Cập nhật chiến tranh tại Ukraine 3.9.2022 11AM

Cù Tuấn

– Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết quân đội Ukraine đang phải gánh chịu thương vong nặng nề khi cố gắng giành lại các vùng lãnh thổ mà lực lượng Nga kiểm soát ở miền Nam nước này. Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến hôm 2/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết "các lực lượng vũ trang Ukraine nỗ lực thực hiện cuộc tấn công theo hướng Nikolaev-Krivorozsk và các hướng khác, nhưng đối phương đang chịu thương vong nặng nề". Ông Shoigu cho rằng, cuộc phản công do chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên kế hoạch "chỉ nhằm mục đích khiến những người ủng hộ phương Tây ảo tưởng rằng quân đội Ukraine có thể tiến hành một cuộc phản công". Ông Shoigu cũng tuyên bố các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát một ngôi làng ở tỉnh Kherson, Ukraine và tiến tới biên giới với khu vực Nikolaev.

– Quan chức Nga cho biết hai thanh sát viên của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ ứng trực tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở nam Ukraine. "Chúng tôi hoan nghênh điều này, vì sự hiện diện quốc tế là cần thiết để xóa tan những đồn đoán về tình hình ở Zaporizhzhia", Mikhail Ulyanov, Đại diện Thường trực Nga tại các Tổ chức Quốc tế ở Vienna, nói khi thông báo hai chuyên gia IAEA sẽ "ứng trực ở nhà máy", sau khi chuyến công tác của Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cùng 13 thanh sát viên kết thúc. Ông Ulyanov thêm rằng ông Grossi đã có thể nắm được những thông tin quan trọng nhất. Tuy nhiên, việc kiểm tra kỹ lưỡng hơn sẽ mất nhiều thời gian. "Sáu chuyên gia của IAEA đang ở nhà máy. Họ sẽ ở đây vài ngày trước khi trở về Vienna", ông nói. IAEA chưa xác nhận thông tin Nga đưa ra. Tuy nhiên, hôm 1/9 tổ chức này đã nói họ "có kế hoạch ứng trực" tại cơ sở hạt nhân này.

– Nhóm G7 cho biết sẽ "khẩn trương" tiến hành áp giá trần đối với dầu nhập khẩu từ Nga, nhằm ngăn Moskva thu lợi từ giá năng lượng cao. Các bộ trưởng tài chính của nhóm G7 hôm nay tuyên bố rằng sẽ khẩn trương làm việc để hoàn thành và thực hiện biện pháp áp giá trần với dầu Nga, nhưng không nêu rõ mức trần. "Nga đã hưởng lợi về kinh tế từ sự bất ổn trên thị trường năng lượng do xung đột gây ra, cũng như đang kiếm được lợi nhuận lớn từ xuất khẩu dầu. Chúng tôi muốn ngăn điều đó một cách dứt khoát", Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nói. Ông Linder thêm rằng mục đích của áp giá trần là để ngăn nguồn tài chính quan trọng cho chiến dịch Ukraine của Nga, cũng như ngăn giá năng lượng toàn cầu tiếp tục tăng. Các bộ trưởng tài chính cho biết G7 đã tìm cách thành lập một "liên minh rộng lớn" ủng hộ áp giá trần để tối đa hóa hiệu quả của biện pháp này. Họ nói thêm mức giá trần ban đầu sẽ được ấn định "dựa trên một loạt yếu tố kỹ thuật", đồng thời hiệu quả của biện pháp cũng được giám sát chặt chẽ. Việc thúc đẩy thêm nhiều quốc gia đồng ý áp giá trần với dầu Nga dự kiến là chủ đề thảo luận quan trọng của các lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào ngày 15-16/11.

– Điện Kremlin nhấn mạnh Nga sẽ ngừng bán dầu cho các nước áp giá trần, cảnh báo về tình trạng bất ổn của thị trường dầu toàn cầu. "Các công ty áp giá trần sẽ không nằm trong số những khách hàng mua dầu của Nga", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 2/9. "Chúng tôi đơn giản là sẽ không hợp tác với họ theo những nguyên tắc phi thị trường". Bình luận của ông Peskov lặp lại quan điểm mà Phó thủ tướng Nga Alexander Novak và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina đã đưa ra trước đó.

Nga nói châu Âu có thể giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng bằng cách hủy lệnh trừng phạt với Moskva hoặc tiếp tục giữ nguyên và chịu hậu quả. "Thời khắc quyết định của các lãnh đạo châu Âu đã đến. Họ có hai cách để thoát khỏi tình thế do họ tự tạo ra", Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin viết trên Telegram hôm 2/9. "Cách thứ nhất, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt phi pháp nhằm vào Nga và khởi động Nord Stream 2. Cách thứ hai, giữ nguyên mọi thứ và chịu đựng hàng loạt rắc rối với nền kinh tế, khiến cuộc sống của người dân khó khăn hơn", ông Volodin nhấn mạnh.

–Cơ quan An ninh Nhà nước Ukraine (SBU) hôm 2/9 thông báo trên Telegram rằng người phụ nữ ở tỉnh Dnipropetrovsk đã cung cấp cho tình báo Nga thông tin về vị trí các cơ sở quân sự và khí tài dọc tiền tuyến ở tỉnh Donetsk và Zaporizhzhia. Theo SBU, nữ nghi phạm thường hỏi chồng về vị trí đóng quân của đơn vị anh này cũng như các đơn vị Ukraine khác trên chiến tuyến. "Cô ta chuyển thông tin nhận được thông qua các ứng dụng nhắn tin cho tình báo quân đội Nga. Những thông tin này được Nga sử dụng để tiến hành các cuộc không kích và pháo kích", SBU cho hay, nhưng không tiết lộ danh tính nghi phạm.

– Nga đề nghị Mỹ cấp 56 thị thực để Ngoại trưởng Lavrov và phái đoàn tới New York dự họp thường niên Liên Hợp Quốc, nhưng chưa nhận được phản hồi. Trong thư gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mà Reuters xem được hôm 2/9, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói rằng các hồ sơ cần thiết đã được nộp cho đại sứ quán Mỹ ở Moskva, nhưng Washington chưa phản hồi. 56 thị thực Moskva yêu cầu bao gồm thị thực cho nhóm ngoại giao đến trước chuẩn bị để Ngoại trưởng Sergei Lavrov và phái đoàn dự cuộc họp cấp cao Đại hội đồng LHQ tại New York, bắt đầu ngày 20/9.

– Nhà Trắng nói Nga dùng năng lượng làm công cụ gây áp lực lên châu Âu, sau khi Moskva dừng vô thời hạn đường ống Nord Stream 1 đến Đức. "Thật không may và cũng không bất ngờ khi Nga tiếp tục vũ khí hóa năng lượng nhằm vào người tiêu dùng châu Âu", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) nói với Reuters. Theo người phát ngôn NSC, Mỹ và châu Âu đang phối hợp để đảm bảo có đủ nguồn cung. "Nhờ đó, các kho lưu trữ khí đốt châu Âu sẽ được lấp đầy trước mùa đông quan trọng. Nhưng chỉ riêng nỗ lực này là chưa đủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp để giải quyết lo ngại năng lượng ở châu Âu".

– Hãng Siemens Energy cho rằng sự cố rò rỉ dầu không phải lý do kỹ thuật khiến tập đoàn Nga hoãn mở lại Nord Stream 1 sau đợt bảo dưỡng. "Với tư cách là hãng sản xuất tuabin, chúng tôi chỉ có thể tuyên bố rằng phát hiện như vậy không phải lý do kỹ thuật để ngừng hoạt động", Siemens Energy, công ty Đức sản xuất tuabin cho đường ống Nord Stream 1 của Nga, ngày 2/9 đề cập tới sự cố rò rỉ dầu của tuabin chính tại trạm nén Portovaya. Trước đó, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga thông báo không thể mở loại đường ống Nord Stream 1 do phát hiện tuabin tại trạm Portovaya bị rò rỉ dầu sau quá trình kiểm tra chung với Siemens Energy. "Chúng tôi dừng hoàn toàn vận chuyển khí đốt qua Nord Stream 1 tới khi vấn đề được khắc phục", Gazprom cho biết. Tuy nhiên, Siemens Energy cho rằng sự cố rò rỉ như vậy thường không ảnh hưởng tới hoạt động của tuabin và có thể bịt kín tại chỗ. "Đó là quy trình thường xuyên trong quá trình bảo trì. Sự cố rò rỉ này từng xuất hiện trong quá khứ và không dẫn đến dừng hoạt động", công ty Đức cho biết, đồng thời khẳng định đã vài lần chỉ ra rằng trạm Portovaya có đủ tuabin bổ sung để Nord Stream 1 hoạt động.

– Cảnh sát và đặc vụ Mỹ lục soát căn hộ và nhà của tỷ phú Nga Viktor Vekselberg ở bang New York, người đang bị nước này trừng phạt. Truyền thông địa phương đưa tin các đặc vụ liên bang và cảnh sát Mỹ ngày 1/9 mang đi nhiều thùng đồ sau khi lục soát một căn hộ ở Park Avenue, khu Manhattan và một ngôi nhà ở Hamptons, gần thành phố New York. Chưa rõ những thùng đồ này chứa gì. Căn hộ và ngôi nhà tại bang New York bị lực lượng thực thi pháp luật Mỹ lục soát thuộc sở hữu của tỷ phú Nga Viktor Vekselberg, Bộ Tài chính Mỹ cho biết. Giới chức Mỹ cũng đang khám một bất động sản trên đảo Fisher, bang Florida, được cho liên quan đến tỷ phú Vekselberg. Ông Vekselberg là lãnh đạo tập đoàn Renova có trụ sở tại Moskva, là một trong những tỷ phú Nga bị phương Tây áp lệnh trừng phạt sau khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ.

Ảnh 1: Một đoạn của đường ống Nord Stream 2 ở Nga hồi tháng 7/2021. Ảnh: TASS.

clip_image002

Ảnh 2: Lính Ukraine trên xe thiết giáp ở chiến trường miền đông hồi tháng 7. Ảnh: AFP.

clip_image004

C.T.

Nguồn: FB Cù Tuấn

Xem thêm:

Ukraine giải phóng Sukhyi Stavok. Putin đóng cầu eo biển Kerch ngăn dòng đào binh bỏ chạy về Nga

Đình Trinh VietCatholic News / 3/9/2022

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.