Việt Nam nên ‘dẹp điện hạt nhân, nâng cao hiệu suất sử dụng điện’

14/06/2022

VOA Tiếng Việt

Lò phản ứng hạt nhân ở Pháp - quốc gia dẫn đầu châu Âu về điện hạt nhân

Lò phản ứng hạt nhân ở Pháp – quốc gia dẫn đầu châu Âu về điện hạt nhân

Việt Nam đừng nghĩ đến việc phát triển điện hạt nhân vào lúc này vì nó ‘quá rủi ro’ mà thay vào đó nên đầu tư vào việc giảm thất thoát sử dụng điện, một nhà kinh tế từ trong nước nói với VOA trong lúc vấn đề điện hạt nhân làm nóng nghị trường Quốc hội.

Việt Nam đã có chủ trương xây dựng phát triển điện hạt nhân vào năm 2009 khi Quốc hội lúc đó thông qua quy hoạch hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đặt tại tỉnh Ninh Thuận thuộc duyên hải nam Trung Bộ với tổng số vốn đầu tư là 200.000 tỷ đồng.


Tuy nhiên, vào lúc đó dự án này đã gặp sự phản đối quyết liệt trong dư luận trong và ngoài nước với những lo ngại về an toàn do trình độ khoa học-công nghệ còn hạn chế của Việt Nam.

Đến năm 2016, sau khi Trung ương Đảng ra quyết định thì đến kỳ họp sau đó, Quốc hội Việt Nam đã chính thức hóa việc này với nghị quyết dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Lý do được đưa ra là hoàn cảnh kinh tế-xã hội thay đổi so với trước khi nhu cầu điện của Việt Nam không tăng quá nhanh như dự báo và chi phí quá tốn kém vốn có thể làm nợ công tăng cao.

Giữ hay bỏ?

Phát biểu tại phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 30/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên được dẫn lời khẳng định rằng Việt Nam ‘không hủy mà chỉ dừng’ chủ trương phát triển điện hạt nhân và ‘cần giữ quy hoạch điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận’ để chờ đến khi có quyết định chính thức.

Theo giải thích của vị bộ trưởng này thì Việt Nam cần có điện hạt nhân – nguồn năng lượng ít phát thải – mới đáp ứng được mục tiêu mà chính phủ nước này đã cam kết tại Hội nghị COP 26 đưa phát thải ròng về 0 cho đến năm 2050.

“Điện than đã không còn điều kiện phát triển, thuỷ điện cũng hết dư địa, nên tương lai muốn đạt mục tiêu cam kết tại COP 26 thì phải phát triển rất mạnh năng lượng tái tạo,” ông Diên được trang mạng VnExpress dẫn lời nói.

Ông Diên cho rằng không thể dời quy hoạch điện hạt nhân ra khỏi Ninh Thuận vì địa điểm này ‘đã được các bộ ngành và các đối tác tính toán rất kỹ mà không có nơi nào phù hợp hơn’.

Tuy nhiên, một số vị đại biểu Quốc hội lại có quan điểm khác với ông Diên. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa của thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội xóa luôn quy hoạch điện hạt nhân ở Ninh Thuận với lý do ‘năng lực tự chủ, quản lý rủi ro về điện hạt nhân ở Việt Nam hiện ở mức rất thấp’ trong khi một nước tân tiến như Nhật mà đã mất đến hơn 10 năm vẫn chưa xử lý xong thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Đại diện cho tỉnh Ninh Thuận, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nêu lên những khổ sở của người dân trong vùng bị quy hoạch làm điện hạt nhân trong hơn 10 năm qua như ‘bị hạn chế quyền sử dụng đất, không được mua bán, không được chuyển nhượng hay thế chấp đất để vay vốn sản xuất; không được xây dựng, cải tạo nhà ở, cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi không được đầu tư hiện đang bị hư hỏng xuống cấm nghiêm trọng…’

‘Hoàn toàn dựa vào nước ngoài’

Trao đổi với VOA từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, nói Việt Nam nên bỏ quy hoạch điện hạt nhân ở Ninh Thuận vì ‘quá phức tạp’.

“Mình chưa có cơ sở gì cả từ nguyên liệu cho đến con người cho đến mọi thứ. Quan trọng nhất là giá đắt và rất lệ thuộc vào nước ngoài,” ông A giải thích.

Ông nhìn nhận là điện hạt nhân rất hấp dẫn trên phương diện là một dạng năng lượng sạch nhưng lúc này Việt Nam ‘chưa nên làm’ mà có thể ‘chờ đến 20-30 năm sau’ khi thế giới có công nghệ tốt hơn thì sẽ làm.

“Chẳng hạn nhà máy điện hạt nhân nhỏ, di động có thể đặt ở ngoài bờ biển,” ông nói. “Công nghệ đó có triển vọng hơn cho Việt Nam so với công nghệ bây giờ.”

Về vấn đề an toàn cho nhà máy điện hạt nhân, ông cho rằng quá trình vận hành, duy trì, bảo dưỡng đòi hỏi chi phí rất lớn trong việc đào tạo con người và quan hệ tốt với đối tác để được cung cấp đầy đủ phương tiện, thiết bị.

“Nếu tính toán không khéo thì sẽ trở thành rủi ro rất nguy hiểm,” ông cảnh báo.

Do đó, ông đề xuất dẹp bỏ dự án Ninh Thuận, gỡ quy hoạch treo để đời sống của người dân địa phương đỡ khổ nhưng treo lại ý tưởng phát triển điện hạt nhân cho các thế hệ mai sau.

‘Đánh vào túi tiền’

Tiến sỹ A chỉ ra rằng ‘hiệu suất sử dụng điện ở Việt Nam thuộc vào hàng thấp nhất thế giới’ nên đẩy nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Chính vì vậy, thay vì tìm thêm nguồn điện mới, ông đề xuất chính phủ Việt Nam nên tập trung vào tăng hiệu suất sử dụng điện.

Một cách làm ông cho rằng sẽ góp phần giảm lãng phí điện là đánh vào túi tiền các doanh nghiệp, các nhà sản xuất sử dụng nhiều điện năng.

“Nếu ông không tiết kiệm thì phải trả mức giá cao hơn, ông sẽ mất sức cạnh tranh. Khi đó, vì quyền lợi của mình các doanh nghiệp sẽ phải tiết kiệm điện, hoặc đổi mới công nghệ để đạt hiệu suất sử dụng năng lượng ở mức cao nhất,” ông phân tích.

Theo lời ông thì giữ giá điện cho sản xuất thấp như hiện nay sẽ ‘khuyến khích các nhà máy sử dụng các công nghệ rất tốn điện’.

Ngoài tiết kiệm điện, Việt Nam cũng nên đầu tư hoàn thiện hệ thống lưu trữ, truyền tải điện gió, điện mặt trời hòa vào lưới điện quốc gia, cũng theo lời ông A, và cải thiện lưới điện ‘để tránh tổn thất điện trên đường dây’.

“Đầu tư vào những khoản đấy bền vững và thiết thực hơn so với đi làm điện hạt nhân bây giờ,” ông nói.

Ông A cho rằng nếu chỉ tiết kiệm được 10% điện năng thì đã nhiều hơn lượng điện có được từ phát triển điện hạt nhân. “10% chỉ là con số nhỏ, nếu làm tốt thì hiệu suất sử dụng điện ở Việt Nam sẽ bằng được các nước trong khu vực chứ chưa dám nói là bằng các nước phát triển,” ông phân tích.

“Giữa tốn 10 đơn vị điện để tạo ra một đơn vị tăng trưởng kinh tế với chỉ tốn 5 đơn vị điện nó khác xa lắm,” ông nói thêm.

Nguồn: voatiengviet.com

This entry was posted in Điện hạt nhân. Bookmark the permalink.