RFA
Đất ruộng cũng có thể có giá cao như đất ở tại những nơi được quy hoạch lên thành phố hay quận. Ảnh minh họa.
Một số huyện sẽ phát triển thành thành phố hoặc chuyển thành quận hay thị xã trong vài năm tới khiến giá đất tăng cao, có nơi cao hơn nhiều lần giá đất thành phố hiện hành.
Theo thông tin từ truyền thông nhà nước, giá đất huyện Hóc Môn, Củ Chi chỉ trong chưa đầy một năm có khu vực đã tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp bốn lần sau thông tin sẽ lên thành phố, từ đất ruộng, đất trồng cây lâu năm, đến đất vườn…
Báo Vietnamnet dẫn lời ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) rằng “nhiều người đã lợi dụng thông tin từ các cuộc họp để trục lợi, nhất là đầu nậu, “cò” đất hay doanh nghiệp bất lương đã làm cho giá đất ở huyện Củ Chi, Hóc Môn loạn lên”.
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh nói với RFA:
“Theo tôi thì đây là một lĩnh vực rất là nhạy cảm bởi vì khi thông tin lên thành phố được đưa ra thì lúc bây giờ giá đất sẽ trở nên giá đất thành phố chứ không còn là giá đất của các huyện nông nghiệp nữa. Một cái thông tin như vậy thì sẽ rất là dễ kích động một đợt nâng giá đất và có lẽ chính quyền cũng cần phải tính đến cái yếu tố này khi mà công bố thông tin như vậy.”
Tiến sĩ kinh tế Đinh Trọng Thịnh thì cho hay:
“Thực ra việc giá đất cao cũng có nhiều cái liên quan đến quá trình phát triển kinh tế xã hội. Vì thế cho nên việc này cũng cần phải xem xét. Thứ nhất, vì cái quy hoạch lên đô thị là một cái mà nhà nước có thể quy định và điều phối. Vì thế cho nên một số người lợi dụng cái gọi là nhà nước sẽ nâng cấp lên thành phố để từ đó người ta tuyên truyền và tung ra những tin đồn khác nhau làm cho giá đất tăng lên không tương xứng với thực tiễn.
Điều thứ hai, đối với những khu vực mà sẽ quy hoạch lên thành phố thực sự thì điều này là bình thường thôi bởi vì thực tế khi đã có quy hoạch rồi thì nhà nước sẽ có đền bù, sẽ xây dựng hạ tầng ở đó. Cho nên, nguyên lý thì nhà nước có đầu tư, có nâng cấp hạ tầng cơ sở thì nhà nước cũng nên có sự điều phối cái giá cho nó hợp lý.”
Tại buổi họp báo thường kỳ của Ủy Ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng vào chiều 18 tháng 4 năm 2022, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường thành phố này cho biết, sở đã có văn bản gửi công an thành phố đề nghị điều tra xem có hay không đường dây thông đồng giữa “cò” đất, cơ quan và cán bộ quản lý nhà nước để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, tạo cơn sốt đất.
Ông Nhân, một người mua bán bất động sản cho hay, bản thân ông đang “ôm” một mớ đất khi huyện ông ở sắp lên thị xã. Theo ông, nhà nước nên kiểm soát giá đất trước khi quá muộn:
“Thật ra khi giá đất lên cao như vậy thì cũng có một số người dân hưởng lợi rất nhiều, bởi vì trước đây đất chỉ vài ba chục triệu một mét vuông thì người ta thiếu nợ ngân hàng không trả được rất nhiều khoản nợ khác. Bây giờ đất lên gấp mấy lần như vậy, có nơi lên cả chục lần thì một số người có đất họ bán họ xoay sở trả nợ, chữa bệnh, lo cho con cái ăn học. Bao nhiêu nhu cầu chính đáng được giải quyết cho một số người có đất bán.
Còn đại đa số những người còn lại, vì họ làm nông nghiệp và đất là công cụ, là phương tiện để sản xuất, bây giờ mua đất để làm nông nghiệp thì lại bị mua với giá cao. Điều này rất bất lợi cho họ. Để ngăn chặn tình trạng sốt đất thì nhà nước có trong tay rất nhiều công cụ để làm. Mà thật ra, tôi không loại trừ khả năng sốt đất ảo là chính nhà nước làm. Họ là những nhóm người bỏ rất nhiều tiền để mua đất. Điều này đem lại nguồn thu cho nhà nước rất lớn chỉ với việc thu thuế đất.”
Ông Nhân nói thêm, giá đất cao không phải theo thị trường tự nhiên, mà theo một nhóm người đầu cơ bỏ tiền ra mua ‘mồi’, rồi những nhà đầu cơ thứ cấp bỏ tiền ra mua theo để bán lại với giá cao hơn gây rối loạn thị trường.
Ngày 12 tháng 4 năm 2022, phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai huyện Hóc Môn và Củ Chi năm nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, cần tránh việc tạo cơ hội cho doanh nghiệp bất động sản lợi dụng tạo sốt đất tại địa bàn và Thành phố Hồ Chí Minh. Phát triển là để tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống tốt hơn.
Tiến sĩ kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định:
“Việc thổi giá, làm giá tạo ra bong bóng bất động sản sẽ cản trở cái đà tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Cái bong bóng bất động sản khi tăng giá không theo quy luật, không theo bình thường thì nó sẽ có lúc xuống. Và khi nó xuống thì lập tức nó tạo ra cái gọi là sự mất giá cho các tài sản đã đầu tư. Nó dẫn đến ảnh hưởng không chỉ thị trường bất động sản mà ảnh hưởng đến cả thị trường tài chính tiền tệ. Nếu như vậy thì cực kỳ nguy hiểm, cho nên bắt buộc nhà nước phải can thiệp.”
Nói tới giá đất cao ngất ngưởng không thể không nói đến trường hợp bốn lô đất rộng khoảng hơn 30 ngàn mét vuông ở phía bắc khu đô thị mới Thủ Thiêm – Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 12 năm 2021 đã được đấu giá thành công với mức giá 37.350 tỷ đồng, cao gấp bảy lần giá khởi điểm.
Công ty trúng đấu giá cao nhất là công ty Ngôi Sao Việt, một công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ba công ty còn lại là Công ty Bình Minh; Công ty Sheen Mega và Công ty Dream Republic.
Sau đó, công ty Tập đoàn Tân Hoàng Minh gửi tâm thư đến Tổng Bí thư Đảng và các lãnh đạo Trung ương xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán, bỏ cọc và chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam về đấu giá tài sản công. Công ty Bình Minh là công ty thứ hai bỏ cọc. Hai công ty còn lại là Công ty Dream Republic và Công ty Cổ phần Sheen Mega đến hết hạn đóng tiền vẫn không có tiền trong tài khoản để nộp.
Khoảng cuối tháng 2 năm 2022, một vụ đấu giá quyền sử dụng chín lô đất ở tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh khiến người dân xôn xao với giá khởi điểm được cho là cao chưa từng có. Lô đất có mức khởi điểm thấp nhất là 3,520 tỉ đồng. Lô đất có giá khởi điểm cao nhất là 4,737 tỉ đồng.
Nguồn: RFA