Một hệ thống thứ hai được hứa hẹn chuyển cho Ukraine là NASAMS. Giống như IRIS-T, nó tích hợp nhiều nguồn dữ liệu vào một kho thông tin. NASAMS sử dụng tên lửa AIM-120 AMRAAM, có tầm bắn khoảng 25-30 km và độ chính xác cao. Tổ hợp này cũng có thể khai hỏa mọi mẫu tên lửa được dùng trên tiêm kích NATO.

Một phiên bản cải tiến có thể nâng tầm bắn của NASAMS lên hơn 100 km. Khi NASAMS đi vào hoạt động, Ukraine có thể sử dụng các tên lửa cải tiến của họ mà không cần phải thay thế hệ thống phóng.

Máy bay không người lái của Nga do Iran cung cấp đã thách thức hệ thống phòng không của Ukraine. Chúng nhỏ và hoạt động tầm thấp để tránh radar, nhưng Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, cho rằng điều này có thể khiến chúng dễ bị tiêu diệt bởi các khẩu súng trường của lính Ukraine.

“Lực lượng phòng không của chúng tôi đã cho thấy khả năng đánh chặn ấn tượng. Với các hệ thống của phương Tây, nó sẽ còn tốt hơn nữa”, ông nói.

Trong tình hình chiến trường hiện nay, Nga vẫn có lợi thế lớn hơn Ukraine khi sở hữu lực lượng quân sự được coi là hùng mạnh thứ hai thế giới. Tuy nhiên, chuyên gia Hawn cho rằng về lâu dài, tình hình có thể thay đổi nếu Nga tiếp tục “đốt” kho dự trữ tên lửa của mình trong các cuộc tập kích diện rộng.

“Quân đội Ukraine sẽ không ngừng tăng cường sức mạnh nhờ hỗ trợ của phương Tây, trong khi năng lực tấn công của Nga có khả năng suy giảm vì họ khó duy trì được tần suất tập kích quy mô lớn trong thời gian dài”, ông nói.

T. T.

Nguồn: vnexpress.net

3. Ukraine tuyên bố 150 lính Nga thiệt mạng trong 1 cuộc tấn công chính xác

Phương Đăng (theo News Week) Thứ sáu, ngày 14/10/2022 13:42 PM (GMT+7)

Các lực lượng của Ukraine cho biết các cuộc tấn công chính xác có chủ đích của họ đã gây ra thiệt hại đáng kể cho quân đội và thiết bị quân sự của Nga, theo Newsweek.

Ukraine tuyên bố tiêu diệt 150 lính Nga trong 1 cuộc tấn công chính xác - Ảnh 1.

Các binh sĩ Ukraine. Ảnh AP

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine hôm thứ Năm 13/10 cho biết, trong một cuộc tấn công chính xác, nước này đã bắn trúng 3 hệ thống tên lửa phòng không S-300 ở thành phố Tokmak, thuộc vùng Zaporizhzhya – một trong 4 tỉnh của Ukraine mà ông Putin vừa tuyên bố  sáp nhập.

Trong một cuộc tấn công chính xác khác vào Tokarivka, ở khu vực Mykolaiv quân đội Ukraine tuyên bố đã tiêu diệt lên tới 150 binh sĩ Nga. Ukraine hiện chưa tiết lộ họ đã dùng vũ khí chính xác gì để tấn công các lực lượng Nga.

Vitalii Kim, người đứng đầu Cơ quan quản lý quân sự Mykolaiv cho biết, trước đó, Nga tấn công Mykolaiv bằng tên lửa S-300, một trong những tên lửa đã bắn trúng một tòa nhà.

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của Mỹ, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết, các lực lượng Nga có thể đã đưa giáo viên hướng dẫn của Iran đến huấn luyện quân đội Nga cách sử dụng máy bay không người lái Shahed-136.

ISW đưa ra tuyên bố trên sau một báo cáo từ Trung tâm Kháng chiến Ukraine rằng, các nhân viên trực thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã được đưa đến Dzhankoi ở Crimea và cảng Zaliznyi, Hladivtsi ở tỉnh Kherson.

Báo cáo nói thêm rằng các hướng dẫn viên Iran đã “trực tiếp điều khiển việc phóng máy bay không người lái vào các mục tiêu dân sự ở Ukraine, bao gồm cả ở Mykolaiv và Odesa”.

P.Đ.

Nguồn:  danviet.vn

4. Ukraine tuyên bố giành lại hơn 600 khu định cư trong tháng qua, bao gồm 75 khu ở Kherson

Lê Phương (Reuters) Thứ sáu, ngày 14/10/2022 11:37 AM (GMT+7)

Các lực lượng vũ trang Ukraine đã giành lại hơn 600 khu định cư từ Nga trong tháng qua, trong đó có 75 khu ở Kherson, theo Bộ Tái hòa nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine.

Ukraine tuyên bố giành lại hơn 600 khu định cư trong tháng qua, bao gồm 75 khu ở Kherson - Ảnh 1.

Chiến sự Ukraine vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng. Ảnh: Reuters

Ukraine đã giành lại khoảng 502 khu định cư ở khu vực đông bắc Kharkov sau khi lực lượng Kiev tiến sâu vào chiến tuyến của Nga, Bộ cho biết vào cuối ngày 13/10.

Bên cạnh đó, Bộ cũng lưu ý lực lượng Ukraine đã giành thêm 43 khu định cư ở vùng Donetsk, 7 khu ở Luhansk và 75 khu ở Kherson.

“Diện tích các vùng lãnh thổ mà lực lượng Kiev kiểm soát đã tăng lên đáng kể”, Bộ này cho biết trong một tuyên bố trên trang web.

Reuters chưa thể xác minh các báo cáo chiến trường và không có xác nhận ngay lập tức từ quân đội Ukraine hoặc văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Kherson, Donetsk, Luhansk, và Zaporizhzhia đã sáp nhập với Moscow vào cuối tháng trước trong bối cảnh lực lượng Ukraine tiến hành phản công ở phía đông bắc, đông và nam đất nước. Các cuộc trưng cầu dân ý gia nhập Nga đã bị Kiev và phương Tây tố cáo là bất hợp pháp.

Hôm 13/10, thống đốc vùng Kherson của Ukraine do Nga thiết lập, ông Vladimir Saldo đã kêu gọi người dân sơ tán trong bối cảnh giao tranh diễn biến căng thẳng.

Trong một video trên Telegram, ông Saldo công khai yêu cầu chính phủ Nga giúp đỡ trong việc đưa dân thường đến các khu vực an toàn hơn.

Ông nói: “Mỗi ngày, các thành phố của vùng Kherson phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng tên lửa. Vì vậy, ban lãnh đạo chính quyền Kherson đã quyết định cho người dân quyền lựa chọn đi đến các vùng khác của Liên bang Nga để nghỉ ngơi và học tập”. Ông lưu ý thêm rằng mọi người nên “mang theo cả con cái”.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời thống đốc vùng Rostov của Nga, ông Vasily Golubev, cho biết nhóm người đầu tiên từ Kherson sẽ đến khu vực này vào 14/10.

L.P.

Nguồn: danviet.vn

Xem thêm Youtube:

 

1. Tuyệt vọng: Putin nhờ Pháp sư lập đàn cầu khẩn hồn phách ma quỷ trên toàn quốc để thắng Ukraine

Thảo Ly-Kim Thúy VietCatholic News 13/10/2022

2. Putin tê tái: Đào ngũ lan rộng, quân Nga ở Donetsk được lệnh án binh bất động để tránh thương vong

Kim Thúy-Túy Vân VietCatholic News 13/10/2022

This entry was posted in Chiến sự Ukraine, Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.