Putin sẽ xài vũ khí hạt nhân?

Hiếu Chân

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trò chuyện qua video với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại một hội nghị cùa Clinton Global Initiative hôm 20 Tháng Chín. Ông Zelenskiy cho rằng lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của ông Putin không hẳn là trò tháu cáy mà là một thực tế do ông Putin đã đến bước đường cùng, Ảnh Spencer Platt/Getty Images

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm Chủ Nhật nói ông không tin Tổng thống Nga Vladimir Putin chơi trò tháu cáy khi đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để lật ngược tình thế của cuộc xâm lược đã kéo dài sang tháng thứ tám và ông đề nghị các đồng minh của Ukraine gia tăng áp lực để ngăn cản hành động điên rồ đó.

Dọa nạt hay thực tế?

“Hôm qua có thể đó là một trò dọa nạt. Nhưng hôm nay đó là một thực tế,” ông Zelenskiy nói về lời ông Putin đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân tại cuộc phỏng vấn của chương trình “Face The Nation” của đài CBS News, phát sóng hôm Chủ Nhật 25 Tháng Chín 2022. “Ông ta muốn cả thế giới phải sợ. Đây là những bước đi đầu tiền trong thủ đoạn tống tiền hạt nhân (nuclear blackmail) của ông ta. Tôi không nghĩ ông ta đang tháu cáy. Tôi nghĩ thế giới đang ngăn cản điều đó và kiềm chế mối đe dọa đó. Chúng ta cần tiếp tục gây sức ép và không cho phép ông ta tiếp tục”, ông Zelenskiy nói.

Khả năng Putin sử dụng vũ khí hạt nhân đã được giới quan sát bàn luận suốt tuần qua, nhưng đa số ý kiến đều cho rằng, ông ta chẳng qua chỉ hù dọa, tháu cáy để buộc Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán và Phương Tây phải giảm bớt viện trợ quân sự cho Kyiv. Ngay từ thời Chiến tranh Lạnh, khi nhiều nước đối địch đã chế tạo được bom nguyên tử và bom hạch tâm thì vũ khí hạt nhân chỉ được coi là một phương tiện răn đe hơn là một thứ để đem ra xài bởi vì kẻ ném bom hạt nhân chắc chắn sẽ bị hủy diệt khi đối thủ trả đũa.

Nga hiện có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, nhưng đối thủ của Nga cũng không kém cạnh: Trong phe ủng hộ Ukraine thì cả Hoa Kỳ, Anh và Pháp đều có vũ khí hạt nhân, số lượng có thể kém hơn chút đỉnh nhưng độ tinh vi thì cao hơn nhiều. Hoa Kỳ và NATO đã nhiều lần tuyên bố việc sử dụng vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học là “lằn ranh đỏ” mà nếu ông Putin bước qua thì Phương Tây sẽ không để yên. Ông Putin biết đây không phải là lời nói suông.

Tuần trước, khi công bố lệnh tổng động viên quân dự bị Nga, ông Putin đã nói bóng gió tới việc sử dụng vũ khí giết người hàng loạt hiện có trong kho vũ khí của ông ta. “Đất nước chúng ta có nhiều phương tiện hủy diệt khác nhau. Và khi sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta bị đe dọa, để bảo vệ nước Nga và người dân Nga, chắc chắn chúng tôi sẽ dùng tất cả mọi phương tiện chúng ta có được. Đây không phải là trò tháu cáy”, ông Putin nói.

Putin: Bổn cũ soạn lại

Và để có cớ “bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của nước Nga”, Putin đã soạn lại một bổn cũ mà ông ta đã dùng cách đây tám năm: Xâm chiếm rồi sau đó tổ chức cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu để sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước Nga. Lần này, ông ta cho trưng cầu dân ý tại bốn vùng lãnh thổ đã chiếm của Ukraine gồm hai tỉnh Donetsk và Luhansk, tỉnh Kherson và vùng Zaporizhzhia, từ thứ Sáu 23 Tháng Chín đến hết ngày Thứ Ba 27 Tháng Chín.

Cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu đang diễn ra ở các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine theo một kế hoạch thâm độc của Putin. Hoa Kỳ và các đồng minh của Ukraine đã tuyên bố không công nhận thủ đoạn trưng cầu dân ý giả mạo này Ảnh: bỏ phiếu ở thành phố Mariuopl tỉnh Donetsk của Ukraine hôm Chủ Nhật 25 Tháng Chín. Ảnh Stringer/Anadolu Agency via Getty Images

Mặc dù có nhiều cuộc biểu tình phản đối cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu này nhưng dưới họng súng của quân chiếm đóng người Ukraine ở các vùng đó sẽ không thể bỏ phiếu phản bác yêu cầu sáp nhập quê hương của họ vào lãnh thổ Nga mà trong bốn vùng đó, nơi lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã chiếm đóng từ năm 2014, phần lớn người Ukraine yêu nước đã đi di tản, chỉ còn lại những kẻ thân Nga.

Như vậy, có thể thấy trước rằng sau cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu, trong tuần này Quốc hội Nga, và sau đó là Putin sẽ tuyên bố bốn tỉnh chiếm được là “lãnh thổ của Nga”, mọi cuộc tấn công quân sự vào đó sẽ bị coi là xâm phạm nước Nga. Hãng tin nhà nước Nga RIA-Novosti nói Quốc hội Nga sẽ bắt đầu thảo luận một đạo luật sáp nhập các vùng lãnh thổ này vào Thứ Năm và ông Putin sẽ đọc diễn văn trước Quốc hội vào Thứ Sáu để “hợp pháp hóa” vụ xâm chiếm lãnh thổ trắng trợn này.

Trong khi đó, quân kháng chiến Ukraine đang nỗ lực tối đa để chiếm lại các vùng đất này trước khi mùa đông đến. Hậu quả trước mắt của vụ trưng cầu dân ý giả hiệu là chiến tranh sẽ dữ dội hơn nữa và các cánh cửa hòa bình sẽ đóng lại. Ngay từ Thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố trưng cầu dân ý chỉ là một cái cớ sai lầm để thâu tóm các phần đất Ukraine. Tổng thống Zelenskiy hôm Chủ Nhật cảnh cáo một sự thâu tóm lãnh thổ như vậy sẽ làm cho những cuộc thương lượng ngoại giao với Tổng thống Putin sẽ “không thể có được”. “Ông ấy [Putin] biết rõ như vậy, Tôi nghĩ một dấu hiệu hết sức nguy hiểm từ ông Putin cho chúng ta biết rằng, Putin sẽ không kết thúc cuộc chiến tranh này. Đó là những gì đang diễn ra”, ông Zelenskiy nói.

Hậu quả sẽ thảm khốc

Mọi con đường xem ra đều dẫn tới kho vũ khí hạt nhân. Và nếu Putin sử dụng vũ khí hạt nhân, dù chỉ là những quả bom chiến thuật có sức công phá nhỏ, thì điều gì sẽ xảy ra?

Cố vấn An ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc, Jake Sullivan, đã cảnh báo về “những hậu quả thảm khốc” nếu Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. “Nếu Nga bước qua lằn ranh này thì hậu quả cho nước Nga sẽ rất thảm khốc. Hoa Kỳ sẽ đáp ứng một cách quyết liệt,” ông Sullivan nói trong chương trình “Meet The Press” của đài truyền hình NBC phát sóng hôm Chủ Nhật 25 Tháng Chín.

Ông Sullivan không nói cụ thể Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào nhưng cho biết Mỹ đã “nói rõ cho Moscow biết chi tiết về điều đó có nghĩa là gì.” Ông cũng cho hay Mỹ thường xuyên liên lạc trực tiếp với Nga, cả trong vài ngày gần đây để thảo luận về tình hình Ukraine, cùng hành động và đe dọa của Putin.

Cố vấn An ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan trong một cuộc họp báo. Ông Sullivan nhiều lần nhấn mạnh Moscow sẽ chịu hậu quả thảm khốc nếu bước qua lằn ranh đỏ là sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, Ảnh Alex Wong/Getty Images.

Putin, và tay chân thân cận nhất của ông là Dmitry Medvedev – người từng là Tổng thống, Thủ tướng Nga và bây giờ là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga – đã vài lần tuyên bố sẽ san bằng thành London bằng vũ khí hạt nhân. Một số quan sát viên dự đoán rằng, nếu nổ ra chiến tranh nguyên tử thì London sẽ là mục tiêu đầu tiên của ông Putin, vì Anh là nước viện trợ mạnh nhất cho Ukraine chỉ sau Hoa Kỳ và mới đây đã làm Putin bẽ mặt khi không mời nhà lãnh đạo Nga dự quốc tang Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị.

Trước thông tin này, tân Thủ tướng Anh Liz Truss nói bà không để ý tới lời đe dọa của Putin. Trả lời phỏng vấn đài CNN hôm Chủ Nhật 25 Tháng Chín, bà Truss cho rằng Putin đã phạm sai lầm chiến lược khi ông ta không dự đoán được phản ứng mạnh mẽ của Phương Tây khi khởi sự cuộc chiến tranh lớn nhất châu Âu sau Thế chiến thứ Hai. “Chúng ta không nên lắng nghe tiếng khua gươm giáo và những lời đe dọa hư ảo của ông ta. Thay vì vậy, việc chúng ta cần làm là tiếp tục trừng phạt nước Nga, tiếp tục hỗ trợ Ukraine,” bà Truss nói.

Về phần Ukraine, Tổng thống Zelenskiy liên tục cầu xin Phương Tây viện trợ những loại vũ khí tân tiến hơn nữa, như pháo hỏa tiễn bắn hàng loạt HIMARS và đặc biệt là hệ thống hỏa tiễn chiến thuật bộ binh ATACMs (Army Tactical Missile System) có tầm bắn tới 185 dặm (300 km). Ông Zelenskiy cũng yêu cầu Hoa Kỳ liệt nước Nga vào danh sách các nhà nước bảo trợ khủng bố. Cả hai yêu cầu này đều bị Tòa Bạch Ốc từ chối, một phần vì không muốn chiến tranh lan rộng do Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga; phần vì ngại những hệ quả chính trị nguy hiểm khi liệt Nga vào các nước tài trợ khủng bố.

Bù lại, Tòa Bạch Ốc đã yêu cầu Quốc hội chuẩn chi một gói viện trợ $12 tỷ cho Ukraine nhưng các nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ vẫn chưa xem xét đề nghị đó.

H.C.

Nguồn: Saigon Nhỏ

This entry was posted in Chiến sự Ukraine, Nga xâm lược Ukraine, Putin, Vũ khí hạt nhân. Bookmark the permalink.