Đổi tên trường tại ĐH Oxford ‘trục trặc’ vì tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chưa chuyển tiền?

BBC

9 tháng 10 2022

Linacre College được thành lập vào năm 1962 và được đặt theo tên của học giả thế kỷ 16 - Thomas Linacre.

Linacre College được thành lập vào năm 1962 và được đặt theo tên của học giả thế kỷ 16 – Thomas Linacre. ẢNH: LINACRE COLLEGE

Kế hoạch đổi tên một trường thuộc Đại học Oxford để vinh danh tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo do được hứa tài trợ 155 triệu bảng Anh chưa diễn ra theo dự định ban đầu, theo báo The Telegraph của Anh.

Báo này vào ngày 8/10/2022 có bài mô tả Linacre College chưa nhận được khoản tiền đầu tiên là 50 triệu bảng như đã thỏa thuận nhằm bắt đầu quá trình xin đổi tên trường này thành Thao College.

Khoản tiền này đáng ra cần chuyển khoản cho Linacre College trước ngày 30 tháng Sáu.

Báo The Telegraph tường thuật

Camilla Turner, Chủ biên Tin Chính trị của The Telegraph và là tác giả bài báo mô tả có những đồn đoán rằng một số dư luận tiêu cực và nghi ngờ về việc liệu có thể đổi tên trường hay không đã khiến bà Thảo chùn bước.

“Hiệu trưởng, giám đốc phụ trách và phát triển của trường đã đến Việt Nam vào cuối tháng Chín để cố gắng đảm bảo thực hiện thỏa thuận.”

“Nếu bà không có được việc đổi tên trường thì bà có thể rút lui”, một nguồn tin được báo này dẫn.

Nguồn này nói với The Telegraph rằng “hồ nghi về sự thay đổi tên và dư luận tiêu cực” là lý do rất có thể dẫn tới việc chậm trễ giải ngân này.

Thỏa thuận giữa Linacre và Sovico nói gì?

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Sovico, và là nhà sáng lập hãng hàng không Vietjet Air.

Vào ngày 2/2/2022, Linacre College, bà Phương Thảo và Sovico Group đã ký một văn bản về việc tặng 155 triệu bảng cho Linacre College.

BBC News Tiếng Việt đã được xem văn bản này, và biết rằng theo thỏa thuận, dự định bà Phương Thảo sẽ chuyển 50 triệu bảng trước ngày 30/6, 50 triệu nữa trước ngày 31/12/2023 và 55 triệu trước ngày 31/8/2026.

Một điều khoản trong văn bản ghi rằng: “Tùy thuộc vào việc Trường nhận được sự đồng ý trước của Hội đồng Cơ mật và sau khi nhận được khoản thanh toán đầy đủ đầu tiên của Khoản đóng góp theo chứng thư này, Trường sẽ có nỗ lực hợp lý để đổi tên trường thành “Thao College”, có hiệu lực từ ngày 1/9/2023.”

BBC được biết theo Chứng thư này, dự định:

– 40 triệu bảng Anh sẽ được giữ trong một quỹ tín thác, để dùng cho Linacre College
– 5 triệu bảng Anh sẽ được giữ trong một quỹ tín thác, để thiết lập và duy trì Học bổng tại trường cùng với 2,5 triệu bảng đóng góp từ Quỹ tài trợ sau đại học của Đại học Oxford

– 100 triệu bảng Anh sẽ được sử dụng để có được đất phù hợp, và chuyển đổi hoặc xây dựng các tòa nhà
– 10 triệu bảng Anh sẽ được sử dụng để thành lập và cung cấp chi phí vận hành ban đầu cho một cơ sở, tạm thời được đặt tên là ‘Trung tâm Lãnh đạo Oxford’ với sự cộng tác của Trường Chính phủ Blavatnik của Đại học Oxford.

Văn bản còn có điều khoản cho phép một trong hai bên có thể chấm dứt Chứng thư này, nếu một bên cảm thấy cần chấm dứt trong “những hoàn cảnh đặc biệt”.

Chính phủ Anh đã thẩm định xong

Vào tháng 6/2022 Chính phủ Anh nói họ điều tra, thẩm định khoản tài trợ trị giá 155 triệu bảng Anh cho một trường trực thuộc Đại học Oxford từ một công ty Việt Nam.

Các mối quan ngại đã được nêu ra tại Hạ viện Anh đối với biên bản ghi nhớ (MoU) của Linacre College với Tập đoàn SOVICO.

Dân biểu Julian Lewis khi đó cảnh báo tại Hạ viện rằng bà Thảo “cực kỳ thân với chính quyền cộng sản Việt Nam”.

Nhưng cuộc thẩm định của chính phủ Anh đã khép lại, với các quan chức của Bộ Giáo dục khen Trường Linacre đã tiến hành tốt qui trình thẩm định.

Linacre College ký Biên bản Ghi nhớ (MoU) với Tập đoàn SOVICO vào ngày 31/10/2021 lên kế hoạch đổi tên Linacre College thành Thao College sau khoản tiền đầu tiên trị giá 50 triệu bảng Anh được chuyển khoản.

Việc đổi tên trường- phải được sự chấp thuận của Hội đồng Cơ mật (Privy Council) thông qua – là để vinh danh bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn SOVICO, Tổng giám đốc VietJet Air và là Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank.

Tranh cãi

Tại Anh, những người phản đối việc đổi tên đã phát động một chiến dịch ngăn chặn khi họ lập luận là việc làm này gửi một thông điệp rằng các trường đại học ở Anh “về cơ bản là để mang đi bán cho người trả giá cao nhất”.

Dân biểu Julian Lewis, một thành viên của Hội đồng Cơ mật, đang thúc giục hội đồng này ngăn chặn việc đổi tên trường. Phát biểu tại Hạ viện, Tiến sĩ Lewis nói: “Nếu chúng ta muốn làm sạch tiền bẩn và các khoản quyên góp mờ ám ở đất nước này thì chính đây sẽ là một nơi tốt để bắt đầu làm việc đó”

Ông Lewis, chủ tịch Ủy ban Tình báo và An ninh Hạ viện, nhưng phát biểu với cương vị cá nhân, giải thích cho báo Anh The Telegraph trong bài ngày 8/10: “Mặc dù trường có thể nhận tiền cho dù Chính phủ muốn hay không, nhưng trường không thể đổi tên nếu không được Hội đồng Cơ mật cho phép. Do đó, chỉ có Hội đồng Cơ mật mới có quyền can thiệp một cách hiệu quả.”

Hồi tháng Sáu năm nay Tiến sĩ Lewis được báo The Telegraph dẫn lời nói với báo này rằng không thể nào có “các công ty thực sự độc lập hoạt động trong các nước Cộng sản độc đoán” và rằng “Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các chế độ Cộng sản đã thành công hơn rất nhiều trong việc khuynh đảo các xã hội phương Tây bằng cách sử dụng những khoản tiền khổng lồ để luồn sâu vào vị thế kiểm soát.”

Giáo Sư Nick Brown, đại diện Linacre College và bà Nguyễn Thị Phương Thảo trao biên bản ghi nhớ nhân sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Scotland tháng 11/2021.

Giáo Sư Nick Brown, đại diện Linacre College và bà Nguyễn Thị Phương Thảo trao biên bản ghi nhớ nhân sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Scotland tháng 11/2021. ẢNH: VIETNAM NEWS

Giáo Sư Nick Brown, đại diện Linacre College và bà Nguyễn Thị Phương Thảo trao biên bản ghi nhớ nhân sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Scotland tháng 11/2021.

Dự luật ‘chống ảnh hưởng’

Chính phủ Anh vào ngày 12/06/2022 đã đưa ra đề xuất sửa đổi mới cho Dự luật Tự do Ngôn luận nhằm hạn chế ảnh hưởng của nước ngoài đối với các trường theo đó theo đó các trường đại học sẽ bị trừng phạt nếu họ cho phép các tổ chức nước ngoài tác động đến những gì được nói trong trường.

Các trường sẽ phải trình báo liên hệ tài chính của họ với các cá nhân hoặc tổ chức từ nước ngoài, bằng không sẽ bị phạt theo các đề xuất sửa đổi để đảm bảo rằng quyền tự do ngôn luận đối chọi với các chế độ độc tài được bảo vệ.

Bộ trưởng Giáo dục Anh Quốc khi đó là ông Nadhim Zahawi được dẫn lời nói rằng ông không muốn các trường đại học cảm thấy “bị áp lực” phải thỏa hiệp về quyền tự do học thuật vì sự tài trợ từ các quốc gia như Trung Quốc.

Linacre College

Trước đó, Linacre College cho biết khoản tài trợ 155 triệu bảng này sẽ giúp xây một trung tâm đào tạo mới và cấp học bổng sau đại học.

Trường đào tạo sau đại học Linacre được thành lập vào năm 1962 và được đặt theo tên của học giả thế kỷ 16 – Thomas Linacre.

Đại học Oxford thực chất là một liên minh các viện nghiên cứu (institutes) và 39 colleges, còn gọi là học viện, hoặc trường.

Các college tồn tại độc lập, có quyền tự chủ tài chính, quản lý, trong hệ thống mang tính liên minh bình đẳng (federal structure) của mô hình ‘collegiate university’.

Trong hàng trăm đại học Anh, truyền thống ‘collegiate university’ (đại học lớn gồm các học viện chuyên ngành), hiện chỉ còn được duy trì ở Oxford, Cambridge, Durham…và phần nào còn được áp dụng Đại học London (Confederation) và một số nơi khác ở Anh.

Oxford University là đại học cổ nhất trong thế giới nói tiếng Anh, và thuộc nhóm các đại học cổ nhất châu Âu, chỉ sau Sorbonne ở Pháp.

Đại học Oxford nhận sinh viên nước ngoài đầu tiên từ năm 1190.

Về việc đổi tên trường sau tài trợ

Tại Anh, trường Manchester College, cũng thuộc Đại học Oxford, đã đổi thành Harris Manchester College năm 1996 sau tài trợ của doanh nhân Baron Harris.

Trường New Hall của Đại học Cambridge đổi tên thành Murray Edwards College năm 2008 để vinh danh nhà tài trợ Ros và Steve Edwards. và nữ hiệu trưởng đầu tiên của Cambridge, Dame Rosemary Murray.

Nguồn:  BBC tiếng Việt

This entry was posted in Doanh nhân. Bookmark the permalink.