Sao thầy không dạy, không dạy… (*)

Thái Hạo

Thấy nhiều báo ca ngợi bài Diễn văn của Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, đặc biệt là cái câu trong hình. Tò mò, tối qua tôi tìm đọc. Đọc hai lần. Một bài dài tới hơn 2.700 chữ!

Ảnh: FB Thái Hạo chụp từ màn hình báo VNExpress

Dài thế này, đọc dưới dạng diễn văn trước cử tọa thì ít nhất cũng mất 15 phút. Mà mấy ngày nay, trời miền Bắc nắng nóng kinh khủng. Nhớ đến cảnh học sinh trường tôi cũng dịp này, ngồi trong cái chói chang nực nội để nghe ê a hết ông này đến bà nọ khoe thành tích và giáo huấn, nghĩ mà thương.

Quay lại. Tôi đã nghiêm túc và kính cẩn đọc bài diễn văn 2.700 chữ này. Thật lòng, vẫn không nắm được chủ đề của nó là gì. Từ chuyện nọ sang chuyện kia, dàn trải miên man vô bờ vô bến. Nhưng bao trùm lên là đạo đức. Nào là giang sơn gấm hoa, nào là nhân dân anh hùng, nào là máu xương thấm đất, nào là đất nước còn nghèo, nào là hi sinh cống hiến, nào là trung thực vị tha, nào là yêu thương che chở, nào là nhẫn nại kiên trì, nào là trong sạch thơm tho…

Thú thực, ngày xưa tôi đi học, nếu thầy cô tôi nói với tôi rằng, kẻ cầm quyền hủ bại, đất nước đầy rẫy bất công, cái ác lan tràn… Đạo đức phải là đứng thẳng, tranh đấu không khoan nhượng, đừng cúi đầu cam chịu, đừng nhẫn nhục ngụy tín, đừng an phận cầu vinh…, thì có lẽ tôi đã không u mê dài đến thế.

Tiếc rằng, mãi khi lên đến cao học, tôi mới gặp thầy, mà cũng chỉ mấy ngày ngắn ngủi…

Đọc một bài diễn văn lê thê mà càng đọc như càng chìm sâu vào mấy trăm năm trước của tam cương ngũ thường, của quân thần phu phụ, của bề tôi ngoan đạo, của độc thiện kỳ thân, của tấc đất ngọn rau ơn chúa…

Ôi. Thầy còn dạy hãy coi khinh tiền bạc. Ô hô. Không có tiền thì sống làm sao? Lại viết bài “hàn Nho” để ca ngợi nghèo khổ mà thanh cao chăng?

Sao thầy không dạy rằng, nghèo là hèn, nhà giáo càng không nên nghèo; các em phải thay đổi hình ảnh của mình?

Sao thầy không dạy rằng, nước ta nghèo vì quản trị hủ hóa, tham nhũng tràn lan nên giáo viên cơ hàn?

Sao thầy không dạy rằng, đừng chấp nhận sống nghèo vì đã để kẻ khác làm tiền trên lưng các em?

Sao thầy không dạy rằng, hãy đấu tranh đòi tinh giản bộ máy cồng kềnh, ngăn chặn tham nhũng, dồn tiền ấy vào tăng lương để nhà giáo có thể sống đường hoàng được bằng lương?

Sao thầy không dạy, không dạy…

T.H.

Nguồn: FB Thái Hạo

(*) Đầu đề do BVN thêm, lấy từ câu cuối bài viết.

Đọc thêm:

Thấy trên vnexpress, GS Nguyễn văn Minh khuyên các thầy cô tương lai rằng nếu mục đích tối thượng chỉ là tiền bạc thì nghề dạy học sẽ không thoả mãn được, v.v .

Lời khuyên có vẻ rất đạo đức,

thế nhưng mình cho rằng chịu đựng như thế là…

đạo đức giả!

Các thầy cô không phải là… nhà tu khổ hạnh.

Trả lương cho thầy cô mức lương chỉ 10 triệu là làm thầy cô ‘hèn’ người đi!

Với số lương chết đói, rút cục họ phải xoay xở!

Hậu quả là phải ép học trò để dạy thêm,

muối mặt nhận quà, phong bì của phụ huynh.

Ngày hiến chương nhà giáo thành ‘hiến cam nhà giáo’.

Những ‘tiêu cực’ trong giáo dục không vì bản thân các thầy cô ‘vô đạo đức’ và cần phải ‘rèn luyện’ học tập sống theo gương bác này bác nọ.

Nó xuất phát từ cái thế chế nhân danh đạo đức, ‘công bằng’ mà mang lại kết quả hoàn toàn ngược lại.

Sự ‘cào bằng ‘ đưa con người đến chỗ khốn khổ,

buộc người ta phải tự ‘cải thiện’, đánh mất dần tư cách.

Lâu dần thành ‘quen tật’ .

Phong bì, quà cáp… trở thành ‘phong tục’!

Người ta có thể ‘bo’ cho anh tài xế, cô hầu bàn…

Nhưng ai lại ‘bo’ cho thầy cô, ‘bo’ cho bác sĩ ??

Hiện tượng ‘bo cao cấp’ này chỉ xuất hiện cùng với chế độ XHCN.

Người xưa nói

‘Có thực mới vực được đạo’, hay

‘Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy‘.

Khi phải đưa ‘phong bì’ cho thầy cô,

và thầy cô cũng mừng rỡ nhận phong bì…

thì lòng kính trọng cũng mất đi.

‘Đạo đức’ sai dẫn đến vô đạo đức,

hạ thấp phẩm giá con người.

Tiến Nguyễn

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.