Cập nhật chiến tranh tại Ukraine 29.8.2022 10AM

Cù Tuấn

Các cuộc giao tranh và pháo kích vẫn tiếp tục nổ ra gần nhà máy điện nguyên tử Zaporizhzhia và trên các chiến tuyến ở miền Nam. Nga và Ukraine tiếp tục tố cáo nhau đã pháo kích vào nhà máy này.

Ngày 28-8, Tỉnh trưởng Zaporizhia – ông Oleksandr Starukh cho biết pháo binh Nga đã nhắm mục tiêu từ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vào các thị trấn Ukraine bên kia sông Dnipro, làm tăng thêm lo ngại về nguy cơ rò rỉ phóng xạ từ nhà máy, theo hãng tin Reuters. Ông cũng cho biết phía Ukraine đã ghi nhận thêm nhiều cuộc pháo kích từ nhà máy Zaporizhzhia vào 9 thị trấn nằm bên kia sông Dnipro trong ngày 28-8. Cụ thể, ông Starukh cho biết trong ngày 28-8 các lực lượng Nga đã tấn công các tòa nhà dân cư ở TP Zaporizhzhia, cách nhà máy khoảng hai giờ lái xe và thị trấn Orikhiv ở phía đông. Trước đó một ngày, ông Starukh nói trên kênh truyền hình Ukraine rằng người dân đang được hướng dẫn cách sử dụng iốt trong trường hợp rò rỉ phóng xạ.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã nhiều lần pháo kích nhà máy trong 24 giờ qua. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga – ông Igor Konashenkov cho biết 9 quả đạn do pháo binh Ukraine bắn trong hai đợt tấn công riêng rẽ đã rơi trúng khuôn viên nhà máy điện hạt nhân. “Hiện tại, các nhân viên kỹ thuật toàn thời gian đang theo dõi tình trạng kỹ thuật của nhà máy điện hạt nhân và đảm bảo các hoạt động của nó. Tình hình bức xạ trong khu vực của nhà máy điện hạt nhân vẫn bình thường” – ông Konashenkov nói.

Ivan Fedorov, Thị trưởng thành phố Melitopol, ngày 28/8 cho biết các lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Nga trên lãnh thổ của nhà máy Avtokoliorlyt. “Theo thông tin sơ bộ, một tòa nhà đã bị phá hủy tại làng Myrne thuộc Melitopol, nơi đang diễn ra các hoạt động chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý giả (để sáp nhập vào Nga). Tại thành phố Melitopol, một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của đối phương trên lãnh thổ của nhà máy Avtokoliorlyt đã bị phá hủy”, ông Fedorov cho biết thêm.

Nhà máy sửa chữa trực thăng Motor Sich ở tỉnh Zaporizhzhia của Ukraine đã bị quân đội Nga tập kích. “Các vũ khí chính xác của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã đánh trúng nhà máy Motor Sich ở thành phố Zaporozhye, và phá hủy các cơ sở sản xuất nơi trực thăng quân sự của Không quân Ukraine đang được sửa chữa”, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hôm 28/8.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng quân sự nước này đã phá hủy các căn cứ tạm thời của một lữ đoàn Ukraine ở Slavyansk. “Các cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác cao của lực lượng không quân Nga đã phá hủy các căn cứ tạm thời của lữ đoàn lính dù 95 của Ukraine ở Slavyansk thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk (tự xưng), hạ 150 tay súng chủ nghĩa dân tộc, phá hủy 10 xe tải và xe bọc thép”, thông báo của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov hôm 28/8 cho biết. Ông Konashenkov cũng cho biết hệ thống phòng không Nga đã bắn hạ và đánh chặn hàng loạt rocket và tên lửa đạn đạo của Ukraine. “28 quả đạn của hệ thống pháo phản lực phóng loạt Olkha và HIMARS đã bị đánh chặn ở các khu định cư Olginka, Novotroitskoye thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Chernobayevka thuộc vùng Kherson, cầu Antonovsky và Daryevsky, cũng như nhà máy thủy điện Kakhovka. Ngoài ra, một tên lửa đạn đạo Tochka-U đã bị bắn rơi giữa không trung ở khu vực Novaya Kakhovka của vùng Kherson”, ông Konashenkov nói.

Quân đội Nga đã thiết lập 2 căn cứ trực thăng mới tại tỉnh Lugansk, miền Đông Ukraine. Theo các nguồn tin địa phương, 2 sân bay tại tỉnh Lugansk, miền Đông Ukraine đã được quân đội Nga hoán cải để trở thành căn cứ cho máy bay trực thăng của lực lượng này. Theo đó, các trang thiết bị kỹ thuật và đảm bảo hậu cần, cùng nhiều trực thăng tấn công Ka-52 “Cá sấu” của quân đội Nga đã được điều động đến khu vực sân bay Lugansk. Tại một sân bay khác gần với Bảo tàng Kỹ thuật Hàng không Lugansk, một bãi đỗ trực thăng mới đã được ghi nhận với sự xuất hiện của các trực thăng tấn công Mi-24 và Mi-35.

Tình báo Ukraine cho rằng Nga dường như đang cạn những siêu tên lửa có trong kho vũ khí, khi các loại chỉ còn khoảng 20% số lượng. The Drive đưa tin, quan chức cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine Vadym Skibitskyi cho rằng, Nga đang dần cạn các tên lửa sau nửa năm mở chiến dịch quân sự. Ông Skibitskyi cho hay, Nga đang “đối diện tình huống khó khăn” với số lượng tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M14 Kalibr không còn nhiều, trong khi tên lửa hành trình tầm ngắn 9K720 Iskander-M chỉ còn khoảng 20%. Báo cáo của tình báo Ukraine cho biết, Nga hiện còn gần 45% kho tên lửa. Theo The Drive, một số thông tin cho thấy Nga có thể đang thiếu tên lửa tấn công mặt đất. Ví dụ, có nguồn tin nói rằng, Nga dường như đã sử dụng tên lửa chuyên dùng tấn công máy bay như S-300 hay các tên lửa chống hạm từ thời Chiến tranh Lạnh để thực hiện nhiệm vụ phá hủy các mục tiêu đất liền của Ukraine.

Bộ Quốc phòng Anh cho hay họ không biết Nga có thể tăng quy mô quân đội bằng cách nào, nhưng điều này cũng không ảnh hưởng đến chiến sự ở Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước ký sắc lệnh tăng quy mô lực lượng vũ trang của Nga từ 1,9 triệu lên 2,04 triệu quân trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã bước sang tháng thứ 7. Bộ Quốc phòng Anh hôm nay cho biết trong một bản cập nhật thường xuyên về cuộc xung đột rằng không rõ liệu điều này có thể đạt được bằng cách tuyển thêm lính tình nguyện hay tăng cường số lượng nhập ngũ. Dù bằng cách nào thì nó cũng không có tác động lớn đến tình hình chiến sự ở Ukraine vì “Nga đã mất hàng chục nghìn quân, trong khi rất ít quân nhân hợp đồng mới được tuyển dụng và lính nghĩa vụ về mặt kỹ thuật không có trách nhiệm phục vụ bên ngoài lãnh thổ Nga”, Bộ Quốc phòng Anh viết trên Twitter.

Tổng thống Ukraine cam kết nước này sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ đang bị lực lượng Nga kiểm soát, bao gồm khu vực Donbass và bán đảo Crimea. “Chúng tôi chưa từng quên và sẽ không quên bất kỳ thành phố nào, bất kỳ người dân nào của chúng tôi”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong bài phát biểu hàng ngày tối 28/8. “Bây giờ Donbass gần như bị phá hủy bởi các cuộc không kích của Nga. Donetsk kiêu hãnh, huy hoàng bị nhục mạ bởi sự chiếm đóng của Nga. Nhưng Ukraine sẽ giành lại. Chắc chắn như vậy. Cuộc sống sẽ trở lại. Phẩm giá của người dân Donbass sẽ được lấy lại. Cơ hội sống an toàn và hạnh phúc sẽ trở lại”, ông Zelensky nói thêm. Theo ông, lá cờ Ukraine sẽ tung bay “ở Donetsk, Gorlovka, Mariupol, ở tất cả các thành phố khu vực Donbass, khu vực Azov, trong tất cả khu vực bị Nga chiếm đóng, ở các tỉnh Kharkov, Zaporizhzhia, Kherson. Và chắc chắn cả ở Crimea”. “Ukraine ghi nhớ mọi vùng lãnh thổ đó”, ông kết luận.

Quan chức quốc phòng Ukraine tin rằng mùa thu năm nay sẽ là giai đoạn then chốt, còn mùa đông sẽ là thời kỳ khó khăn đối với Kiev trong cuộc xung đột với Nga. “Mùa thu có thể là giai đoạn quyết định. Xét về điều kiện khí hậu, giai đoạn này sẽ rơi vào tháng 9-10. Sau đó, thời tiết xấu đi. Rồi đến tháng 11 và mùa đông, nhưng cuộc chiến sẽ vẫn tiếp tục”, Vadym Skibitskyi, quan chức tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine, nói trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Ukraine hôm 27/8. Ông Skibitskyi cho rằng mùa đông tới sẽ là giai đoạn khó khăn với Ukraine. “Mùa đông cũng sẽ là giai đoạn khó khăn vì Nga sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự để gây áp lực lên lực lượng vũ trang Ukraine. Một vấn đề khác cần được xem xét là nguồn cung năng lượng, công cụ mà Nga chắc chắn sẽ sử dụng để gây bất ổn cho tình hình trong nước của chúng ta. Trong bối cảnh đó, Nga sẽ tiếp tục chuẩn bị cho mùa xuân, cho cuộc chiến khốc liệt”, quan chức Ukraine cho biết thêm.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga nói việc Ukraine sẵn sàng đầu hàng và “phi phát xít hóa” sẽ là điều kiện tiên quyết cho đàm phán. “Chúng tôi sẵn sàng xem xét quá trình đàm phán nếu phía Ukraine đầu hàng vô điều kiện, giảm các lực lượng vũ trang của mình cũng như phi phát xít hóa hoàn toàn, tuyệt đối”, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga, thành viên cấp cao nhất của nước này trong nhóm đàm phán với Ukraine Leonid Slutsky đăng trên Telegram tối 27/8. Tuyên bố của ông Slutsky được đưa ra trong bối cảnh Nga – Ukraine gần đây liên tục bày tỏ quan điểm quyết liệt về các điều kiện đi tới bàn đàm phán. Kiev tháng này khẳng định chỉ đàm phán khi Moskva chịu tổn thất nặng nề và thất bại trên chiến trường.

Quan chức Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã mở rộng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine bằng đường biển trong bối cảnh xung đột với Nga tiếp tục leo thang. Lầu Năm Góc bắt đầu gửi một số vũ khí tới Ukraine bằng đường biển vài tuần sau khi chiến sự bùng phát, sau đó mở rộng đáng kể nỗ lực này sau khi Mỹ bắt đầu cung cấp cho Ukraine lựu pháo và các loại vũ khí hạng nặng khác, vốn đòi hỏi nguồn cung đạn cỡ lớn ổn định, các quan chức quốc phòng Mỹ ngày 27/8 cho biết. “Khi chúng tôi bắt đầu cung cấp cho họ lựu pháo, chúng tôi biết sẽ cần thêm đạn dược”, phó chỉ huy Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ, đại tá Steven Putthoff nói. “Do đó chúng tôi lập kế hoạch quy mô nhỏ, sau đó bắt đầu dùng vận tải biển nhiều hơn để cung cấp hỗ trợ và đôi khi đạt mục tiêu trước yêu cầu”. Mỹ ban đầu sử dụng máy bay để đưa vũ khí tới Ukraine càng nhanh càng tốt. Sau khi mở rộng vận chuyển vũ khí bằng đường biển, chiến sự bước sang giai đoạn mới “khi đợt tiến công của Nga nhằm vào Kiev bị đẩy lùi”, quan chức quốc phòng Mỹ nhận định.

Chính phủ Đức cho biết nước này đang tích trữ khí đốt nhanh hơn kế hoạch đề ra dù nguồn cung từ Nga bị cắt giảm mạnh. “Bất chấp hoàn cảnh khó khăn, các kho dự trữ đang được lấp đầy nhanh hơn dự kiến”, Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck ngày 28/8 cho hay. Mục tiêu đạt 85% công suất lưu trữ khí đốt vào tháng 10 “có thể đạt được ngay trong đầu tháng 9” với mức hiện tại là 82%, ông nói thêm.

Ba Lan và Czech ngày 27/8 ký thỏa thuận cùng bảo vệ không phận Slovakia khi nước này từ bỏ các máy bay phản lực MiG-29 cũ do Liên Xô sản xuất. Lời hứa bảo vệ của các đồng minh NATO được đưa ra khi cuộc xung đột Nga – Ukraine đã bước sang tháng thứ 7. Cam kết này sẽ được duy trì đến khi Slovakia tiếp nhận các tiêm kích F-16 mới từ Mỹ, dự kiến vào năm 2024. Theo thỏa thuận, Ba Lan và Czech sẽ cung cấp các lực lượng cần thiết để nhanh chóng phản ứng trong trường hợp không phận Slovakia bị xâm phạm. Slovakia có biên giới chung với Ukraine.

Ngày 28/8, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho rằng, châu Âu cần có cách tiếp cận thống nhất để giải quyết tình hình giá năng lượng tăng vọt. Ông Nehammer cho hay: “Chúng ta phải ngăn chặn sự điên rồ đang diễn ra trên thị trường năng lượng và điều này chỉ có thể được thực hiện với một quyết định của châu Âu. Một điều rõ ràng là giá điện phải giảm, cho cả nền kinh tế và cho ngành công nghiệp. Không nên trao cho Nga cơ hội xác định giá điện của châu Âu mỗi ngày”. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nehammer kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tách giá điện khỏi giá khí đốt để giữ cho giá điện không tăng thêm do ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Ukraine. Theo ông Nehammer, EU phải ngăn chặn tình trạng này xảy ra trên thị trường năng lượng và Áo sẽ đề cập vấn đề này tại một cuộc họp khẩn của khối, trong đó việc tách giá sẽ có trong chương trình nghị sự.

Trong ngày 28/8, báo Times dẫn một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Anh cho rằng, viện trợ vũ khí và đóng góp tài chính của nước này cho quân đội Ukraine sẽ “cạn kiệt” vào cuối năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc nhà lãnh đạo sắp tới của London sẽ đối mặt với câu hỏi là có nên tiếp tục viện trợ bổ sung hàng tỷ bảng cho Kiev giữa lúc ngân sách khó khăn. Theo Times, các công dân Anh đang bắt đầu nhận thức được mức độ “hy sinh” của việc ủng hộ Ukraine giữa lúc giá nhiên liệu tăng cao.

clip_image002

Ảnh 1: Binh sĩ Ukraine sử dụng lựu pháo M777 do Mỹ cung cấp (Ảnh: AFP).

clip_image004

Ảnh 2: Binh sĩ Nga đứng gác bên cạnh một xe quân sự tại căn cứ trực thăng mới của quân đội Nga ở sân bay Lugansk (Ảnh: mil.in.ua).

clip_image006

Ảnh 3: Người dân ở gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia phải đi sơ tán khẩn cấp khi pháo kích vẫn tiếp tục dội vào khu vực gần nhà máy. Ảnh NYT.

C.T.

Nguồn: FB Cù Tuấn

Xem thêm:

 

Crimea giữa những ngày xôn xao tin tức Ukraina sắp phản công giành lại

HTD Today News / 29/8/2022

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.