Có tin Kremlin quyết định hoãn sáp nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraina để không khiến người Nga tức giận.
28 tháng 9, 2022
Kremlin nói Nga vẫn tiếp tục chiến tranh ngay cả sau khi tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo, và quyết chiếm toàn bộ lãnh thổ vùng Donbass của Ukraine. Ảnh một phụ nữ than khóc khi nhân viên cứu hộ tìm thấy các thi thể dưới đống đổ nát do hỏa tiễn Nga đánh sập ngôi trường trung học ở Mykolaivka, tỉnh Donetsk hôm nay thứ Tư 28 Tháng Chín 2022. Ảnh Andriy Andriyenko/SOPA Images/LightRocket via Getty Images.
Nhằm mang lại cho Nga một nước sơn hợp pháp che giấu một vụ cướp đất, các chính quyền do Moscow dựng lên trên các vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng hôm Thứ Tư 28 Tháng Chín đã kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin nhanh chóng sáp nhập các khu vực này vào nước Nga, viện cái gọi là kết quả trưng cầu dân ý mà Ukraine và đồng minh coi là “giả mạo” và cương quyết phản đối. Thế nhưng Kremlin dường như muốn thay đổi kế hoạch.
Cuộc trưng cầu dân ý giả mạo, nhiều nơi người dân bỏ phiếu trước họng súng, kéo dài năm ngày đã kết thúc vào thứ Ba 27 Tháng Chín 2022 tại bốn khu vực thuộc Ukraine bị Nga chiếm đóng: tỉnh Donetsk, tỉnh Luhansk trong khu vực Donbass ở phía Đông, vùng Kherson và vùng Zaporizhzhia ở phía Nam Ukraine,
Pavlo, một cư dân thị trấn Berislav, trong vùng Kherson, đã chế giễu ý tưởng muốn gia nhập Nga: “Lần đầu tiên họ [lính Nga] đến thị trấn, họ đã đánh tôi và lấy đi cả hai chiếc xe của tôi. Và bây giờ họ đe dọa nếu tôi không bỏ phiếu thuận, họ sẽ đuổi gia đình tôi khỏi căn hộ của chúng tôi,” Pavlo nói với báo The New York Times. Vì những lời đe dọa, Pavlo cho biết, ông đã bỏ phiếu ủng hộ việc gia nhập Nga.
Nên để ý, Nga chỉ kiểm soát được một phần bốn khu vực này; dân Ukraine trong vùng đã tản cư về miền Tây Ukraine để tránh bom đạn và các cuộc phản công của quân đội Ukraine đang buộc Nga phải rút khỏi nhiều vị trí.
Hôm thứ Tư 28 Tháng Chín, Ukraine tiếp tục giành lại nhiều thị trấn và làng mạc ở phía Đông trong khi tấn công các vị trí của Nga ở phía Nam. Xe tăng Nga bị phá hủy và thi thể binh sĩ Nga vứt bừa bãi bên đường binh sĩ Ukraine tiến về thành phố Lyman có tầm quan trọng về chiến lược của vùng Donbass.
Trưng cầu dân ý giả mạo tại thành phố Mariuopl, tỉnh Donetsk bị quân Nga tạm chiếm hôm 26 Tháng Chín. Dân chúng bị buộc phải bỏ phiếu chấp thuận sáp nhập vào Nga, nếu không sẽ bị trừng phạt. Ảnh Stringer/Anadolu Agency via Getty Images)
Donetsk và Luhansk là hai tỉnh đã ly khai và chống đối chính quyền trung ương Ukraina từ năm 2014; ở đó Nga đã lập chính quyền bù nhìn của Moscow và dựng lên hai “nước cộng hòa nhân dân” không được thế giới công nhận ngoài Moscow.
Denis Pushilin, lãnh đạo cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk cho biết ông ta sẽ lên đường đi Moscow, mang theo những tài liệu trình bày kết quả trưng cầu dân ý để làm căn cứ xin sáp nhập vào nước Nga, theo thông tin của hãng thông tấn nhà nước Nga, TASS.
Leonid Pasechnik, lãnh đạo cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Luhansk, được biết cũng đang trên đường tới Moscow. Ông ta đăng lên mạng một đoạn video trong đó ông ta yêu cầu ông Putin chấp nhận cái gọi là kết quả bầu cử.
Ở vùng Zaporizhzhia và Kherson ở miền Nam, chính quyền bù nhìn tuyên bố “độc lập” khỏi Ukraine, việc mà họ nói là bước đầu tiến tới sáp nhập vào lãnh thổ nước Nga. Ở Kherson, Volodymyr Saldo, lãnh đạo chính quyền bù nhìn do quân đội Nga dựng lên sau khi chiếm được thành phố hồi đầu cuộc chiến tranh, lên mạng Telegram khẩn cầu ông Putin chấp nhận thành phố này là một phần của nước Nga. Hiện 25,000 quân Nga đóng ở Kherson đang bị vòng vây của quân đội Ukraine khép chặt, mọi đường tiếp liệu đều bị cắt đứt sau khi các cây cầu bắc qua sông Dnipro dẫn vào thành phố đều đã bị đánh sập.
***
Nga đang diễn lại kịch bản chiếm đóng và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, coi những nhân vật do quân đội Nga dựng lên ở các vùng tạm chiếm là đại diện độc lập của người dân Ukraine. Sau khi sáp nhập các lãnh thổ này, Nga sẽ coi các cuộc tấn công của quân Ukraine là tấn công vào lãnh thổ Nga. Việc sáp nhập cũng tạo cớ để Nga bắt lính các thanh niên Ukraine trong vùng tạm chiếm, buộc họ cầm súng chống lại người Ukraine, chống lại tổ quốc thực sự của họ.
Putin có thể ngừng kịch bản này bất cứ lúc nào. Chưa rõ ông ta có quyết chiếm đất đai của Ukraine như một thứ “chiến lợi phẩm” của cuộc chiến tranh phi nghĩa hao người tốn của gần tám tháng qua hay chỉ dùng trò chiếm đất như một quân bài để buộc Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán theo những điều kiện của Moscow để Nga có thể ngừng cuộc chiến mà không bị mất mặt.
Đề nghị được sáp nhập vào Nga của các chính quyền bù nhìn trong các vùng tạm chiếm phải được cả hai viện của Quốc Hội Nga phê chuẩn trước khi ông Putin ra quyết định chấp thuận. Đây chỉ là thủ tục thuần túy, Quốc Hội Nga gồm toàn tay chân của Putin nên sẽ không có trở ngại nào.
Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn ngày 27 Tháng Chín để thảo luận tình hình Ukraine. Đại sứ Hoa Kỳ Linda Thomas-Greenfield và Đại sứ Albania Ferit Hoxha cùng đưa ra một nghị quyết lên án các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo mà Nga vừa thực hiện trong bốn khu vực tạm chiếm của Ukraine. Tổng thống V. Zelenskiy dự họp qua video, yêu cầu cải tổ Hội đồng Bảo an cũng như trục xuất Nga ra khỏi hội đồng này. Ảnh Michael M. Santiago/Getty Images.
Trở ngại nằm ở chỗ Ukraine và các đồng minh phương Tây của Kyiv coi kịch bản chiếm đóng – trưng cầu dân ý – sáp nhập lãnh thổ của Putin chỉ là trò trình diễn chính trị. Phương Tây coi cuộc bỏ phiếu là trò giả mạo, tố cáo sáp nhập lãnh thổ là phi pháp, vi phạm Hiến Chương Liên Hiệp Quốc về toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia và dọa sẽ có biện pháp trừng phạt. Ukraine thì tuyên bố cho dù Nga nói gì làm gì thì cũng không ngăn cản được mục tiêu của quân kháng chiến là đuổi các lực lượng Nga ra khỏi đất nước, trở về bên kia đường biên giới Ukraine đã được quốc tế công nhận.
“Không một hành động tội phạm nào của Nga thay đổi được điều gì ở Ukraine,” Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói trong một thông điệp gửi tới toàn dân Ukraine.
“EU không và không bao giờ công nhận các cuộc ‘trưng cầu dân ý’ phi pháp này cũng như kết quả sai lầm của chúng, không công nhận bất kỳ quyết định nào dựa trên căn bản các kết quả đó và thúc giục tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Quốc có hành động tương tự,” tuyên bố của Liên minh châu Âu hôm thứ Tư 28 Tháng Chín nêu rõ.
EU cũng thông báo các biện pháp cấm vận mới nhằm trừng phạt Nga về các hành động phi pháp mới nhất; bao gồm giới hạn giá dầu, hạn chế thương mại và đưa vào danh sách đen một số cá nhân chịu trách nhiệm cho các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo. “Tuần trước, Nga đã leo thang cuộc xâm lược Ukraine lên một cấp độ hoàn toàn mới. Chúng tôi quyết tâm khiến Kremlin phải trả giá cho hành động leo thang của họ,” bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch EU khẳng định.
Chưa rõ có phải do phản ứng quốc tế hay không mà đến nay ông Putin có vẻ lưỡng lự trước quyết định sáp nhập vào Nga bốn vùng lãnh thổ chiếm được của Ukraine. Vài hôm trước, hãng tin nhà nước Nga RIA-Novosti nói Quốc Hội Nga sẽ bắt đầu thảo luận một đạo luật sáp nhập các vùng lãnh thổ này vào Thứ Năm 29 Tháng Chín và ông Putin sẽ đọc diễn văn trước Quốc Hội vào Thứ Sáu để “hợp pháp hóa” vụ xâm chiếm lãnh thổ trắng trợn này. Nhưng hôm thứ Tư, phát ngôn viên của ông Putin là Dmitry Peskov nói với báo chí rằng nhà lãnh đạo Nga hôm nay đã trở về Moscow từ khu nghỉ mát của ông ta ở Sochi trên bờ Hắc Hải nhưng không có kế hoạch bình luận hoặc phát biểu về vấn đề trưng cầu dân ý.
Trên các mạng xã hội Nga đang lan truyền thông tin Kremlin quyết định hoãn sáp nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraina, “để không khiến người Nga tức giận” giữa lúc lệnh tổng động viên của Putin đang gây phẫn nộ trong các tầng lớp dân chúng. Người dân Nga dường như không tin rằng nước Nga – đất nước có diện tích lãnh thổ rộng nhất thế giới – cần có thêm những vùng đất này, nhất là khi các thanh niên của họ phải cầm súng ra chiến trường trong một cuộc chiến phi nghĩa, không có khả năng chiến thắng, chỉ để đổi lấy “chiến lợi phẩm” đó.
H.C.
Nguồn: saigonnhonews.com