Nhà báo
Hạ tầng mặt đất không theo kịp tốc độ phát triển của ngành hàng không, khiến tàu bay phải lượn lòng vòng trên trời chờ hạ cánh; trong khi dưới mặt đất xuất hiện tình trạng tài xế "chặt chém" ở sân bay.
Tàu bay tìm chỗ đáp như… xe hơi tìm chỗ đậu
Ông Phạm Ngọc Minh, khi còn là Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, từng cùng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (thời điểm đó) vào TP.HCM dự một hội nghị bàn, tháo gỡ tắc nghẽn sân bay Tân Sơn Nhất. Nào ngờ, tàu bay của ông Minh cũng phải bay lòng vòng trên trời và mất 2 tiếng 40 phút mới hạ cánh được. Khi đến hội nghị thì đã trễ giờ.
Thông tin trên được Phó Tổng Giám đốc Vietjet – ông Đỗ Xuân Quang đưa ra làm dẫn chứng khi đề cập tới thực trạng hạ tầng giao thông phục vụ ngành hàng không trong nước. Theo ông, hạ tầng mặt đất kém, đáng lý hạ tầng cơ sở phải đi trước nhưng đây lại đi sau, thiếu so với sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không hiện nay.
Nhìn vào các khu vực check-in tại Nội Bài hay Tân Sơn Nhất thì quá đông và không thể đảm bảo lịch bay. Ngoài ra, diện tích mặt đất chật chội, đường bay không đủ để nhiều chuyến bay hạ cánh cùng một lúc.
Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, thiếu chỗ đỗ và đường cất hạ cánh
“Sân bay Tân Sơn Nhất có 83 sân đỗ mà có 200 chuyến bay tới một lúc thì sao đỗ? Do đó, nhiều chuyến phải bay chờ lòng vòng trên trời trước khi hạ cánh. Máy bay hạ cánh mà như tìm chỗ đậu xe vậy”, ông Quang nói.
Tương tự, Phó Giám đốc Vietnam Airlines – Chi nhánh miền Nam, bà Ngô Thị Thu Hiền, cho hay, có những ngày hãng khai thác gần 400 chuyến bay nhưng để xin được slot (vị trí) để làm dịch vụ cho hành khách thì rất khó khăn. Dẫn tới quá trình phục vụ của ngành bị ảnh hưởng.
Chưa kể, sân bay này được phép hoạt động với tần suất cất hạ cánh không quá 48 chuyến/giờ, trong khi nhiều phi công điều khiển máy bay chiếm dụng đường cất hạ cánh lâu hơn thời gian cho phép, khiến việc điều hành không lưu bị chậm lại. Việc thiếu đường ống lồng cũng làm cho thời gian hành khách lên xuống máy bay mất đến 20-30 phút mỗi chuyến. Thời gian máy bay lăn ra đường băng để cất cánh cũng mất 15-20 phút.
Theo đại diện Vietnam Airlines, thời điểm này còn chưa khai thác lại toàn bộ 100% công suất các đường bay quốc tế, nếu sắp tới đẩy mạnh tiếp nhận khách quốc tế thì vai trò vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, các cảng hàng không rất quan trọng.
Cho nghỉ việc tài xế taxi “chặt chém” hành khách
Tại buổi họp báo mới đây, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM – ông Bùi Hòa An cho biết, lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 120.000 lượt khách đi đến/ngày, tương đương 40 triệu lượt khách/năm. Nghịch lý, sân bay chỉ có một lối ra vào trên đường Trường Sơn, tập trung lượng lớn người và phương tiện, trong khi, một số tuyến đường xung quanh thì chưa được đầu tư, xây dựng đúng quy hoạch. Tình hình giao thông quanh khu vực sân bay phức tạp, dễ xảy ra ùn tắc khi có sự cố tai nạn, hoặc vào ngày cuối tuần, các dịp lễ, Tết.
Còn theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2022, số lượng hành khách đi và đến Tân Sơn Nhất ước đạt hơn 18,3 triệu lượt hành khách (tăng 94,5% so với cùng kỳ). Khách quá đông dẫn đến nhu cầu về phương tiện vận chuyển tăng vọt và không thể đáp ứng. Từ đó, xuất hiện tình trạng thét giá “cắt cổ”, bát nháo khi hành khách bắt xe trong sân bay.
Trước phản ánh trên, ông Tạ Long Hỷ – Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM – khẳng định, thực trạng “chặt chém” là hành vi nghiêm trọng cần phải xử lý, các hãng sẽ đình chỉ hoặc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với tài xế vi phạm.
Một số DN taxi đã có văn bản mới xác định lại lỗi, xử lý rất nặng các hành vi như từ chối cuốc khách gần; chạy lòng vòng vẽ đường; không trả lại tiền lẻ hoặc thu cước cao hơn giá đồng hồ. Đối với lỗi về đạo đức nghề nghiệp như khách đi gần thì tỏ về khó chịu, nhăn nhó, không hỗ trợ khách đưa hành lý xuống xe cũng sẽ bị các hãng áp dụng chế tài nặng.
“Tài xế kiếm được khoảng 500.000 đồng – 1 triệu đồng/ngày mà sơ suất sẽ bị đình chỉ 5 ngày là rất nặng. Họ còn phải nuôi vợ con, gia đình”, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM chia sẻ.
Cũng theo ông Hỷ, khi người dân phản ánh về chất lượng dịch vụ taxi thì ngay lập tức các hãng xe có thể căn cứ lịch sử hành trình, truy tìm ra tài xế đó là ai, chỉ cần có thông tin xe, thời gian, địa điểm. Đây cũng là cơ hội cho DN kinh doanh taxi tìm ra các lái xe không có đạo đức nghề nghiệp còn ẩn mình trong đội xe để thanh lọc, xử lý nghiêm.
T.C.
Nguồn: Vietnamnet