Huế, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên “tạm hoãn” show diễn Khánh Ly

Cường Quốc

Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Việt Nam

*

Mồm thì leo lẻo HÒA HỢP HÒA GIẢI DÂN TỘC! Nhưng chỉ một buổi biểu diễn của ca sĩ hải ngoại gốc Hà Nội trên quê hương mà cũng dùng đủ mọi trò ngăn trở!

Dối trá, điêu toa, vô liêm sỉ… nó là thuộc tính của…

Của đứa nào ấy nhỉ?

Canh Tranthanh

*

Than khóc mà làm gì

Việc lãnh đạo "nhà hát lớn" Hà Nội ngang nhiên lấy lý do sửa điện để "hủy" đêm diễn của ca sĩ Khánh Ly tối qua 24.9 không có gì lạ.

Đó là bản chất của họ, thích thì làm, bất cần phải trái, ăn vào máu rồi không bỏ được. Cũng trong mạch cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, chống xét lại, cải tạo công thương, ngăn sông cấm chợ, đổi tiền… thôi. Cũng là kiểu cúp điện tại các phiên tòa xử này nọ thôi, cúp điện tại những cuộc hội họp mà họ không thích, không thể công khai nhảy xổ ra ngăn cấm thôi.

Khi không tìm ra lý do, cớ hợp lỗ nhĩ nào thì họ dùng cách cúp điện, biện pháp của Chí Phèo.

Tôi nói thật, nhà sản xuất chương trình đêm diễn bị hoãn của Khánh Ly đừng có than vãn than thở bị thiệt hại gì gì đó. Than chúng cũng chẳng thèm nghe. Cứ căn vào hợp đồng mà kiện, kiện trong nước không được (chắc chắn không được bởi chúng sẽ bênh nhau) thì kiện ra tòa án quốc tế. Một nước có thể vô pháp chứ chả nhẽ cả thế giới cũng vô pháp.

Thông cào

Nguyễn Thông

*

NHÂN VỤ NHÀ HÁT LỚN MẤT ĐIỆN

Tôi phải nói ngay tôi không phải là fan của ca sĩ Khánh Ly. Vì thế chuyến lưu diễn khắp đất nước của bà lần này, cũng như mọi lần khác, không nằm trong mối quan tâm của tôi.

Tuy nhiên tôi nhiệt liệt ủng hộ bà, ủng hộ và hoan nghênh chính quyền đã cấp phép để bà trở lại đất nước biểu diễn và coi đó là một cử chỉ thể hiện tầm nhìn vượt lên sự thù hận.

Nhưng sự kiện Nhà hát lớn Hà Nội bất ngờ mất điện đúng vào hôm nữ danh ca biểu diễn, thì thật khó mà không quan tâm. Giống như nhiều sự cố khác và không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, sẽ lại chỉ có trời và một số ai đó biết chuyện gì thực sự đã xảy ra.

Nhưng bất kể sự thực của chuyện mất điện là gì, thì cuộc sống cũng vừa có thêm một điều tồi tệ khiến bớt đi ở mỗi người một chút thanh thản. Đau buồn, tức giận, khinh bỉ hay hả hê… đều sản sinh ra độc tố có khả năng giết chết nhân tính.

Bỗng nhớ lại việc bất ngờ ngừng cấp phép in nối bản cho cuốn tự truyện "Lê Vân yêu và sống". Cuốn sách đang đốt cháy các sạp sách với số lượng cấp phép chính thức của riêng NXB Hội Nhà Văn đã gần 100.000 cuốn thì có lệnh ban ra ở đâu đó "IN THẾ THÔI". Tức là nội dung chả vi phạm gì, nhưng chỉ cho in thế thôi.

Mãi sau, qua một vài quan chức cỡ nhỏ kể lại, mới biết lý do thực sự của việc ngừng cấp phép. Hóa ra một hôm nào đó như bao hôm nào, quan cực lớn nào đó đọc báo, thấy mọi người, từ già chí trẻ, không phân biệt cao thấp sang hèn, tất cả cứ chúi mũi, cắm mắt vào "Lê Vân yêu và sống", thì buông một câu: "IN THẾ THÔI, còn phải đọc những cuốn sách khác nữa chứ". Những cuốn sách khác là loại sách gì, không cần nói tên, thì ai cũng biết.

Chả có âm mưu âm miếc gì, chả có lập trường lập triếc, quan điểm quan điếc gì mà chỉ đơn giản là IN THẾ THÔI!

—–‐—

P/S: Trước khi tôi về hưu, nhà thơ Bùi Mai Hạnh, người chấp bút cho tự truyện của Lê Vân muốn xin phép tái bản. Chiều lòng chị, tôi làm các thủ tục xin phép theo quy định và gửi lên Cục XB, nhưng CXB không chấp nhận và cũng không trả lời vì sao không cấp.

Lao Ta

clip_image001

Chụp lại hình ảnh: Poster ‘Đêm nhạc Nhớ mùa thu Hà Nội’ với sự xuất hiện của ca sĩ Khánh Ly. NGUỒN HÌNH ẢNH: DONG DO SHOW

Đêm nhạc Nhớ mùa thu Hà Nội với sự xuất hiện của Khánh Ly đáng lẽ đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 24/09. Nhưng nhà hát đột ngột bị cắt điện vào đúng ngày này. Ngoài Khánh Ly, đêm nhạc còn có các ca sĩ Phương Hồng Ngọc, Cẩm Vân – Khắc Triệu, Đức Tuấn, Quang Thành.

Một số đêm nhạc nằm trong chuỗi chương trình chia tay khán giả của Khánh Ly dự định diễn ra tại Huế (09/09), Hải Phòng (23/09), Hưng Yên cũng không thể diễn ra vì nhiều lý do.

Nhưng lý do của đêm nhạc 24/09 là "độc đáo" nhất.

Ngày 23/09, công ty cổ phần Quảng cáo Truyền thông S – một trong ba đơn vị tổ chức đêm diễn cùng với Đông Đô Show và Giải Trí Việt – nhận được công văn số 71/NHL-CV của Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong đó Nhà hát Lớn thông báo nhận được công văn số 1973/ CV- PCHOANKIEM- KTAT vào lúc 17h30 cùng ngày. Công văn này thông báo thời gian cắt điện để kiểm tra, xử lý thiết bị điện cao thế từ 9h sáng 24/09 cho đến khi nào thực hiện xong.

"Việc này để đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho Nhà hát Lớn Hà Nội và lưới điện trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, phòng chống nguy cơ cháy nổ", công văn của Nhà hát viết và bày tỏ mong muốn công ty S lùi lịch biểu diễn 24/09 sang thời gian phù hợp.

Ngay trong đêm, công ty S hồi đáp công văn của Nhà hát Lớn Hà Nội và đưa ra giải pháp: hai bên cùng phối hợp thuê thiết bị thay thế (máy nổ) đảm bảo cho buổi diễn và liên lạc với Sở Điện lực để tìm phương án dự phòng. Đồng thời đề nghị Nhà hát Lớn xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tránh gây thiệt hại về thời gian và tiền bạc cho khán giả. Công văn này cũng nhấn mạnh, nếu sau 9h ngày 24/09 mà Nhà hát Lớn Hà Nội không có động thái phối hợp thì sẽ buộc phải bồi thường tất cả các thiệt hại mà công ty S đã đầu tư cho đêm nhạc. Mà theo tính toán có thể lên tới hơn 1,5 tỷ đồng.

Phía công ty S cũng viện dẫn hợp đồng số 79/HĐ-NHL đã ký ngày 6/9/2022 trong đó bên B (tức Nhà hát Lớn Hà Nội) cam kết "Đảm bảo nguồn điện cho bên A trong thời gian hoạt động tại Nhà hát Lớn HN". Thời gian này bắt đầu từ khi công ty S đưa các thiết bị phục vụ biểu diễn vào lắp đặt trong nhà hát từ 21h ngày 23/09. Việc lắp đặt này phải xong vào trưa 24/09 để chiều cùng ngày diễn ra buổi tổng duyệt với sự có mặt của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội. Sở này đã cấp phép cho đêm nhạc 24/09 với 23 tác phẩm của Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Anh Bằng, Ngô Thuỵ Miên, Lam Phương, Trương Quý Hải, Hoàng Thi Thơ, Trần Tiến, Thanh Tùng…

Hợp đồng này cũng nêu rõ trong điều 6: "Trường hợp có sự trưng dụng nhà hát của Chính phủ hoặc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thì bên B sẽ bố trí cho bên A buổi khác. Bên nào vi phạm phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại cho bên kia theo quy định của pháp luật hiện hành". Tuy nhiên hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung vào ngày hôm sau và đêm nhạc 24/09 đã không thể diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chiều 24/09 một số báo như Giao Thông, Thanh Niên, Lao Động đưa tin về vụ việc nhưng bài đăng đều bị gỡ không lâu sau đó. Một số ý kiến cho rằng sự cố điện chỉ là lý do bề nổi. Có thể việc Khánh Ly hát Gia tài của mẹ trong đêm diễn mở màn tại Đà Lạt đã khiến chuỗi chương trình của bà bị chú ý. Ngay sau đó BTC buổi diễn tại Đà Nẵng cũng bị phạt vì tự ý đổi tên chương trình khác với đăng ký ban đầu, từ Hãy yêu nhau đi thành Hãy yêu ngày tới. Những đồn đoán lan sang cả mâu thuẫn giữa Khánh Ly và đoàn làm phim Em và Trịnh. Hiện đoàn làm phim này cũng đang trong nguy cơ bị nguyên mẫu Michiko kiện vì đưa câu chuyện đời tư của bà lên phim mà không xin phép.

clip_image002

NGUỒN HÌNH ẢNH: DONG DO SHOW

Trưa 24/09, tại trang Facebook của Đông Đô Show xuất hiện thông báo cáo lỗi cùng khán giả về sự cố bất khả kháng và cam kết hoàn trả 100% tiền vé khán giả đã mua. Thông báo này cũng xuất hiện trên trang Facebook của công ty Giải Trí Việt. Ngoài ra trên trang của Giải Trí Việt còn có thêm thông báo tạm hoãn đêm nhạc Như một lời chia tay lẽ ra đã diễn ra tối 23/09 tại Hải Phòng. Đêm nhạc này đánh dấu sự kết hợp lần đầu tiên trên sân khấu của Khánh Ly và Chế Linh.

Trước đó, Chế Linh có chia sẻ thông qua ban tổ chức, đại ý: "Hai dòng nhạc vô cùng khác nhau, hai giới thưởng ngoạn khác nhau. Chương trình có Khánh Ly thì không có Chế Linh và ngược lại, nhưng hôm nay Khánh Ly – Chế Linh kết hợp với mong muốn đem lại món quà tinh thần chưa từng có cho quý vị. Những yêu cầu của quý vị, chúng tôi sẽ đáp ứng hết mức để quý vị có thể cho Chế Linh và Khánh Ly niềm hạnh phúc trên sân khấu trên quê hương đất nước nói chung và mỗi địa phương nói riêng".

Theo thông tin từ người quản lý của Khánh Ly, ca sĩ Quang Thành thì Khánh Ly còn một đêm nhạc ngoài trời ở Hưng Yên đã được cấp phép nhưng phải ngưng vì mưa. Đêm nhạc này chưa bán vé. Ngoài ra đêm nhạc ở Huế cũng không thể diễn ra do địa phương còn đang chờ hướng dẫn của Cục Nghệ thuật Biểu diễn về thủ tục nhập cảnh cho các nghệ sĩ hải ngoại theo chủ trương mới. Nhà tổ chức đêm nhạc ở Hải Phòng vì lý do "Kiểm tra bổ sung về an toàn phòng cháy chữa cháy theo yêu cầu của UBND Thành phố" cũng phải dời đêm nhạc đã định sang đầu tháng Mười. Khi đó Khánh Ly không còn ở Việt Nam nên không thể tham gia.

Thực ra đêm nhạc Nhớ mùa thu Hà Nội đã từng định diễn ra vào 10/09 cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội và nhà tổ chức đã phải một lần đền bù tiền vé cho khán giả. Sau sự cố 24/09, nhà tổ chức khẳng định (trong những bài báo đã bị gỡ) đang trao đổi với luật sư để đảm bảo quyền lợi của mình và khán giả thủ đô.

C.Q.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

This entry was posted in Hoà hợp hoà giải, Tự do ngôn luận. Bookmark the permalink.