Cập nhật tình hình chiến sự Ukraine 11/10/2022

1. Ukraine tuyên bố hạ hơn 30 tên lửa, UAV Nga

Thanh Tâm (Theo CNN)

Quan chức Ukraine cho biết hệ thống phòng không của nước này đã vô hiệu hóa 33 tên lửa và UAV trong cuộc tập kích ngày 11/10 của Nga.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nói Nga hôm 11/10 tiếp tục tập kích vào các cơ sở năng lượng của nước này, trong đó 33 tên lửa đã vượt qua lưới phòng không và rơi trúng mục tiêu.

Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine cho biết số còn lại, gồm 20 tên lửa hành trình và 13 UAV tự sát được Nga phóng ra, đã bị đánh chặn.

Cơ quan này cho biết thêm Nga đã sử dụng nhiều loại tên lửa hành trình, trong đó có tên lửa chính xác cao Kh-101 và Kh-555 phóng từ máy bay, cũng như tên lửa hành trình Kalibr phóng từ chiến hạm. Lực lượng Nga còn bị cáo buộc sử dụng máy bay không người lái tự sát Shahed-136 do Iran sản xuất.

66 tên lửa, UAV được Nga sử dụng ngày 11/10 ít hơn cuộc tập kích ồ ạt trên khắp Ukraine một ngày trước đó, với khoảng 84 tên lửa đã được khai hỏa.

Xe chở đạn kiêm bệ phóng và radar thuộc hệ thống Buk-M1 của Ukraine. Ảnh:BQP Ukraine.

Xe chở đạn kiêm bệ phóng và radar thuộc hệ thống Buk-M1 của Ukraine. Ảnh:BQP Ukraine.

Lưới phòng không của Ukraine chủ yếu dựa vào các khí tài thời Liên Xô như hệ thống tên lửa Buk-M1 và S-300, theo người phát ngôn Bộ Tư lệnh Không quân Yurii Ihnat.

“Các tổ hợp này không tồn tại mãi mãi, vì chúng có thể bị hư hại trong khi chiến đấu”, Ihnat nói, lưu ý rằng “Nga là bên sản xuất những thiết bị này, nên chúng tôi sớm muộn gì cũng phải từ bỏ chúng”.

Ihnat tiếp tục kêu gọi các đồng minh của Kiev hỗ trợ nhiều loại vũ khí phòng không tốt hơn.

“Chúng tôi cần rất nhiều, bởi lãnh thổ Ukraine rất rộng lớn. Chúng tôi đã được hứa hẹn về các tổ hợp phòng không hiện đại trong một khoảng thời gian dài”, ông nói.

Quan chức này thêm rằng Đức đã cam kết hỗ trợ cho Ukraine hệ thống phòng không IRIS-T, trong khi các đối tác Na Uy hứa cung cấp hai tổ hợp tên lửa phòng không NASAMS.

Ông nhận định Nga hiện còn ít tên lửa có độ chính xác cao, khiến lực lượng nước này phải phụ thuộc nhiều hơn vào các hệ thống vũ khí kém chính xác hơn.

Cơ quan tình báo GCHQ của Anh đánh giá Nga đang dần cạn nguồn vũ khí và chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày càng “tuyệt vọng”, tuy nhiên không đưa ra dẫn chứng cho các tuyên bố của mình.

T.T. (theo CNN)

Nguồn: vnexpress.net

2. Thách thức cho Ukraine trước chiến lược tập kích tên lửa diện rộng của Nga

Đức Hoàng

Thứ tư, 12/10/2022 – 00:24

(Dân trí) – Giới chuyên gia nhận định, chiến lược tấn công quy mô lớn bằng tên lửa của Nga nhằm vào các thành phố ở Ukraine gây ra thách thức lớn cho Kiev trong cuộc chiến xung đột.

Thách thức cho Ukraine trước chiến lược tập kích tên lửa diện rộng của Nga - 1

Vụ tập kích tên lửa của Nga nhằm vào nhiều cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine (Ảnh: Reuters).

Newsweek đưa tin, cuộc tập kích tên lửa của Nga nhằm vào hàng loạt thành phố Ukraine sáng 10/10 đã làm lộ ra lỗ hổng của hệ thống phòng không của nước này. Diễn biến này cũng làm gia tăng áp lực lên phương Tây trong việc nhanh chóng chuyển các hệ thống phòng không hiện đại cho Kiev.

Tuy nhiên, với chiến thuật tập kích tên lửa hiện tại của Nga, giới quan sát cho rằng, nỗ lực của phương Tây có thể vẫn chưa đủ.

Ngày 10/10, Đức tuyên bố sẽ cấp cho Ukraine lá chắn phòng không đầu tiên trong số 4 hệ thống. Thời gian cung cấp hệ thống này được tính bằng ngày. Đức cho biết, các cuộc tập kích của Nga cho thấy tầm quan trọng của việc chuyển cho Ukraine các tổ hợp phòng không một cách nhanh chóng.

Mặc dù vậy, chuyên gia William Reno từ Đại học Northwestern (Mỹ) nhận định rằng, dù phương Tây tăng cường chuyển các lá chắn phòng không cho Ukraine, điều đó dường như sẽ chỉ tạo ra tác động chiến thuật một cách hạn chế.

Ông Reno cho rằng, Nga đang áp dụng chiến thuật tập kích trên diện rộng, nhằm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine. Đây là 2 yếu tố có thể khiến các nỗ lực viện trợ của phương Tây khó “vá” được lỗ hổng phòng không của Ukraine.

Hàng chục tên lửa phá hủy nhà máy điện, nước ở nhiều thành phố Ukraine. Phía Kiev cáo buộc Nga muốn Ukraine không thể sống sót khi mùa đông sắp tới gần. Ít nhất 15 khu vực trên khắp Ukraine đang bị mất điện tại nhiều nơi.

Đức cho hay, hệ thống phòng không họ sắp cấp cho Ukraine có thể bảo vệ được một thành phố khỏi các vụ tấn công từ Nga. Tuy nhiên, Nga lại đang nhằm mục tiêu đồng loạt vào nhiều thành phố, hướng tới các cơ sở hạ tầng quan trọng. Tốc độ viện trợ của phương Tây buộc phải bắt kịp với chiến thuật tập kích diện rộng của Nga, nếu không tác động của chúng sẽ tương đối hạn chế.

Nếu Nga tiếp tục duy trì tần suất tập kích như hôm qua trong thời gian tới, điều đó có thể tác động tới nỗ lực của Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga ở tiền tuyến.

Chuyên gia Nikolas Gvosdev nói với Newsweek rằng, nếu các cơ sở hạ tầng của Ukraine như nhà máy, điện, nước, tuyến đường giao thông tiếp tục chịu thiệt hại trong thời gian tới, điều này sẽ ảnh hưởng tới khả năng tiếp viện cho tiền tuyến của Ukraine. Các nỗ lực phản công của Kiev trên tiền tuyến có nguy cơ chậm lại.

Thách thức cho Ukraine trước chiến lược tập kích tên lửa diện rộng của Nga - 2
Một công trình bị phá hủy trong cuộc tập kích (Ảnh: Reuters).

Mặt khác, chuyên gia an ninh Dmitri Alpertovitch nhận định, chiến thuật tập kích trên diện rộng của Nga có khả năng khó tiếp diễn.

Ông cho rằng: “Nga có thể khó duy trì được tần suất phóng tên lửa như vụ tập kích ngày 10/10. Từ đầu chiến dịch quân sự tới nay, họ chưa từng có tỷ lệ phóng tên lửa tầm xa nhiều như vậy”.

Nga vốn là cường quốc quân sự có thế mạnh về tên lửa. Tuy nhiên, giới chuyên gia trước đó nhận định, cuộc chiến ở Ukraine có thể đang làm hao hụt đáng kể năng lực vũ khí của Nga khi nó đã kéo dài tới gần 8 tháng qua. Việc bù đắp nhanh chóng kho tên lửa tấn công có thể sẽ là thách thức cho Nga khi các lệnh trừng phạt của phương Tây được xem sẽ tác động lên lĩnh vực sản xuất công nghệ cao của Moscow.

Hồi tháng 5, The Drive dẫn thông tin từ cơ quan tình báo Ukraine đưa tin, khi lực lượng Kiev bắt đầu “mổ xẻ” các khí tài quân sự còn nguyên hoặc bị phá hủy một phần mà họ thu được từ Nga, họ dường như phát hiện ra bên trong các vũ khí này có khá nhiều các vi mạch do nước ngoài sản xuất, đặc biệt là vi mạch có xuất xứ từ Mỹ.

Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Nga dường như đang phụ thuộc một phần nhất định vào vi mạch nhập khẩu để chế tạo các vũ khí hiện đại của họ.

Theo Newsweek

Đ.H.

Nguồn: dantri.com.vn

Xem thêm Youtube:

1. Những phát hiện mới trong vụ nổ cầu Crimea. Putin triển khai đội cận vệ tinh nhuệ chống đảo chính

Thảo Ly-Túy Vân VietCatholic News 11/10/2022

2. Còi báo động khắp Ukraine: Putin phóng hỏa tiễn tấn công lần hai. Canh bạc cuối cùng của tên độc tài

Lan Vy-Túy Vân VietCatholic News 11/10/2022

This entry was posted in Chiến sự Ukraine, Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.