Nước Mỹ đang ở trong tâm thế chối từ sự thật

Quá nhiều người Mỹ đang vô tình bác bỏ những đe dọa có thể chứng minh là đại họa sắp tới

Mitt Romney

Trần Ngọc Cư dịch

Tổng thống Joe Biden là một người thực sự tốt, nhưng ông ta vẫn chưa thể giải quyết căn bệnh chối bỏ sự thật, lừa dối và thiếu tin tưởng của quốc gia chúng ta. Sự trở lại của Donald Trump sẽ tiếp tục nuôi dưỡng căn bệnh quái ác đó, có thể biến nó thành bệnh nan y. Quốc hội đặc biệt đáng thất vọng: Các quan chức dân cử của chúng ta thường đặt ngón tay xem chiều gió hơn là chứng tỏ có một cột xương sống vững chắc để chống lại cơn gió chướng. Quá nhiều lần, Washington chứng minh câu châm ngôn cho rằng để cái ác phát triển, chỉ cần những người tốt không làm gì cả.

clip_image002

Ngay cả khi chúng ta chứng kiến ​​các hồ chứa nước ở miền Tây khô cạn, chúng ta vẫn tiếp tục tưới nước cho các sân cỏ của mình, rưới ướt các sân gôn của chúng ta và trồng các loại cây khát nước.

Khi lạm phát gia tăng và nợ quốc gia phình ra khủng khiếp, các chính trị gia cấp tiến vẫn bỏ phiếu cho việc chi tiêu nhiều hơn bao giờ hết.

Khi các tảng băng tan chảy và nhiệt độ kỷ lục tạo nên tin tức buổi tối, chúng ta nghĩ rằng chỉ cần mua một chiếc Prius [chạy điện] và tái chế các hộp đựng đồ từ các chuyến giao hàng Amazon hàng ngày là đủ.

Khi các hãng tin tức truyền hình phát hết video này đến video khác về những người vượt biên trái phép qua biên giới phía nam của quốc gia, nhiều người trong chúng ta chỉ thay đổi kênh TV.

Và khi một cựu thẩm phán liên bang bảo thủ nổi tiếng làm chứng rằng chúng ta đang ở trong một cuộc chiến bảo vệ nền dân chủ của mình và ngày 6 tháng 1 năm 2021, là một cuộc khủng hoảng hiến pháp thực sự, những người trung thành với MAGA chế nhạo rằng ông ta nói năng chậm chạp và mừng rằng hầu hết mọi người không xem.

Điều gì giải thích cho thái độ phớt tỉnh trước mối đe dọa có tiềm năng tận thế? Cánh tả cho rằng cánh hữu có lỗi khi bỏ qua biến đổi khí hậu và các cuộc tấn công vào hệ thống chính trị của chúng ta. Cánh hữu cho rằng cánh tả là vấn đề vì đã bỏ qua làn sóng nhập cư bất hợp pháp và núi nợ quốc gia. Nhưng những mơ tưởng viễn vông đang diễn ra trên khắp lăng kính chính trị. Ngày càng nhiều, chúng ta là một quốc gia đang ở trong tâm thế phủ nhận sự thật.

Tôi đã nhận thấy ​​nhiều lần – ở chính bản thân mình và ở những người khác – một sự thôi thúc mạnh mẽ là tin vào những gì chúng ta hy vọng phù hợp với lý lẽ của mình. Chẳng hạn: chúng ta không cần phải cắt giảm việc tưới nước, bởi vì hạn hán chỉ là một phần của chu kỳ, sẽ tự đảo ngược. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế, bản thân công nợ sẽ tự lo liệu lấy. Ngày 6 tháng 1 là một chiến dịch báo động giả. Một ví dụ điển hình về sự từ chối sự thật có xuất xứ từ Donald Trump: "Tôi đã đắc cử bằng một kết quả long trời lở đất." Có lẽ đây là một chi nhánh của cùng một thứ hoang tưởng đã xui khiến người ta đổ tiền vào máy đánh bạc: Vì tôi thực sự muốn thắng, tôi tin rằng tôi sẽ thắng.

Thúc đẩy khuynh hướng tự nhiên của chúng ta đối với những mơ mộng viễn vông là những lập luận được xây dựng cẩn thận, xác nhận thành kiến ​​từ một bè lũ thông thường gồm những người ngụy biện, những kẻ cắp và những người phủ nhận sự thật. Theo dõi những người bình luận giận dữ trên các bản tin truyền hình cáp, tôi nhớ lại nhận xét của H. L. Mencken: “Đối với mọi vấn đề phức tạp, đều có một giải pháp rõ ràng, đơn giản và sai lầm”.

Khi toàn thể quốc gia không chịu đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, hậu quả sẽ không diễn ra như mong muốn. Trong suốt nửa thế kỷ qua, người Mỹ chúng ta đã sống trong một thời kỳ rất dễ dãi, và việc nhìn thế giới qua cặp kính màu hồng đã có được những kết quả hạn chế. Khí hậu ổn định, nền kinh tế của chúng ta đè bẹp sự cạnh tranh, ngọn triều dân chủ dâng cao và sức mạnh quân sự của chúng ta đã khiến Mỹ trở thành siêu cường toàn cầu duy nhất. Ngày nay, mọi thứ đã thay đổi. Nếu chúng ta tiếp tục phớt lờ những mối đe dọa thực sự mà chúng ta phải đối mặt, nước Mỹ chắc chắn sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng.

Điều gì có thể xóa sạch vảy cá trong con mắt của một quốc gia? Trân Châu Cảng đã làm. 11/9 đã làm. Một cuộc khủng hoảng có thể lay động được ý thức của công chúng. Nhưng một cuộc khủng hoảng có thể đến quá muộn màng khiến chúng ta không điều chỉnh kịp hướng đi khả dĩ ngăn chặn được thảm kịch. Cách chữa trị bệnh hoang tưởng duy nhất cho quần chúng nằm ở khả năng của nhà lãnh đạo. Winston Churchill đã thúc đẩy một nước Anh tự mãn và tập hợp được thế giới. Abraham Lincoln đã gìn giữ được Liên bang. Ronald Reagan đã vực chúng ta ra khỏi cơn bệnh của mình. Lech Wałęsa đã phát động một phong trào phá bỏ Bức màn Sắt. Martin Luther King Jr. đã truyền cảm hứng cho chúng ta “tin rằng chân lý bất bạo động và tình thương yêu vô điều kiện sẽ có phán quyết cuối cùng trên thực tế.” Và màn thể hiện lòng dũng cảm tuyệt vời của Volodymyr Zelensky – “Tôi cần đạn dược, tôi không cần một chuyến đi quá giang” – đã cho chúng ta thấy nhân cách đích thực trông như thế nào.

Tổng thống Joe Biden là một người thực sự tốt, nhưng ông ta vẫn chưa thể giải quyết căn bệnh chối bỏ sự thật, lừa dối và thiếu tin tưởng của quốc gia chúng ta. Sự trở lại của Donald Trump sẽ tiếp tục nuôi dưỡng căn bệnh quái ác đó, có thể biến nó thành bệnh nan y. Quốc hội đặc biệt đáng thất vọng: Các quan chức dân cử của chúng ta thường đặt ngón tay xem chiều gió hơn là chứng tỏ có một cột xương sống vững chắc để chống lại cơn gió chướng. Quá nhiều lần, Washington chứng minh câu châm ngôn cho rằng để cái ác phát triển, chỉ cần những người tốt không làm gì cả.

Tôi hy vọng có một vị Tổng thống có thể vượt lên trên sự ồn ào này để đoàn kết chúng ta đằng sau sự thật. Một số ứng viên có kinh nghiệm và trí thông minh đang đứng trong cánh gà sân khấu; chúng ta chăm chú theo dõi để xem liệu họ có được những đặc tính và khả năng cần thiết để đoàn kết quốc gia trong cuộc đối đầu với thực tế chung hay không. Trong khi chúng ta chờ đợi, sự lãnh đạo phải đến từ những người cha và người mẹ, giáo viên và y tá, linh mục và giáo sĩ Do Thái, doanh nhân và nữ doanh nhân, nhà báo và bác sĩ. Điều đó sẽ đòi hỏi tất cả chúng ta phải vượt lên trên chính mình – vượt lên trên những bất bình và phẫn uất – và khoác lên mình lớp áo lãnh đạo mà đất nước của chúng ta rất cần đến.

Về tác giả: Mitt Romney là một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đến từ bang Utah.

Nguồn bản gốc: https://apple.news/AgUno0g2VTvakrGLKHBxmnA

Dịch giả gửi BVN

This entry was posted in Bạo loạn 6/1/2021, Hoa Kỳ. Bookmark the permalink.