Biden tấn công Trung Quốc bằng Bản ghi nhớ chống đánh cá bất hợp pháp

Thụy My

28/06/2022

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 27/06/2022 đã ký Bản ghi nhớ an ninh quốc gia về chống đánh cá trái phép. Đây là một phần của nỗ lực đối phó với những vi phạm của các đoàn tàu đánh cá «phi pháp», đặc biệt của Trung Quốc.

clip_image002

Tàu Trung Quốc neo đậu tại Rạn san hô Whitsun, Biển Đông, ngày 7/3/2021. Ảnh của Cảnh sát biển Philippines. AP

Trong một thông cáo, Nhà Trắng cho biết sẽ lập một liên minh với Canada và Anh để «hành động khẩn cấp» nhằm cải thiện việc theo dõi, kiểm soát, giám sát, trong cuộc chiến chống lại «nạn đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định» (IUU – cụm từ viết tắt của Illegal, Unreported và Unregulated fishing).

Các viên chức Mỹ muốn đưa vào những quy tắc để có thể đối phó tốt hơn trước nạn đánh cá lậu, nhất là tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong khuôn khổ cam kết chặt chẽ hơn ở khu vực để chống lại ảnh hưởng Trung Quốc. Một số quốc gia trong vùng phẫn nộ trước tình trạng những đội tàu cá hùng hậu của Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ, càn quét hải sản, gây thiệt hại lớn cho môi trường và kinh tế.

Bản Ghi nhớ đòi hỏi có những hành động để «chấm dứt nạn buôn người, cưỡng bức lao động, xúc tiến việc khai thác đại dương một cách an toàn, bền vững». Bộ Lao động, Bộ Quốc phòng, lực lượng tuần duyên và các cơ quan thực thi luật pháp có thể làm việc với các đối tác tư nhân và nước ngoài để «điều tra các tàu đánh cá và công ty bị nghi ngờ dùng lao động cưỡng bức để thu hoạch hải sản».

Tuy không nhắm vào một quốc gia cụ thể nào, nhưng phía Mỹ cho biết Trung Quốc là nước vi phạm hàng đầu. Trung Quốc luôn đứng đầu thế giới về các vụ đánh cá bất hợp pháp, và cản trở việc triển khai các biện pháp chống IUU và khai thác hải sản bừa bãi của các tổ chức quốc tế.

Viên chức Mỹ nói rằng Bắc Kinh phải có trách nhiệm tôn trọng những cam kết, cần chỉnh đốn hoạt động của các tàu treo cờ Trung Quốc tại vùng biển những nước khác.

Ông Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Washington phản bác, cho rằng cáo buộc của Mỹ «hoàn toàn sai lạc».

Reuters nhắc lại, đầu tháng Sáu, Philippines tố cáo Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ tuyên bố nạn đánh cá lậu đã vượt qua nạn cướp biển, trở thành mối đe dọa lớn nhất cho an ninh hàng hải thế giới, có nguy cơ gây căng thẳng giữa các quốc gia. Điều phối viên về chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương Kurt Campbell hồi tháng Năm nói rằng các nước trong khu vực đang hợp tác để tăng cường tuần tra và huấn luyện, chia sẻ các công nghệ để truy vết các tàu đánh cá lậu đã tắt thiết bị định vị.

T.M.

Nguồn: RFI Tiếng Việt

Đọc thêm:

Hoa Kỳ giúp Việt Nam chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp

RFA Tiếng Việt

2022.06.28

Việt Nam là một trong những nước mà Hoa Kỳ sẽ tham gia giúp chống nạn đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU).

clip_image004

 Hình minh họa: Tàu hải quân Argentina bắt giữ tàu cá mang cờ Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của Argentina hôm 4/5/2020. AFP

AFP loan tin vào ngày 27/6 rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden ký bản ghi nhớ với nội dung tăng cường phối hợp và thực thi chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp và nạn cưỡng bức lao động.

Bản ghi nhớ được ký khi hội nghị do Liên hiệp quốc tổ chức đang diễn ra tại Bồ Đào Nha với mục tiêu phục hồi các đại dương đang bị bức tử bởi ô nhiễm trên thế giới.

Nhà Trắng cho biết Hoa Kỳ có kế hoạch can dự mới với năm quốc gia gồm Ecuador, Panama, Senegal, Đài Loan và Việt Nam trong lĩnh vực IUU. Năm nước này được Mỹ hợp tác không phải vì đó là những quốc gia bị cho vi phạm nhiều nhất về IUU; mà những nước đó bày tỏ thiện chí hợp tác với Hoa Kỳ để chống nạn đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý.

Các nhà bảo vệ môi trường đại dương và các quốc gia phương Tây cáo buộc Trung Quốc là một thủ phạm hàng đầu thế giới trong nạn IUU.

Dù theo một giới chức Nhà Trắng trong khi nỗ lực mới của Hoa Kỳ không nhắm vào bất kỳ một quốc gia nào, Trung Quốc là một tác nhân hàng đầu góp phần vào nạn IUU trên thế giới và cản trở tiến triển cho các biện pháp của những tổ chức quốc tế chống lại IUU cũng như nạn đánh bắt quá mức.

Một giới chức chính phủ Mỹ ẩn danh tiết lộ rằng sự hợp tác cùng năm quốc gia vừa nêu sẽ bao gồm công tác ‘xây dựng năng lực’ trong kế hoạch chung mang tính chiến lược.

Một báo cáo gần đây của Sáng hội Công lý Môi trường của Anh cho biết Trung Quốc có lực lượng đội tàu lớn nhất thế giới có khả năng đi đánh bắt tại những vùng nước xa. Thường xuyên có những cáo buộc về lạm dụng trên các tàu Trung Quốc đánh bắt hải sản.

Báo cáo ghi nhận trả lời phỏng vấn của những thuyền viên người Indonesia và Ghana trên tàu Trung Quốc cho biết thuyền trưởng người Hoa buộc thuyền viên phải làm việc quá giờ mà không được trả lương cũng như tình trạng bạo lực, cho ăn uống thực phẩm kém chất lượng khiến bị tiêu chảy và những bệnh khác.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.