Cập nhật chiến tranh tại Ukraine 7.9.2022 9AM

Cù Tuấn

Giới chức Ukraine cho biết, chiến dịch phản công ở miền Nam tiếp tục giành được những bước tiến nhỏ, khi nhiều thành phố, làng mạc được giành lại. Trong khi đó, Nga khẳng định Ukraine đang phải chịu tổn thất nặng nề.

Trang tin Ukrainsk Pravda dẫn lời bà Natalia Humeniuk, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Tác chiến miền Nam Ukraine, ngày 6/9 cho biết: "Chúng ta đang tiếp tục chiến đấu. Có thêm những vùng lãnh thổ mà chúng ta đã chiếm lại nhưng cần thêm thời gian để tuyên bố chính thức". "Do vậy, các vị hãy kiên nhẫn chờ. Chúng tôi đang chuẩn bị đưa ra một thông điệp chính thức về điều này bởi vì chúng tôi muốn chắc chắn các thành phố, thị trấn đó không còn phải hứng chịu thêm bất cứ đòn không kích, pháo kích nào của đối phương", bà Humeniuk nhấn mạnh. Theo bà Humeniuk, thông báo sẽ được đưa ra khi công tác xử lý bom mìn hoàn tất ở những vùng lãnh thổ giải phóng. Cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder đánh giá, chiến dịch phản công của Ukraine ở miền Nam, đặc biệt ở Kherson, tiếp tục đạt được các bước tiến. "Theo thông tin chúng tôi nắm được, họ đã giành lại quyền kiểm soát một số làng mạc, thị trấn", ông Ryder cho hay. Cố vấn của Tổng thống Zelensky, ông Oleksiy Arestovych, hôm qua xác nhận, đợt phản công mới của quân đội nước này đang dần mở rộng ra phía đông và đông nam. "Hoạt động của lực lượng Ukraine không chỉ thu hẹp ở khu vực miền nam mà còn ở phía đông và đông nam. Đây mới chỉ là những thay đổi nhỏ trên bản đồ chiến sự. Tuy nhiên, nó cho thấy đợt phản công mới của quân đội Ukraine đang xoay chuyển tình hình".

 

Trái với những tuyên bố của Kiev, Nga nói rằng đợt phản công của Ukraine đã thất bại với tổn thất nặng nề. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho hay, trong hai ngày phản công bất thành ở Nikolaevo-Krivoy Rog và các hướng khác, quân đội Ukraine mất hơn 1.700 quân nhân. Theo ước tính của Matxcơva, sau hơn 1 tuần phản công, khoảng 3.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng

Tổng thống Zelensky cho biết lực lượng Ukraine đã bắn hạ 5 tên lửa hành trình của Nga, hầu hết ở miền nam, nơi Kiev đang nỗ lực phản công. "Chỉ riêng sáng nay, 5 trong 6 tên lửa X-101của Nga đã bị bắn hạ. Đây là tổn thất lớn đối với Nga và đã cứu sống nhiều người Ukraine. Bốn trong số các tên lửa này đã bị lực lượng không quân ở miền nam tiêu diệt", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói tối 6/9. Tại miền đông, Tổng thống Zelenky không thông báo bất kỳ thành công quân sự nào của lực lượng Ukraine. Trước đó, một cố vấn tổng thống Ukraine đăng Twitter về "tin tức tuyệt vời" mà ông Zelensky sẽ cung cấp về chiến sự vùng Kharkov.

Điện Kremlin cho biết Tổng thống Vladimir Putin chắc chắn sẽ có chuyến thăm tới khu vực Donbass, miền đông Ukraine, song thời gian chưa được ấn định. "Tôi không nghi ngờ gì về việc khi đến thời điểm thích hợp, chuyến thăm của Tổng thống tới Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR)] sẽ diễn ra", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với tờ Izvestia hôm 6/9. Ông Peskov cũng nói rằng Nga có "kế hoạch to lớn" về tái thiết Donbass, chiến trường chính trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa Moskva và Kiev. "Mọi người có thể thấy việc xây dựng đang được tiến hành và các cơ sở mới đang được đưa vào vận hành. Những nỗ lực mạnh mẽ đang được thực hiện để khôi phục tất cả hệ thống tiện ích thiết yếu như đường ống dẫn nước, cung cấp năng lượng, công trình xã hội. Hàng nghìn người đang tham gia công việc này", người phát ngôn nêu thêm.

Bộ Quốc phòng Anh cho rằng Nga thiếu UAV do tổn thất trên chiến trường Ukraine cũng như ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của nước ngoài. "Trước những tổn thất trong chiến đấu, nhiều khả năng Nga đang chật vật duy trì nguồn dự trữ máy bay không người lái (UAV) do tình trạng thiếu linh kiện trở nên trầm trọng hơn vì các lệnh trừng phạt", Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong báo cáo ngày 6/9. Cơ quan này nhận định học thuyết quân sự của Nga những năm qua cho thấy vai trò ngày càng nổi bật của UAV, đặc biệt trong chỉ thị mục tiêu cho pháo binh. Tuy nhiên, UAV dễ bị bắn hạ hoặc gây nhiễu điện tử. "Việc thiếu UAV trinh sát có thể làm suy giảm khả năng nhận biết tình huống chiến thuật của các chỉ huy Nga và ngày càng cản trở hoạt động của họ", Bộ Quốc phòng Anh đánh giá.

Ngày 6-9, phía Nga vừa ra điều kiện quan trọng để một cuộc hội đàm trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine – ông Volodymyr Zelensky có thể diễn ra. Theo người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov, trước khi tổ chức cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky, hai nước phải hoàn tất đâu vào đó các thỏa thuận mà hai nhà lãnh đạo sẽ ký kết, đài RT đưa tin. “Về cuộc hội đàm giữa ông Putin và ông Zelensky, không có gì thay đổi ở đây. Không ai cần một cuộc gặp chỉ gói gọn trong cuộc gặp đó” – ông Peskov trả lời phỏng vấn báo Nga Izvestia. Theo ông Peskov, để hai nhà lãnh đạo gặp nhau thì rất nhiều việc cần phải làm. Ông nêu ý kiến rằng hai bên phải xây dựng và thống nhất nền tảng cho những thỏa thuận mà hai tổng thống có thể chính thức hóa nó trong cuộc gặp.

Tổng thống Erdogan cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng là hệ quả từ việc châu Âu trừng phạt Nga liên quan chiến dịch quân sự ở Ukraine. "Thái độ của châu Âu với ông Putin, những lệnh trừng phạt của họ, khiến ông ấy dù muốn hay không cũng phải nói ‘nếu anh làm thế này, tôi sẽ làm thế kia’", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trả lời báo giới hôm nay, trước khi bắt đầu thăm ba quốc gia Balkan gồm Bosnia và Herzegovina, Serbia và Croatia. Theo ông Erdogan, các quốc gia châu Âu đang "gieo nhân nào, gặt quả nấy" khi áp lệnh trừng phạt kinh tế với Nga. "Ông ấy đang sử dụng mọi biện pháp và vũ khí. Khí tự nhiên, thật không may, cũng là một trong số này".

Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Mỹ từ lâu đã tìm cách phá vỡ mối quan hệ năng lượng giữa Nga và các nước châu Âu. Theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Nga ngày 6-9 chỉ trích Mỹ đã làm gia tăng cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt ở châu Âu bằng việc xúi giục các lãnh đạo tại khu vực này đi đến bước "tự sát” khi cắt giảm hợp tác kinh tế và năng lượng với Matxcơva. Trong một cuộc họp báo bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở thành phố Vladivostok (miền đông nước Nga), khi được phóng viên hỏi về điều kiện cần thiết để nối lại hoạt động đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trả lời: “Nghe này, bạn đang hỏi tôi những câu hỏi mà ngay cả đứa trẻ cũng có câu trả lời: chính những ai khơi mào thì cần phải kết thúc điều này". Bà Zakharova nói rằng Mỹ từ lâu đã tìm cách phá vỡ mối quan hệ năng lượng giữa Nga và các cường quốc châu Âu như Đức, mặc dù Matxcơva đã là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy từ thời Liên Xô. Theo bà Zakharova, “sự thống trị của Mỹ đã thắng thế" và "các lực lượng chính trị được đưa lên nắm quyền ở Liên minh châu Âu đang đóng vai trò là những ‘con cừu khiêu khích’ (con cừu của Mỹ, đi khiêu khích Nga)".

Tài liệu giải mật của tình báo Mỹ nói rằng Nga đang trong quá trình mua hàng triệu quả đạn pháo, rocket từ Triều Tiên, nhưng không rõ số lượng cụ thể. Thông tin được NY Times công bố ngày 5/9, dựa trên các tài liệu vừa được tình báo Mỹ giải mật. Hãng thông tấn AP sau đó cũng xác nhận thông tin này. AP dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết việc Nga mua vũ khí từ Triều Tiên cho thấy quân đội nước này "tiếp tục thiếu hụt nguồn cung trầm trọng" cho chiến dịch quân sự ở Ukraine, một phần do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Quan chức này không nói rõ số lượng đạn pháo, rocket mà Nga dự định mua từ Triều Tiên. Ngoài thông tin Bộ Quốc phòng Nga đang trong quá trình mua hàng triệu rocket và đạn pháo từ Triều Tiên, tình báo Mỹ còn nhận định Moskva có thể tiếp tục mua thêm thiết bị quân sự từ Bình Nhưỡng trong tương lai.

Ngày 6/9, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia đã bác bỏ hoàn toàn thông tin phía Mỹ đưa ra rằng Matxcơva có thể đang mua hàng loạt đạn pháo và rocket từ Triều Tiên. Reuters dẫn lời Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho biết, thông tin phía Mỹ đưa ra là "hoàn toàn sai lệch".

Bộ Quốc phòng Nga đã công bố kế hoạch về việc thành lập 2 nhà máy tăng thiết giáp tại khu vực Matxcơva và Rostov, với mục tiêu chính là "sửa chữa xe thiết giáp và trang thiết bị quân sự phục vụ cho mục đích quốc phòng". Theo đó, Nhà máy sửa chữa số 71 sẽ có trụ sở tại vùng thủ đô Matxcơva còn Nhà máy sửa chữa số 72 sẽ được đặt tại thành phố Kamensk-Shakhtinsky, vùng Rostov, gần với biên giới Ukraine. Theo giới quan sát, các nhà máy này sẽ được sử dụng để sửa chữa các phương tiện quân sự, đặc biệt là xe tăng và xe bọc thép, của Nga bị hư hỏng tại chiến trường Ukraine và khẩn trương đưa chúng trở lại tham chiến.

Nhiều nước thành viên NATO sẽ viện trợ quân phục mùa đông và trang bị giữ ấm cho binh sĩ Ukraine. Vào cuối tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã viết một lá thư gửi tới Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. Trong thư, ông Reznikov đề nghị NATO hỗ trợ Kiev quân phục mùa đông cùng các trang bị giữ ấm cho khoảng 200.000 binh sĩ quân đội Ukraine. Đáp lại lời đề nghị này, đến đầu tháng 9/2022, nhiều thành viên NATO như Mỹ, Canada, Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch đã cam kết sẽ chuyển quân phục mùa đông, giày và lều giữ ấm cho quân đội Ukraine. Số hàng viện trợ được cam kết được cho là đã đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của Kiev và NATO khẳng định toàn bộ binh sĩ Ukraine sẽ được trang bị quân phục đủ ấm trước khi mùa đông ập tới.

Bộ trưởng Năng lượng Nga cho rằng châu Âu khả năng cao không thể chấm dứt phụ thuộc vào khí đốt nước này trước năm 2027 như kế hoạch. "Giá khí đốt giao ngay hiện tại cho thấy điều đó không đơn giản. Châu Âu khó có thể trông cậy vào ai, ngoại trừ Mỹ, quốc gia đang tăng quy mô sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)", Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov hôm nay trả lời phỏng vấn bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở thành phố Vladivostok. Tuyên bố được Shulginov đưa ra sau khi Cao ủy kinh tế Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni hồi tháng 4 cho biết EU đặt mục tiêu giảm 2/3 nhiên liệu hóa thạch Nga vào cuối năm nay, hướng tới dừng phụ thuộc hoàn toàn vào cuối năm 2027.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế nêu nguy cơ sự cố hạt nhân ở Zaporizhzhia và kêu gọi thiết lập khu vực an ninh xung quanh nhà máy. "Tình hình hiện tại là không thể giải quyết được", Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết trong báo cáo hôm 6/9, sau khi cử nhóm thanh sát viên tới nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine tuần trước. "Trong khi chờ đợi xung đột chấm dứt và tái thiết lập điều kiện ổn định, cần có biện pháp tạm thời để ngăn chặn sự cố hạt nhân phát sinh do phương tiện quân sự gây ra. Điều này có thể đạt được bằng cách thiết lập ngay khu vực bảo vệ an ninh và an toàn hạt nhân", báo cáo nêu thêm. "IAEA sẵn sàng bắt đầu ngay lập tức các cuộc tham vấn để thiết lập khẩn cấp khu vực như vậy".

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 06/09 đã kêu gọi Nga và Ukraine đồng ý về một khu vực phi quân sự xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Phát biểu tại Hội đồng Bảo an ngày 06/09, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi Nga và Ukraine cam kết không thực hiện các hành động quân sự xung quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Theo ông Guterres, Nga và Ukraine cần đạt được thỏa thuận về một bán kính phi quân sự, qua đó Nga sẽ cam kết rút toàn bộ nhân viên và thiết bị quân sự khỏi bán kính đó và các lực lượng Ukraine cũng cam kết sẽ không vào khu vực này.

Ông Guterrest cho biết: “Tôi rất quan ngại về tình hình xung quanh và tại Zaporizhzhia bao gồm các báo cáo về các vụ pháo kích gần đây. Bất kể thiệt hại nào gây ra, dù cố ý hay không, tới nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu tại Zaporizhzhia hoặc bất kỳ cơ sở hạt nhân nào khác ở Ukraine đều có thể gây ra thảm họa không chỉ cho người dân ở đó mà còn cho khu vực và hơn thế. Các bước phải được thực hiện để tránh kịch bản này. Nhận thức chung và hợp tác là những yếu tố chỉ dẫn quan trọng. Mọi hành động có thể gây nguy hại tới hiện trạng và sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân đểu không thể chấp nhận được. Các nỗ lực cần được thực hiện để tái thiết lập nơi đây thực sự là một cơ sở dân sự thuần túy".

Phát ngôn viên Điện Kremlin bày tỏ đánh giá cao Tổng thống Mỹ vì ông Biden phản đối đề xuất coi Nga là quốc gia tài trợ chủ nghĩa khủng bố. "Quan điểm này thật quái dị. Yêu cầu điều này cũng là thứ gì đó rất khó hiểu", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 6/9 nhắc đến đề xuất coi Nga là quốc gia tài trợ khủng bố. Ông Peskov cũng bày tỏ đánh giá cao khi Tổng thống Joe Biden lên tiếng phản đối đề xuất này. Khi được hỏi liệu tuyên bố của Tổng thống Biden có thể coi là động thái "xuống thang luận điệu chống Nga của Mỹ hay không", ông Peskov nói "đây khó có thể là lý do cho đánh giá như vậy".

Điện Kremlin cho biết Nga không trông đợi bất kỳ thay đổi nào trong mối quan hệ vốn đang căng thẳng với Anh dưới thời tân thủ tướng Liz Truss. "Thành thật mà nói, đánh giá những tuyên bố của bà Truss khi còn là ngoại trưởng và ứng viên thủ tướng, có thể khẳng định chắc chắn rằng sẽ không có thay đổi nào theo hướng tốt hơn", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay cho hay, đề cập triển vọng mối quan hệ Nga – Anh dưới thời tân Thủ tướng Liz Truss. Ông Peskov từ chối bình luận liệu Tổng thống Vladimir Putin có định

Chúc mừng chiến thắng của bà Truss hay không, nói rằng phóng viên nên hỏi chính Tổng thống Nga.

Thủ tướng Truss và ông Biden cam kết củng cố mối quan hệ hai nước để cùng chống Nga, trong cuộc điện đàm đầu tiên sau khi nhậm chức. Tân Thủ tướng Anh Liz Truss mong muốn "hợp tác chặt chẽ cùng Tổng thống Joe Biden với tư cách lãnh đạo của các nền dân chủ tự do để giải quyết những thách thức chung, đặc biệt là các vấn đề kinh tế cực đoan do cuộc chiến của ông Putin gây ra", tuyên bố ngày 6/9 của Văn phòng Thủ tướng Anh cho hay, đề cập Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong cuộc điện đàm

Chúc mừng tân Thủ tướng Anh, Tổng thống Biden cũng mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước. "Tôi muốn thắt chặt quan hệ đặc biệt giữa hai nước chúng ta và hợp tác chặt chẽ trong các thách thức toàn cầu, trong đó có tiếp tục hỗ trợ Ukraine chống lại chiến dịch quân sự của Nga", ông Biden đăng Twitter sau đó. Một quan chức Mỹ cho biết Nhà Trắng rất mong đợi ông Biden và bà Truss có thể tiếp tục liên minh để chống lại chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, cũng như chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Artem Bardin, quan chức do Nga bổ nhiệm ở thành phố Berdyansk, miền nam Ukraine, bị thương nặng trong vụ nổ xe được mô tả là "khủng bố". Chiếc xe chở Artem Bardin, chỉ huy trưởng cơ quan quân sự Berdyansk, hôm nay phát nổ ngay giữa trung tâm thành phố mà lực lượng Nga kiểm soát thuộc tỉnh Zaporizhzhia, theo Vladimir Rogov, quan chức chính quyền tỉnh được Moskva thành lập. Rogov gọi đây là "vụ tấn công khủng bố", thêm rằng Bardin đã nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng.

Tập đoàn Gazprom nói đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để bắt đầu chuyển sang thanh toán khí đốt bằng đồng nhân dân tệ và ruble thay vì USD. Giám đốc điều hành tập đoàn Gazprom Alexei Miller hôm nay cho biết việc cho phép thanh toán các lô hàng khí đốt Nga bằng đồng ruble và nhân dân tệ là động thái "đôi bên cùng có lợi" giữa Gazprom và tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc. "Nó sẽ đơn giản hóa việc tính toán, trở thành ví dụ điển hình cho các công ty khác và tạo thêm động lực cho sự phát triển kinh tế của chúng tôi", ông Miller nói. Gazprom không cung cấp thêm chi tiết về kế hoạch hoặc cho biết khi nào hai bên sẽ chính thức chuyển các khoản thanh toán khí đốt từ USD sang nhân dân tệ và ruble.

Thứ Trưởng Bộ Kinh tế Nga Ilya Torosov bày tỏ hy vọng "khử USD hóa" sẽ chỉ tăng cường trong thời gian tới, song song với việc tăng khối lượng giao dịch tiền tệ của "các quốc gia thân thiện", Đài RT đưa tin hôm 6-9. Ông Torosov nhấn mạnh rằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ dẫn đầu tiến trình này trong bối cảnh hợp tác mạnh mẽ giữa Matxcơva và Bắc Kinh, vốn đã trở nên "sâu sắc hơn" sau các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga. Vào tháng trước, giao dịch nhân dân tệ – rúp lần đầu tiên vượt xa đồng USD – rúp tại Sở Giao dịch Matxcơva.

Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cam kết khối này sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến khi nào Ukraine còn cần và theo nhu cầu của Ukraine. Ông Borrell đưa ra phát biểu này vào ngày 5-9 trong một cuộc họp tại Nghị viện châu Âu được Hãng tin AP tường thuật lại. "Thông điệp chính của cuộc họp hôm nay đến toàn thế giới là EU sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine về chính trị, tài chính, nhân đạo và quân sự đến khi nào Ukraine còn cần và theo nhu cầu của Ukraine", ông Borrell nói. "Mục tiêu chính của chúng tôi là giúp Ukraine kết thúc chiến tranh, chúng tôi muốn mau chóng chấm dứt cuộc chiến này nhưng không phải là với bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi muốn cuộc chiến này kết thúc với sự tuân thủ, tôn trọng chủ quyền của Ukraine", ông Borrell làm rõ thêm. Ông cũng nói thêm rằng "triển vọng dài hạn hơn là giúp Ukraine giành được hòa bình, đồng nghĩa với việc xây dựng một đất nước Ukraine hiện đại, dân chủ, độc lập và thịnh vượng".

Ngày 6-9, Trung tâm nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch (CREA) công bố báo cáo cho biết Nga thu được 158 tỉ euro nhờ xuất khẩu nhiên liệu trong 6 tháng sau khi tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine. Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) chi trả hơn một nửa số tiền này, với 85,1 tỉ euro. Sau đó là Trung Quốc với 34,9 tỉ euro và Thổ Nhĩ Kỳ với 10,7 tỉ euro. CREA – tổ chức có trụ sở tại Phần Lan – kêu gọi phương Tây đưa ra các biện pháp trừng phạt có hiệu quả hơn với Nga. "Giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao có nghĩa là doanh thu hiện tại của Nga cao hơn nhiều so với các năm trước, dù giảm khối lượng xuất khẩu của năm nay". CREA cho biết: "Xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch đã mang về khoảng 43 tỉ euro cho ngân sách liên bang của Nga kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch đặc biệt, giúp tài trợ cho hoạt động của Nga ở Ukraine".

C.T.

Nguồn: FB Cù Tuấn

Xem thêm:

Đại tá tư lệnh hàng đầu của Putin thiệt mạng. Hoa Kỳ khẳng định Ukraine thành công rất lớn ở Kherson

Thảo Ly-Kim Thúy-Thụy Khanh VietCatholic News / 7/9/2022

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.