Có thể hiểu đây là cách Thủ tướng kịp thời tự chất vấn – tự trả lời trước cử tri trong cả nước, thay vì phải chờ đợi cơ hội trả lời chất vấn của các đại diện cho cử tri tại Quốc hội, hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội? “Có thể hiểu như vậy. Và tôi cho đây là một cách cũng hay. Ông đã biết cách làm xì bớt hơi “quả bóng dư luận” đang sắp nổ tung”.
“Một khi vẫn còn cái ông lớn chủ đạo [Doanh nghiệp nhà nước] vẫn ngốn hết nguồn lực của đất nước và thâu tóm hết quyền thiết kế chính sách có lợi cho mình, thì làm sao thằng nhỏ động lực ấy [Doanh nghiệp tư nhân] tăng tốc được”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
LTS: Gặp gỡ & Đối thoại thứ Năm tuần này là cuộc trò chuyện với bà Phạm Chi Lan – một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam – xung quanh một sân chơi chung cho ông lớn chủ đạo (doanh nghiệp nhà nước) và thằng nhỏ động lực (doanh nghiệp tư nhân).
Một thông điệp đa nghĩa
– Thưa bà, xin bà cho biết về ấn tượng của mình đối với bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được đăng tải toàn văn trên nhiều tờ báo chính thống của Việt Nam?
Câu hỏi đầu tiên nảy ra trong đầu tôi là tại sao Thủ tướng lại đưa bài viết đó ra vào lúc này. Rồi tôi cũng tự trả lời rằng chắc mục đích của bài viết gián tiếp trả lời câu hỏi về Vinashin, rộng hơn nữa là về các tập đoàn kinh tế, hiện đang gây bức xúc trong dư luận.
Hơn nữa, bài viết cũng là câu trả lời cho thắc mắc của dư luận về việc chuyển đổi hơn một ngàn DNNN thành công ty TNHH một thành viên, bởi không ai biết sự chuyển đổi này có mang lại sự cạnh tranh bình đẳng như tinh thần của Luật Doanh nghiệp hay không.
Hay trong hội nghị tổng kết 3 năm gia nhập WTO, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã đặt câu hỏi về đề án tái cấu trúc nền kinh tế, như một mối quan tâm lớn nhất hiện nay. Ngay tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, các đại biểu cũng đã chất vấn rằng tại sao Chính phủ không trình ra Quốc hội đề án tái cấu trúc nền kinh tế.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã trả lời rằng tại không thấy Quốc hội hỏi, nên không trình. Kiểu như, hết giờ thi mà giám thị không yêu cầu nộp bài thì thí sinh cũng không nộp.
Tôi nghĩ để giải đáp một loạt vấn đề gắn kết với nhau như vậy, Thủ tướng đã đưa ra bài viết này.
– Như vậy, có thể hiểu đây là cách Thủ tướng kịp thời tự chất vấn – tự trả lời trước cử tri trong cả nước, thay vì phải chờ đợi cơ hội trả lời chất vấn của các đại diện cho cử tri tại Quốc hội, hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội?
Có thể hiểu như vậy. Và tôi cho đây là một cách cũng hay. Ông đã biết cách làm xì bớt hơi “quả bóng dư luận” đang sắp nổ tung.
– Về nội dung, theo bà, có những điểm mới gì?
Trước hết, về tổng thể, đây là một bản tổng kết khá đầy đủ nội dung chính của các nghị quyết của Đảng. Chẳng hạn, như tư duy về môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, hay việc coi trọng vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong một nghị quyết riêng của Đảng. Và, nói chung, văn bản nghị quyết của Đảng đã được cụ thể hóa trong hệ thống luật, như luật đầu tư, luật doanh nghiệp, hay luật thuế… Trên mặt bằng luật pháp khó tìm thấy sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Có hai điều tôi cho là mới. Một là “khu vực doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển”, và hai là tư duy “phát triển nhanh và bền vững”.
– Với việc khẳng định vai trò động lực của khu vực tư nhân, như lời của Thủ tướng, bà có tin khu vực này có cơ hội phát triển và đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế trong 10 năm tới hay không?
Tôi chỉ có thể trả lời câu hỏi này, nếu Thủ tướng giải thích rõ thêm vai trò động lực của khu vực tư nhân khác với vai trò chủ đạo của DNNN, cũng được nêu trong bài viết, như thế nào. Còn theo cách hiểu chung của xã hội qua các trải nghiệm từ trước đến nay, chủ đạo có nghĩa là bao trùm tất cả.
Từ khi có Luật Doanh nghiệp ra đời, rõ ràng doanh nghiệp tư nhân đã nở về số lượng, nhưng về chất lượng thực ra không tăng là bao, và không có những doanh nghiệp tư nhân nổi lên thành đầu đàn được.
Trong danh sách 500 công ty lớn nhất Việt Nam do VietNamNet Report (VNR500) công bố, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân có 27%, trong đó phần lớn là các DNNN đã cổ phần hóa. Những doanh nghiệp tư nhân phát triển tự thân khác mà lớn được lại có sự đóng góp rất lớn của Nhà nước dưới dạng cổ phần. Còn doanh nghiệp tư nhân lớn bằng chính năng lực của mình chỉ quanh quẩn đếm trên đầu ngón tay, như Kinh Đô, Thái Tuấn, Đồng Tâm, Trường Hải, hay Xuân Kiên…
Doanh nghiệp tư nhân chỉ trở thành động lực chỉ trong điều kiện chính sách thay đổi. Bởi, một khi vẫn còn cái ông lớn chủ đạo vẫn ngốn hết nguồn lực của đất nước và thâu tóm hết quyền thiết kế chính sách có lợi cho mình, thì làm sao thằng nhỏ động lực ấy tăng tốc được. Và, như vậy, câu hỏi ở đây là vai trò động lực nằm ở đâu trong sự bao trùm của vai trò chủ đạo ấy.
Hay nói cách khác, kể mà Thủ tướng kèm thêm vào tuyên bố nói trên quyết tâm đi theo hướng đó, và nói rằng ông sẽ chỉ đạo thay đổi cơ bản về chính sách phân bổ đất đai, các nguồn lực tài nguyên, hay chia tay dứt khoát với các ưu đãi tín dụng, hay quyền kinh doanh xưa nay vẫn dành cho DNNN, không chỉ tôi mà hầu hết người dân Việt Nam sẽ hoàn toàn tin tưởng vào tuyên bố của Thủ tướng.
– Về cái mới thứ hai, bà có tin rằng Việt Nam vừa có thể đạt hai mục tiêu vừa phát triển nhanh, vừa bền vững không, khi mà trên thực tế, trong giai đoạn vừa qua để đảm bảo mục tiêu đầu tiên chúng ta đã phải hy sinh mục tiêu thứ hai?
Đây đúng là mô hình tăng trưởng “vô tiền khoáng hậu” của Việt Nam, bởi theo tôi biết, chưa nước nào trên thế giới dám nghĩ, chưa nói đến thực hiện mô hình này. Theo tôi, tư duy về mô hình tăng trưởng cũ vẫn còn ngự trị, và Việt Nam trong những năm tới vẫn hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh. Thủ tướng khẳng định điều này khi đề cập trong bài viết của mình là trong những năm đầu Việt Nam vẫn ưu tiên phát triển theo chiều rộng, trước khi chuyển dần sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.
Tái cấu trúc kinh tế: Đừng đi lại vết xe đổ
– Nhân nói về mô hình tăng trưởng, Thủ tướng có dành nhiều đất cho đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Bà nhận định như thế nào về quan điểm tái cấu trúc kinh tế thể hiện trong bài viết?
Tư tưởng tái cấu trúc ban đầu là đánh giá lại cái cấu trúc từ trước đến nay, và vạch ra một loạt bất ổn của nó. Trên cơ sở đó, những người soạn thảo yêu cầu tái cấu trúc, tức là thay đổi lại hoàn toàn mô hình tăng trưởng.
Đặc điểm lớn nhất của mô hình tăng trưởng cũ là tăng trưởng theo chiều rộng, như Thủ tướng đã thừa nhận, tức là dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ và đầu tư vốn, cũng như dựa vào lực lượng chính là DNNN, coi khu vực này là động lực và trụ cột cho phát triển.
Trên thực tế, nhiều khi không phải cái ngành được chọn sai, nhưng DNNN được giao trọng trách làm việc đó lại làm sai. Chẳng hạn, ngành đóng tàu có thể là một ngành Việt Nam có lợi thế, nhưng cách thức phát triển rõ ràng là sai, khi dồn hết mọi nguồn lực cho một mình Vinashin. Hay ngành thép, hay xi măng kém cạnh tranh cũng là những ví dụ khác, khi TCT Thép, hay TCT Xi măng được giao vai trò đầu tàu.
Nói tóm lại, phát triển ngành của Việt Nam sai và méo mó, với lượng vốn thâm dụng lớn mà không có năng lực cạnh tranh bởi vì gắn cùng với vai trò của DNNN. Nếu những ngành tự thị trường xác định, và doanh nghiệp tự tìm thấy cơ hội để làm, thì không có chuyện như vậy.
Chẳng hạn dệt may, Vinatex với hơn 30% thị phần, đã phải chấp nhận cạnh tranh với tư nhân trong và ngoài nước, và tập đoàn này đã tồn tại được trên thị trường. Hay đồ gỗ vốn không nằm trong hoạch định ban đầu của Nhà nước, và kể cả chiến lược xuất khẩu không có dòng nào nói tới ngành đồ gỗ của Việt Nam cả, các nhà sản xuất đã tìm cách phát triển, và bây giờ ngành công nghiệp đã trở thành ngành xuất khẩu mũi nhọn.
– Có ý kiến cho rằng trong bản dự thảo ban đầu của đề án tái cấu trúc, các nhà soạn thảo chỉ mới chỉ ra những cái dở của mô hình cũ, của những ngành cũ, chứ chưa đưa ra được những ngành mới để thay thế. Quan điểm của bà?
Theo tôi, không nhất thiết phải đưa ra, bởi chỉ cần chỉ ra ngành nào bất ổn trong cạnh tranh với nước ngoài, mà lại ngốn rất nhiều vốn và nguồn lực thì nên dẹp đi. Còn làm gì phải dựa trên thị trường, và cứ thu hút nguồn lực từ nước ngoài, từ xã hội. Chỉ có tránh bài học cũ là khai thác tài nguyên quá xá, lao động giá rẻ quá xá, và thâm dụng quá nhiều vốn mà thiếu hiệu quả.
Nói về tái cấu trúc ngành, tôi cho có hai điều quan trọng cần nhấn mạnh là nông nghiệp và dịch vụ.
– Chiến lược phát triển của Việt Nam là ưu tiên công nghiệp hóa để đến năm 2020 bước vào hàng ngũ các nước công nghiệp mới. Tại sao vẫn phải tập trung vào nông nghiệp, thưa bà?
Thứ nhất, nông nghiệp vẫn còn quan trọng và vẫn có cơ sở để phát triển được cho bản thân nó, cũng như làm cơ sở cho phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ liên quan. Trên thực tế, cơ cấu dân số làm nông nghiệp khiến cho chúng ta không có cách nào chuyển đổi nhanh khu vực này.
Chứ còn làm theo cách đổ tiền vào công nghiệp và rút bớt từ nông nghiệp là không ổn, bởi nhiều ngành công nghiệp vẫn thiếu cạnh tranh, trong khi nông nghiệp lại bị kìm hãm. Nếu trợ cấp cho nông nghiệp đủ 10% giá trị tổng sản lượng như WTO cho phép, thì cũng cho nông nghiệp đủ khả năng bứt lên. Thế giới họ công nhận là mình có những mặt hàng đứng nhất nhì thế giới như gạo, cà phê, tiêu, điều…, và bây giờ chỉ cần tăng chất lượng và vị thế trên thị trường thôi.
Đồng thời, phải có những ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ khoa học – công nghệ, cùng tham gia với nông nghiệp. Riêng tổ chức lại thị trường cũng khiến cho nông sản Việt Nam có vị thế lớn hơn. Chẳng hạn gạo thì hiện do hai tổng công ty lớn ở hai miền, nhất là TCT Lương thực miền Nam, thao túng thị trường. Cà phê cũng do Vinacafe quyết định gần hết về thị trường, giá cả.
Trong các hiệp hội xuất khẩu nông sản, nếu vai trò của DNNN quá lớn và lấn át hết thì ngành đó không phát triển tốt được. Nhưng ở đâu doanh nghiệp tư nhân có tiếng nói tốt, và DNNN biết thân biết phận hơn, thì ngành đó phát triển tốt. Chẳng hạn, về thủy sản, Minh Phú có vai trò xuất khẩu lớn hơn hẳn so với Seaprodex, nên ngành thủy sản phát triển.
– Việt Nam chưa bao giờ đạt được việc đưa dịch vụ đạt 40% GDP như nghị quyết đại hội Đảng đề ra. Lý do vì sao, thưa bà?
Trong 150 phân ngành dịch vụ của WTO, Việt Nam có mỗi cái dịch vụ thương mại khả dĩ hơn cả, và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị gia tăng của lĩnh vực dịch vụ.
Nhìn vào chuỗi giá trị gia tăng của mọi mặt hàng, ai cũng thấy 60-70% giá trị gia tăng đều nằm ở dịch vụ ban đầu về khoa học công nghệ, như nghiên cứu thiết kế sản phẩm, và phần dịch vụ thương mại đằng sau, gồm tiếp thị và phân phối. Còn khâu sản xuất là khâu giá trị gia tăng ít nhất, thế mà Việt Nam vẫn cứ thích lao vào khúc giữa. Theo tôi, lý do không đạt là vậy đấy.
Tạo cơ hội cho người dân được tham gia thảo luận
– Tuy chưa hoàn toàn hài lòng với nội dung được đề cập trong bài viết của Thủ tướng, nhưng với cách ông đã xuất hiện để trả lời phần nào đó những băn khoăn của người dân, bà có nghĩ đây là một cách ứng xử tích cực, hay sự đổi mới trong tư duy lãnh đạo và điều hành không?
Mọi người đang chờ Đảng công bố các văn kiện lấy ý kiến của người dân, mà bây giờ Thủ tướng nêu một số vấn đề mấu chốt ra để dư luận có thể tham gia đóng góp thì là một điều hoàn toàn có ý nghĩa tích cực.
Theo kế hoạch, tháng 10 mới công bố, và chỉ cho một tháng để lấy ý kiến là quá ngắn. Theo tôi, nếu đúng Thủ tướng có cả ý định như vậy, ông đã làm một việc rất tốt là tạo cơ hội cho mọi người có thể quan tâm và tham gia trao đổi các vấn đề này từ sớm.
– Liệu hành động vừa rồi của người đứng đầu Chính phủ có thể cũng khiến bên Đảng công bố sớm hơn các văn kiện, bởi đằng nào những quan điểm căn bản và cốt lõi mọi người cũng đã biết rồi?
Tôi không chắc lắm liệu bài viết của Thủ tướng có mang lại hiệu ứng đó hay không. Nhưng kể mà hồi có kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với Vinashin, Thủ tướng cũng phản ứng kịp thời như vậy thì hay biết bao.
Tôi đã rất chờ đợi Thủ tướng lên tiếng. Ông có thể nói “Tôi đồng tình với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, và sẽ nghiêm khắc kiểm điểm bộ máy của mình“.
Rồi ông đặt câu hỏi với các Bộ được phân công kiểm soát và giám sát các tập đoàn: “Tôi giao cho các đồng chí kiểm soát và giám sát về mặt nọ mặt kia, mà các đồng chí đã làm những gì, mà cuối cùng sự thể lại ra thế này?” Rồi Thủ tướng có thể chuyển tiếp một thông điệp tới các tập đoàn kinh tế nhà nước, cũng như khối DNNN nói chung, rằng họ phải lấy Vinashin là bài học đau đớn nhất để tránh xa ra. Như vậy, đỡ đi nhiều dư luận trái chiều.
Trên thực tế, sự đồng tình của ông đã thể hiện bằng hành động khi ra lệnh đình chỉ công tác với Chủ tịch Vinashin và cho Thanh tra Chính phủ vào cuộc.
Đây cũng là cách xây dựng hình ảnh đối với một vị Thủ tướng vốn khá thành công đối với quốc tế. Thủ tướng xưa nay được tiếng là quyết liệt, và đã thành công trong một số trường hợp. Chẳng hạn chống lạm phát đầu năm 2008 với các nhóm giải pháp, và ngay năm đó chặn được đà gia tăng lạm phát. Việc chống khủng hoảng dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng cũng rất tập trung và quyết liệt, giúp cho đất nước ta không bị rơi vào khủng hoảng nặng nề như các nước khác.
Rõ ràng, với những thành công đáng tự hào về điều hành kinh tế đó, Thủ tướng rất nên tiếp tục phát huy với những vấn đề dài hạn hơn như tái cấu trúc nền kinh tế, và mang tinh thần quyết liệt đó vào những chính sách, hành động cụ thể.
Chính vì vậy, tôi cũng rất chờ đợi bài viết thứ hai của Thủ tướng, hay như cách anh nói, là bản trả lời tự chất vấn của ông.
Xin cám ơn bà!
HP
Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-07-22-mot-thong-diep-da-nghia