Cù Tuấn
Ngày 27-8, Nga và Ukraine lại cáo buộc nhau pháo kích xung quanh nhà máy điện hạt nhân (hiện do Nga kiểm soát) ở miền nam Ukraine. Dẫu vậy phía Nga cho biết mức độ bức xạ xung quanh nhà máy này vẫn bình thường.
Giới chức Ukraine cảnh báo nguy cơ rò rỉ bụi phóng xạ tăng cao vì các hoạt động quân sự liên tiếp ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. “Trong 24 giờ qua, quân đội Nga liên tục pháo kích địa bàn nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Chúng tôi đang đánh giá thiệt hại”, Energoatom, cơ quan năng lượng hạt nhân Ukraine, hôm nay thông báo trên Telegram. Energoatom nhận định nhà máy điện hạt nhân phía nam nước này có nguy cơ rò rỉ chất phóng xạ vì quân đội Nga pháo kích “theo chu kỳ”, làm gia tăng rủi ro không đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn ngăn chặn sự cố cháy nổ và phóng xạ. “Hạ tầng nhà máy đã bị hư hại. Xuất hiện nguy cơ rò rỉ hydrogen và phát tán bụi phóng xạ, trong khi rủi ro cháy nổ cũng cao”, Energoatom cảnh báo.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc các lực lượng Ukraine đã pháo kích vào khu phức hợp nhà máy nói trên 3 lần trong 24 giờ qua. “Tổng cộng 17 quả đạn đã được bắn ra. Trong đó 4 quả trúng vào nóc Tòa nhà đặc biệt số 1” – Bộ Quốc phòng Nga thông tin. Bộ này cho biết thêm 10 quả đạn nổ gần một kho chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và 3 quả rơi xuống gần một tòa nhà có kho chứa nhiên liệu hạt nhân mới. “Mức độ bức xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vẫn bình thường” – người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov thông tin ngày 27-8.
Theo Guardian, trong sáng ngày 27/8 (giờ địa phương), một tên lửa của Nga đã đánh trúng khu vực phố cổ tại thành phố Kharkiv, khiến ít nhất 1 người bị thương. Các hình ảnh tại hiện trường cho thấy, tên lửa đã để lại một hố lớn trên mặt đường, đồng thời phá hủy nhiều cửa kính của các tòa nhà xung quanh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh phát tiền trợ cấp hàng tháng cho những người Ukraine sơ tán sang nước này trước và sau khi chiến sự nổ ra. Sắc lệnh được Tổng thống Nga ký ngày 27/8 quy định chi tiền trợ cấp hàng tháng và một lần cho những người sơ tán đến nước này từ hai vùng ly khai ở Donbass cũng như các khu vực khác trên lãnh thổ Ukraine. Theo đó, người trên 80 tuổi, người tàn tật Ukraine sẽ được hưởng trợ cấp 10.000 ruble (166 USD) mỗi tháng. Phụ nữ có thai được nhận khoản trợ cấp một lần với số tiền tương đương. Sắc lệnh có hiệu lực từ ngày ký, nhưng các khoản trợ cấp sẽ được tính từ ngày 1/7. Người tị nạn từ Ukraine nhập cảnh vào Nga sau ngày 18/2 cũng được hưởng khoản trợ cấp tương tự. Ông Putin từng ký sắc lệnh với mức trợ cấp tương tự vào ngày 18/2, áp dụng với mọi cá nhân đến từ hai vùng ly khai ở Donbass, miền đông Ukraine, gồm Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng.
Theo Guardian, trong ngày 27/8, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đăng tải rất nhiều hình ảnh và thông điệp nhân ngày Hàng không Ukraine. Đây là dịp kỷ niệm thường niên nhằm tôn vinh các phi công quân sự và dân sự, công nhân ngành hàng không và nhân viên vận tải. “Từng bước một, quân đội của chúng ta sẽ quét sạch đối phương. Dù mất nhiều thời gian, nhưng ngày mà đối phương không còn hiện diện ở Zaporizhzhia, miền nam, hay miền tây sẽ tới. Những kế hoạch của đối phương sẽ tan biến như sương sớm trong nắng mai, và lực lượng vũ trang của chúng ta là mặt trời.
Chúc mừng
ngày Hàng không Ukraine”, ông Zelensky viết trên Telegram.
Theo RT, ngày 27/8, Lầu Năm Góc đã ký một thỏa thuận trị giá 182 triệu USD với Raytheon (Mỹ) để sản xuất hệ thống tên lửa phòng không NASAMS cho quân đội Ukraine. Hệ thống này sẽ được chế tạo tại các cơ sở của Raytheon ở Tewksbury, Massachusetts và dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2024. Trước đó vào đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 3 tỷ USD cho Ukraine trong bối cảnh xung đột với Nga ngày một leo thang. 6 hệ thống NASAMS trong thỏa thuận với Raytheon là một phần của gói viện trợ mới. Hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine được thực hiện như một phần của Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), có nghĩa là các hệ thống vũ khí viện trợ sẽ được sản xuất riêng cho Kiev hoặc lấy từ kho dự trữ của quân đội Mỹ.
Trang tiếng Đức của Business Insider ngày 27/8 dẫn một báo cáo mật của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho thấy không quân Nga đã chuyển 10 tiêm kích trên bán đảo Crimea về lục địa. Trong số này có 6 tiêm kích Su-35S và 4 chiếc MiG-31BM. Đây được coi là một phần trong nỗ lực phân tán lực lượng không quân của Moskva ở Crimea, sau loạt vụ tấn công nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự trên bán đảo, gây thiệt hại lớn cho lực lượng Nga. Không quân Nga được cho là triển khai 32 chiến đấu cơ đồn trú tại Crimea, đa số là tiêm kích Su-27.
Bộ Dầu khí Na Uy sẽ không ép các công ty năng lượng bán khí đốt cho châu Âu với giá chiết khấu, vì điều này trái quy luật thị trường. “Tôi không theo đuổi chính sách yêu cầu các công ty năng lượng Na Uy ký hợp đồng bán khí đốt cho châu Âu với mức giá cố định”, Bộ trưởng Dầu khí Na Uy Terje Asland viết trong thư gửi quốc hội ngày 25/8. Tuyên bố được Bộ trưởng Asland đưa ra sau khi một nghị sĩ đề xuất Na Uy nên thể hiện tình đoàn kết và chia sẻ khó khăn với Liên minh châu Âu (EU) bằng cách yêu cầu các công ty nước này bán khí đốt với giá cố định thấp hơn mức giá thị trường hiện tại. Theo Asland, hoạt động thị trường cần tuân theo quy luật cung cầu. “Khi hàng khan hiếm, giá sẽ cao. Điều đó sẽ góp phần tăng sản lượng và chuyển hướng khí đốt tới những thị trường cần nhất”, ông nói. Ông thêm rằng thay vì giảm giá, Na Uy nên tập trung cung cấp nhiều khí đốt nhất có thể cho châu Âu, để đáp ứng nhu cầu tăng cao và duy trì vị thế là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy.
Nga ngăn Liên Hợp Quốc thông qua tuyên bố chung sau 4 tuần họp về hạt nhân, chỉ trích nội dung văn bản “có tính chính trị”. Phái đoàn các quốc gia trên thế giới tham dự Hội nghị Đánh giá Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, từ ngày 1 đến 26/8. Hội nghị, từng hoãn tổ chức nhiều lần từ năm 2020, không ra tuyên bố chung do vấp phải sự phản đối từ Nga. “Phái đoàn của chúng tôi có phản đối quan trọng với một số đoạn văn bản có tính chất chính trị trắng trợn”, đại diện phái đoàn Nga Igor Vishnevetsky nói, thêm rằng dự thảo tuyên bố chung dài hơn 30 trang thiếu “cân bằng”. Chủ tịch hội nghị Gustavo Zlauvinen, từ Argentina, nói hội nghị “không thể đạt đồng thuận” vì Nga có vấn đề với dự thảo tuyên bố chung. Ông Vishnevetsky cho biết Moskva không phải bên duy nhất phản đối. Theo các nguồn thạo tin, Nga phản đối các đoạn có nội dung về nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine. Dự thảo bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về các hoạt động quân sự gần các nhà máy điện của Ukraine, trong đó có Zaporizhzhia, việc Kiev mất quyền kiểm soát các cơ sở này và tác động đến tính an toàn.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết nước này sẽ cung cấp thiết bị rà phá bom mìn tự hành dưới nước và đào tạo kỹ năng điều khiển chúng cho quân nhân Ukraine, để giúp bờ biển Ukraine an toàn cho xuất khẩu ngũ cốc. Theo báo Guardian ngày 27-8, Bộ Quốc phòng Anh thông báo London sẽ cung cấp các thiết bị nói trên cho Kiev, và đào tạo quân nhân Ukraine tại Anh về cách sử dụng các thiết bị này trong rà phá bom mìn dọc bờ biển Ukraine. Cụ thể, Hải quân Hoàng gia Anh và đối tác Mỹ sẽ hướng dẫn hàng chục quân nhân Ukraine cách dùng các thiết bị rà phá bom mìn tự động nói trên trong vài tháng tới. Một số quân nhân Ukraine đã bắt đầu đợt đào tạo này. Bên cạnh đó, Chính phủ Anh sẽ cung cấp 6 thiết bị rà phá bom mìn cho Ukraine, bao gồm 3 thiết bị từ kho dự trữ của Anh, và 3 thiết bị được mua từ ngành công nghiệp của nước này. Các thiết bị tự hành hạng nhẹ này có thể được sử dụng tại các khu vực ven biển có độ sâu nông. Chúng được thiết kế để hoạt động ở độ sâu tới 100m để phát hiện, định vị và xác định bom mìn thông qua các cảm biến.
Ngày 27/8, Dell Technologies Inc. thông báo đã ngừng mọi hoạt động tại Nga sau khi đóng cửa văn phòng vào giữa tháng 8 này. Công ty máy tính của Mỹ này, vốn là nhà cung cấp máy chủ quan trọng ở Nga, đã tham gia cùng những doanh nghiệp khác trong việc hạn chế các hoạt động kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2. Sau đó, các nước phương Tây đã có động thái trừng phạt Nga bằng một loạt các biện pháp, bao gồm đóng cửa không phận đối với máy bay Nga, loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tin nhắn thanh toán quốc tế SWIFT và hạn chế khả năng sử dụng 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga. Vào tháng Hai, Dell đã “đưa ra quyết định không bán, cung cấp dịch vụ hoặc hỗ trợ các sản phẩm ở Nga, Belarus và các khu vực Donetsk và Luhansk của Ukraine, bên cạnh Crimea vốn đã bị cấm vận”. Cũng theo người phát ngôn của Dell Mike Siemienas, vào giữa tháng Tám, hãng này đã đóng cửa các văn phòng của mình và ngừng mọi hoạt động tại Nga. Bộ Công thương Nga cho biết, nhiều nhà nghiên cứu và kỹ sư làm việc cho Dell ở Nga đã nhận được đề xuất về công việc mới, sau khi tin tức truyền thông cho biết công ty này đã hoàn toàn rút khỏi Nga.
Giá năng lượng ở Anh sẽ tăng hơn 80% đối với các hộ gia đình trung bình, sau khi cơ quan quản lý năng lượng Ofgem của nước này thông báo giới hạn giá sẽ tăng từ mức 1.971 bảng lên 3.549 bảng Anh mỗi năm vào ngày 1/10 tới. Giới hạn mới đặt ra mức giá tối đa mà các nhà cung cấp năng lượng có thể tính cho mỗi đơn vị nhiên liệu từ tháng 10 đến tháng 12/2022 và phản ánh chi phí mua năng lượng trên thị trường bán buôn cũng như cung cấp cho các hộ gia đình. Giám đốc điều hành của Ofgem Jonathan Brearley cho biết ông dự kiến giá trần sẽ tăng sau khoảng thời gian này, làm tăng thêm áp lực chi phí sinh hoạt mà các hộ gia đình ở Anh phải đối mặt. Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn vài phút sau thông báo từ Ofgem, ông Brearley nêu rõ: “Chúng tôi chấp nhận áp lực giá cả đáng kể, không chỉ từ hôm nay, mà còn cho đến hết tháng 1/2023 và có khả năng sang năm sau”, lưu ý giá có khả năng tiếp tục tăng bởi vì “mọi thứ đã thay đổi quá nhanh chóng”. Ông Brearley thừa nhận giá năng lượng tăng cao phần lớn là do cuộc xung đột của Nga với Ukraine và gây ra khó khăn đáng kể trong mùa Đông, đồng thời kêu gọi thủ tướng mới cùng Nội các của Anh đưa ra “phản ứng khẩn cấp”. Ông Brearley nói: “Điều này nằm ngoài khả năng của cơ quan quản lý và ngành giải quyết . Thủ tướng mới cùng với các bộ của mình sẽ cần phải hành động khẩn cấp và quyết liệt để giải quyết vấn đề này”.
Ảnh 1: Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở vùng Zaporizhzhia, miền nam Ukraine hôm 22-8 – Ảnh: REUTERS
Ảnh 2: Các nhân viên cứu trợ khẩn cấp Ukraine đang diễn tập cứu người trong một cuộc diễn tập chống thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: NYT
Ảnh 3: Hố bom lớn xuất hiện trên đường phố Kharkiv ngày 27/8. Ảnh: AP
C.T.
Nguồn: FB Cù Tuấn
Xem thêm:
Hơn 200 lính Putin phơi xác dưới mưa tên lửa, Căn cứ Nga ở Luhansk bị Himars san phẳngHTD News 247 / 28/8/2022 |