Nguyễn Tuấn
Nhóm luật sư đại diện Thiền Am mới ra một thông cáo báo chí về vụ việc xảy ra ở Thiền Am vào ngày 24/9/2022. Bản thông cáo cung cấp thêm nhiều thông tin giúp chúng ta (người ngoài cuộc) hiểu rõ hơn những khuất tất trong thủ tục tố tụng và nỗi khổ mà những người trong Thiền Am phải trải qua vì những khuất tất đó.
Ngày 24/9/2022 một nhóm khoảng 50 công an đột nhiên vào Thiền Am để lấy mẫu mà theo họ là để xét nghiệm DNA. Họ lấy mẫu của 23 người đang cư trú trong đó (và cả của 5 người đang bị giam tù). Thật ra, trước đây họ cũng đã 3 lần lấy mẫu rồi, rất có thể là dùng cho xét nghiệm DNA, nhưng kết quả ra sao thì không ai biết. Câu hỏi là tại sao lấy mẫu nhiều lần như vậy. Có thể hiểu được là lấy mẫu một lần thì có thể do qui trình và phương pháp không đúng chuẩn (ví dụ như không đủ liều lượng) nên không chiết tách được DNA. Nhưng 1 lần sai đã là đủ, đâu thể nào sai đến 3 lần.
Điều đáng nói là lần này họ lấy mẫu theo cách cưỡng ép. Hành động cưỡng ép được người trong Thiền Am mô tả rất sinh động như đè đầu, bóp cổ, giựt tóc, v.v. Những người bị ép lấy mẫu cũng không đồng thuận vì không biết lấy mẫu cho mục đích gì. Nếu không có sự đồng thuận của họ thì kết quả xét nghiệm sẽ là một chủ đề tranh cãi không có hồi kết.
Điều thú vị là các luật sư đã có mặt tại Thiền Am ngay trong lúc công an tiến hành lấy mẫu. Trong một video clip, các luật sư cho biết họ đã bị làm khó, không cho tiếp xúc với các thân chủ của họ trong Thiền Am. Trong video còn có nhiều hành vi khó hiểu và khó giải thích của các viên công an.
Một số người khác, kể cả luật sư và chuyên gia pháp lí, cho rằng việc công an xông vào Thiền Am để lấy mẫu là chẳng có gì sai cả. Họ cho rằng bởi vì có người tố giác tội phạm ở Thiền Am, nên công an có quyền vào lấy mẫu xét nghiệm! Báo chí đưa tin nhưng với cách viết qui chụp nhóm luật sư [1]:
"[…] khi lực lượng chức năng lấy mẫu ADN, số luật sư […] (Đào Kim Lân, Trịnh Vĩnh Phúc, Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Ngô Thị Hoàng Anh) không liên quan đến vụ việc này đã kéo đến hộ bà Cao Thị Cúc đập cửa, quay phim, ghi hình và có những lời nói xuyên tạc, xúc phạm, vu khống cơ quan chức năng… sau đó đăng lên YouTube có số lượng người theo dõi lớn (trên 60.000 lượt xem và trên 7.000 lượt thích) nhằm mục đích dẫn dắt dư luận trong và ngoài nước. Các thông tin chưa được kiểm chứng trên đã được các thế lực thù địch sử dụng để xuyên tạc, chống phá."
Nhóm luật sư đã ra thông cáo giải thích và minh bạch vụ việc xảy ra ở Thiền Am hôm 24/9/2022. Thông cáo có đoạn viết rằng họ không có ý kiến khiếu nại về việc giám định DNA, nhưng họ phản đối hành vi cưỡng chế. Thông cáo viết:
"Tuy nhiên, chúng tôi sẽ kịch liệt phản đối hành vi cưỡng chế thi hành Quyết định trưng cầu giám định ADN như tại Thiền Am vào sáng ngày 24/9/2022 vừa qua. Bởi lẽ hành vi cưỡng chế thu mẫu ADN trên cơ thể con người đang sống không được quy định tại bất kỳ điều luật nào của Bộ luật Tố tụng Hình sự (tham chiếu: Chương VII: Biện pháp ngăn chặn, Biện pháp cưỡng chế). Và như trên đã nêu, vốn dĩ, việc thu thập ADN trái sự tự nguyện của cá nhân là bất hợp hiến và bất hợp pháp."
Là người ngoài cuộc nhìn vào sự việc tôi nghĩ những ồn ào chung quanh việc ‘giám định DNA’ có lẽ chỉ là một cách làm lạc hướng vấn đề mà thôi. Ai theo dõi Thiền Am cũng đều biết chẳng có quan hệ huyết thống (hiểu theo nghĩa di truyền) giữa các thành viên trong đó, nên cái ‘narrative’ về giám định DNA chẳng thuyết phục được những ai có lí trí. Vấn đề mấu chốt là:
(a) Ngày 10/10/2019 vợ chồng Võ Văn Thắng & Đoàn Thị Tuyết Mai dẫn 50 côn đồ đến khủng bố, đập phá tài sản, cướp tài sản và tiền mặt (hàng trăm triệu) của Thiền Am và gây thương tích lên đến 13% cho một thành viên trong Thiền Am.
(b) Diễm My là một nhân vật trọng tâm trong vụ án Thiền Am. Ngày 12/12/2019, vợ chồng ông Thắng & Mai tác động đến công an huyện Đức Hoà để mời Diễm My và bà Cao Thị Cúc (chủ hộ Thiền Am) lên ‘làm việc’ liên quan đến sự vụ ngày 10/10/2019. Sau đó, Diễm My được đưa về nhà Thắng & Mai và mất tích luôn! Cho đến nay, không ai biết Diễm My ở đâu, và hình như nhà chức trách cũng chẳng có hành động gì để tìm cô ấy.
Đó là 2 vấn đề mà báo chí và nhà chức trách ở Long An không nhắc đến. Đó là 2 vấn đề mà nhóm luật sư quyết chí làm cho rõ.
______
[1] Cần phải ghi chú rằng báo chí chưa bao giờ có bất cứ một bài viết nào mang tính khách quan về vụ việc Thiền Am. Hình như họ không có khả năng viết đúng sự việc ở Thiền Am. Phân tích cho đầy đủ sự thiên lệch của báo chí trong vụ việc Thiền Am chắc cần đến một luận án cấp tiến sĩ.
N.T.
Nguồn: FB Nguyễn Tuấn
Xem thêm:
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Về sự kiện diễn ra tại Thiền Am vào sáng – trưa ngày 24/9/2022
Chúng tôi, gồm các Luật sư: Ngô Thị Hoàng Anh, Trịnh Vĩnh Phúc, Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân và Đặng Đình Mạnh, thành viên Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, là người tham gia tố tụng bào chữa cho những người có tư cách tố tụng là bị can – bị cáo, gồm: ông Lê Tùng Vân (sinh năm 1932), ông Lê Thanh Hoàn Nguyên (sinh năm 1990), ông Lê Thanh Nhất Nguyên (sinh năm 1991), ông Lê Thanh Trùng Dương (sinh năm 1995), ông Lê Thanh Nhị Nguyên (sinh năm 1998) và bà Cao Thị Cúc (sinh năm 1960) trong vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015-2017, xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai/ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, địa chỉ: số 191A ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Hòa khởi tố điều tra, sau đó chuyển lên Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An tiếp tục khởi tố điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An truy tố và Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa xét xử sơ thẩm vào ngày 20, 21/7/2022, 6 bị cáo kháng cáo kêu oan, hiện vụ án được Tòa án nhân dân tỉnh Long An thụ lý phúc thẩm và chuẩn bị xét xử.
Chúng tôi cũng là người bào chữa cho bà Lê Thu Vân (sinh năm 1957) là bị can tại ngoại được tách ra từ vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” nêu trên theo Quyết định tách vụ án hình sự số 01/QĐ-ANĐT ngày 01/6/2022 của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An, hiện vụ án đang được điều tra.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn là người tiếp nhận yêu cầu tư vấn, trợ giúp pháp lý trong việc khiếu nại, tố cáo, tố giác tội phạm cho tất cả các thành viên còn lại đã và đang sinh sống tại Thiền Am và tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ khi vụ án được tiến hành điều tra xác minh giải quyết tin tố giác tội phạm hoặc khi có sự việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Chúng tôi thông cáo về sự kiện diễn ra tại Thiền Am vào sáng – trưa ngày 24/9/2022 đến cơ quan báo chí và những ai quan tâm đến vụ án Thiền Am, nội dung sau đây:
Sự kiện khoảng 50 công an đột ngột hiện diện tại Thiền Am vào sáng ngày 24/9/2022 để tiến hành thu thập mẫu ADN của 23 người đang cư trú tại đây (sau đó được biết việc thu thập mẫu giám định ADN cũng được tiến hành đối với 5 người đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Long An) đã gây sự chú ý đối với nhiều người đang quan tâm đến vụ án Thiền Am.
Trên mạng xã hội, nhân dịp này, một vài luật sư, chuyên gia pháp lý, tuy chưa có đủ thông tin nhiều phía, vẫn trả lời báo chí theo lối suy đoán để báo chí đăng tải trích dẫn cắt ngang quy định về trưng cầu giám định theo quy định tố tụng hình sự. Đồng thời, nhiều người đã chia sẻ những bài báo đăng tải thông tin từ người đại diện phát ngôn của Công an tỉnh Long An cung cấp cho báo giới, rằng: Cơ quan điều tra đã ra Quyết định trưng cầu giám định ADN và chiếu theo đó, Công an tiến hành lấy mẫu ADN của 28 người đang và từng cư trú tại Thiền Am, kể cả cháu nhỏ mới ngoài 1 tuổi.
Việc lấy mẫu giám định ADN như nêu trên đúng hay sai phải tham chiếu Bộ luật Tố tụng Hình sự một cách toàn diện, trong đó, phải lưu ý đến giai đoạn tố tụng và tư cách tố tụng của từng người bị thu thập mẫu ADN. Vì giai đoạn tiền tố tụng rất khác biệt với giai đoạn đã khởi tố. Cũng thế, tư cách tố tụng khác nhau thì quyền và nghĩa vụ cũng khác nhau. Việc chỉ trích dẫn riêng phần quy định về trưng cầu giám định sẽ dẫn đến việc đánh giá sự việc phiến diện, thậm chí là sai lệch.
Thông tin do chính Công an tỉnh Long An công bố với báo giới, họ tiến hành thu thập mẫu ADN để điều tra về TIN BÁO TỐ GIÁC TỘI PHẠM xảy ra tại Thiền Am. Tức là điều tra tiền tố tụng khi CHƯA CÓ QUYẾT ĐỊNH KHỞI TỐ vụ án, chưa khởi tố bị can.
Trong đó, người có tư cách “Người bị tố giác” là ông Lê Tùng Vân và có thể thêm vài thành viên khác. Tất cả những người còn lại nếu không phải là “Người bị tố giác” thì không có tư cách tố tụng gì cả, kể cả tư cách “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án”.
Đối với ông Lê Tùng Vân, tham chiếu Điều 20 Hiến pháp hiện hành về “Quyền bất khả xâm phạm về thân thể” của công dân, Điều 33 Bộ luật Dân sự, thì ADN thuộc quyền nhân thân của một người. Theo đó, việc thu thập mẫu ADN chỉ có thể thực hiện căn cứ trên sự tự nguyện của ông ấy. Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự về Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, ghi rõ: “Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người”. Cưỡng chế thu thập mẫu ADN trái với ý chí của ông Lê Tùng Vân và những thành viên Thiền Am là bất hợp hiến và bất hợp pháp.
Ngoài ra, tham chiếu Điều 57 Bộ luật Tố tụng Hình sự, nếu xác định ông Lê Tùng Vân là “Người bị tố giác”, Cơ quan điều tra phải có văn bản thông báo cho ông Lê Tùng Vân biết tội danh bị tố giác và quyền, nghĩa vụ của ông ấy trong giai đoạn điều tra tin báo tố giác tội phạm. Thực tế cho đến nay, đã trải qua các bước điều tra tin tố giác tội phạm, rồi tạm đình chỉ, nay phục hồi, rồi thu thập mẫu ADN của ông Lê Tùng Vân mà không hề tống đạt cho ông ấy bất cứ văn bản tố tụng nào, kể cả Quyết định trưng cầu giám định AND, nếu có. Cũng theo quy định tại Điều 57 Bộ luật Tố tụng Hình sự, nếu ông Lê Tùng Vân là người bị tố giác, thì ông ấy cũng chỉ có nghĩa vụ duy nhất là: “Người bị tố giác phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác…”. Việc lực lượng Công an xuất hiện đột ngột, đọc quyết định tố tụng mà không giao, cưỡng chế thu mẫu ADN khiến ông Lê Tùng Vân cùng gia đình phải thêm một phen hoảng hốt, uất ức vào sáng ngày 24/9/2022.
Đối với những người còn lại, bao gồm 10 cháu bé không có tư cách tố tụng gì trong giai đoạn điều tra tiền tố tụng. Cho nên, họ không có nghĩa vụ phải chấp hành theo bất kỳ quyết định nào của cơ quan Công an, kể cả Quyết định trưng cầu giám định ADN. Việc thu thập mẫu ADN của các cháu bé nhất thiết phải có sự chấp thuận của người giám hộ hợp pháp của các cháu. Thế nhưng, Cơ quan điều tra đã bỏ qua quy định, tiến hành cưỡng chế lấy mẫu ADN và xác định danh tính của 10 cháu bé bằng cách gọi hỏi mà không có người giám hộ cung cấp hoặc xác nhận danh tính.
Nhóm Luật sư chúng tôi căn cứ trên các quy định tại Điều 83 Bộ luật Tố tụng Hình sự (Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác), Điều 84 Bộ luật Tố tụng Hình sự (Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự), hoàn toàn có quyền tham gia vào các hoạt động tố tụng của thân chủ là tất cả thành viên của Thiền Am. Chúng tôi còn có quyền có ý kiến và khiếu nại về các hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra.
Chúng tôi sẽ không có ý kiến khiếu nại Quyết định trưng cầu giám định ADN của cơ quan tiến hành tố tụng, khi đó là biện pháp khoa học hình sự giúp xác định sự thật khách quan của một vụ án mà các luật sư đang tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ. Các thành viên Thiền Am, sau khi hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình hoàn toàn có thể tự nguyện thi hành quyết định này. Tất nhiên là, nhất thiết việc trưng cầu giám định phải tiến hành theo đúng quy trình, quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự và các chuẩn mực y khoa. Điều đó giúp cho việc thu thập mẫu ADN chính xác, khách quan, có thể kiểm chứng được, bao gồm cả sự tự nguyện của người cho mẫu ADN. Tất cả sẽ là cơ sở bảo đảm kết quả giám định đúng đắn, hợp pháp. Làm khác quy định như lén lút, khuất tất (như mượn cớ xét nghiệm Covid-19), kém minh bạch, ngăn cản các sự kiểm chứng, quyền được có luật sư bảo vệ… khiến cho việc thu thập mẫu ADN mất đi tính hợp pháp cần thiết.
Tuy nhiên, chúng tôi sẽ kịch liệt phản đối hành vi cưỡng chế thi hành Quyết định trưng cầu giám định ADN như tại Thiền Am vào sáng ngày 24/9/2022 vừa qua. Bởi lẽ hành vi cưỡng chế thu mẫu ADN trên cơ thể con người đang sống không được quy định tại bất kỳ điều luật nào của Bộ luật Tố tụng Hình sự (tham chiếu: Chương VII: Biện pháp ngăn chặn, Biện pháp cưỡng chế). Và như trên đã nêu, vốn dĩ, việc thu thập ADN trái sự tự nguyện của cá nhân là bất hợp hiến và bất hợp pháp.
Với ý nghĩa đó, các luật sư phản đối việc thu thập mẫu ADN bất hợp pháp không chỉ giúp bảo vệ thân chủ (khách hàng) của mình mà còn giúp bảo vệ uy tín của chính các cơ quan tiến hành tố tụng.
Việc nhóm Luật sư 5 người có mặt tại Thiền Am vào trưa ngày 24/9/2022 là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp, bởi chúng tôi có mặt là theo yêu cầu khẩn thiết của thân chủ chúng tôi, bao gồm ông Lê Tùng Vân, bà Lê Thu Vân là người chúng tôi đang có trách nhiệm bào chữa trong vụ án theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015-2017 và các thành viên khác ở Thiền Am là những người đã có văn bản yêu cầu chúng tôi tư vấn, trợ giúp pháp lý và tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ khi họ bị tiến hành các hoạt động tố tụng…
Việc các Luật sư đập cửa gọi người trong Thiền Am mở cửa khi điện thoại không gọi được do bị phá sóng và sau khi đã nhiều lần gọi lớn tiếng không có người ra mở cửa là hết sức bình thường, phù hợp với hoàn cảnh thực tế khi ấy. Hơn nữa, đây là nơi cư trú của các thành viên Thiền Am, là tư gia của thân chủ các luật sư, nên việc chúng tôi đến nơi họ cư trú, gọi cửa và vào bên trong là một hành động công khai, hợp pháp.
Việc mất tín hiệu liên lạc viễn thông, Luật sư gọi cửa, đập cửa mà vẫn không được mở cho thấy: phải chăng các thân chủ của chúng tôi đang bị “bắt giữ” cấp thời, tại chỗ, phải thi hành lệnh cưỡng chế bất thành văn, không được phê chuẩn theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự?
Đồng thời, các luật sư quay phim, chụp ảnh các hoạt động của mình, cũng như ghi nhận các diễn biến thực tế bất thường trong phạm vi trước cổng và trong khuôn viên thuộc tư gia của thân chủ để có bằng chứng thật giúp bảo vệ thân chủ, bảo vệ chính các luật sư là hoàn toàn bình thường và chính đáng.
Ngoài ra, trước tình hình sự việc bị thông tin một chiều áp đặt, không đúng đắn, không chính đáng làm xấu đi hình ảnh, nhân thân của các thân chủ, thì việc chúng tôi thuật lại một cách chân xác sự việc đã xảy ra là điều cần thiết, đúng danh dự, lương tâm nghề nghiệp, giúp các cơ quan hữu trách cùng công chúng có cái nhìn đa chiều, khách quan.
Đương nhiên, chúng tôi chịu trách nhiệm về tính chính xác về mọi phát ngôn của mình trước pháp luật, trước tổ chức quản lý nghề nghiệp và trước công chúng.
Song song đó, hiện nay nhóm Luật sư thường xuyên bị đe dọa công khai trên mạng xã hội và có dấu hiệu tiếp tay của một số cá nhân, tổ chức vì họ cung cấp lộ trình, bảng số xe và cả tên các luật sư đang di chuyển để cho kẻ xấu hành hung, cản trở. Đã từng có nhóm người hành hung các luật sư ngay trước cổng Tòa án huyện Đức Hòa vào chiều ngày 20/7/2022 ngay trong thời gian diễn ra phiên tòa xét xử 6 bị cáo là thành viên Thiền Am mà đến nay chưa được xử lý. Lý do nào mà dung dưỡng, không xử lý những kẻ có hành vi đe dọa và bạo hành luật sư?
Chúng tôi khẳng định: Sự tham gia tư vấn, bảo vệ về phương diện pháp lý của Luật sư cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào, ở đâu, lúc nào, theo quy định của pháp luật về Luật sư, đều là thể hiện sự tiến bộ của nền tư pháp và sự văn minh của xã hội cũng như nâng cao quyền con người của công dân trong một nhà nước pháp quyền. Hạn chế quyền có Luật sư và cản trở hoạt động nghề nghiệp của Luật sư là đi ngược lại tiến trình cải cách tư pháp đang được Nhà nước và Nhân dân đặc biệt chú trọng.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 10 năm 2022
NHÓM LUẬT SƯ THIỀN AM
Nguồn: FB Trịnh Vĩnh phúc
(*) Đầu đề do BVN thêm.