Việt Nam phản ứng trước tin Trung Quốc động thổ cải tạo căn cứ hải quân cho Campuchia

Thương Lê

BBC News Tiếng Việt

clip_image002

Thủ tướng Campuchia Hun Sen gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ngày 29/4/2019 tại Bắc Kinh

Giới chức phương Tây cho biết Trung Quốc đang bí mật xây dựng một cơ sở hải quân ở Campuchia, theo Washington Post.

Cả Campuchia và Trung Quốc đều phủ nhận việc này, nhưng giới chức phương Tây cho rằng hai bên đang thực hiện các biện pháp đặc biệt để che giấu hoạt động.

Căn cứ quân sự của Trung Quốc sẽ được đặt ở phía bắc Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia trên Vịnh Thái Lan. Lễ động thổ dự kiến diễn ra trong tuần này, giới chức phương Tây cho hay.

Trang Khmer Times của Campuchia hôm 8/6 cho hay rằng đây là dự án cải tạo căn cứ hải quân Ream nằm trong khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc. Ngoài giúp cải tạo và mở rộng các tòa nhà trong căn cứ Ream, Trung Quốc cũng sẽ hỗ trợ nâng cấp các tàu chiến của Campuchia, xây các cầu cảng, nâng cấp bệnh viện quân – dân y.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Campuchia và Trung Quốc “động thổ dự án cải tạo căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Sihanoukville Campuchia” hôm 9/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam luôn mong muốn duy trì và củng cố quan hệ hợp tác tốt đẹp với các quốc gia trên toàn thế giới. Đồng thời, việc hợp tác giữa các quốc gia cần đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như trên toàn thế giới”, Báo Tuổi Trẻ trích lời bà Hằng.

Trong khi đó, giới chức phương Tây cho rằng việc Trung Quốc thành lập căn cứ hải quân ở Campuchia là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm xây dựng một mạng lưới các cơ sở quân sự trên khắp thế giới nhằm hỗ trợ khát vọng trở thành bá chủ toàn cầu.

Một căn cứ ở Campuchia sẽ mang lại cho Trung Quốc “khả năng viễn chinh trong khu vực mà nếu không có nó, Trung Quốc sẽ không có khả năng này,” theo Richard Fontaine, giám đốc điều hành Trung tâm An ninh mới của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Richard Fontaine cũng cho rằng Trung Quốc không thể sánh được với mạng lưới các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ trên khắp thế giới.

Tin tức về căn cứ này đã giới chức Hoa Kỳ và đồng minh công bố lần đầu vào tháng 7/2019.

Giới chức Mỹ khi đó nói rằng họ đã tiếp cận bản phác thảo thỏa thuận giữa Campuchia và Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc được quyền sử dụng Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia trong thời hạn 30 năm, và sau đó cứ sau 10 năm lại tự động được gia hạn.

Đáng lo ngại cho Việt Nam?

Khó khẳng định được thông tin Trung Quốc đặt căn cứ quân sự ở Campuchia, theo Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông.

Ngoài việc Campuchia luôn phủ nhận việc này, hai nước Việt Nam và Campuchia đã có tuyên bố chung, công bố hồi tháng 12/2021 nhân chuyến thăm Phnom Penh của ông Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam. Trong đó, hai nước cam kết không sử dụng sử dụng lãnh thổ của mình để đặt căn cứ quân sự của quốc gia nào, đe dọa tới an ninh của quốc gia khác.

“Đây có thể được coi là cam kết của Campuchia đối với Việt Nam,” ông Hoàng Việt nhận định.

Tuy nhiên, nếu cáo buộc của Mỹ và các nước phương Tây là thật thì đây “rõ ràng là một mối đe dọa tới Việt Nam, toàn bộ khu vực ASEAN, và cả Mỹ”, ông Hoàng Việt nói. “Do Trung Quốc có rất nhiều tham vọng trên biển, đặc biệt là trên Biển Đông.”

Ông phân tích: “Trung Quốc đã nhiều lần đe dọa là họ có thể tấn công khu vực Trường Sa của Việt Nam. Trong trường hợp xấu nhất nếu xảy ra đụng độ trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ có nhiều hướng tấn công Việt Nam.”

“Với một căn cứ quân sự tại Campuchia, Trung Quốc cũng thể uy hiếp các quốc gia ASEAN khác.”

“Nếu Campuchia làm việc này mà không tham vấn ý kiến của ASEAN thì điều này gây tổn hại rất nhiều tới ASEAN, đặc biệt gây tổn hại tới quan hệ hữu nghị láng giềng đã được xây đắp từ rất lâu giữa Việt Nam và Campuchia.”

Nói về tham vọng của Trung Quốc, Thạc sĩ Hoàng Việt nhắc đến chiến lược “Chuỗi ngọc trai” nhằm mở rộng các cảng biển, căn cứ quân sự của nước này trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, kế hoạch “Vành đai Con đường”, tập trung vào các cảng biển, đặc biệt là eo biển Malacca.

“Eo biển Malacca là một con đường hàng hải chiến lược có rất nhiều tàu bè đi ngang qua hàng ngày. Trung Quốc rất cần con đường đó bởi vì những hàng hóa nhập khẩu của nước này, đặc biệt là dầu, sẽ phải đi qua eo biển này rất nhiều.”

“Các nhà nghiên cứu đặt ra giả định là nếu xảy ra một cuộc chiến tranh trên Biển Đông, có khả năng eo biển Malacca sẽ bị khóa lại, đe dọa sự phát triển của Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh rất muốn kiểm soát được eo biển này.

“Nếu có một căn cứ quân sự tại Campuchia ở Ream như đồn thổi, Trung Quốc có thể tiến đến các tàu chiến của mình từ đó, và tới các khu vực ở eo biển rất nhanh, sẽ tạo rất nhiều lợi thế cho Trung Quốc.”

Việt Nam cần theo dõi tiếp vấn đề này, bởi vì một mặt, nếu kết luận là có căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Campuchia mà không có bằng chứng thì sẽ gây tổn hại đến quan hệ giữa hai nước.”

“Còn mặt khác, trong trường hợp điều này có thật thì Việt Nam cũng phải nghĩ tới chuyện khác, trong đó bao gồm các bước phòng thủ của mình,” chuyên gia về Biển Đông kết luận.

‘Kỷ nguyên cạnh tranh mới trong khu vực’

Việc Trung Quốc đặt căn cứ hải quân ở Campuchia báo hiệu một kỷ nguyên cạnh tranh mới ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo Time.

Nguy cơ này đặt trong bối cảnh Trung Quốc tham vọng cạnh tranh với Mỹ để trở thành một cường quốc với mạng lưới cơ sở quân sự trên khắp thế giới.

Ngoài Campuchia, Trung Quốc “có thể đã để mắt một số quốc gia” bao gồm Thái Lan, Singapore, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka và Tanzania.

Nhờ có căn cứ này, Trung Quốc sẽ có thể triển khai các tàu chiến và tàu tuần duyên trong thời gian ngắn xung quanh khu vực, thay vì lái chúng trên một quãng đường biển dài, dễ bị theo dõi và cản trở.

Ngoài ra, hoạt động hậu cần và giám sát tình báo của Trung Quốc sẽ được tăng cường nhờ việc tiếp cận dễ dàng hơn các tuyến đường biển Đông Nam Á như Eo biển Malacca.

Campuchia là quốc gia ASEAN được coi là thân Bắc Kinh nhất.

Nước này từ lâu đã lấy lòng Thủ tướng Hun Sen với các khoản vay hàng tỷ USD cho các cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển.

Năm 2017, Đại sứ Hoa Kỳ tại Campuchia lúc đó là William Heidt nói rằng chính phủ Campuchia “không quan tâm đến mối quan hệ tích cực” với Hoa Kỳ.

“Bức tranh toàn cảnh là khu vực đang trở nên quân sự hóa hơn,” Giáo sư Jonathan Sullivan, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Nottingham của Vương quốc Anh, nói với Time.

Giới quan sát cho rằng cần phải xem các quốc gia ASEAN khác sẽ phản ứng như thế nào trước tin tức về Căn cứ Hải quân Ream. Nếu phản ứng yếu ớt thì hành động này “có thể gợi ý cho Trung Quốc – nước đang ngày càng có động lực để thực hiện những hình thức hợp tác như thế này – tiến hành các kịch bản khác”, ông Sullivan nói.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng, Quan hệ Campuchia - Trung Quốc. Bookmark the permalink.