“Cái cảm giác đè nặng bên trong tôi là vô vọng về dân tộc Việt”

Đọc và suy ngẫm… buồn và đau!

Dạ Ngân

***

Bài phỏng vấn đạo diễn Trần Văn Thuỷ đăng trên báo Đoàn kết của Việt kiều tại Pháp tháng 10-1990. Nhiều báo mạng và Youtube nước ngoài gần đây làm sống lại cuộc phỏng vấn này và nhà văn Dạ Ngân vừa mang về trang FB của mình. BVN xin đăng lại từ FB Dạ Ngân nhằm chúc mừng đạo diễn Trần Văn Thủy nhân dịp ông được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái.

Bauxite Việt Nam

LTS: Đạo diễn Trần Văn Thủy (TVT) đã được nhiều người mến mộ qua những bộ phim như “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế”.

Ông vừa làm cuộc hành trình khắp Tây Âu và hoàn thành bộ phim mới mang tên “Thầy bói xem voi” gồm hai tập: “Chuyện đồng bào” và “chuyện vặt xứ người”.

Đây là bộ phim tài liệu video về tình cảnh người Việt Nam ở nước ngoài. Bộ phim không có hy vọng được chiếu ở Việt Nam, như đạo diễn cho biết. (Tạp chí Đoàn Kết).

Sau đây là một đoạn trích cuộc phỏng vấn giữa tạp chí Đức Việt và đạo diễn. Bài đăng trên báo Đoàn kết (của Việt kiều tại Pháp) số 10-90.

***

PV: Anh đi khắp nơi như vậy, chứng kiến cuộc sống của người Đức, Pháp, Bỉ hoặc Anh, ý…, điều gì làm anh xao động nhất?

TVT: Cái cảm giác đè nặng bên trong tôi là vô vọng về dân tộc Việt. Tôi nói điều này thì cũng không đúng lắm, có thể là thất lễ và mất lòng nhiều người, nhưng nó là sự thật.

Tôi xin nói, thật lòng như thế này: Khi còn ở trong nước, tôi cứ nghĩ các khuyết tật mà xã hội Việt Nam có, thí dụ quan liêu, cửa quyền, bắt người khác giống mình, áp đặt ý kiến, là do cơ chế của

một thứ “chủ nghĩa Xã Hội”.

Sau này ra ngoài, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, nhất là những báo chí của phe chống cộng đủ thứ, tôi thấy không ít chuyện kinh hoàng. Ai mà không giống mình thì dằn mặt, đánh hoặc bắn.

Thế tôi mới ngỡ rằng cái bệnh hiếp đá

p nhau, dẫm đạp lên nhau, bắt người khác phải phục tùng mình, phải chăng là chứng bệnh của dân tộc Việt Nam.

Nếu như đó là bệnh của một chế độ chính trị thì có thể sửa được. Khi nó không còn hiện diện hoặc thay đổi thì những điều xấu ấy mất đi.

Nhưng nếu đó là những khuyết tật của dân tộc thì thật là điều đau đớn vô

cùng.

Nếu chỉ tính từ thế kỷ XV với sự xuất hiện của nhân vật Nguyễn Trãi, đến nay có thể nói qua gần năm thế kỷ, có nhiều chuyện gần như ta phải làm lại từ đầu.

Đè nặng lên tôi nhất vẫn là cái cảm giác

dân tộc mình khó mà khá lên được, khó lòng đuổi kịp các nước, dù là những nước trung bình trên thế giới. Đó là sự thật, ai càng yêu nước càng buồn nhiều.

PV: Chúng ta có thể đi xa hơn một chút được không? Hiện tình là vậy thì lỗi lầm bắt đầu từ đâu?

TVT: Câu hỏi của anh làm tôi nhớ lại một lần đối thoại ngắn ngủi với một nhà báo cộng sản Pháp. Trong một buổi chiêu đãi báo chí tại Hà Nội cuối năm 1987, nhà báo nọ nâng ly chúc mừng hai bộ phim của tôi (“Hà Nội Trong Mắt Ai” và “Chuyện Tử Tế”) được công chiếu.

Rồi ông nhún vai bảo rằng: “Nhưng công bằng mà nói, các ông đổ lỗi cho chính phủ, cho nhà nước của các ông nhiều quá”.

Tôi hỏi: “Ông là người ngoại quốc, có thể ông có cái nhìn tinh tế hơn”?

Ông ta lại nhún vai: “Cũng chẳng có gì đáng gọi là tinh tế cả. Phương ngôn Pháp của chúng tôi có câu: “Nhân dân nào, chính phủ nấy”. Các ông rất xứng đáng với chính phủ của các ông!”

PV: Thế nhưng tại sao anh lại nhắc đến Nguyễn Trường Tộ trong hai tập phim? Anh chờ đợi gì ở hình ảnh đó?

TVT: Như mọi người đều biết, dưới triều Tự Đức, Nguyễn Trường Tộ đã điều trần như thế nào mà cuối cùng cũng bị bỏ qua. Đừng quên rằng lúc ấy sự chênh lệch giữa hai nước Việt Nam và Pháp về nhiều phương diện không lớn như bây giờ.

Khoảng cách giữa văn minh và lạc hậu cũng không quá xa như bây giờ. Lúc ấy chúng ta không bị tụt lùi lại như hiện nay đang đứng hàng cuối cùng trong tính số của Liên Hợp Quốc.

Tôi lấy “sự kiện Nguyễn Trường Tộ” làm mốc thời gian vì tôi muốn so sánh thật sự trình độ của Việt nam, tương quan của Việt Nam với thế giới lúc Nguyễn Trường Tộ làm điều trần với hôm nay, nếu quan niệm rằng một công trình khoa học, một bài báo, một vở kịch, một cuốn phim,… đều là những bản điều trần kiểu mới. Qua đó mới thấy mình tụt quá xa!

Vừa rồi đi dạo ngang qua nhà thờ chính ở Frankfurt này, nghe nói nó đã được xây từ 500 năm rồi. Ở xứ mình chẳng có gì anh ạ. Cứ triều đại này lên thì đạp nát hết cái cũ, cuối cùng đất nước bị tàn phá tan tành hết, không còn gì.

PV: Lúc thực hiện phim, anh đã gặp bao nhân tài Việt Nam. Giả sử nhân tài Việt Nam được trọng dụng, đất nước sẽ khá lên chứ?

TVT: Tất nhiên là khá chứ! Tuy nhiên từng người Việt Nam một thì rất khá không kém ai, nhưng nếu người Việt gộp lại thì có khi chẳng làm được gì cả.

Còn làm sao để đất nước khá lên, phải có một thể chế xã hội, kinh tế, chính trị hỗ trợ cho việc phát huy tài trí.

Nếu bây giờ chúng ta có một chính phủ tiến bộ thật sự, tôi nghĩ rằng điều đầu tiên cần làm ngay là phải gấp rút xây dựng một bộ luật, đưa vào luật của những nước tiến bộ, dựa trên nghiên cứu truyền thống, phong tục đạo đức của dân tộc.

Tập trung mọi sức lực làm chuyện đó xong rồi tập trung ngay vào việc giáo dục luật pháp cho dân chúng, từ già đến trẻ nhỏ. Làm cật lực trong 5 năm, y như việc xóa nạn mù chữ trong thời kháng chiến chống Pháp.

Tôi nghĩ đó là còn đường ngắn nhất để xã hội Việt Nam trở thành một xã hội tiến bộ, tích cực, phát huy được mọi tài năng.

Nếu làm được điều ấy thì hóa chăng sau này không còn phe phái nào, lực lượng nào có thể dắt mũi dân tộc này đi vào con đường sai lầm.

Nhưng tôi nghĩ đó chỉ là ảo tưởng, một điều ước xa vời. Những người có quyền, chuyện đầu tiên họ nghĩ là củng cố quyền lực của họ, quy luật của trò chơi mà anh.

Nếu một bộ máy nhà nước chỉ nghĩ đến mục đích duy nhất là làm sao cho người dân sống sướng, sống khá lên, con người thương yêu nhau hơn, hiền hòa, hướng (thiện hay thương?) thì chắc tình hình bây giờ đã khác.

Tôi nói điều này với nỗi đau của riêng tôi. Trong những năm chiến tranh 66-67-68, trên đường vào chiến trường miền Nam, đi qua vùng tuyến lửa Vĩnh Linh, tôi thấy sự hy sinh to lớn khủng khiếp của con người.

Anh biết không, ban đêm bất chấp mưa bom, pháo sáng sáng rực, xe bị lầy, dân ở đây đã gỡ cửa nhà, bàn ghế đem ra lót cho xe vượt lầy. Ngồi trên xe mà thấy nhói trong tim.

Lẽ ra sau khi chiến tranh kết thúc, dân vùng này chắc chắn phải được miễn thuế trong nhiều năm hoặc một chính sách đãi ngộ hợp lí nào đó, hay là một sự chia sẽ tối thiểu.

Thế nhưng tôi vô cùng thất vọng khi những năm sau trở lại vùng này, dân ở đây lại sống lầm than hơn xưa và vẫn tiếp tục là nạn nhân của chế độ quan liêu cửa quyền, vẫn nghèo xác xơ.

PV: Trong tất cả những khái niệm, từ ngữ thường được dùng đến bây giờ, như “tự do”, “độc lập”, “hạnh phuc”, “dân chủ”, “tình thương”, “cách mạng”, “vĩ đại”, “vinh quang”, “nỗi đau”, “căm thù”, “hòa giải”, “đoàn kết”…, từ ngữ nào đối với anh có ý nghĩa nhất?

TVT: Tôi có thể nói ngay với anh rằng một cái từ mà chúng ta phải phụng sự – mà đó là một từ cũ rích – từ “con người”.

Chúng ta hãy trở về với những từ thật đơn giản, nguyên thủy hơn, như từ “con người”. Trong muôn loài thì có loài người. Trong rất nhiều loại con thì có “con người”. Trong vũ trụ thì con người chỉ là một thực thể nào đó.

Nếu Lưu Quang Vũ còn sống, chắc anh còn viết được nhiều hơn về những điều này. Từ những tác phẩm cách đây 10-15 năm, Vũ đã từng viết: “Đừng có đánh mất mình tức là đừng có đánh mất con người”.

Nhìn kỹ lại cách mạng của Pháp 1789, đến nay đã 200 năm, lịch sử cũng không làm điều gì khác hơn là vật lộn với con người. Hãy tránh dùng mỹ từ anh ạ.

PV: Thế còn anh nghĩ gì về ‘đổi mới’?

TVT: Câu hỏi này làm tôi nhớ lại câu hỏi của nhà báo Úc đã hỏi tôi cách đây hơn 2 năm sau liên hoan phim ở Đã Nẵng.

Anh biết không, lúc đó tôi trả lời là không riêng gì tôi mà phần lớn bạn bè của tôi đều nghĩ rằng: “Đổi mới tức là trở lại một số những cái cũ đã bị vùi dập hoặc bỏ quên”.

Đơn giản thôi, ông thấy cái gì đổi mới tại Việt Nam?

Tư nhân thì được kinh doanh, bác sỹ thì được mở phòng mạch, thầy giáo đôi nơi thì được mở trường tư, in lại sách cũ, trình bày lại một số nhạc phẩm thời xưa, mở rộng một số chính sách về đối ngoại, cho một số được đi du học hoặc du lịch tự túc… thì tôi thưa với ông rằng trước 75 tại miền Nam hay ở Hà Nội trước 54, tất cả những cái đó đều không phải là chuyện gì cả!

Như thế thì rõ ràng, đổi mới là trở lại những cái cũ đã bị bỏ quên chứ còn gì nữa. Nghe xong câu trả lời cà chớn đó của tôi, ông ta mỉm cười.

PV: Tôi nhận thấy trong tất cả những phim của anh mà tôi được xem từ trước đến giờ, anh rất thích dùng một chữ mà bản thân tôi cũng rất thích, đó là chữ “Tâm”. Trong “Hà Nội Trong Mắt Ai”, thì có ngòi bút tả Thanh thiên, viết lên trời xanh một chữ tâm, trong “Thầy Bói Xem Voi” thì có “nếu tâm còn sáng”… Anh có thể khai triển thêm được không?

TVT: Chuyện này coi vậy mà nó lai rai lắm anh ạ!

Sau nhiều năm chiến tranh, xã hội Việt Nam chúng ta có nhiều đổ vỡ về vật chất lẫn tinh thần.

Đổ vỡ vật chất – nói cho cùng – nếu chúng ta có chính sách đúng đắn tận dụng nhân tài, tranh thủ được đầu tư của trong nước lẫn ngoài nước thì cũng có thể dần dần khôi phục được.

Nói đến chữ “Tâm” tức là nói đến đạo đức xã hội, nói đến lòng người. Nhưng sụp đổ tinh thần sau bao năm chiến tranh, sau bao nhiêu sai lầm, tôi e rằng không bao giờ có thể xây dựng lại được.

Đối với người Việt Nam, cái mất mát lớn nhất bây giờ là lòng tin. Giả sử bây giờ nếu có ngoại xâm lần nữa, tôi ngờ ít mấy ai sẵn sàng hy sinh tất cả, sẵn sàng đem hết tất cả những gì mình có ra làm chướng ngại vật chống chiến xa như hồi kháng chiến chống Pháp năm 1946.

Người ta đã qua nhiều lần hy vọng rồi lại thất vọng, nên nếu ngay như bây giờ có một minh quân xuất hiện thì chả có mấy ai tin.

Cái khó nhất hiện nay trong xã hội Việt Nam là làm sao khắc phục được lòng người. Đó là chữ “Tâm”.

PV: Có một ý nữa chung quanh chữ “Tâm”, anh còn nhớ người nhạc sĩ mù trong “Hà Nội Trong Mắt Ai”? Mắt có thể mù nhưng lòng còn trong sạch, tức là tâm còn sáng, thì vẫn còn có thể thấy được những điều mà người khác chưa chắc đã thấy.

TVT: Kỳ rồi, trong một cuộc phỏng vấn ở Anh, người ta đã hỏi tôi “điều gì làm tình hình Việt Nam khó đến như vậy”?!

Vì tôi không phải là người nghiên cứu kinh tế, chính trị, nên tôi chỉ có thể trả lời họ bằng những cảm nhận của một người làm điện ảnh có cơ hội cọ xát với nhiều giới.

Thật ra mình có thể kể cho họ về đủ thứ nguyên nhân – kinh tế, chính trị, lịch sử, dân trị… – nhưng với tôi, nguyên nhân lớn nhất hiện nay làm cho xã hội Việt Nam trì trệ là bệnh “SỢ” vẫn đang bao trùm.

Người ta đánh mất chính mình, người ta sống không thật. Nếu những người lãnh đạo mà có những cố vấn trung thực thì đất nước mới khá lên được.

Anh còn nhớ trong “Hà Nội Trong Mắt Ai”, trong đoạn về Quang Trung, tôi có nói rằng: “Quốc gia chỉ có thể trường tồn và hưng thịnh khi kẻ thường dân dám nói với bề trên điều ngay thẳng và người có quyền uy phải biết nghe kẻ dưới mình điều phải trái.”

Thật ra tôi chưa dám bàn tới chữ “Tâm” vì chữ “Tâm” còn cao hơn thế! Một đạo đức trung bình của xã hội như lòng trung thực mà còn chưa có thì miễn bàn về chữ “Tâm”.

‐‐

Đạo diễn vừa nhận giải Bùi Xuân Phái , 7/10/2022.

Nguồn: FB Dạ Ngân

This entry was posted in Dân tộc, Đổi mới, Trần Văn Thủy. Bookmark the permalink.