Kính gửi:
– Ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
– Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
– Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
I. TÌNH HÌNH
Vào tháng 6 năm 2022, một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng Trung Quốc đang mở một căn cứ quân sự tại căn cứ hải quân Ream nằm ở mũi phía nam Campuchia, gần với vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Campuchia đã sử dụng tiền tài trợ của Trung Quốc để hiện đại hóa và mở rộng căn cứ hải quân Ream. Các báo cáo cho rằng một thỏa thuận bí mật đã được ký kết giữa Campuchia và Trung Quốc, cho phép Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) độc quyền tiếp cận một phần của Ream.
Nga trước đây và hiện nay luôn ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông. Trong tình thế cuộc chiến tranh Ukraine, Nga ngày càng lệ thuộc nặng vào Trung Quốc về cả chính trị, đối ngoại lẫn kinh tế, nên sẽ không thoát ra khỏi sự khống chế của Trung Quốc.
Lào và Campuchia đã một thời gắn bó sâu sắc với Việt Nam, giờ đây cũng đã nghiêng về phía Trung Quốc. Campuchia nhiều lần tỏ ra đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Khối ASEAN là một tổ chức không thống nhất, vừa nhỏ vừa yếu, nếu có xung đột Việt Nam – Trung Quốc thì các nước này sẽ im lặng hoặc phản ứng bằng mồm cho có lệ, vì thế Việt Nam cũng không hi vọng gì ở các nước trong khối.
Cuộc chiến tranh Ukraine thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển là hai nước trung lập có quân đội tiên tiến hùng mạnh tham gia khối NATO để đảm bảo giữ vững nền độc lập cho đất nước; một số nước vùng Baltic đã gia nhập và vài nước còn lại cũng đang xin gia nhập NATO. Đây là xu thế chung của thế giới hiện nay, từ đa cực hóa chuyển dần sang lưỡng cực để đối phó với đại cường Trung Quốc đang rất hung hăng muốn làm bá chủ toàn cầu.
Sau vụ việc bà Nancy Pelosi Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến thăm Đài Loan, Trung Quốc tiến hành tập trận liên tục xung quanh đảo Đài Loan, và hiện vẫn đang tiếp tục tập trận di chuyển xuống khu vực Đông Nam Á nhằm phô trương sức mạnh và hăm dọa các nước trong khu vực Biển Đông, ngày càng thể hiện rõ mưu đồ trước mắt là nuốt trọn vùng biển quan trọng này.
Việc Trung Quốc được sử dụng căn cứ Ream ở Campuchia kết hợp với các căn cứ quân sự có sẵn của họ từ Hải Nam, Hoàng Sa, Trường Sa tạo thành sức mạnh tổng hợp hải quân – không quân rõ ràng có thể giúp họ khóa chặt Việt Nam trong đất liền, khiến Việt Nam không thể vươn ra biển được, nếu họ muốn.
II. NHẬN ĐỊNH
Xu thế chung của các nước trên thế giới từ trước đến nay luôn ưu tiên bảo vệ quyền lợi dân tộc, trong khi các loại chủ nghĩa/ ý thức hệ chỉ là nhất thời hoặc là cái vỏ bề ngoài che đậy. Trong thời kỳ hùng mạnh của khối Xã hội chủ nghĩa, các nước trong Liên bang Xô viết cũng như trong khối Đông Âu thực chất cũng chỉ là chư hầu của Nga. Do đó Việt Nam nên từ bỏ ngay ảo tưởng “quốc tế vô sản” hay đồng chí bạn bè, từ đó khẳng định: Chỉ có thể phát triển thật sự khi coi quyền lợi dân tộc là trên hết và trước hết, nhưng vẫn trên cơ sở tôn trọng hòa bình, biết dung hòa lợi ích tương quan giữa Việt Nam với những nước mà Việt Nam có thể tin cậy nhiều hơn để kết thành đồng minh. Liên minh liên kết toàn diện là xu thế tất yếu nhằm hỗ trợ nhau để cùng phát triển cùng bảo vệ an ninh quốc phòng, đặc biệt là trước sức ép đã và đang ngày càng gia tăng của phía Trung Quốc trong suốt nhiều chục năm nay.
Việt Nam đang cần phải dựa vào Mỹ, Nhật, phương Tây để vừa phát triển kinh tế vừa ngăn ngừa xảy ra chiến tranh với Trung Quốc, nhưng cách ngăn chận chiến tranh với Trung Quốc là chưa phù hợp thực tế tình hình thế giới hiện nay và phải được thay đổi. Dự đoán Trung Quốc có thể không gây chiến tranh với Taiwan nhưng có thể sẽ gây chiến tranh với Việt Nam, mà bước đầu là chiếm toàn bộ Trường Sa. Giới phân tích quốc tế cho rằng không sớm thì muộn chiến tranh Trung Quốc – Việt Nam sẽ nổ ra nếu Việt Nam tiếp tục đường lối đối ngoại trù trừ bất quyết như hiện nay.
III. KHUYẾN NGHỊ
Việt Nam nên mạnh dạn mở cửa cảng Cam Ranh cho tất cả các nước, tạo điều kiện cho Nhật, Mỹ và các nước phương Tây cùng phát triển đầu tư các cơ sở hạ tầng cho các mục đích hòa bình như cho thuê cảng, tiếp nhận hàng hóa, cung cấp xăng dầu, bảo trì tàu bè và các dịch vụ kèm theo khi có các tàu quân sự ngoại quốc cập bến nghỉ dưỡng v.v… Việc này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, chận đứng mưu đồ thôn tính bằng quân sự của Trung Quốc đối với khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, song song với những mục tiêu khác về phát triển kinh tế.
Phát triển vùng Nam Trung bộ gồm Phan Rang, Khánh Hòa, Phú Yên thành những trung tâm kinh tế chuyên sâu về du lịch nghỉ dưỡng, trong đó lấy Cam Ranh và Vịnh Vân Phong làm trung tâm. Dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong cần phải thực hiện nhanh hơn, không nên để giậm chân tại chỗ như thời gian qua, vì Vịnh Văn Phong hội đủ các yếu tố tự nhiên để làm đầu mối giao thông hàng hải, đường sắt, đường bộ, hàng không để hình thành cảng trung chuyển quốc tế cho Đông Nam Á chia sẻ lại thị trường với Hongkong và Singapore.
Phát triển nhanh và mạnh mẽ, cụ thể về bề rộng cũng như chiều sâu quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ. Đại cường quốc Mỹ cũng như các nước đồng minh của Mỹ đều là những nước văn minh tiến bộ có nền dân chủ chín muồi và tiềm lực quân sự, kinh tế vững mạnh, đang chờ đợi câu trả lời dứt khoát của Việt Nam. Vấn đề này, lâu nay do phài dè chừng Trung Quốc, hoặc do thiếu sự bàn thảo thống nhất trong nội bộ mà chúng ta cứ lần lữa mãi, thì nay cần phải quyết định. Nói “không chọn phe”, “không liên minh với một nước để chống nước thứ ba”… thật ra chỉ là một lối nói ngoại giao, còn đòi hỏi thực tế trước tình hình bức xúc của thế giới hiện nay để ưu tiên bảo vệ quyền lợi dân tộc lại là một việc hoàn toàn khác. Đây cũng là mệnh lệnh của lương tâm và của lòng yêu nước, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn của các nhà đương cuộc. Quyết định sáng suốt của nhà cầm quyền chắc chắn sẽ được toàn dân hoan nghênh ủng hộ.
Các tổ chức xã hội dân sự ký tên:
1. Lập Quyền Dân: Nhà Nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Khắc Mai đại diện
2. Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự: Tiến sĩ Tin học Nguyễn Quang A đại diện
3. Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập: PGS Tiến sĩ Ngữ học Hoàng Dũng đại diện
4. Bauxite Viet Nam: Giáo sư Vật lý Phạm Xuân Yêm, Paris Pháp & Giáo sư Ngữ văn Nguyễn Huệ Chi đại diện
5 . Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh: Giáo sư Nguyễn Đình Cống đại diện
6. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng: Nhà Hoạt động Xã hội Lê Thân đại diện
7. Câu lạc bộ Hoàng Quý: Ông Hoàng Đức Kiên, cựu chiến binh, đại diện