Hà Nội có thật lòng muốn “hoà hợp, hoà giải dân tộc” qua vụ ông Tô Văn Lai?

Diễm Thi, RFA

2022.07.22

Vụ ông chủ hai trung tâm Thuý Nga và Thuý Nga Paris qua đời báo chí nhà nước Việt Nam vừa loan tin đã vội rút xuống khiến dư luận đặt dấu hỏi, liệu Chính phủ Hà Nội có thật lòng muốn hoà hợp, hoà giải dân tộc?

clip_image002

Ông Tô Văn Lai. Facebook Thuy Nga – Paris By Night

Chuyện không lạ?

“Tất cả các báo đều viết về ông Tô Văn Lai, chỉ có báo VietNamNet và báo Nhân Dân là không đăng thôi. Nhưng các báo kia đăng buổi sáng và đến buổi trưa là đồng loạt gỡ xuống hết. Theo tôi, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn nói hòa hợp, hòa giải dân tộc và không còn sự đố kỵ những người chế độ cũ, những người Việt ở nước ngoài… nhưng cách hành xử của họ thì khác hẳn”.

Đó là nhận định của ông Thái Văn Đường, người thường xuyên theo dõi và đưa tin về những bất công trong xã hội Việt Nam, nói với RFA ngày 21 tháng 7 năm 2022, ba ngày sau khi ông chủ Trung tâm Thuý Nga qua đời tại Mỹ.

 

Tất cả các báo đều viết về ông Tô Văn Lai, chỉ có báo VietNamNet và báo Nhân Dân là không đăng thôi. Nhưng các báo kia đăng buổi sáng và đến buổi trưa là đồng loạt gỡ xuống hết. Theo tôi, ĐCSVN luôn luôn nói hòa hợp, hòa giải dân tộc và không còn sự đố kỵ những người chế độ cũ, những người Việt ở nước ngoài… nhưng cách hành xử của họ thì khác hẳn.

Thái Văn Đường

Hôm 19 tháng 7 năm 2022, sau khi ông Tô Văn Lai qua đời, các tờ báo lớn của Nhà nước Việt Nam như báo Thanh Niên, Pháp Luật, Người Lao Động, Dân Trí, Tiền Phong… đều có những bài viết về ông rất kịp thời. Tuy nhiên, chỉ vài tiếng sau, tất cả các tin, bài đã bị rút xuống, không còn có thể truy cập được mà không có lời giải thích.

Hai ngày sau đó, trên trang Facebook của báo Pháp Luật vẫn còn nội dung về sự qua đời của ông Tô Văn Lai và đường dẫn vào trang web nhưng hầu như không thể truy cập được.

Việc báo chí Nhà nước đồng loạt đăng tin rồi đồng loạt gỡ không phải là chuyện lạ.

Cách đây hai năm, báo chí Việt Nam đăng thông tin Thủ tướng lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi bài thơ trong phong trào chống COVID-19 của cô giáo Chu Ngọc Thanh có tựa “Đất nước ở trong tim”. Nhưng chỉ sau vài tiếng, các bài viết trên đều đồng loạt bị gỡ bỏ. Có ý kiến cho rằng, do bài thơ có vần điệu hơi giống bài “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của cô giáo Trần Thị Lam sáng tác năm 2016 và bị Công an Hà Tĩnh “nhắc nhở” không nên phát tán, tạo hiệu ứng xấu cho xã hội.

Đối với câu chuyện về sự ra đi của ông Tô Văn Lai mà báo nhà nước “cẩn trọng” quá mức, Nhà báo Đỗ Cao Cường từng làm báo Pháp Luật nêu quan điểm của ông với RFA:

“Hồi xưa có những bài báo tôi viết cũng bị gỡ xuống. Cái này là do chỉ đạo thôi. Nó cũng giống như những đứa trẻ trong gia đình có cha mẹ khó tính. Cho ăn gì mới được ăn, cho làm gì mới được làm. Trung tâm Thúy Nga rất phổ biến ở Việt Nam. Trên tàu hỏa, xe khách… đâu đâu người dân cũng chăm chú theo dõi các chương trình được phát trên băng đĩa.

Việc viết những bài ca ngợi xong rút xuống nó giống như trò trẻ con.

Hành động đó thiếu tôn trọng cả giới làm nghệ thuật lẫn khán giả. Thiếu tôn trọng gia đình người mất. Thiếu tôn trọng cả những người có sự đóng góp rất lớn cho việc kết nối âm nhạc với nghệ sĩ và khán giả trong, ngoài nước, để người Việt trong và ngoài nước có một món ăn tinh thần”.

clip_image004

Hình ảnh của ông Tô Văn Lai và vợ là người sáng lập ra Trung tâm Thuý Nga. Hình: Trung tâm Thuý Nga

Nói một đàng, làm một nẻo…

Với những gì báo chí Nhà nước vừa bị “chỉ đạo” thực hiện qua vụ ông Tô Văn Lai, ông Thái Văn Đường, nhận định:

“Họ nói với cả quốc tế và người dân trong nước là hòa hợp, hòa giải dân tộc nhưng qua trường hợp ông Tô Văn Lai vừa rồi hay trường hợp ca sĩ Đan Nguyên. Hồi tháng 5 vừa qua khi Đan Nguyên về nước thì báo chí cũng viết bài ca ngợi Đan Nguyên làm từ thiện, nhưng khi ca sĩ này rời Việt Nam, báo chí trong nước cũng đồng loạt gỡ tin. Có nghĩa, miệng thì nói hòa hợp hòa giải nhưng trong tâm họ khác hoàn toàn”.

Có thể nhắc lại vụ việc của ca sĩ Đan Nguyên như sau: Hồi tháng 5 năm 2022, ca sĩ Đan Nguyên, một ca sĩ hải ngoại về Việt Nam làm từ thiện, lúc bấy giờ bản tin “Đan Nguyên lần đầu về nước làm từ thiện” không được đăng trên báo Tuổi Trẻ, mà lại đăng trên trang web Tuổi Trẻ Cười. Tuy vậy, vài ngày sau, link bài nêu trên cũng bị gỡ bỏ và tòa soạn báo Tuổi Trẻ không đưa ra lời giải thích nào.

Trở lại với câu chuyện báo chí Nhà nước đăng tin, bài về ông Tô Văn Lai rồi gỡ ngay sau đó được Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada bày tỏ với RFA qua ứng dụng Facebook Messenger rằng:

“Ông Tô Văn Lai không phải là người làm chính trị. Ông ấy đơn giản là một người Việt yêu nước, yêu dân tộc, yêu văn hóa, nghệ thuật, mang hết tâm huyết và sản nghiệp để chỉ mong người Việt yêu nước Việt và giữ gìn bản thể văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông ấy quan niệm rằng tiếng Việt còn dù dưới bất kỳ thể hình nào thì người Việt còn, nước Việt còn. Và ông ấy đã chấp nhận gánh vác sứ mệnh đi truyền tải văn hóa Việt đến mọi gia đình người Việt trên thế giới qua những sản phẩm nghệ thuật của Trung tâm Thúy Nga – Paris By Night.

Qua vụ nhà cầm quyền Việt Nam đã cố tình không cho phép các cơ quan truyền thông quốc doanh trong nước đưa tin ông Tô Văn Lai qua đời, một lần nữa bắt buộc tôi phải đặt nghi vấn về thành tâm thiện ý của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc thực hiện chính sách “Hòa hợp Hòa giải, Đại đoàn kết dân tộc”.

Càng nghĩ tôi càng buồn cho nước Việt tôi. Với những người lãnh đạo cầm quyền có những tư duy suy nghĩ như thế này thì làm sao người Việt có thể hòa giải, hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc? Có lẽ cơ hội hòa giải, hòa hợp dân tộc giữa những người Việt sẽ còn rất lâu!”.

Qua vụ nhà cầm quyền Việt Nam đã cố tình không cho phép các cơ quan truyền thông quốc doanh trong nước đưa tin ông Tô Văn Lai qua đời, một lần nữa bắt buộc tôi phải đặt nghi vấn về thành tâm thiện ý của ĐCSVN trong việc thực hiện chính sách “Hòa hợp Hòa giải, Đại đoàn kết dân tộc.

Luật sư Vũ Đức Khanh

Hòa hợp, hòa giải dân tộc là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chính sách nêu rõ: lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm điểm tương đồng, chủ động mở rộng quan hệ với tất cả kiều bào ta định cư ở nước ngoài, không phân biệt ý thức hệ, lịch sử cá nhân, kể cả đối với những người còn định kiến, mặc cảm với chế độ xã hội. Nhà nước ta tạo điều kiện cho mọi người, kể cả những người từng làm việc trong chế độ cũ, có nhiều tội ác với nhân dân được về thăm, đóng góp để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, tiến bộ.

Cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt gần nửa thế kỷ qua, thế nhưng “khẩu hiệu” kêu gọi hòa hợp, hòa giải giữa hai phía với ý thức hệ khác nhau đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Ông Kha Lương Ngãi, nguyên Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng từng trao đổi với RFA qua điện thư rằng, hòa giải hòa hợp dân tộc chỉ đạt được khi ‘bên thắng cuộc’ không thể chỉ là bên có quyền ban phát sự hòa giải.

D.T.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

This entry was posted in Hoà hợp hoà giải. Bookmark the permalink.