Dựa vào ai và rút về đâu khi xảy ra “chiến dịch đặc biệt”?

Nguyễn Ngọc Chu

17-6-2022

1. VẼ LẠI BIÊN GIỚI

Ngày 16/6/2022, khi thăm Kyiv cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ý Mario Draghi và Tổng thống Rumani Klaus Iohannis, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói:

“Cuộc tấn công xâm lược Ukraine đồng nghĩa với sự thay đổi thời đại. Bởi vì Nga đang làm việc dịch chuyển biên giới các nước ở ngay trung tâm châu Âu, và điều này là không thể chấp nhận được. Do đó, nước Đức cùng với các nước khác trên thế giới, đã đứng về phía Ukraine ngay từ ngày đầu”.

Lời của Thủ tướng Đức Scholz về “Nga đang làm việc dịch chuyển biên giới các nước ở ngay trung tâm châu Âu” chỉ là nhắc lại khẳng định của Tổng thống Nga Putin trước đó một tuần.

Ngày 09/6/2022 tại triển lãm kỷ niệm 350 năm Pyotr đại đế (1672-1725), ông Putin ví cuộc xâm lược Ukraine như cuộc xâm lược Thuỵ Điển của Pyotr đại đế:

Pyotr đại đế đã tiến hành đại chiến Bắc Âu trong suốt 21 năm. Nhiều người nghĩ rằng ông đã chiếm thứ gì đó trong cuộc chiến với Thuỵ Điển. Nhưng Ông ấy không lấy bất cứ thứ gì từ tay họ, mà chỉ giành lại những thứ gì thuộc về Nga”.

Một cách thẳng thừng, ông Putin khẳng định về mục đích phát động cuộc chiến tranh Nga- Ukraine:

“Rõ ràng sứ mệnh của chúng ta là lấy lại những gì của Nga và củng cố sức mạnh đất nước”. “Chúng tôi chắc chắn sẽ xử lý thành công nhiệm vụ trước mắt” (tức là chiếm được lãnh thổ của Ukraine).

Mục tiêu chiếm đất là tối thượng. các lý do khác chỉ là che đậy. Nhưng liệu ông Putin có sống được để tiến hành cuộc chiến tranh dài 21 năm như Pyotr đại đế?

2. ÔNG PUTIN VIẾT LẠI LỊCH SỬ

Diện tích Đế quốc Nga trong giai đoạn 1900-1905 là lớn nhất trong lịch sử hình thành nước Nga cho đến hiện tại. Ngoài các nước cộng hoà thuộc Liên Xô, nó còn bao gồm cả lãnh thổ Phần Lan và Ba Lan.

Nhưng đến Hoà ước BREST-LITOVSK thì diện tích Đế quốc Nga bị giảm đi rõ rệt. Hoà ước BREST-LITOVSK ký ngày 03/3/1918 với một bên là nước Nga Xô Viết, mà đại diện là ông Grigoriy Yakovlevich Sokolnikov, Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Bolsevich, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – với các bên gồm Đế quốc Đức, Đế quốc Áo – Hung, Đế quốc Ottoman và Vương quốc Bulgaria. Theo Hoà ước BREST-LITOVSK, nước Nga phải trao trả độc lập (lãnh thổ) cho 10 quốc gia từng là thuộc địa của Đế Quốc Nga gồm: Ukraine, Ba Lan, Belarus, Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania, Armenia, Azerbaijan và Georgia. Hoà ước BREST-LITOVSK được Soviet Đại biểu Công nhân, Nông dân và Binh sỹ Toàn Nga phê chuẩn ngày 15 tháng 3 năm 1918.

Lãnh thổ của quốc gia Ukraine độc lập được xác định trong Hoà ước BREST-LITOVSK (xem bản đồ đính kèm) không những bao gồm toàn bộ vùng Donbass và bán đảo Crimea, mà còn bao gồm cả các thành phố Brest (nay thuộc Belarus), Belgorod và Rostov-na-Donu, cùng toàn bộ vùng Krasnodarskiy Krai và phần hữu ngạn sông Don thuộc tỉnh Voronezhskaya của LB Nga ngày nay. Biên giới Ukraine trong Hoà ước BREST-LITOVSK được Hoà ước Versaille (do các quốc gia thắng trận và bại trận sau Thế chiến 1 ký kết ngày 28/6/1919, tại Versailles, Paris), công nhận.

Ảnh tư liệu

Trong bài phát biểu tối ngày 21/2/2022 biện minh dẫn đường cho cuộc xâm lược Ukraine, mà nhiều người nghe nhầm tưởng là đúng đắn và thống thiết, Tổng thống Nga Putin đã tự mình viết lại lịch sử.

1/. Ông Putin khẳng định Ukraine là một phần không thể tách rời của Nga, để biện minh cho nguyên nhân mở “chiến dịch đặc biệt” chiếm lại Ukraine. Ông Putin có tình quên rằng người Ukraine và người Nga là hai dân tộc khác nhau, rằng Kiev Rus không phải là của Đế quốc Nga.

2/. Ông Putin phê phán và chê bai toàn bộ các lãnh tụ ĐCS Liên Xô tiền nhiệm – những người mà ông Putin từng thần tượng cả đời cho đến khi lên ngôi Tổng thống Nga – cả Lenin thiên tài lẫn Stalin vĩ đại, cả Khrushchev lẫn Brezhnev và Gorbachyov. Tất cả đều sai lầm trầm trọng – tương đương với ngu dốt.

3/. Ông Putin phê phán chính sách dân tộc tự quyết của Lenin, Stalin, Gorbachyov. Chính sách dân tộc tự quyết đó là nguyên nhân dẫn đến sự li khai của của các nước cộng hoà khỏi Nga. Không có chính sách dân tộc tự quyết đó thì các nước có thời là thuộc địa của Đế quốc Nga sẽ mãi mãi không được tách ra khỏi nước Nga.

Với ông Putin, tất cả các nước từng là thuộc địa của Đế quốc Nga đều là của Nga và mãi mãi không thể tách rời khỏi Nga. Chính vì thế mà Nga đã tiến hành hai cuộc chiến tranh tàn phá Grozny, không cho người Checchen dành độc lập.

Với ông Putin các nước Trung Á mà các vua chúa Trung Quốc buôn bán qua con đường tơ lụa từ thời Nhà Hán, Nhà Đường, tồn tại nhiều thế kỷ trước khi có Đế Quốc Nga, đều không thể độc lập khỏi Nga.

Với ông Putin, lãnh thổ nào thuộc Nga một lần thì phải thuộc Nga vĩnh viễn. Và sứ mệnh của ông là “lấy lại những gì của Nga”.

4. Ông Putin khoác cho Lenin vai trò sinh ra nước Ukraine. Nhờ Lenin và những người Bolsevich mới có Ukraine. Nay Ukraine lại đập bỏ tượng Lenin là vô ơn.

Chính ông Putin đã cố tình quên nước Ukraine đã có trước cả Đế quốc Nga chứ không phải chờ đến Lenin mới có Ukraine. Ông Putin cũng cố tình quên chính Lenin đã phải thừa nhận sự độc lập của Ukraine với một lãnh thổ rộng lớn như trong Hoà ước BREST-LITOVSK, chứ không phải Lenin vẽ ra nước Ukraine. Để đánh chiếm Ukraine, ông Putin tuyên truyền Ukraine chưa bao giờ là một quốc gia.

3. TIẾN HÀNH CHIẾN TRANH ĐỂ CHIẾM LÃNH THỔ LÀ BẠO NGƯỢC

Lãnh thổ của một quốc gia thay đổi theo chiều dài lịch sử. Nhỏ rồi lớn, hợp rồi tan, xuất hiện rồi biến mất, thuận theo quy luật của tạo hoá.

Các bạo chúa xâm chiếm đất đai của người khác biến thành của mình luôn là những kẻ viết lại lịch sử. Họ xoá một quốc gia, vẽ lại biên giới. Họ xoá lịch sử viết lại lịch sử. Các bạo chúa – kẻ sau lật kẻ trước, tự phủ nhận lẫn nhau.

Bởi thế, có quốc gia thành lập từ xa xưa mà lãnh thổ không lớn bằng quốc gia mới xuất hiện về sau. Ví như khi nhà Hán vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên có diện tích hơn 6 000 000 km2 thì nước Nga chưa có tên trên bản đồ. Nhà Hán, nhà Đường phát triển rực rỡ nhưng vì giá lạnh nên không để ý đến lãnh thổ hơn 13 triệu km2 của Siberia. Người Mông Cổ chiếm mà vẫn không có người trông coi, đành phải bỏ Siberia khi Đế quốc Mông Cổ tan rã. Để sau hết, vùng đất Siberia bao la hơn 13 triệu km2 lại thuộc vào Đế Quốc Nga.

Nước Nga, bắt đầu từ Công quốc Matxcova, là chư hầu của đế quốc Mông Cổ với diện tích nhỏ hơn 2.500km2 vào năm 1147. Hơn một thế kỷ sau vào năm 1300 chỉ vỏn vẹn có 20.000km2, nhỏ hơn lãnh thổ Ai Lao cùng thời. Nhưng tiếp theo, Công quốc Matxcova đã bành trướng về phía Đông được 430.000 km vào năm 1462, 2,8 triệu km2 vào năm 1533, 5,4 triệu km2 vào năm 1584, xâm chiếm toàn bộ Siberia trong suốt thế kỷ 17 mà trở thành quốc gia rộng nhất thế giới, lớn hơn cả nhà Thanh cùng thời.

Trước khi Đế quốc Nga chiếm Siberia thì Siberia đã thuộc về người Mông Cổ. Nhưng trước người Mông Cổ, từ vạn năm xa xưa Siberia đã có chủ nhân. Quốc gia thành lập rồi diệt vong. Không có quốc gia nào tồn tại vĩnh viễn. Không có lãnh thổ nào là sở hữu vĩnh cửu của một triều đại.

Viện vào lý do một vùng lãnh thổ nào đó có thời từng thuộc trong quá khứ để tiến hành chiến tranh chiếm lại thì đó là bạo ngược. Viện vào lý do Ukraine từng thuộc Đế quốc Nga để mang quân xâm chiếm là bạo ngược.

Bạo ngược tất bị đánh bại. Như Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã khẳng định vào ngày 08/5/2022, nhân lễ kỷ niệm 77 chiến thắng phát xít:

“Tôi bị thuyết phục sâu sắc. Putin không thể thắng cuộc chiến tranh. Ukraine sẽ chiếm ưu thế. Tự do và an toàn sẽ chiến thắng. Như tự do và an toàn đã khải hoàn trước khổ sai, bạo lực và độc tài 77 năm trước”.

4. ĐỐI MẶT VỚI THỰC TẾ

Tháng 3 năm 2014, Tổng thống Nga Putin mang quân chiếm Crimea của Ukraine, không ít người nhầm lẫn về chủ quyền lãnh thổ. Họ chỉ được biết Tổng bí thư ĐCS Liên Xô Khrushchev tháng 12/1954 cắt chuyển Crimea từ LB Nga sang Ukraine. Họ không biết, khi thành lập Liên Xô vào tháng 12/1922, một vùng lãnh thổ mênh mông của Ukraine, bao gồm Crimea, Belgorod, Rostov-na-Donu, cùng toàn bộ vùng Krasnodarskiy Krai và phần hữu ngạn sông Don của tỉnh Voronezhskaya đã bị cắt từ lãnh thổ Ukraine sang cho LB Nga. Nhiều người cũng quên đi LB Nga, ít nhất là đã hai lần kể từ năm 1991 đặt bút ký công nhận toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Chính Tổng thống Putin cũng cố tình quên đi rằng ông đã ký hợp đồng thuê cảng Sevastopol của Ukraine trong nhiều thập niên.

Trong vấn đề Crimea, Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã có quyết định đúng theo luật pháp quốc tế. Nhà nước CHXHCN Việt Nam không công nhận việc sát nhập Crimea của LB Nga. Nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận Crimea là của Ukraine.

Không thể viện vào lý do một vùng lãnh thổ nào đó có thời từng thuộc trong quá khứ để tiến hành chiến tranh chiếm lại. Không thể viện vào lý do vì an ninh nước mình mà đánh chiếm nước khác. Đó là lý lẽ của kẻ bạo ngược.

Trung Quốc đang xây quân cảng Ream ở Campuchia chỉ cách Phú Quốc vài chục dặm. Tham gia lễ động thổ hôm 08/6/2022, đại sứ Trung Quốc tại Camphuchia Vương Văn Thiên tuyên bố: “Trung Quốc và Campuchia đã trở thành những người anh em son sắt”.

Nói về Ukraine là để nghĩ đến Việt Nam. Việt Nam phải đối mặt với thực tế. Ukraine còn có thể tựa lưng vào Ba Lan và các nước Đông Âu. Còn Việt Nam cả 4 phía không có đường rút. Việt Nam lại không thể mở “chiến dịch đặc biệt”. Phải chuẩn bị kịp trước khi người khác mở “chiến dịch đặc biệt”.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.