Chính quyền Việt Nam muốn giải quyết vấn đề ‘báo hóa’ mạng xã hội?

clip_image001_thumb1

Luật mới sẽ tạo nền tảng pháp lý cho việc kiểm soát phát tán tin tức trên các nền tảng như Facebook và YouTube

Thông tin xuất hiện trong bối cảnh chính quyền Việt Nam vẫn đang siết chặt việc kiểm soát thông tin và tin tức, theo Reuters.

Luật mới này được dự kiến công bố trước cuối năm nay, chi tiết vẫn chưa được đưa ra.

Luật mới sẽ tạo nền tảng pháp lý cho việc kiểm soát phát tán tin tức trên các nền tảng như Facebook và YouTube trong khi giao việc kiểm duyệt nội dung cho các nhà cung cấp nền tảng, hai nguồn tin cho biết.

Những người này đã yêu cầu giữ kín danh tính vì các cuộc thảo luận luật mới vẫn còn được bảo mật.

Giải quyết vấn đề ‘báo hóa’

Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa phản hồi trước yêu cầu bình luận.

"Chính phủ muốn giải quyết điều được xem là ‘báo hóa’ mạng xã hội", một nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận cho biết.

"Báo hóa" là một thuật ngữ được chính quyền sử dụng để mô tả việc dẫn dắt sai người dùng khiến họ nghĩ rằng các tài khoản mạng xã hội là những cơ quan tin tức được cấp quyền.

Chính phủ Việt Nam đã tổ chức các cuộc họp mang tính bảo mật với các công ty internet và mạng xã hội phổ biến để đưa thông tin cho họ về các loại tài khoản nào sẽ được phép đăng nội dung tin tức theo luật mới, các nguồn tin cho biết.

Chính quyền sẽ có thể ra lệnh yêu cầu các công ty chủ quản các mạng xã hội cấm những tài khoản vi phạm các luật này, theo các nguồn tin.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã thắt chặt sự kiểm soát truyền thông và không cho phép nhiều tiếng nói bất đồng. Việt Nam được xem là quốc gia có một trong những thể chế và quy định kiểm soát internet hà khắc nhất về thái độ ứng xử trên mạng xã hội.

Hai nguồn tin nắm thông tin trực tiếp nói với Reuters sẽ có thêm luật về các nền tảng mạng xã hội và internet mới được công bố khoảng quý IV năm 2022 đến đầu năm 2023.

clip_image002_thumb1

Việt Nam nằm trong top 10 thị trường trên toàn cầu của Facebook, với 60 đến 70 triệu người dùng

Gỡ bỏ nội dung trong 24 giờ’

Giới trẻ tại Việt Nam ngày càng có xu hướng tìm đến mạng xã hội để đọc tin, các nền tảng này đã trở thành mục tiêu cho các nỗ lực của chính phủ để hạn chế luồng thông tin từ các nguồn tin không được cấp quyền.

Theo số liệu năm 2021, Việt Nam nằm trong top 10 thị trường trên toàn cầu của Facebook, với 60 đến 70 triệu người dùng.

Các nguồn nắm thông tin cho biết doanh thu hằng năm của Facebook từ thị trường Việt Nam là khoảng 1 tỷ USD, vượt hơn Pháp.

YouTube có 60 triệu người dùng tại Việt Nam và TikTok có 20 triệu, theo số liệu ước tính của chính phủ, trong khi Twitter vẫn là một nền tảng tương đối nhỏ.

Tập đoàn Meta và Twitter Inc, sở hữu Facebook và Twitter đã từ chối đưa ra bình luận với Reuters. Tập đoàn Alphabet, sở hữu Google và YouTube cũng chưa phản hồi.

TikTok trong một tuyên bố nói nền tảng này giải quyết các vi phạm về nội dung dựa theo các chính sách được áp dụng của họ, nhưng không bình luận về các luật đang được bàn thảo tại Việt Nam.

Hồi tháng 7, chính phủ Việt Nam đã thông qua một bộ quy tắc không mang tính ràng buộc về hãng tin tức đạt chuẩn là thế nào, bao gồm các tiêu chuẩn thế nào là hãng tin "thật" và "giả", một số mạng kết nối xã hội bao gồm các tài khoản khiến người dùng bị dẫn dắt sai, nghĩ họ là những trang báo.

Những hướng dẫn này dự kiến sẽ được đưa vào luật mới, và mang tính ràng buộc.

Chính quyền Việt Nam được cho sẽ thực thi các luật mới yêu cầu những nền tảng mạng xã hội ngay lập tức dỡ bỏ nội dung được cho gây tổn hại đến nền an ninh quốc gia, gỡ bỏ thông tin bất hợp pháp trong vòng 24 giờ, các nguồn tin nắm vấn đề cho biết.

Ngoài ra các nguồn tin nói với Reuters hồi tháng 4 rằng luật mới được dự kiến đưa ra hồi tháng 7, cho thấy việc chính phủ Việt Nam không hài lòng trước tốc độ gỡ thông tin của các nền tảng mạng xã hội.

Nguồn: BBC News Tiếng Việt

This entry was posted in Mạng xã hội. Bookmark the permalink.