Choáng váng với giá thành đường sắt cao tốc Ai Cập do Siemens xây dựng

Nguyễn Ngọc Chu

4-6-2022

1. GIÁ CỦA SIEMENS CHO AI CẬP

Ngày 28/5/2022, Tập đoàn công nghiệp Siemens của Đức cho biết họ đã đồng ý về một thỏa thuận xây dựng 2.000km đường sắt cao tốc xuyên Ai Cập với giá thành 8,1 tỷ euro (8,7 tỷ USD). Giá trung bình 4,35 triệu USD/km.

Giám đốc điều hành Siemens Roland Busch gọi hợp đồng này là đơn hàng lớn nhất trong lịch sử 175 năm của công ty Siemens đóng đô tại Munich.

Hợp đồng còn bao gồm 41 tuyến tàu cao tốc, 94 tàu khu vực, 41 tàu hàng, 8 kho và ga vận chuyển hàng hóa. Hợp đồng cũng quy định rằng Siemens sẽ chịu trách nhiệm bảo trì trong 15 năm.

Trong lễ ký kết hợp đồng, CEO Siemens Roland Busch cho biết: “Với công nghệ mới nhất của chúng tôi về đầu máy toa xe, tín hiệu và bảo trì, Ai Cập sẽ có mạng lưới đường sắt cao tốc hiện đại và lớn thứ sáu trên thế giới”. Theo Siemens, đây là Dự án lớn nhằm kết nối 60 thành phố bằng tàu hỏa, với tốc độ lên đến 230 km một giờ, cung cấp khả năng tiếp cận đường sắt cho khoảng 90% dân số, Ai cập. Dự án sẽ được thực hiện dưới sự hợp tác của chi nhánh Siemens di động của tập đoàn với hai công ty đối tác.

Chi phí của thỏa thuận bao gồm 2,7 tỷ euro đã được thỏa thuận vào năm ngoái cho đoạn đường đầu tiên, có tên là “Kênh đào Suez trên đường ray”, sẽ chạy dài 660 km từ thành phố cảng Ain Sochhna của Biển Đỏ đến Marsa Matruh và Alexandria trên bờ biển Địa Trung Hải.

Đoạn đường thứ hai, dài tổng cộng 1.100 km, sẽ nối thủ đô Cairo với thành phố phía nam Abu Simbel, gần biên giới với Sudan, và đi qua các khu định cư dọc sông Nile.

Tuyến thứ ba sẽ chạy từ thành phố trung tâm Luxor đến thành phố ven biển Hurghada, dài khoảng 225 km, hỗ trợ việc vận chuyển hàng hóa từ Địa Trung Hải đến cảng trọng điểm Safaga.

Siemens cho biết dự án sẽ tạo ra khoảng 40.000 việc làm ở Ai Cập, cũng như thêm 6.700 việc làm trong các ngành công nghiệp kết nối.

Siemens tuyên bố rằng mạng lưới điện khí hóa hoàn toàn sẽ giảm sản lượng CO2 khoảng 70% so với các hành trình được thực hiện bằng xe buýt hoặc ô tô.

Trong lễ ký kết hợp đồng, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah el-Sisi gọi mạng lưới được quy hoạch là “sự khởi đầu của kỷ nguyên mới cho hệ thống đường sắt ở Ai Cập, Châu Phi và Trung Đông”.

2. GIÁ CỦA TRUNG QUỐC XÂY ĐỰNG CHO LÀO

Tuyến đường sắt điện khí hoá của Lào từ Vientiane đi Boten (giáp Vân Nam) dài 414km, chở khách tốc độ 150-200km/giờ, chở hàng 120km/giờ, do Trung Quốc xây dựng trong 5 năm (2016-2021), giá thành 6 tỷ USD. Như vậy giá trung bình là 14.492.753 USD/km.

3. GIÁ CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VIỆT NAM

Theo phương án của Bộ GTVT Việt Nam, thì tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM dài 1.545 km có dự toán kinh phí 58,7 tỷ USD. Bình quân 37,99 triệu USD/km.

Đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM theo dự án này của Bộ GTVT không chở được hàng, chỉ chở được khách với tốc độ trung bình ban đầu là 200km/h và sẽ tăng lên 320km/h. Thời gian dự kiến hoàn thành tuyến đường vào năm 2050.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với phương án chở khách tốc độ 200km/h và chở hàng 120km/h, tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội – TP.HCM có giá thành 26 tỷ USD. Bình quân 16,82 triệu USD/km. Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì các chuyên gia Đức và Hà Lan cho biết là giá thành còn giảm nữa nếu có sự tính toán hợp lý về tổng thể các yếu tố.

4. BẠN CHỌN GIÁ NÀO?

Tóm tắt lại:

a) 2.000 km đường sắt tốc độ 230km của Ai cập, chở khách và chở hàng, do Siemens của Đức xây dựng và bảo trì 15 năm. Giá thành trung bình: 4,35 triệu USD/km.

b) 414 km đường sắt tốc độ 150-200 km/h của Lào do Trung Quốc xây dựng vừa chở hàng, vừa chở khách, 6 tỷ USD. Giá thành trung bình: 14,492 triệu USD/km.

c) 1.545 km đường sắt HN – TP.HCM, tốc độ 200-320km/h, chỉ chở khách, phương án của Bộ GTVT, 58,7 tỷ USD. Giá thành trung bình: 37,99 triệu USD/km.

d) 1.545km đường sắt HN – TP.HCM, tốc độ 200 km/h, chở khách và chở hàng, phương án của Bộ KH-ĐT, 26 tỷ USD. Giá thành trung bình: 16,82 triệu USD/km.

Trong 4 giá trên, bạn chọn giá nào?

5. KHÔNG THỂ CỨ MÃI PHỤ THUỘC VÀO CẤP DƯỚI

Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách ngành Giao thông Vận tải, và Thủ tướng Chính Phủ nghĩ gì khi biết tin về Dự án của Siemens vừa ký với Ai Cập? Có ai giật mình không? Có ai trăn trở không?

Nếu quả thật dự án 8,1 tỷ Euro của Siemens cho 2.000km đường sắt của Ai Cập là chính xác như truyền thông đã đưa tin, thì 1.545km đường sắt Hà Nội – TP.HCM tốc độ 230km/h vừa chở khách vừa chở hàng chỉ có giá thành khoảng 6 tỷ 720 triệu USD!

Nếu địa hình Việt Nam khác biệt thì sự thay đổi cũng có thể tính được, dầu sao thì cũng có giá thành của Trung Quốc xây dựng cho Lào để mà tham chiếu.

Có lúc nào đích thân lãnh đạo tự mình đặt bút để tính toán? Có lúc nào đích thân lãnh đạo trực tiếp tìm đối tác để đàm phán? Vì câu chuyên liên quan đến hàng tỷ USD chứ không phải một hai triệu đồng.

Tiết kiệm ở xây đựng đường bộ và đường sắt cao tốc là những khoản tiết kiệm ở mức hàng chục tỷ USD. Nó xứng đáng giá để đích thân Bộ trường, Phó Thủ tướng và Thủ tướng cầm bút tính toán, đích thân tìm kiếm đối tác, đích thân đàm phán, chứ không phải phó mặc cho cấp dưới rồi chờ nghe cấp dưới báo cáo

Những ai đã từng đi tàu ở châu Âu không khỏi băn khoăn tại sao Việt Nam chưa có được một hệ thống đường sắt thông thường như các nước. Đường sắt Việt Nam hiện nay có được là nhờ người Pháp từ hơn 100 năm trước. Nhưng sau 100 năm, đường sắt Việt Nam không có thay đổi gì đáng kể, ngoại trừ phá đi tuyến đường sắt độc đáo leo núi bằng răng cưa từ Phan Rang đi Đà Lạt!

Với số tiền đã bỏ ra, nếu đầu tư đúng giá thành, thì Việt Nam đã có một hệ thống đường bộ và đường sắt hiện đại dài gấp nhiều lần chiều dài hiện có.

Ở mặt khác, tiết kiệm được hàng tỷ USD trong xây dựng đường sá thì tránh được phải đi vay, nhất là những khoản vay khó chịu như đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Về mặt kinh tế, thu lại tiền tham nhũng là tốt, nhưng đầu tư đúng giá còn quan trọng hơn. Bởi vì, khoản tiền truy thu từ tham nhũng chỉ là epxilon so với số tiền khổng lồ đã mất, đang mất và sẽ mất vì mua phải giá đắt.

Bởi vậy, từ ngàn xưa, bậc cái thế không tốn thời gian cho kiện cáo để thu lại khoản tiền nhỏ, mà dành tâm trí sinh lực để tìm kiếm mang về cái lợi lớn.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Đường sắt cao tốc, Đường sắt cao tốc Bắc Nam, tham nhũng. Bookmark the permalink.